Tin tức

Nghề nghiệp: Ngành Văn học

Chủ nhật - 28/03/2010 06:27

NGƯỜI LÀM BÁO

Hãy thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống để “săn tin”. Một cảnh ngộ khó khăn cần được xã hội giúp đỡ, một gương mặt học sinh nghèo đỗ thủ khoa cần vinh danh, một hành động đánh đập trẻ em tàn nhẫn cần lên án… Tất cả đều có thể là những câu chuyện để bạn đưa lên mặt báo. Năng lực bạn cần có: Bạn trước tiên phải là người giàu lòng trắc ẩn, biết rung cảm trước những cảnh đời éo le, biết căm phẫn trước những bất công xã hội và khao khát góp công sức làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thay vì chỉ lên án và phê phán nó. Với tính chất nghề nghiệp là phải đưa các thông tin nhanh, mới, cập nhật nên sự năng động và nhạy bén là tố chất không thể thiếu đối với người làm báo. Nghề báo đôi khi còn đòi hỏi bạn phải có một tinh thần quả cảm và dám hi sinh. Và tất nhiên, một kĩ năng rất cần thiết là bạn phải có khả năng viết lách tốt, nếu nó chưa phải là năng lực bạn hiện có thì sẽ phải là mục tiêu để bạn phấn đấu nếu muốn lựa chọn nghề này. Bạn có thể xin việc ở đâu? Tất cả các cơ quan báo chí và truyền thông trên toàn quốc Nhu cầu xã hội: Một xã hội “khao khát” thông tin như hiện nay luôn cần sự góp sức của các phóng viên. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao chúng ta có thể trở thành những phóng viên có năng lực Hiện nay, các cựu sinh viên Tổng hợp Văn đang công tác ở hầu hết các cơ quan báo chí trên toàn quốc. Có nhiều người đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng như Vũ Quang Vinh (K18) TBT báo Thiếu niên Tiền phong; Dương Kì Anh (K13), nguyên TBT báo Tiền phong; Thuận Hữu (K21), Phó TBT báo Nhân dân; Tạ Việt Anh (K18), Phó TBT báo Hà Nội mới, Lưu Quang Định (K29), TBT báo Nông thôn ngày nay...

BIÊN KỊCH ĐIỆN ẢNH - TRUYỀN HÌNH

Xây dựng kịch bản cho phim điện ảnh, phim truyền hình (cốt truyện, các nhân vật, phân tập, phân đoạn…) Năng lực bạn cần có: Nếu bạn yêu thích điện ảnh, văn học, truyền hình, nếu bạn có trí tưởng tượng phong phú, những ý tưởng độc đáo và yêu thích sự sáng tạo, nếu bạn là người có khả năng quan sát tinh tế và khả năng sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, có lẽ bạn nên suy nghĩ đến công việc làm một nhà biên kịch điện ảnh hoặc truyền hình. Tất nhiên, để làm tốt công việc này bạn cần phải đọc nhiều các tác phẩm văn học của Việt Nam và thế giới, cần tích luỹ một vốn kiến thức, hiểu biết xã hội rộng lớn. Nếu có thể, hãy đừng bỏ qua những cơ hội để trải nghiệm và lăn xả vào cuộc sống. Hãy thường xuyên đặt câu hỏi cho chính mình, nếu bạn là khán giả bạn sẽ thích xem một bộ phim như thế nào? Bạn có thể xin việc ở đâu? Bộ phận biên kịch của các đài truyền hình, các hãng sản xuất phim của nhà nước và tư nhân, các công ty truyền thông, các công ty chuyên viết kịch bản… Nếu có năng lực, thậm chí bạn có thể là một nhà biên kịch tự do. Nhu cầu xã hội: Nhu cầu tìm kiếm các kịch bản hay đang là vấn đề nan giải của các nhà sản xuất phim trong nước, và đó chính là cơ hội cho các nhà biên kịch thử sức. Ngoài những gương mặt của thế hệ trước như nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ (K29), nhà thơ - nhà biên kịch Phan Huyền Thư (K34)… đang có một thế hệ các nhà biên kịch trẻ trưởng thành từ môi trường của Khoa Văn học như Hà Thuỷ Nguyên (K48) với phim Vòng nguyệt quế, Nhóm biên kịch trẻ Song Thuỷ Lưỡng Hà (K45-46) với phim Lập trình cho trái tim...

BIÊN TẬP VIÊN TẠI CÁC NHÀ XUẤT BẢN

Chỉnh sửa bản thảo các cuốn sách, tìm kiếm ý tưởng xây dựng các đầu sách phục vụ đời sống. Năng lực bạn cần có: Để có thể cho ra đời một cuốn sách được bạn đọc đón nhận, biên tập viên phải nắm bắt chính xác nhu cầu tìm hiểu tri thức của xã hội, cụ thể là phải biết độc giả đang cần loại sách gì. Bạn đặc biệt phải tích luỹ một vốn từ tiếng Việt phong phú, đặc biệt các thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực sách mà bạn phụ trách (văn học, khoa học, sách thiếu nhi). Ngoài ra, sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì được xem là tố chất hàng đầu của một biên tập viên bởi vì bạn phải biết rằng chính những trang bản thảo dày đặc chữ sẽ là người bạn đồng hành với bạn trong công việc này. Bạn có thể xin việc ở đâu? Mọi đơn vị xuất bản trên toàn quốc đều có thể là lựa chọn của bạn như: Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia….. Nhu cầu xã hội: Chừng nào xã hội còn cần sách, chừng đó luôn còn chỗ đứng cho nghề biên tập viên. Cựu sinh viên Tổng hợp Văn đang là lực lượng biên tập hùng hậu trong hệ thống các nhà xuất bản khắp cả nước. Một số người đang giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt: Nguyễn Văn Cừ (K18), Giám đốc Nhà xuất bản Văn học; Mai Quỳnh Giao (K19), Giám đốc NXB Phụ nữ…

CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC

  • Nếu bạn có thành tích học tập tốt hoặc xuất sắc, nếu bạn say mê nghiên cứu và mong muốn được chia sẻ hiểu biết của mình với nhiều người hơn, bạn hãy lựa chọn nghề làm giảng viên tại các trường Đại học.
  • Bạn có thể làm nghiên cứu viên tại các Viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Văn học, Viện nghiên cứu Văn hoá…
  • Học thêm một chứng chỉ sư phạm, bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành giáo viên tại các trường Trung học phổ thông trên toàn quốc, đặc biệt các trường học tại địa phương.
  • Cán bộ tại các cơ quan văn hoá thông tin cấp thành phố, tỉnh, huyện: Sở Văn hoá, Phòng Văn hoá…
  • Cán bộ hoạt động phong trào: Trung ương Đoàn thanh niên, Trung ương Hội sinh viên, các Tỉnh đoàn địa phương, Uỷ ban nhân dân các thành phố…

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây