Trong kí ức của học trò sẽ còn mãi hình ảnh một người Thầy với vầng trán cao, mái tóc bạc bồng bềnh rất nghệ sĩ, đôi mắt sáng, nụ cười hóm hỉnh, giọng nói trầm ấm đẫm chất Quảng và một phong cách "không bao giờ chịu già"
GS.TS.NGND. Hoàng Trọng Phiến sinh ngày 2/1/1932 (hồ sơ viên chức của Thầy ghi sinh năm 1934) trong một gia tộc nhỏ tại làng Khuê Bắc (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Sinh ra tại một vùng quê ngoại ô nghèo, cuộc sống của người dân dựa chính vào nghề chài lưới và làm ruộng, nhưng vốn thông minh lại ham học, ngay từ nhỏ cậu bé Phiến đã được các bậc cha chú ưu ái cho tham gia cùng viết văn tế trong những dịp hội làng. Tình yêu với ngôn ngữ dân tộc cứ ngấm ngầm lớn lên trong ông.
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, cậu học trò Hoàng Trọng Phiến rời gia đình lên chiến khu Trung Man (huyện Hòa Vang) vừa học tập, vừa tham gia công tác kháng chiến. Trường cấp III Lê Khiết, nơi Thầy học tập là ngôi trường danh tiếng một thời, từ nơi đây đã đóng góp cho đất nước rất nhiều những nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn như các giáo sư: Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Phạm Duy Hiển, Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc…
Sau ngày hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), cũng như nhiều bạn bè cùng khóa, chàng thanh niên Hoàng Trọng Phiến tập kết ra Bắc và đi hoàn thiện nốt chương trình học bậc phổ thông ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Về nước năm 1956, thầy trở thành lứa sinh viên khóa đầu (K1) của Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Thời sinh viên, Thầy vừa học tập rất giỏi vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể: trở thành Bí thư Liên chi đoàn rồi Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tốt nghiệp Cử nhân Văn chương năm 1959, thầy Hoàng Trọng Phiến được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy Ngôn ngữ học, một chuyên ngành khoa học xã hội còn khá mới mẻ. Tình yêu đối với các tác phẩm văn học là cơ sở tự nhiên để thầy yên tâm đi theo một “con đường mới”, dễ dàng “chấp nhận” một “đối tượng mới” và sau đó không lâu thì đã dành trọn tình yêu cho đối tượng này.
Thầy Hoàng Trọng Phiến thuộc thế hệ những nhà khoa học đầu tiên được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống về ngôn ngữ học. Năm 1964, thầy sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Matxcơva mang theo niềm mong muốn được tiếp thu, học hỏi những trường phái nghiên cứu về ngôn ngữ mới của thế giới. Noi gương nhiều học giả đàn anh thành danh bằng con đường tự học như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Kim Thản… thầy đã dành 4 năm miệt mài nghiên cứu, học tập trên nước bạn. Bản luận án tiến sĩ viết bằng tiếng Nga của thầy đã được Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đánh giá xuất sắc năm 1968. Sau đó, chính thầy là người mở đầu việc đưa vào nghiên cứu ở Việt Nam các vấn đề về bán phụ tố, cấu tạo từ, phong cách học, cú pháp học… trong loại hình ngôn ngữ học Đông phương, tổ chức và tham gia dịch từ tiếng Nga 2 công trình “
Cơ sở ngôn ngữ học đại cương” (1984) và “
Ngữ nghĩa và cấu trúc ngôn ngữ” (1996). Các thế hệ học trò vẫn nhớ về thầy Phiến với phong cách giảng dạy độc đáo, hấp dẫn ở nhiều môn học chuyên ngành như: Phong cách học tiếng Việt, Ngôn ngữ học đại cương, Cú pháp tiếng Việt, Ngôn ngữ báo chí. Rất nhiều những cuốn giáo trình, những báo cáo, công trình khoa học của thầy hoặc do thầy là chủ biên từ lâu đã trở thành những tư liệu tham khảo quý cho những người nghiên cứu về ngôn ngữ học và cả những sinh viên thuộc các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này như:
Lý thuyết ngữ pháp tiếng Việt (1976),
Phong cách học tiếng Việt hiện đại (1976),
Cú pháp tiếng Việt (1980),
Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (chủ biên - 1990),
Bài tập cơ sở ngôn ngữ học (1994),
Sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Địa danh Nhật Bản (2001),
Từ điển hư từ tiếng Việt (2003) và hơn 100 bài báo cáo khoa học… Trong 3 năm, từ 1996 đến 1999, GS. Hoàng Trọng Phiến còn đứng chủ trì 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước về Địa danh biên giới Tây Nam và Địa danh biển đảo Việt Nam…
90 năm tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, hơn 1 nửa thế kỉ miệt mài đóng góp cho khoa học, cho hoạt động giảng dạy, GS. Hoàng Trọng Phiến cũng đã có những đóng góp không nhỏ cho Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (tiền thân là Tổ Việt ngữ trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), cho Trường với tư cách là một nhà quản lý. Từ năm 1971 đến 1973, thầy là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học (Khoa Ngữ văn) và từ năm 1973 đến 1984, thầy giữ cương vị Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Sau đó Thầy chuyển sang công tác tại Khoa Ngôn ngữ học (trường ĐHKHXH&NV). Thầy cũng từng là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) từ năm 1989 đến 1992. Ở bất cứ vị trí công tác nào thầy cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách mẫu mực và phần thưởng dành cho thầy, cao hơn tất cả những huân, huy chương, bằng khen là lòng kính yêu, cảm phục của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò. ở một khía cạnh nào đó, thầy giống như người nghệ nhân tài hoa luôn khéo léo chèo, lái con đò trở nặng tri thức qua những “khúc sông gập ghềnh, sóng gió nhất”. Nhiều học giả nước ngoài bảo rằng, dù chỉ mới gặp thầy lần đầu tiên đã giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về một vị giáo sư Ngôn ngữ học giản dị với mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh, chất giọng xứ Quảng ấm áp, dễ thương và đặc biệt là vốn tri thức uyên bác thể hiện trong phong cách trẻ trung, thoải mái, độ lượng, khoan hòa; sinh viên nước ngoài thường gọi thầy một cách trìu mến là “Giáo sư Hoàng của chúng tôi”.
GS. Hoàng Trọng Phiến chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên Khoa Tiếng Việt cho người nước ngoài trong Lễ tốt nghiệp
Khoa Tiếng Việt đã phát triển mạnh mẽ, thành một trung tâm nghiên cứu Việt ngữ uy tín, ngày nay được gọi là khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Đó không chỉ đơn giản là thay đổi tên gọi mà là nội hàm được mở rộng. Thông qua tiếng Việt, người nước ngoài tiếp cận với nền văn minh – văn hóa Việt. Hiểu được lịch sử, tập quán, lễ hội, cách sống, cách nghĩ của con người Việt Nam, GS Hoàng Trọng Phiến là người có công lớn, xây dựng bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và thông qua ngôn ngữ, ông đem đến cho bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam đa dạng, sâu sắc và thiện cảm; lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Tri ân các thầy cô, cán bộ lão thành của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa (Thầy Hoàng Trọng Phiến đứng ở giữa)
Thầy Hoàng Trọng Phiến phát biểu trong Lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt
Thầy Hoàng Trọng Phiến đã từng chia sẻ: “Vào Đại học Văn khoa ai cũng mơ được đọc tiểu thuyết, được thưởng thức, khám phá những tác phẩm đồ sộ của H.Balzac, Ch.Dicken, L.Tolstoi, A. Sekhov, J.London, W. Shakespeare, Lỗ Tấn, Ba Kim, Tagor… nhưng cuối cùng tôi lại đi vào Ngôn ngữ học, một lĩnh vực khô khan, khó hiểu. Nay nhìn lại, hóa ra mình đã sống trọn với thứ mà thoạt đầu mình nghĩ như thách đố. Được sống, làm việc với những Giáo sư tài năng, tâm huyết như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo… là một may mắn lớn. Các bậc đàn anh không chỉ cho tôi những kiến thức ngôn ngữ, mà trên hết là niềm đam mê. Đi theo con đường của các Giáo sư, tôi bắt đầu chuyên tâm, tìm hướng đi, hứng thú của riêng mình”. Và đến lượt mình, Thầy cũng đã để lại cho các thế hệ học trì không chỉ là kho tàng tri thức đồ sộ mà cả tấm gương người thầy mẫu mực và trên tất cả là niềm đam mê cháy bỏng, hết mình với khoa học.
Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt Thầy.
GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến đã ra đi nhưng trong trái tim những người học trò sẽ còn mãi hình ảnh và kỉ niệm về một người Thầy vô cùng đáng kính và rất thương học trò!