1. Chính trị tư tưởng
Xác định chính trị tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng đối với việc tạo dựng lập trường, nhân cách và trách nhiệm nghề nghiệp của những nhà quản lý tương lai, Khoa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các hoạt động này. Khoa triển khai nghiêm túc, tham gia đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động chính trị tư tưởng do Nhà trường phát động như: Tuần sinh hoạt công dân sinh viên, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Đối thoại giữa lãnh đạo Nhà trường với sinh viên nhằm thực hiện dân chủ cơ sở; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn: ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày Quốc khánh, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày giải phóng miền Nam, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam...
Khoa chủ động tổ chức và phối hợp với các đoàn thể trong Khoa tổ chức các hoạt động với hình thức phong phú nhằm giáo dục ý thức chính trị và tình yêu quê hương đất nước như: giao lưu sinh viên với các cựu chiến binh; nói chuyện chính trị về chủ quyền Việt Nam...
2. Công tác sinh viên
Là bộ phận trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan tới quyền lợi của sinh viên về học bổng và kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, công tác sinh viên của Khoa luôn được chú trọng thực hiện:
- Giới thiệu kịp thời, triển khai chính xác các thông tin về học bổng ngoài ngân sách.
- Hỗ trợ tối đa và có hiệu quả cho sinh viên trong việc hoàn thành các yêu cầu về hồ sơ học bổng, hồ sơ tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế.
- Thực hiện đầy đủ các khảo sát về tình hình việc làm của cựu sinh viên, từ đó góp phần đánh giá và điều chỉnh khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của chương trình đào tạo.
- Phối hợp tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa nhằm kết nối với các đối tác về việc làm cho sinh viên như Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam…
3. Kỹ năng cứng
Quản lý nguồn nhân lực (lập kế hoạch nhân lực, tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản lý lương thưởng,phúc lợi, phát triển tổ chức ...); Quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới (nghiên cứu hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới - STI, phân tích, đánh giá chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới, tư duy sáng tạo trong khởi nghiệp...); Quản lý sở hữu trí tuệ (bảo hộ, thực thi và thương mại hóa quyền đối với tài sản trí tuệ của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp: quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...); Văn hóa và đạo đức quản lý (xây dựng chiến lược, nội dung và các bộ tiêu chuẩn về văn hóa và đạo đức quản lý...); Quản lý cấp cơ sở và chính sách xã hội (kỹ năng quản lý cấp cơ sở về kinh tế, hoạch định, phân tích, đánh giá: chính sách văn hoá, chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách giáo dục, chính sách trợ giúp xã hội)
4. Kỹ năng mềm
Lập kế hoạch, ra quyết định, đàm phán, giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý dự án, xâydựng và định vị thương hiệu cá nhân... Bồi dưỡng thái độ làm việc và đạo đức nghề nghiệp, luôn có tinh thần trách nhiệm, tự chủ, ý thức, kỷ luật lao động, phương pháp làm việc khoa học, năng lực tư duy sáng tạo...
5. Công việc sau khi tốt nghiệp
Làm việc trong nghề Tổ chức - Nhân sự trong các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau; Tổ chức - Cán bộ trong các cơ quan Đảng, Đoàn thể và cơ quan Chính phủ từ cấp Trung ương đến địa phương; các đơn vị sự nghiệp.
Làm các công việc liên quan đến quản lý, phát triển KH&CN tại các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương,...
Làm công tác quản lý tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp thuộc các loại hình tổ chức kinh tế khác nhau, văn phòng đại diện sở hữu trí tuệ, công ty luật, cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ...
Làm việc tại các cơ quan/tổ chức có liên quan đến hoạch định, phân tích, đánh giá, thực thi chính sách trong các lĩnh vực khác nhau.
Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu có liên quan đến quản lý tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học.
Tiếp tục học tập, nghiên cứu sau đại học các chuyên ngành có liên quan đến khoa học quản lý; bổ túc kiến thức để tiếp tục học tập, nghiên cứu sau đại học các chuyên ngành kinh tế, thương mại, pháp luật…