Ngôn ngữ
1.1. Sứ mệnh
Là một trường đại học trọng điểm, đầu ngành, có uy tín và truyền thống lâu đời, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
1.2. Tầm nhìn đến 2020
1.2.1. Mục tiêu đến năm 2020
Xây dựng trường thành một đại học đứng đầu đất nước về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm với các đại học danh tiếng trong khu vực, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
1.2.1. Định hướng phát triển
Tập trung xây dựng và phát triển một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế trên cơ sở quốc tế hóa các chương trình đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động học thuật và mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học đẳng cấp cao ở khu vực và trên thế giới.
1.3. Mục tiêu trung hạn đến 2010
1.3.1. Mục tiêu chung
Đổi mới toàn diện các mặt hoạt động, nâng cao nhanh chất lượng đào tạo, phát triển mạnh về chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, xây dựng một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế.
1.3.2. Các mục tiêu cụ thể
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức trong nhà trường.
- Tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ; chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn, đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao, ngang tầm khu vực, tiếp cận trình độ quốc tế.
- Xây dựng một số ngành, chuyên ngành đạt trình độ quốc tế.
- Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
- Thực hiện cải cách hành chính trong nhà trường.
- Triển khai thi công xây dựng cơ sở mới của trường tại Hoà Lạc.
1.4. Quan điểm chỉ đạo
- Phát triển Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của đất nước và kế hoạch phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
- Phát huy mọi nguồn lực, dựa vào nội lực là chính, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực để tiếp tục nâng cao và mở rộng vị thế của trường ở trong nước và quốc tế.
- Phát triển toàn diện, vững chắc nhà trường trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời kết hợp lựa chọn một số ngành, chuyên ngành đầu tư xây dựng đạt trình độ khu vực và quốc tế.
1.5. Quy mô và cơ cấu đào tạo của Trường ĐHKHXH&NV
1.5.1. Quy mô đến năm 2010
+ Quy mô đào tạo đại học: 17 ngành /15 ngành hiện có (mở thêm ngành Nhân học và Chính trị học). Tổng số sinh viên (SV): 9.000, trong đó:
- Đại học hệ chính quy: 5.800.
- Đại học hệ không chính quy: 1.300.
+ Quy mô đào tạo sau đại học:
- 27 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ
- 29 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ
- Tổng số học viên cao học (HVCH) và nghiên cứu sinh (NCS): 1.900 (đạt 21 % tổng SV qui đổi)
1.5.2. Quy mô đến năm 2015
+ Quy mô đào tạo đại học: 19 ngành. Tổng số SV: 10.400, trong đó:
- Đại học hệ chính quy: 6.720
- Đại học hệ không chính quy: 1495
+ Quy mô đào tạo sau đại học:
- 29 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ
- 30 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ
- Tổng số HVCH và NCS: 2185 (đạt 21 % tổng SV qui đổi)
1.5.3. Quy mô đến năm 2020
+ Quy mô đào tạo đại học: 20 ngành. Tổng số sinh viên các hệ: 11.500, trong đó:
- Đại học hệ chính quy: 7.500 .
- Đại học hệ không chính quy: 1.470.
+ Quy mô đào tạo sau đại học:
- 30 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ
- 32 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ
- Tổng số HVCH và NCS: 2.530 (đạt 22 % tổng SV qui đổi)
Ghi chú: Các số liệu trên đây đều đã tính quy đổi: 1 NCS/HVCH = 1,2 SV hệ chính qui.
2.1. Bối cảnh, môi trường hoạt động quốc tế và trong nước
2.1.1. Thuận lợi và thời cơ
* Quốc tế
Toàn cầu hoá đang là một xu thế tất yếu trên thế giới. Những quan niệm cũ về giáo dục và giao lưu quốc tế đang thay đổi. Các hoạt động tìm hiểu lẫn nhau, trao đổi khoa học, tri thức đang diễn ra trên thế giới với tốc độ lớn. Ngành giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có Trường ĐHKHXH&NV đang đứng trước cơ hội tốt để hội nhập và phát triển.
* Trong nước
Việt Nam đã gia nhập WTO, có điều kiện tốt để hội nhập quốc tế. Nằm trong khu vực năng động của thế giới ngày nay, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (khoảng 7,5%/năm) và là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng trên thế giới.
* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Với tư cách một thành viên của ĐHQGHN, Trường được coi là trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam, đã và đang thu hút sự quan tâm hợp tác ngày càng cao của các cơ sở, tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Hiện tại, Trường đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 90 đối tác nước ngoài, gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức văn hoá, khoa học và các quỹ quốc tế. Các hoạt động và hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường đã được các đối tác ở trong nước và nước ngoài đánh giá cao.
2.1.2. Những khó khăn và thách thức
* Quốc tế
Sự hợp tác và cạnh tranh về giáo dục đại học, hợp tác quốc tế đưa đến cả thuận lợi lẫn khó khăn, đòi hỏi Nhà trường phải có rất nhiều cố gắng để phát triển nội lực. Trong khi đó hiện tượng chảy máu chất xám do thu nhập thấp và điều kiện làm việc chưa tốt đã và đang là một thách thức lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam nói chung, nhà trường nói riêng.
* Trong nước
Ngành giáo dục đại học Việt Nam đang ở trong thế cạnh tranh khó khăn, không đảm bảo được sự đối đẳng với nước ngoài, chủ yếu là do điều kiện kinh phí và cơ sở vật chất còn hạn hẹp, đội ngũ giảng viên có trình độ quốc tế chưa nhiều. Những thói quen cũ của thời bao cấp vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ phát triển và năng lực hội nhập quốc tế của nhà trường.
* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Ngoài những khó khăn chung của nền giáo dục đại học Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV cũng có những khó khăn và thách thức riêng.
Cơ sở vật chất, phòng ốc, năng lực tài chính của Trường dù đã được cải thiện nhiều nhưng chưa đủ tạo thế bình đẳng trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Trường đã ký kết nhiều văn bản hợp tác nhưng việc triển khai và hiệu quả thực hiện hợp tác vẫn chưa cao.
Chất lượng đầu vào của sinh viên không cao, sinh viên giỏi có nguyện vọng thi vào trường không nhiều, trong khi đó, mong muốn và nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế đang đặt ra rất gay gắt trong Trường và ĐHQGHN.
2.2. Hiện trạng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
2.2.1. Bộ máy tổ chức
2.2.2. Hệ thống đào tạo
* Bậc và loại hình đào tạo
- Bậc đào tạo hiện nay: Đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (hai bậc sau được gọi chung là đào tạo SĐH)
- Hình thức đào tạo: Hai hình thức (chính quy và không chính quy).
* Chương trình đào tạo
Ba loại chương trình tương ứng với ba bậc đào tạo:
- Các chương trình đào tạo đại học: 16.
- Các chương trình đào tạo thạc sĩ: 25.
- Các chương trình đào tạo tiến sĩ: 28.
* Quy mô đào tạo (năm học 2006 - 2007)
+ Quy mô đào tạo đại học: 16 ngành. Tổng số sinh viên (SV): 8.345, trong đó:
- Đại học hệ chính quy: 5.165.
- Đại học hệ không chính quy: 1.498.
+ Quy mô đào tạo sau đại học:
- 25 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ
- 28 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ
- Tổng số HVCH và NCS: 1.682 ( đạt 20 % tổng SV qui đổi)
(Ghi chú: Các số liệu trên đây đều đã quy đổi sang số sinh viên đại học hệ chính quy).
2.2.3. Hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học
Cơ cấu tổ chức hoạt động khoa học ở trường gồm:
+ Các trung tâm nghiên cứu trực thuộc trường.
+ Các khoa/bộ môn trực thuộc và trung tâm nghiên cứu thuộc khoa.
+ Các bộ môn/tổ chuyên môn thuộc khoa/bộ môn trực thuộc.
Trong xu hướng phát triển chung của ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV đang từng bước xây dựng, phát triển theo định hướng một đại học nghiên cứu, nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội đất nước, trước hết là gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học.
2.2.4. Nguồn lực (đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, các nguồn kinh phí)
o Đội ngũ cán bộ (tính đến tháng 7 năm 2007):
- Tổng số CBVC làm việc ở trường: 573 người, trong đó CBVC cơ hữu: 498 (365 CBGD, 5 GS, 48 PGS, 2 TSKH, 118 TS và 147 ThS; 73,15% có trình độ trên đại học); giảng viên: 444 (77,8% có trình độ trên đại học).
- Ngoài ra, nhà trường còn ký hợp đồng tạo nguồn giảng viên với 10 cử nhân.
* Cơ sở vật chất:
+ Cơ sở chính tại 336 Nguyễn Trãi: diện tích đất 14.094,65 m2, diện tích sử dụng 21.355m2.
+ Cơ sở 182 Lương Thế Vinh: Nhà C3, diện tích sử dụng 1.241,8 m2.
+ Cơ sở B7bis thuộc phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng: diện tích sử dụng 1.113,4m2.
+ Cơ sở mới (đang xây dựng) tại Hoà Lạc: 58,4 ha đất.
* Các nguồn kinh phí:
+ Nguồn ngân sách nhà nước.
+ Nguồn thu học phí, lệ phí, dịch vụ.
+ Nguồn viện trợ và hợp tác quốc tế.
3.1. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
3.1.1. Các chỉ tiêu chính
- Phấn đấu để đến sau năm 2010, Trường ĐHKHXH&NV có một số ngành/chuyên ngành đạt trình độ quốc tế (Ngôn ngữ học, Lịch sử, Văn học, Tâm lý học, Quản lý tổ chức, Quan hệ quốc tế…).
- Tăng quy mô đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế và đào tạo SĐH (đào tạo SĐH đạt ~ 25 % tổng số sinh viên quy đổi).
- Đến năm 2010 sẽ có ít nhất hai ngành/chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Đến 2020 có 60% số ngành/chuyên ngành đào tạo đạt trình độ khu vực và quốc tế.
3.1.2. Các giải pháp chủ yếu
- Đổi mới chương trình đào tạo và đẩy mạnh công tác biên soạn giáo trình theo hướng cập nhật và hội nhập khu vực và quốc tế; xây dựng một số chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế.
- Giữ ổn định quy mô đào tạo (giữ số lượng sinh viên và ngành đào tạo ở bậc đại học một cách hợp lý), phát triển quy mô và chất lượng đào tạo SĐH.
- Tích hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo, đặc biệt là đào tạo SĐH. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo.
- Chuẩn bị các điều kiện để đến năm học 2008 - 2009, chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, trước mắt là triển khai áp dụng các yếu tố tích cực trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo phương thức đào tạo này.
- Tăng cường xây dựng các cơ sở học liệu phục vụ đào tạo theo tín chỉ đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
- Phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo với tăng cường hoạt động định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho sinh viên.
3.2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ thực tiễn của hoạt động nghiên cứu khoa học
3.2.1. Các chỉ tiêu chính
- Hàng năm, 100 % cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của trường đều có công trình khoa học được công bố.
- Từ năm 2015 đến năm 2020, tỷ lệ công trình nghiên cứu được nước ngoài trích dẫn đạt mức trung bình so với các đại học trong khu vực Đông Nam Á. Sau năm 2020, đạt mức trung bình so với các đại học trong khu vực châu Á và thế giới.
3.2.2. Các giải pháp chủ yếu
- Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Định hướng nghiên cứu khoa học của Nhà trường giai đoạn 2001 - 2010, xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học của Trường đến năm 2020.
- Kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để tất cả giảng viên, cán bộ khoa học đều có thể chủ trì hoặc tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu. Hình thành các nhóm nghiên cứu (chuyên ngành và liên ngành), chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện những đề tài, dự án khoa học có tầm cỡ và quy mô lớn.
- Cải tiến phương thức giới thiệu, tuyển chọn đề tài nghiên cứu và phân bổ kinh phí nghiên cứu cho các đề tài, dự án.
- Xây dựng một số dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, hợp tác với một số cơ sở, ngành, địa phương làm địa bàn nghiên cứu thực hành, thực tập cho sinh viên.
- Có cơ chế, chính sách thu hút học viên sau đại học, nhất là nghiên cứu sinh tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu của các cán bộ hướng dẫn.
3.3. Phát triển đội ngũ cán bộ
3.3.1. Các chỉ tiêu chính (đến năm 2010)
- Tổng số CBVC: 600 người, trong đó có 480 giảng viên và cán bộ nghiên cứu; 85 % giảng viên có trình độ trên đại học, trong đó 60% có học vị TS, TSKH; 20% có chức danh GS, PGS; 100% giảng viên áp dụng phưong pháp dạy - học tiên tiến và có thể sử dụng tin học, ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn, trong đó 15% có thể giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ; trên 80% giảng viên tham gia hoặc chủ trì các đề tài, dự án nghiên cứu.
- Nâng dần tỷ lệ giảng dạy/nghiên cứu khoa học/dịch vụ từ 7/2/1 hiện nay lên 5/3/2 vào sau năm 2015.
3.3.2. Các giải pháp chủ yếu
- Dựa trên “Quy định về công tác đào tạo bồi dưỡng và quản lý cán bộ, viên chức trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn” (ban hành theo quyết định số 539 QĐ/XHNV-TC ngày 13.2.2007) xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng, đào tạo đạt chuẩn đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, với quy mô hợp lý và cơ cấu đồng bộ về chuyên môn (lĩnh vực, chuyên ngành), trình độ (chức danh khoa học, học vị), độ tuổi và giới tính, có tính kế thừa và phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng tạo nguồn cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn.
- Tạo cơ hội và các điều kiện thuận lợi để CBVC tham gia đều đặn các hoạt động chuyên môn ở trong và ngoài nước. Thực hiện chế độ định kỳ nghỉ giảng dạy để các giảng viên có thời gian trau dồi, học tập, NCKH, trao đổi học thuật và nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ.
- Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, cán bộ trẻ tài năng đến làm việc tại trường.
- Định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động của cán bộ viên chức, gắn liền với công tác đề bạt, khen thưởng.
3.4. Hoàn thiện cơ cấu ngành nghề
3.4.1. Các chỉ tiêu chính đến năm 2010
- Thành lập Khoa Khoa học chính trị và 3 bộ môn trực thuộc trường: Công tác xã hội, Nhân học và Hán Nôm.
- Xây dựng chương trình và đưa vào đào tạo một số chuyên ngành mới như: Nghệ thuật học (hoặc Lý luận và phê bình Sân khấu - Điện ảnh) ….
- Chuẩn bị kế hoạch để từ năm 2010 đến 2015:
* Xây dựng một số trung tâm nghiên cứu phối hợp và hỗ trợ đào tạo, như Trung tâm nghiên cứu Hoa kỳ học, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng, Học viện Khổng Tử (nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Hán).
* Xây dựng chương trình và đưa vào đào tạo chuyên ngành như Hành chính học, các bộ môn thuộc lĩnh vực văn hoá và tôn giáo.
3.4.2. Các giải pháp chủ yếu
- Chuẩn bị điều kiện về nhân sự và cơ sở vật chất.
- Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo và cơ cấu ngành nghề đào tạo; tiếp tục hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo những ngành có tính nghiệp vụ như Báo chí, Du lịch học, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Thông tin - Thư viện, Tiếng Việt, Công tác xã hội…, những ngành khoa học cơ bản như Văn học, Triết học, Ngôn ngữ, Lịch sử… và những ngành mũi nhọn, ngành có nhu cầu cao của xã hội…
3.5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị và công tác sinh viên
3.5.1. Các chỉ tiêu chính
- Đến năm 2010, kết nạp 160 đảng viên, trong đó ít nhất 2/3 là sinh viên.
- Thành lập bộ phận tư vấn và hỗ trợ việc làm cho sinh viên.
- Không có sinh viên mắc các tệ nạn xã hội.
3.5.2. Các giải pháp chủ yếu
- Làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, viên chức và sinh viên toàn trường, coi công tác chính trị tư tưởng là nhiệm vụ của mọi người, mọi đơn vị.
- Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, nề nếp, đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm nhanh chóng đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo trong Nhà trường.
- Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường hoạt động giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân thông qua các phong trào thi đua, các bài giảng chuyên môn, các hoạt động ngoại khoá, thể thao, giải trí lành mạnh.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên, thành lập mạng lưới cựu sinh viên của trường... để hỗ trợ sinh viên học tập, tìm kiếm việc làm và xây dựng nhà trường.
3.6. Mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế
3.6.1. Các chỉ tiêu chính
- Thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các đại học của Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản; chú trọng xây dựng quan hệ hợp tác với các đại học đẳng cấp quốc tế.
- Xây dựng thêm các dự án hỗ trợ đào tạo, liên kết đào tạo, các chương trình hỗ trợ trao đổi cán bộ, sinh viên với các đại học của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đức…
- Mỗi năm triển khai từ 2 đến 4 dự án hợp tác nghiên cứu hoặc hội thảo quốc tế.
3.6.2. Các giải pháp chủ yếu
- Có cơ chế điều hành hoạt động một cách hiệu quả, nhằm phát huy tính chủ động và mọi tiềm năng về hợp tác quốc tế của các giảng viên, giáo sư và cán bộ viên chức trong trường.
- Tích cực tìm nguồn học bổng cho cán bộ, sinh viên đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
- Chủ động tìm kiếm các đối tác phù hợp, ưu tiên việc tìm kiếm, tạo dựng quan hệ hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các quỹ lớn, có uy tín.
- Duy trì tốt các chương trình liên kết đào tạo và trao đổi giáo viên, sinh viên hiện có.
- Phát triển các chương trình liên kết đào tạo mới với những quy mô, hình thức khác nhau. Đổi mới cách thức và tăng cường quảng bá thương hiệu của trường ra bên ngoài.
3.7. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí; hiện đại hoá cơ sở vật chất
3.7.1. Các chỉ tiêu chính
- Tăng tỷ trọng nguồn thu bổ sung từ học phí, lệ phí, hợp tác quốc tế đạt 50% so với tổng kinh phí hoạt động thường xuyên vào sau năm 2015.
- Cơ sở vật chất được hiện đại hoá ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á (cơ sở học liệu, trang thiết bị phòng học, phòng làm việc phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học ở một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế).
- Đến năm 2012 hoàn thành 70% kế hoạch xây dựng cơ sở mới của trường tại Hoà Lạc.
3.7.2. Các giải pháp
- Có cơ chế và quy định cụ thể để tạo nguồn thu từ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ, tài trợ quốc tế (liên kết đào tạo trong và ngoài nước, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, tài trợ, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân nước ngoài…)
- Xây dựng các qui định quản lý và sử dụng tốt các nguồn kinh phí được giao tự chủ.
- Tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo đúng tiến độ xây dựng cơ sở mới của trường tại Hòa Lạc.
- Đầu tư kinh phí thích đáng cho việc biên soạn và in ấn các giáo trình, bài giảng, hiện đại hóa trang thiết bị giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn hóa mọi mặt hoạt động của nhà trường.
4.1. Hiệu quả của việc thực hiện kế hoạch
- Việc thực hiện kế hoạch phát triển Trường ĐHKHXH&NV đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 sẽ tác động tới tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường, góp phần quốc tế hóa nhanh chóng chương trình và chất lượng đào tạo của nhà trường.
- Những giải pháp trong kế hoạch này mang tính thống nhất, đồng bộ nhằm đưa nhà trường phát triển theo hướng một đại học nghiên cứu, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng chuyên môn so với các đại học khác trong khu vực và trên thế giới.
4.2. Tác động của việc thực hiện kế hoạch
- Tăng cường vị thế của Trường ĐHKHXH&NV, đảm bảo và giữ vững vị trí đứng đầu đất nước về chất lượng đào tạo và nghiên cứu các khoa học xã hội và nhân văn, mở rộng uy tín và phạm vi ảnh hưởng của nhà trường trong khu vực và quốc tế.
- Tăng cường sự liên thông, gắn kết giữa các đơn vị trong trường, tạo điều kiện tốt nhất để các đơn vị phát triển, đặc biệt là trong giao lưu, hợp tác quốc tế, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức.
- Hàng năm, dựa trên kế hoạch này, nhà trường tổ chức xây dựng các kế hoạch công tác cụ thể.
- Căn cứ trên kế hoạch của trường, các đơn vị xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn (hàng năm) của mình và tổ chức thực hiện.
- Nhà trường và các đơn vị chủ động tăng cường và tìm kiếm các đối tác mới trong hợp tác, liên kết nhằm phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ, viên chức.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch. Hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; đến năm 2010, tổ chức đánh giá việc thực hiện kế hoạch giai đoạn I và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
***
Bản kế hoạch này đã được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của Hội đồng Khoa học - Đào tạo, thủ trưởng các đơn vị, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, viên chức trong trường và sẽ được xem xét, điều chỉnh lại sau 5 năm thực hiện.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn