Tri ân, tôn vinh những đóng góp của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu
Tọa đàm khoa học “100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu” thu hút sự tham dự của các nhà khoa học, đông đảo đồng nghiệp, các thế hệ học trò, giảng viên và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN cùng đại diện gia đình của giáo sư. Những xúc cảm chứa chan tưởng nhớ về giáo sư đã mang đến cho tọa đàm một không khí thật ấm cúng, chân tình.
Trân trọng những đóng góp to lớn và những di sản quý báu của Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, tọa đàm nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những đóng góp của Giáo sư cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường nói riêng và của Việt Nam nói chung.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Điểm lại một số dấu ấn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu, PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhấn mạnh, GS.NGUT Đỗ Đức Hiểu đã hiện diện trong những khoảnh khắc quan trọng của ngành nghiên cứu văn học, là nhà khoa học đã có tác động đến toàn bộ giới nghiên cứu văn học Việt Nam, nhà nghiên cứu có vị trí đặc biệt trong đời sống nghiên cứu văn học Việt Nam sau năm 1954.
PGS.TS Phạm Xuân Thạch Thạch - Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
Người đặt đá tảng đầu tiên cho nhiều công trình quan trọng của nghiên cứu văn học, dịch thuật tại Việt Nam
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu thuộc thế hệ thứ hai đóng góp công sức xây dựng ngành Ngữ Văn, sau thế hệ các học giả Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị... tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.
GS. Đỗ Đức Hiểu là một trong những nhà nghiên cứu văn học được giới chuyên môn đánh giá cao, để lại hàng ngàn trang viết, gồm giáo trình, nghiên cứu, dịch thuật, đặt những tiền đề hiện đại hóa phê bình văn học thời kỳ Đổi mới. Ông là người đứng đầu chủ biên bộ
Từ điển văn học (hai tập) năm 1984, trong đó là tác giả của 67 mục; ông là chủ biên cùng với các đồng nghiệp của 10 tập
Giáo trình Lịch sử văn học Pháp từ thời cổ đại đến nay; ông là dịch giả nhiều tác phẩm của các tác giả tiêu biểu trong văn học Pháp như
Tartuffe, Anh ghét đời, Lão hà tiện của Molière (thế kỉ XVII),
Paul và Virginie của Bernardin de Saint-Pierre (thế kỷ XVIII), kịch
Marion Delorme và tiểu thuyết
Những nguời khốn khổ (dịch chung) của V.Hugo (thế kỷ XIX)...; trong bộ
Tuyển tác phẩm văn học Pháp song ngữ, ông chủ biên và dịch phần lớn tập II (thế kỉ XVII).
Khoảng từ năm 1992 đến năm 2002, GS. Đỗ Đức Hiểu dành tâm huyết viết ba công trình về đổi mới cách đọc và bình văn:
Đổi mới phê bình văn học (1993), Đổi mới đọc và bình văn (1999), Thi pháp hiện đại (2000). Là một chuyên gia hàng đầu về văn học phương Tây, GS. Đỗ Đức Hiểu còn là tác giả của không ít những trang viết tinh tế, sâu sắc về văn học Việt Nam với cách tiếp cận thi pháp mới mẻ: về
thơ Hồ Xuân Hương, về Truyện Kiều, về thơ Nguyễn Nhược Pháp, Lưu Trọng Lư, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thế Lữ,…
GVC Trần Hinh - Nguyên Trưởng Bộ môn Văn học Phương Tây, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV
Trong tham luận đề dẫn tại tọa đàm, GVC Trần Hinh - Nguyên Trưởng Bộ môn Văn học Phương Tây, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV chia sẻ:
“Thật rất khó có thể xếp ông chỉ riêng vào một lĩnh vực chật hẹp nào đó. Chẳng hạn, nếu cho rằng ông là một chuyên gia có hạng về văn học phương Tây. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, bên cạnh những trang viết sắc sảo về mảng văn học này, ta còn bắt gặp không ít những trang viết tinh tế, sâu sắc của ông về văn học Việt Nam; thậm chí nhiều người cho rằng, ông phải là một chuyên gia về văn học Việt Nam mới đúng.
Đành là như vậy, đã có thời kỳ, từ 1955 đến 1958, ông tham gia viết sách giáo khoa tại Ban Tu thư, Bộ giáo dục đào tạo, đồng thời cũng là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn, những nhà Tây học và Việt Nam học cự phách một thời, gồm Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn..., dịch Những người khốn khổ của nhà lãng mạn Pháp thế kỷ XIX trong một thứ tiếng Việt thấm đẫm tinh thần Hugo, mà cũng rất Việt Nam. Còn nữa, đọc những trang viết của Đỗ Đức Hiểu, có lúc, người ta nhận ra trong đó kiến thức của một bậc hàn lâm, bởi lẽ, từ cách đặt vấn đề, lý giải vấn đề đến dẫn giải tư liệu, phân tích văn bản, ông không khác gì một giáo sư Pháp học thực sự; lại có khi, ông viết những trang văn réo rắt, trong trẻo như một “cậu học trò” phổ thông. Quả thật, rất khó “định giá” phẩm chất nào ưu thế hơn phẩm chất nào?”
Tại tọa đàm, rất nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời, sự nghiệp và con người của GS. NGUT Đỗ Đức Hiểu đã được các thế hệ đồng nghiệp, học trò, các nhà nghiên cứu sẻ chia một cách đầy trân quý, như: “
Nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu và công trình tập thể “Từ điển văn học”
(1983-1984; 2004)" của Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân;
“Thầy Đỗ Đức Hiểu và thi pháp kịch” của PGS.TS Lê Nguyên Cẩn;
"Giáo sư Đỗ Đức Hiểu và quá trình tìm tòi đổi mới phương pháp nghiên cứu thi pháp học ở Việt Nam” của nhà giáo Trần Hinh; “
Nhớ Đỗ Đức Hiểu - dịch giả” của NGND Lê Hồng Sâm;
“Thầy tôi - Giáo sư Đỗ Đức Hiểu một cách thế đối diện thế giới phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa trong bối cảnh những năm 1970” của PGS.TS Phạm Xuân Thạch... Dự kiến, hơn 30 tham luận của tọa đàm sẽ được xuất bản thành cuốn sách viết về giáo sư Đỗ Đức Hiểu trong thời gian sớm nhất.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhắc đến vai trò của GS Đỗ Đức Hiểu đối với công trình Từ điển văn học (2 tập: 1983 - 1984) và Từ điển văn học, bộ mới (2024)
PGS.TS Lê Nguyên Cẩn trình bày tham luận “Thầy Đỗ Đức Hiểu và thi pháp kịch”
GS.TS.NGND Đinh Văn Đức - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi tại tọa đàm
PGS.TS Phạm Thành Hưng (Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV) trong tham luận với chủ đề “
Giáo sư Đỗ Đức Hiểu như một nhà phê bình mới” lý giải, tiêu đề của tham luận được đặt them hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất: GS. Đỗ Đức Hiểu được ngưỡng mộ như một nhà Phê bình Mới, nghĩa thứ hai: Giáo sư được tôn vinh và tri ân như một trong số rất ít những nhà phê bình tiên phong, “làm mới” đời sống sáng tác - nghiên cứu - phê bình văn học Việt Nam. Phó giáo sư Phạm Thành Hưng nhấn mạnh: “
Đi tiên phong trong đội ngũ những người đổi mới văn học, đổi mới tư duy phê bình và sáng tác nghệ thuật, Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã góp phần hồi hương cho văn học trở về đúng quê nhà của nó, về đúng vị trí chức năng của nó. Phê bình thi pháp không phải chỉ là một xu hướng phê bình mà là phê bình nghệ thuật thực sự, chính danh phê bình”.
PGS.TS Phạm Thành Hưng gợi nhớ nhiều kỷ niệm đáng nhớ về người thầy Đỗ Đức Hiểu
Nhớ về Giáo sư Đỗ Đức Hiểu - người thầy nhẹ nhàng, khiêm tốn với sức làm việc phi thường
Nhắc nhớ lại những năm tháng giảng dạy và nghiên cứu khoa học đầy trách nhiệm, đam mê của người cha thân yêu, bác Võ Minh Khuê - con trai của GS. NGUT Đỗ Đức Hiểu cho biết, trong suốt thời gian đó, giáo sư được bổ nhiệm nhiều chức vụ tại các đơn vị khác nhau, nhưng thầy luôn luôn hướng về khoa Văn học và đã gắn bó đến cuối đời với khoa Văn học - ĐH Tổng hợp, nay là khoa Văn học – Trường ĐH KHXH&NV.
Bác Võ Minh Khuê - con trai của GS. NGUT Đỗ Đức Hiểu bày tỏ sự trân quý trước những tình cảm của Trường ĐH KHXH&NV, của các thế hệ thầy và trò nhà trường đã dành tới người cha của mình.
PGS.TS Nguyễn Trường Lịch nhắc nhớ về người thầy Đỗ Đức Hiểu trong ngày khai giảng khóa đầu tiên của sinh viên trường ĐH Tổng hợp năm 1956, thầy Hiểu phụ trách Bộ môn Văn học Pháp. “
Nếu ai gặp thầy Hiểu lần đầu thì cứ nghi là thầy khó trao đổi, chuyện trò. Nhưng thầy Hiểu là người tuy ít nói, nhưng lại rất nhẹ nhàng, khiêm tốn và rất uyên thâm, say sưa trong giảng dạy.
Điều đáng quý ở thầy Hiểu là hết sức điềm đạm, bình tĩnh và không cần thiết phải nhiều lời. Tôi có cảm tưởng như thầy Hiểu là người được sinh ra để nghiên cứu khoa học, trưởng thành trong thư viện, chứ không phải ở hội trường rộng lớn! Đáng tiếc là sức khỏe của Thầy không được tốt, và hoàn cảnh làm việc cũng khó khăn” - PGS.TS Nguyễn Trường Lịch chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Trường Lịch nhắc nhớ về người thầy Đỗ Đức Hiểu với nhiều kỷ niệm sâu sắc
Nhớ về thầy Đỗ Đức Hiểu, thầy Trần Hinh viết:
“Gần như tất cả các thế hệ đồng nghiệp và học trò của ông đều dễ dàng hình dung ra một Đỗ Đức Hiểu thế này: gầy gò, xanh xao, đôi khi có cảm giác “thiếu sức sống”, ngồi gần nói chuyện với ai thì chỉ “thẽ thọt”, nhẹ nhàng, nhưng khi giảng bài thì giọng ông âm vang như sóng biển ngày lộng gió (ngồi ở phía cuối lớp vẫn có thể nghe được hết từng âm thanh rành rọt của ông).
Sức làm việc của giáo sư Đỗ Đức Hiểu thì thật sự phi thường. Thật khó ai có thể hình dung nổi, một người bị cắt tới hai phần ba dạ dày ngay từ tuổi thanh niên, hình hài chẳng khác nào một cây sậy, vậy mà vẫn đạp xe đều đặn hàng ngày, dù mưa hay nắng, vẫn không hề sai giờ, từ 26 phố Hàng Bài vào ký túc xá Mễ Trì, nơi đóng đô của hai khoa Văn, Sử những năm 70, khi còn là Phó chủ nhiệm khoa Ngữ Văn; đêm về, lại “còng lưng” xuống những trang sách (do mắt kém, phải đeo kính cận trên 5 điôp), để cho ra đời hàng ngàn trang viết âm vang sáng tạo cho nhiều thế hệ học trò. Những năm cuối đời do bệnh tật, giữa những cơn đau, tôi biết, giáo sư Đỗ Đức Hiểu vẫn đọc, làm việc, mặc dù, dường như đã đến lúc sức khoẻ không cho phép ông còn đủ minh mẫn để viết ra những ý tưởng sáng tạo như những vỉa trầm tích có sẵn trong đầu mình”.
PGS.TS Mai Quỳnh Nam - một người học trò chia sẻ những kỷ niệm của người thầy đáng kính và trao tặng bức vẽ chân dung GS. NGUT Đỗ Đức Hiểu do họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng
Còn trong tưởng nhớ của người học trò, Lê Ngọc Tân, GS. Đỗ Đức Hiểu là người thầy nghiêm khắc và vô cùng vị tha như một người cha. “
Thầy như con tằm rút ruột nhả tơ cho các thế hệ học trò” - TS. Lê Ngọc Tân xúc động sẻ chia.
TS. Lê Ngọc Tân (Trường ĐH Văn hóa) không cầm được những giọt nước mắt khi nhớ về người thầy Đỗ Đức Hiểu
Nhiều thế hệ đồng nghiệp, học trò cùng gia đình của Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã tới tham dự tọa đàm và tưởng nhớ về người đồng nghiệp, người thầy, người cha đáng kính