Đặng Thị Hạnh - Một cuộc đời đam mê với sách vở

Thứ năm - 25/05/2023 11:18
Tháng 9 năm 1976, khi tôi chính thức nhận quyết định về công tác tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đặng Thị Hạnh vừa 46 tuổi. Đây là cái tuổi chín nhất trong cuộc đời một nhà khoa học, đồng thời cũng chín với người phụ nữ trong gia đình.
PGS.NGUT Đặng Thị Hạnh cùng cha mẹ là GS Đặng Thai Mai và các chị em trong gia đình. Từ trái sang: Đặng Thị Hạnh, Đặng Bích Hà, Đặng Thai Hoàng, Đặng Xuyến Như, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào. Ảnh chụp tại Hà Nội năm 1962.
Tôi từng nghe ở đâu đó người ta nói rằng, tâm hồn, tính cách, trí tuệ của một con người định hình ngay từ khi còn rất nhỏ và hoàn thiện suốt những năm sau đó. Đặng Thị Hạnh không phải là ngoại lệ. Trong hồi ức Cô bé nhìn mưa viết vào quãng tuổi 75 (in năm 2008), khi nhắc lại những năm tuổi thơ, bà hình dung mình qua hình ảnh “một cô bé chừng hai, ba tuổi đang ngồi trên một cái đòn nhỏ” nhin ra sân ngắm mưa, “các hạt mưa rơi xuống ngày càng nhanh và đuổi nhau chạy vùn vụt”; và lớn hơn chút nữa, cũng vẫn là một cô bé thơ thẩn quanh ngạch cửa, hít thở “cái dễ chịu đăng đắng, ngọt ngọt của các vị thuốc đựng trong các ô kéo” ở nhà ông ngoại; thời gian sau này khi đến tuổi đi học, rồi trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu, dịch giả, cả ở bậc trung học lẫn đại học, hình ảnh cô bé nhìn mưa ngày nào vẫn trở đi trở lại, xung quanh những cuốn sách, trang vở, cây bút. Sách vở đã trở thành người bạn tri âm, tri kỉ với Đặng Thị Hạnh từ rất lâu, lâu đến nỗi đã định hình luôn một phẩm cách trong con người bà. Hình ảnh đẹp nhất của bà, cho đến tận bây giờ vẫn chỉ là các bức ảnh chụp bà ngồi trước, sau và xung quanh những cuốn sách, bên bàn làm việc, hoặc trong thư viện. Cái thói quen ấy lâu dần cũng biến thành tính cách. Đặng Thị Hạnh là người yêu thích những “vận động tĩnh”, thích đọc nhiều hơn viết, thích không gian trong nhà hơn bên ngoài, thích sống nội tâm hơn là những cuộc dã ngoại. Tôi nhớ, hồi còn sinh hoạt cùng bộ môn ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp, mỗi lần thuyết phục được bà đến chỗ đông người, ngay cả một nơi như Đài truyền hình, cũng khó vô cùng. Hồi bộ môn làm Hội thảo khoa học "100 năm mất Victor Hugo" (1985), nhà văn Pháp bà vô cùng yêu thích, tôi đã phải khó khăn thế nào để “kéo” được bà rời khỏi bàn đọc sách, tại căn nhà riêng khu Liễu Giai nhà bà, sang trường quay Đài truyền hình phố Nguyễn Chí Thanh cách đó chỉ chừng vài ba trăm mét. Phải thuyết phục nhiều lần bà mới đồng ý. Những dịp như thế bà thường có lý do để giải thích “Mình lên hình xấu lắm, không ăn hình, đừng bắt mình xuất hiện trên sóng”. Ngay cả khi tuổi gần 50, đã gần 30 năm trong nghề dạy học, tưởng dạy dỗ với bà không còn là vấn đề. Vậy mà, một lần, khoảng năm 1978, được phân sang Hưng Yên dạy một lớp Tại chức, bà Đặng Thị Hạnh đã khéo léo thuyết phục tôi: “H này, có lớp dạy tại chức dưới Hưng Yên, em đi dạy thay cô nhá. Ở đó người ta trả tiền đấy”. Biết rõ lúc đó, tôi đang “ham” lên lớp để cải thiện khả năng giảng dạy (đồng thời cũng muốn kiếm thêm tí thu nhập), bà vẫn lo lắng “trổ tài” thuyết phục, vì sợ tôi không nhận lời.
Đặng Thị Hạnh là người ngại “chuyển động”, chỉ thích bạn bè với sách vở, thích có thời gian đọc sách. Trong Cô bé nhìn mưa bà kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần sách vở đã trở thành người bạn thân thiết của bà như thế nào. Những cuốn sách xung quanh ngạch cửa, vương vãi khắp nhà, mà cha bà, GS Đặng Thị Mai nói, các con tôi chỉ cần nhặt những cuốn sách ấy cũng đủ lấp đầy tri thức nghề nghiệp. Rồi bà kể những ngày đọc sách ở thư viện phố Uml, trường Đại học Sư phạm Paris, nước Pháp. Là chuyên gia số một về Hugo (đã viết vài ba cuốn sách về nhà văn này), nhưng vào thời kì chuẩn bị tư liệu cho cuốn chuyên luận Tiểu thuyết Victor Hugo, sách vở về nhà văn lãng mạn này chất đầy trên giá sách, trên bàn làm việc của bà, cả trên ghế ngồi, bàn ăn, đến mức cha bà GS Đặng Thai Mai một lần đến chơi đã phải thốt lên: “Này con, thế văn học Pháp bây giờ chỉ có mỗi mình Victor Hugo thôi à”. Biết cha hỏi khéo để nhắc nhở mình cần “mở rộng phạm vi hoạt động”, không nên chỉ chăm chú với duy nhất một vài tác giả, nhà nghiên cứu văn học Pháp hiểu ra phần nào. Nhưng Đặng Thị Hạnh vốn là người rất khó thay đổi. Hơn nữa, vào thời điểm ấy, bà đang rốt ráo quyết tâm hoàn thành công trình nghiên cứu “ngốn” quá nhiều thời gian của mình, nên cứ mặc kệ.
Quả thật, ở Việt Nam ta lúc ấy, Hugo là nhà văn nổi tiếng nhất, bên cạnh nhà hiện thực Onoré de Balzac. Trong khi giới nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam lại chưa có công trình nào đúng tầm cỡ về cả hai ông. Vì không có điều kiện đọc nhiều Balzac, bà muốn tập trung vào Hugo. Trước đó, vào khoảng những năm 70, Đặng Thị Hạnh đã kịp công bố một cuốn sách về Hugo dưới dạng danh nhân. Cuốn thứ hai về cùng tác giả, mới thực sự là chuyên luận sâu và hệ thống nhất về mảng sáng tác văn xuôi của tác giả. Chỉ sau khi hoàn thành cuốn sách về Hugo, Đặng Thị Hạnh mới chuyển hướng mở rộng sang các nhà văn khác. Trong bộ Lịch sử văn học Pháp (5 tập) của bộ môn Văn học phương Tây hợp tác với Đại học Paris 7, một loại sách giáo khoa dành cho sinh viên, bà lần lượt viết về các tác giả: Alphonse de Lamarrtin, Alfred de Vigny, Alfred de Musset, Gẻrard de Nerval, George Sand (tập 2, thế kỉ XIX), André Breton và chủ nghĩa siêu thực, Marcel Proust, và chương Tổng luận thế kỉ XX. Bà đồng thời cũng là Tổng chủ biên cuốn thế kỉ XX.
Hướng nghiên cứu của Đặng Thị Hạnh kể từ đó, mỗi ngày một mở rộng. Trong một tập sách có tên Một vài gương mặt văn xuôi Pháp thế kỉ XX (NXB Đà Năng, 1978), những cái tên mới mẻ trong văn học Pháp thế kỉ XX lại xuất hiện trong danh mục nghiên cứu của bà: “Proust nhìn từ cuối thế kỉ”, “Người tình của Margueritte Duras, chuyện cũ viết lại” (viết về tiểu thuyết Người tình Hoa Bắc”, “Kí ức tuổi thơ trong một số tác phẩm được giải 1995” (về nhà văn Andrei Markin), “Văn học trinh thám phương Tây, cận văn học và văn học “đích thực”, “Viết một thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình” (về một số nhà văn châu Phi Francophe), “Tự thuật và tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX” (về Duras và Sartre), “Vận may của tiểu thuyết” (dẫn từ phần “Tổng luận thế kỉ XX” trong Lịch sử văn học Pháp). Gần đây, bà còn công bố các tham luận trong Hội thảo khoa học Kafka, dịch Michel Tournier, Macel Proust… Rõ ràng, Đặng Thị Hạnh là nhà khoa học miệt mài, chăm chỉ, bất chấp mọi thời gian và tuổi tác. Nên nhớ, về mặt hành chính, PGS Đặng Thị Hạnh đã chính thức nghỉ hưu từ 1990, mặc dù khi ấy, nhà trường đề nghị kéo dài thời gian làm việc cho bà. Nhưng Đặng Thị Hạnh vẫn xin thôi. Bà quan niệm không hẳn chỉ thời gian ở nhiệm sở người ta mới có thể làm việc. Thêm nữa, người bạn gái, đồng nghiệp thân thiết nhất của bà trong suốt nhiều năm, NGND Lê Hồng Sâm, lúc đó cũng đã nghỉ. Nghỉ, không có nghĩa là ngưng công việc. Tình yêu nước Pháp và văn chương Pháp trong bà khi nào cũng tràn trề.
Từ đó đến nay đã hơn 33 năm, nghĩa là gần một phần ba thế kỉ, người phụ nữ “kiên cường” với ngoại hình “gầy gò, khắc khổ” ấy vẫn bền bỉ làm việc, không ngừng “canh tác” trên “cánh đồng chữ nghĩa” của mình, không vì bất cứ sự “vụ lợi” nào. Mặc dù bà làm rất chậm chạp. Tất cả chỉ vì tình yêu sách vở, một thứ “tình yêu” cẩn trọng, chính xác, công bằng và trung thực. Đặng Thị Hạnh không giống với một số nhà nghiên cứu khác cùng thời, bà không “tham lam”, “ôm đồm”. Vì lẽ đó, với vốn hiểu biết uyên thâm, uyên bác của mình, Đặng Thị Hạnh không để lại nhiều công trình, trước tác. Bà chỉ viết những gì mình thật sự yêu thích và am hiểu. Trong phát ngôn khoa học, Đặng Thị Hạnh luôn biết tiết chế khả năng hiểu biết của mình. Ngay cả khi hướng dẫn, phát biểu phản biện các luận án, luận văn của học, bà chỉ nói những gì trong phạm vi chuyên môn, nói thật và nói thẳng, không quanh co, né tránh…
Trong cuộc sống, Đặng Thị Hạnh giản dị, thân tình, ấm áp bao nhiêu, thì trong khoa học, bà lại chặt chẽ, thẳng thắn và nghiêm khắc bấy nhiêu. Tôi nhớ, có lần bà kể, đã nhất quyết từ chối lời mời của Bộ Giáo dục Đào tạo, nhận xét phản biện cho một luận án tiến sĩ về nhà văn Anh Hemingway, với lí do rất giản dị “đó không phải là mảng chuyên môn tôi am hiểu”. Đặng Thị Hạnh có lẽ là người hiểu hơn ai hết, ông Trời không phú cho ai tất cả mọi hiểu biết và quyền năng. Vì vậy, mỗi người trong cuộc đời này cần phải biết tự tiết chế, điều chỉnh. Khả năng của con người là có hạn. Chỉ trừ những bộ óc khổng lồ như Anhxtanh, Newton, Hugo hay Balzac …, mới có thể trải đều sức lực của mình trong suốt cả cuộc đời. Còn thì, số đông khác, chỉ có thể thực thi được một số lượng công việc hữu hạn. Với đức tính khiêm nhường “biết người biết ta” của mình, Đặng Thị Hạnh đã “dũng cảm” gạt bỏ mọi ham muốn không cần thiết khác. Bà chỉ có một thứ tình yêu duy nhất với khoa học văn chương, sách vở, nước Pháp. Thói quen ấy cũng thể hiện ngay cả trong mối quan tâm với con cháu của bà. Trong những lần đến chơi trò chuyện tại nhà, tôi thường nghe bà kể về một người con trai làm việc ở xa, mà bà yêu. Bà nói: “Nó rất đam mê những bài viết của mình trên tạp chí khoa học, có những suy nghĩ rất lạ, không giống với bất cứ ai. Nhưng nó say mê lắm em ạ. Trong khi thu nhập hàng tháng thì rất thấp”. Bà kể về người con trai của mình thường với giọng rất tự hào. Không có bất cứ sự phàn nàn, chê trách nào.
Ảnh chụp các anh chị em cùng các cháu của PGS.NGUT Đặng Thị Hạnh tại Hà Nội, ngày 25/8/2007 nhân dịp sinh nhật lần thứ 96 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngồi giữa, hàng đầu).
Gần đây, trong một vài lần đến thăm bà tại tư gia, tôi thường nghe tâm sự rằng: “Ước mơ của cô là trước khi nhắm mắt, được nhìn thấy một lần Cô bé nhìn mưa xuất hiện lại”. Lúc đầu tôi ngạc nhiên lắm. Trong cả bao nhiêu công trình nghiên cứu, dịch thuật, của bà, tuy không nhiều, sao bà lại chỉ thích một cuốn hồi ức? Nghĩ lại thì thấy sự lựa chọn của bà là có lý. Vậy là người “miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa” ấy chỉ ước mơ được nhìn thấy lại một lần câu chuyện của chính mình, do mình kể lại. Tôi hiểu ước nguyện chân thành của bà. Bởi lẽ, Cô bé nhìn mưa không chỉ là bức tranh cuộc đời của riêng một cá nhân nào, mà là cuộc đời của rất nhiều: người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đất nước. Trước Cô bé nhìn mưa, Đặng Thị Hạnh đã từng viết Bà và cháu. Không phải bất cứ người bà nào trong cuộc đời này, viết về những đứa cháu của mình bằng tất cả tình cảm thương mến đến như thế. Trong cuốn hồi ức đặc biệt này,  dù là tự truyện đúng nghĩa, nhưng rất ít những “ưu ái, thiên vị” về cá nhân, những người thân, kể cả những người “anh hùng” quanh bà. Trong cuốn sách, Đặng Thị Hạnh gọi họ là “những người lính của tôi” một cách bình dị, kín đáo. Rất khác với những quy ước đặc trưng của thể loại tự truyện. Nhà văn Nguyên Ngọc gọi đó là “một thứ lịch sử không ồn ào”. Là phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình, sứ mệnh quan trọng nhất của Đặng Thị Hạnh chỉ là tạo sự cân bằng trong cuộc sống, để những người thân của bà được phát triển và có ích nhất…

Năm 2013, nước Pháp đã không quên phong tặng PGS.NGƯT Đặng Thị Hạnh Huân chương Cành cọ hàn lâm, tấm huân chương chỉ để dành tặng những người có công lao to lớn trong việc truyền bá văn hóa Pháp trong công chúng bạn đọc rộng rãi. PGS. NGƯT Đặng Thị Hạnh xứng đáng được như vậy. Từ lúc sinh ra, cho đến khi “linh hồn bay về trời”, con người bà vẫn luôn là như vậy: không “màu mè”, “ham mê” đến tận cùng sách vở và nền văn chương Pháp. Chẳng thể nào để nói hết về bà chỉ trong những dòng chữ ngắn ngủi này. Nhưng tôi tin, ở nơi chân trời xa tít tắp, bà vẫn đọc được và mỉm cười. Vì cả một đời bà yêu sách vở.

Tác giả: TS. Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây