Nữ sinh Phùng Thị Quỳnh Trang đang là sinh viên năm 3 ngành Quan hệ công chúng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 11 tuổi, thay vì được sống trong vòng tay ấm áp của bố mẹ thì Trang phải đi học cách xa nhà khoảng 30km tại trường nội trú huyện Văn Yên. Do việc di chuyển không thuận tiện nên cứ 2 tháng Trang mới được về thăm bố mẹ một lần. Tại ngôi trường này, Trang đã được các thầy cô nuôi dưỡng, dìu dắt, quan tâm, dạy dỗ tận tình, Trang coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Nhờ có sự yêu thương và dẫn dắt của thầy cô chủ nhiệm, bạn bè và đặc biệt là ThS. Nguyễn Thị Hưởng - cô giáo ôn thi đội tuyển Văn, Phùng Thị Quỳnh Trang đã có cơ hội được học tập, trải nghiệm và rèn luyện rất nhiều. Nhờ vậy mà từ một cô bé miền núi lớp 6 gầy gò xanh xao, Trang đã phát triển và gặt hái được nhiều thành tích nổi bật.
Những ngày đầu mới xuống huyện, Trang bỡ ngỡ và lo lắng với tất cả mọi thứ xung quanh. Vốn là cô gái có cuộc sống gắn liền với cây quế, con trâu, nay phải xuống nơi phố thị đông đúc, không có sự chăm lo của bố mẹ. Những tuần đầu, Trang nhớ nhà, nhớ bố mẹ rất nhiều. “Có buổi trưa đi học về là mình trốn trong nhà tắm của kí túc xá khóc, nhìn thấy bố mẹ của các bạn xuống thăm mình cũng nức nở trái tim như bị bóp thắt lại. Rồi khi nghe được giọng mẹ qua chiếc điện thoại mình mượn được của phụ huynh thì không kìm được nữa, mình gào khóc muốn gặp mẹ”, Trang ngậm ngùi nhớ lại.
Nữ sinh dân tộc thiểu số Phùng Thị Quỳnh Trang chụp ảnh cùng ông Hầu A Lềnh – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Dẫu biết khó khăn là vậy nhưng Trang đã vượt qua tất cả trở ngại để mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Sự tự lập đã giúp Trang nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, nề nếp rèn luyện để bắt đầu hành trình tiến tới những mục tiêu sáng ngời. “4 năm học Nội Trú huyện Văn Yên là khoảng thời gian vàng bạc đối với mình. Cô bé dân tộc nhút nhát mà mình đã trở thành người dám thử và chinh chiến hết tất cả các cuộc thi. Năm lớp 7 mình may mắn được thầy cô giáo tin tưởng giao cho trọng trách làm Liên đội trưởng, đại diện và là người đi đầu tiên phong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các bạn toàn trường”, Trang chia sẻ.
Vừa tham gia các chương trình văn nghệ của huyện của tỉnh, tham gia nghiên cứu khoa học cấp huyện, Trang cũng vừa là học sinh xuất sắc trong đội tuyển HSG của trường môn Ngữ Văn. Đến năm lớp 9, cùng với sở thích học văn và năng khiếu viết lách của mình, Quỳnh Trang đã đạt giải Nhì môn Ngữ Văn cấp tỉnh. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn trau dồi học hỏi và không quản ngại khó khăn.
Đến một tỉnh khác để học tập
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực từ năm cấp 2 Trang đã có nhiều thành tích nổi bật, được chọn là một trong số 4 bạn của huyện đủ chỉ tiêu để tuyển thẳng vào trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc (Thành phố Thái Nguyên) - nơi cách xa gia đình 250 km. Tại ngôi trường mới,Trang ít về thăm bố mẹ hơn, chỉ về với gia đình vào dịp Tết và nghỉ hè. Do việc đi lại không thuận tiện nên, bố mẹ Trang cũng khó thu xếp để lại thăm Trang. Bởi vậy, Trang luôn tự nhủ bản thân mình phải cố gắng tự lập, tự ý thức về cuộc sống và học tập của mình.
Mới đầu, Trang còn cảm thấy rất buồn bã và cô đơn ở nơi mình chưa hề quen biết ai. “Đã có lúc mình sợ mình bị bỏ lại, mình sợ mình không theo kịp được các bạn khác”, Trang chia sẻ. Nhưng thực sự hoàn cảnh đã tôi luyện được Trang trở thành một người vô cùng ý chí và kiên cường. Vượt lên tất cả thiếu thốn về vật chất, tinh thần, Trang vẫn cố gắng chăm chỉ học tập dưới sự chỉ dẫn kèm cặp của thầy cô và bạn bè. “Nhìn thấy tất cả các bạn đều cũng là từ rất nhiều tỉnh lị xa xôi khác đến, các bạn làm được, thì lý do gì mình lại không làm được”, Trang kiên định.
Phùng Thị Quỳnh Trang tham gia kì quân sự tại Hola- Nơi tình yêu bắt đầu.
Tại mái ấm vùng cao, Trang tập trung hoàn toàn thời gian của mình vào việc học. Được cô Lương Thị Kim Dung lựa chọn vào đội tuyển, Trang càng nhận thấy mình còn cần phải cố gắng rất nhiều mới có thể gặt hái được những thành tích tốt. Nhờ vậy, 3 năm cấp 3, Trang là một tấm gương học sinh tiêu biểu trong học tập với các thành tích đáng nể phục như: Là 1 trong 142 bạn sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được Ủy ban dân tộc và Bộ giáo dục khen thưởng năm 2022; Là thủ khoa khối C00 của trường PT Vùng Cao Việt Bắc; Đạt 30,5 điểm (cả điểm ưu tiên) và đỗ ngành Quan hệ công chúng của Viện báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm xét tuyển lên đến 29,95 điểm; Lớp 12 đạt giải Nhất cấp tỉnh môn Ngữ văn, Tham gia vào đội tuyển HSG Quốc gia; 2 giải Nhì HSG Văn cấp tỉnh năm lớp 11 và vượt cấp 12, giải Ba HSG văn cấp tỉnh năm lớp 10;...
Cánh cửa Đại học mở ra với nhiều trải nghiệm mới
Lên Đại học, Trang lựa chọn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội để tiếp tục hành trình chinh phục con chữ. Với Trang, “đây là ngôi trường mong ước của mình từ rất lâu, học phí rẻ hơn so với các trường Đại học khác để mình có thể đỡ đần kinh tế của bố mẹ, nhưng chất lượng giáo dục đào tạo thì không hề thua kém bất cứ đâu”. Cánh cổng Đại học mở ra cũng đồng thời mở ra cho Quỳnh Trang nhiều cơ hội nắm bắt để phát triển.
Quỳnh Trang chụp cùng các bạn.
Cô gái dân tộc thiểu số nghị lực ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Hà Nội đã phải “chạy vạy” làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và trang trải chi phí học tập. “Các bạn của mình nói rằng mới xuống thì nên chú tâm vào học tập, chưa nên đi làm, nhưng vì cần tiền để sống, mình vẫn làm đủ mọi công việc từ nhân viên quán cafe, nhân viên bán quần áo, bỉm sữa, nhân viên trồng cây, livestream Tiktok và chủ yếu là đi dạy gia sư để kiếm tiền. Có những hôm 12h đêm mình mới đặt chân đến cửa nhà và mới bắt đầu ăn uống tắm rửa”, Trang bùi ngùi chia sẻ.
Vất vả là thế, nhưng với Trang, mỗi một công việc từng làm đều là những trải nghiệm đáng có mà Trang mong muốn được thử. Mỗi việc đều giúp Quỳnh Trang gặp được những người đáng kính và học hỏi từ họ một điều gì quý báu. Sau những giờ làm mệt nhoài, Trang lại vui vẻ vì “Mình không còn phải xin tiền bố mẹ nữa, mình đã tự lo được cho mình rồi”.
Cô gái dân tộc thiểu số Phùng Thị Quỳnh Trang mặc dù phải cân bằng thời gian phù hợp cho việc học và làm, nhưng điều đặc biệt là Trang chưa bao giờ để công việc xao nhãng việc học hành của mình. Nhờ quản lý thời gian tốt, Trang vẫn luôn phấn đấu đạt thành tích tốt, GPA tổng của Trang luôn đạt Giỏi, và kỳ gần nhất GPA của Trang đạt loại Xuất sắc. Hơn hết Trang còn tích cực tham gia các hoạt động của lớp của trường một cách năng nổ.
Phùng Thị Quỳnh Trang tham gia cuộc thi tài sắc Nhân văn tại trường.
Sống trong căn phòng trọ chật hẹp, nóng bức chỉ vẻn vẹn 20m2, Trang vẫn dành riêng một chỗ rất “trung tâm” để đặt chiếc bàn học đã cũ cùng nhiều chồng sách. Với Trang, học vẫn là điều tuyệt vời nhất mà cô đã chọn lựa.
Là sinh viên năm 3 theo đuổi ngành truyền thông báo chí, Trang rất đam mê viết báo và có ước mơ trở thành BTV/MC của Đài truyền hình. Đó là một ước mơ lớn và rõ ràng, đòi hỏi Trang phải thật sự nỗ lực và không ngừng dấn thân tìm kiếm cơ hội. “Ngày cấp 2 cấp 3 mình thích viết văn và lên Đại học sở thích ấy dần chuyển thành viết báo. Thật sự biết rất biết ơn và trân trọng những anh chị tiền bối trong ngành đã giúp đỡ để mình có cơ hội được trải nghiệm viết lách. Mình tin rằng chỉ cần bản thân không cúi đầu trước thất bại, vạn sự trên đời này ắt sẽ lại đơm hoa”, Trang chia sẻ.
Nữ sinh dân tộc thiểu số tâm niệm rằng: “Mình còn trẻ, nên hãy cứ sống hết mình thôi, sau này nhìn lại ta sẽ mỉm cười vì đã không sống hoài sống phí”. Hằng ngày, Trang vẫn luôn tìm kiếm cho mình những cơ hội để phát triển, những môi trường để thử sức. Cô gái kiên cường vẫn luôn giữ cho mình sự nhiệt huyết và kiên trì để tương lai được tươi sáng hơn những gì cuộc đời đã sắp đặt.