Ngôn ngữ
Kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) luôn chú trọng hợp tác quốc tế.Nhận thức rõ hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển của Nhà trường. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Tiếp tục thực hiện và mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác là các trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới để phát triển các chương trình liên kết quốc tế chất lượng cao và các dự án, đề tài hợp tác khoa học, thiết thực phục vụ đào tạo và phát triển Nhà trường”. Hợp tác quốc tế là một công việc quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển Trường.
Về thành tựu:
- Đã ký hơn 400 hiệp định hợp tác (MOU) với trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ và các tổ chức quốc tế trên thế giới. Nhiều đối tác là các trường đại học có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới như: Đại học Deakin (Úc), Đại học Nottingham (Anh), Đại học Cologne, Đại học Humboldt (CHLB Đức), Đại học Cork (CH Ai Len), Đại học Zurich (Thụy Sỹ), Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Moscow (CHLB Nga), Đại học Qúebec (Canada), Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), Đại học Rykkyo, Đại học Senshu, Đại học Tokyo (Nhật Bản)…
- Đã và đang triển khai các chương trình đào tạo quốc tế theo phương thức (2+2) và (3+1) với các đối tác như ĐH Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), Đại học Toulouse Le Mirai (Cộng hòa Pháp), Đại học Bansomdejchaopray Rajabhat (Thái Lan), Đại học Stirling (Vương quốc Anh), Đại học NAPLES L’ORIENTALE (Italia). Mỗi năm có hơn 300 sinh viên quốc tế theo học các chương trình này tại Trường.
- Đã và đang tổ chức thực nhiều chương trình, dự án quốc tế để nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên; một số dự án tiêu biểu như “ENHANCE”, “TOURIST”, “Hợp tác nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển quốc tế”, “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” do Quỹ One Asia Foundation tài trợ, “Xúc tiến học liệu giáo dục mở cho giáo dục đại học ở Việt Nam”, “Khóa học về Tôn giáo và Pháp quyền”, VIETNAMICA...Đồng thời, trong 5 năm qua Trường đã mời hơn 170 chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu.
- Đã tìm kiếm nhiều học bổng (tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân) đi du học nước ngoài cho cán bộ, giảng viên và sinh viên; tìm kiếm nhiều học bổng trong nước và quốc tế cho những sinh viên tài năng và có hoàn cảnh khó khăn (trong giai đoạn 2015-2019 có hơn 500 lượt cán bộ đi học tập, giảng dạy, trao đổi hợp tác và học tập, giao lưu tại các trường đại học tiên tiến ở các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v..).
Về định hướng:
- Tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống; xây dựng thêm mối quan hệ với các đối tác mới theo hướng lựa chọn đối tác hợp tác có hiệu quả và những đối tác xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới.
- Tiếp tục thu hút các nguồn tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu, hội thảo quốc tế và công bố quốc tế; Tích cực tìm kiếm học bổng cho sinh viên và cán bộ, giảng viên đi học tập và nghiên cứu tại nước ngoài.
- Triển khai hiệu quả nội dung các văn bản hợp tác quốc tế đã ký kết; chủ động tìm kiếm và mở rộng quan hệ với các đối tác trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp và các địa phương; phát triển các chương trình giao lưu ngắn hạn để thu hút sinh viên quốc tế; tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để góp phần vào việc quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín của Trường ở trong và ngoài nước thông qua các kênh website, mạng xã hội.