Trưng bày ảnh và tọa đàm khoa học Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê

Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn
Đã xem: 57
Thích: 0
Không thích: 0
Những bức ảnh quý trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, những câu chuyện, những kỷ niệm về một nhà khoa học lỗi lạc, một nhà giáo mẫu mực đã được các đồng nghiệp, các thế hệ học trò nhắc nhớ và tri ân trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN hôm nay ngày 23/02/2024.
Những bức ảnh quý trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, những câu chuyện, những kỷ niệm về một nhà khoa học lỗi lạc, một nhà giáo mẫu mực đã được các đồng nghiệp, các thế hệ học trò nhắc nhớ và tri ân trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN hôm nay ngày 23/02/2024.
Sự kiện do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu Châu Á đồng tổ chức.
Tại triển lãm ảnh, những lát cắt trong cuộc đời của Giáo sư Phan Huy Lê trong hoạt động khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế, những bức ảnh thân thuộc cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tái hiện một chân dung Giáo sư Phan Huy Lê với cả cuộc đời cống hiến cho khoa học lịch sử Việt Nam.
Cuốn sách có tựa đề: “Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam” đã được trân trọng ra mắt, gồm 27 bài viết của thầy từ năm 1982 đến năm 2018.  Đây là tâm huyết của gia đình và các thế hệ nhà khoa học là học trò của thầy Phan Huy Lê, nhằm tri ân và tôn vinh những di sản của Giáo sư.
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm này, Trường ĐH KHXH&NV đã phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học, quy tụ các nhà khoa học, sử học, các cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hiệp hội được Giáo sư Phan Huy Lê sáng lập, phát triển. Các báo cáo tham luận đã nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh một Nhân cách, một Sự nghiệp Phan Huy Lê trong dòng chảy Sử học và Khoa học Việt Nam đương đại và tương lai.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê là một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại, một nhà khoa học, một nhà giáo tài danh. Giáo sư là một trong “Tứ trụ” của trường phái Sử học Tổng hợp nói riêng, của nền Sử học Việt Nam đương đại nói chung, người kế cận xuất sắc thế hệ khai sáng của nên Sử học Cách mạng Việt Nam.
Với cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2016 và Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ Trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp, nay là Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, trong vòng 3 thập kỷ, Giáo sư đã có những đóng góp và cống hiến to lớn cho sự phát triển giáo dục và nền sử học nước nhà. Giáo sư cũng là người đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN hiện nay), đồng thời khởi xướng thành lập khoa Đông phương học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, mở đường cho các ngành học mới là Đông Phương học, Nhật Bản học, Đông Nam Á học,… tại Việt Nam.
Giáo sư Phan Huy Lê cũng là người dẫn dắt giới sử học, dẫn dắt giới khoa học xã hội nhân văn giao kết, đối thoại với giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài, trở thành một trong những nhịp cầu quan trọng kết nối Sử học và các ngành khoa học xã hội Việt Nam với thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước.
Tên ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Thuỳ Dung, Đại Hữu - USSH Media
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây