Ngôn ngữ
Trường ĐHKHXH&NV đã khép lại năm 2021 với việc hoàn thành tốt phần lớn kế hoạch nhiệm vụ năm học với nhiều điểm sáng: làm tốt công tác phòng dịch Covid-19, hoàn thành kế hoạch đào tạo và tuyển sinh theo đúng tiến độ và chỉ tiêu đề ra, hoạt động khoa học vẫn duy trì tốt và có những khởi sắc… Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng kỳ vọng về sự đổi mới, bứt phá của Nhà trường trong năm học tới không vì thế mà giảm sút.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, trong năm 2022, bên cạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác thì công tác phòng dịch vẫn phải tiếp tục được quan tâm, sao cho vừa thực hiện đúng chủ trương của thành phố, của ĐHQGHN, vừa có cân nhắc thích ứng với hoàn cảnh riêng của Nhà trường. Với 500 cán bộ và hơn 8.000 học sinh, sinh viên, học viên các hệ thì công tác phòng dịch luôn cần kế hoạch cụ thể, nhưng cũng phải có sự ứng biến, linh hoạt, đặc biệt cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chức năng với các đơn vị đào tạo và cả với các cơ quan hữu quan bên ngoài. Nhà trường quyết tâm huy động tất cả các nguồn lực vật chất và tinh thần để đảm bảo mục tiêu an toàn phòng dịch. Đây là điều kiện tiên quyết để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm học.
Để đón sinh viên quay trở lại trường học trong tháng 2 này, công tác chuẩn bị không chỉ cần chu đáo và có lộ trình cụ thể mà việc thông tin đến người học cũng cần minh bạch, thông suốt. Các thầy cô cần kịp thời giải đáp thắc mắc cho sinh viên, học viên để các em yên tâm quay trở lại trường. Các lớp học trực tuyến vẫn phải triển khai theo đúng tiến độ; nền tảng công nghệ phục vụ học online vẫn phải được đảm bảo.
Trong tháng 2, Nhà trường cũng sẽ triển khai hội nghị giao ban chuyên đề để bàn về việc tổ chức hội nghị khoa học quốc tế dành cho các NCS và HVCH hàng năm. Hội nghị khoa học thường niên này được kỳ vọng sẽ mang đến chất lượng khoa học cao, là diễn đàn cho NCS trong và ngoài trường công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất và hướng tới xuất bản kỷ yếu khoa học quốc tế.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng đề cập đến những định hướng lớn mà Nhà trường sẽ theo đuổi trong thời gian tới nhằm phát huy sự sáng tạo và năng lực của đội ngũ; xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Nhà trường trong giai đoạn mới. “Mọi chính sách sẽ hướng tới tập trung đầu tư trực tiếp và ở mức cao vào con người, vào đội ngũ cán bộ. Nguồn lực đầu tư cho con người sẽ rất lớn nhưng cũng sẽ rất chặt chẽ về quy định”. Đó là việc ban hành một số văn bản chính thức liên quan đến hỗ trợ công bố quốc tế, nghiên cứu khoa học, quy chế cán bộ viên chức… Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ sẽ được định hướng phân bố và phát triển đồng đều ở tất cả các ngành/chuyên ngành đào tạo, tránh gây ra sự mất cân đối giữa các ngành khoa học cơ bản và các ngành ứng dụng.
Trong bối cảnh từng bước tự chủ đại học, tự chủ tài chính, các đơn vị trong trường sẽ phải thật sự năng động và cùng chung tay trong việc nâng cấp, đổi mới, mở rộng các CTĐT hấp dẫn người học; đổi mới phương pháp, cách thức giảng dạy đáp ứng nhu cầu xã hội; đẩy mạnh kiểm định chất lượng làm điều kiện nền tảng để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho các CTĐT theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP… Cuối cùng, để có những bước đi đột phá như trên thì rất cần một cơ chế quản lý, quản trị thông thoáng với các quy trình quản lý hành chính ở mọi lĩnh vực được chuẩn hoá. Tinh thần quản trị hiện đại của Nhà trường phải được đẩy mạnh ngay trong năm nay.
Kết luận tại hội nghị giao ban, GS.TS Hoàng Anh Tuấn kỳ vọng những đổi mới trên sẽ được triển khai thành công trên nền tảng là tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả tập thể; sự ổn định về tổ chức và các giá trị Nhân văn được lan toả thông qua mọi hoạt động của Nhà trường.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn