22h15’ ngày 18/03/2010, ngay khi 2 MC nói lời chào tạm biệt, dưới khán đài, phần lớn các bạn sinh viên tham dự dạ hội “Histoire d’amour” nhanh chóng đi về phía cửa ra. Nhưng có lẽ ít ai trong số họ biết, đằng sau sân khấu, nơi cánh gà phía trong có những con người còn nán lại rất lâu sau đó, để có thể trao nhau những cái ôm thật chặt mừng cho buổi dạ hội đã thành công hơn mong đợi. Họ - chính là những người đã tổ chức nên buổi dạ hội này.
Hoạt động thường niên không có nghĩa là thuận lợi 100%
“Histoire d’amour” chỉ đơn giản là một cái tên cho buổi dạ hội Pháp ngữ năm nay. Trước năm 2010, có rất nhiều những buổi dạ hội như thế đã diễn ra nhằm kỉ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ 20/3, và quan trọng hơn, đó còn nhằm tạo ra một không gian giao lưu cho các bạn sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên của các trường có sử dụng tiếng Pháp.
Xuất phát từ ý tưởng đó, mỗi năm một lần, khối Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ (thuộc khoa Tâm lí học – trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) lại đứng ra tổ chức hoạt động này. Rất nhiều năm qua đi đồng nghĩa với việc rất nhiều chương trình đã được xây dựng. Sinh viên các trường có sử dụng tiếng Pháp trên địa bàn Hà Nội đã dần quen với hoạt động này, coi đó là một điều không thể thiếu mỗi năm. Thế nhưng, chỉ những người trong ban tổ chức mới hiểu: “Để có thể làm nên một hoạt động quy mô như thế không bao giờ là chuyện đơn giản”.
Mỗi lớp thuộc khối Tâm lí học lâm sàng Pháp ngữ chỉ bao gồm 10 – 15 sinh viên. Chừng ấy con người chạy đôn đáo trong vòng hơn 2 tháng, vừa lo chuyện học thi, vừa lo chuyện tổ chức. Tất cả các khâu như làm sân khấu, thuê hội trường, nghĩ ý tưởng, viết kịch bản cho đến việc liên hệ với các trường khác, duyệt tiết mục và chạy thử chương trình đều do chừng ấy con người lo liệu. Lê Mai Liên – Phó ban Tổ chức cho biết: “Nhiều khi bọn mình mệt và nản lắm, nhưng vẫn phải động viên nhau cố lên, 4 năm đại học chỉ được một lần làm chương trình như thế này thôi. Cũng may là bọn mình nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô cũng như các bạn trường khác”.
Thiếu người, thiếu kinh nghiệm đã đành, vấn đề kinh phí luôn là điều khó khăn nhất đối với những người tổ chức. Hầu hết các hoạt động lớn của các trường như Duyên dáng Ngoại Thương hay Miss Ngân hàng đều có một sự ủng hộ rất lớn từ các doanh nghiệp bên ngoài. Tuy nhiên, với “Histoire d’amour” – vốn chỉ là chương trình trong khối xã hội, lại khu biệt cho đối tượng sinh viên các trường sử dụng tiếng Pháp, vậy nên tìm nhà tài trợ là điều cực kì khó. Để có thể trang trải được các chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức, các bạn khoa Tâm Lí đa phần dựa vào sự tài trợ của nhà trường, của Khoa Tâm lí và từ AUF. Thế nhưng những khoản tài trợ này cũng rất hạn hẹp.
100% thành công = tình yêu + lòng nhiệt tình
Khi được hỏi “Động lực nào khiến cho bạn có thể vừa hoàn thành tốt các môn thi, vừa tham gia nhiều khâu trong chương trình đến thế?”, hầu hết các bạn sinh viên trong Ban tổ chức chỉ cười và nói: “Được nhìn thấy mọi người vui vẻ, hài lòng với những gì tụi mình thể hiện, vậy là đủ để cố gắng rồi”.
Có nhìn thấy cả quá trình chuẩn bị cho chương trình, tham dự những cuộc họp phác thảo kế hoạch và phân chia công việc mới thấy hết lòng nhiệt tình của những thành viên ban tổ chức. Thậm chí, những lúc quá gấp, các bạn họp ngay trong giờ ăn trưa, vừa ăn vừa bàn bạc, quyết định xong là ôm cặp chạy vội lên giảng đường cho kịp tiết thứ nhất đầu giờ chiều. Nếu không có một trái tim đầy tình yêu và nhiệt huyết, liệu có mấy ai gắng được đến như thế? Tình yêu đó không chỉ đơn giản là niềm yêu thích tiếng Pháp, đất nước và văn hoá Pháp, mà nó còn chứa đựng cả một tinh thần trách nhiệm và tình đoàn kết lớn.
“Histoire d’amour” đã kết thúc, những mệt mỏi và khó khăn đã lùi lại phía sau, nhưng người viết bài này tin chắc rằng, câu chuyện về tình yêu và lòng nhiệt tình của những con người tham gia tổ chức dạ hội này còn sẽ được viết tiếp. Chúc cho các bạn luôn giữ được tấm lòng ấy, để những chương trình sau này sẽ còn đạt 100% thành công như hôm nay.