Tin tức

Yên Lãng nhất cô Châu

Thứ sáu - 07/08/2020 02:12
“Yên Lãng nhất cô Châu” là lời khẳng định về vị trí số một độc đáo mà “bậc đàn anh” Nguyễn Tài Cẩn dành cho người nữ đồng nghiệp thân thiết của mình. Phảng phất đâu đó, chúng ta bắt gặp sự hóm hỉnh trong lối chơi chữ hai lớp nghĩa và cũng cả sự tinh tế của một đôi mắt hiểu lẽ đời. Hình ảnh đậm chất Đường thi gợi lên sự cô độc của một con thuyền chơi vơi giữa khói sóng mênh mang. Dường như suốt cuộc đời của vị nữ giáo sư ngôn ngữ học Việt Nam đầu tiên này, ít có lúc Bà được trải lòng trọn vẹn. Bà lặng lẽ sống, lặng lẽ suy tư và lặng lẽ cống hiến. Nhưng chẳng phải Goethe đã từng chiêm nghiệm: “Tính cách dựng nên trong bão táp còn Trí tuệ hình thành trong yên tĩnh” đó sao. Có lẽ chính vì có những khoảng lặng ấy mà GS. Hoàng Thị Châu đã gửi tặng học giới và cuộc đời những công trình có giá trị học thuật trên năm mảng nghiên cứu mà suốt hơn 50 năm qua Bà trăn trở tìm tòi và suy ngẫm.
Yên Lãng nhất cô Châu
Yên Lãng nhất cô Châu

1. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô) trở về nước tham gia giảng dạy tại Khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, cô giáo Hoàng Thị Châu đã xác định vị trí của một người nghiên cứu ngôn ngữ học bằng bài viết thuộc lĩnh vực Địa danh học mà tới nay sau nửa thế kỷ vẫn là một công trình giá trị tưởng chừng như thành huyền thoại – Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông (1964/1966). Từ việc phục nguyên dạng cổ “*khloong” của từ “sông” trong tiếng Việt hiện đại, tác giả đã khẳng định được vai trò tham gia như là một thành tố cấu thành khá nhiều tên sông ở Việt Nam, thậm chí mối liên hệ giữa tên các dòng sông đã vượt ra khỏi lãnh thổ biên giới Việt Nam hành chính mà bao gồm cả một vùng văn hóa rộng lớn nằm giữa sông Trường Giang của Trung Quốc và sông Saluen của Myanmar. Song bài viết không đơn giản chỉ dừng lại như tựa đề để giới hạn phạm vi khảo sát tên sông của khu vực Đông Nam Á mà còn qua đó để trình bày một số vấn đề cơ sở trong nghiên cứu địa danh học. Ngay từ rất sớm, Bà đã cố gắng thoát ra khỏi khuynh hướng giải thích địa danh theo kiểu địa phương chí, từ nguyên học dân gian mà tiếp cận địa danh học từ phương pháp ngôn ngữ học lịch sử. Phải chăng những vấn đề lý luận và phương pháp này chính là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp sau của Bà theo hướng lịch đại, chẳng hạn như tìm hiểu Từ nguyên của tên sông Bạch Đằng (1995), Tìm hiểu từ nguyên những từ chỉ các phương tiện vận chuyển đường thủy (2013). Song Hoàng Thị Châu không phải là một nhà khoa học ưa thích dùng những thuật ngữ hàn lâm kinh viện. Sau những phác họa quan trọng về đường hướng nghiên cứu địa danh học, Bà lại chú tâm tới một vấn đề nghiên cứu cấp thiết trong đời sống hiện đại – Chuẩn hóa địa danh. Đó là bài viết mang tính khái lược vấn đề như Địa danh nước ngoài trên bản đồ thế giới: khái niệm, thuật ngữ và phương thức nhập nội địa danh (2007); bài viết tổng quan để xác lập giải pháp như Tiến tới chuẩn hóa cách viết địa danh các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam (2004) cho tới bài viết mang tính “kỹ thuật” trong chính tả như lý giải sự hạn chế của bảng chữ cái quốc ngữ đối với sự phong phú của các địa danh Địa danh Tây Nguyên trên bản đồ: Chiếc cầu nối giữa địa danh Việt Nam và thế giới (1994), để từ đó xác định Vai trò của F,J,W,Z đối với việc phiên chuyển địa danh nước ngoài (2007). Dường như quan điểm giữ nguyên ngữ là nhất quán để trở thành nội dung xuyên suốt trong những bài viết của Bà liên quan đến vấn đề chuẩn hóa địa danh ở nước ta. Song không phải vì vậy mà những bài viết là sự lặp lại nhàm chán, mỗi bài viết thực lại là nơi của những phát kiến lóe sáng. Ở bài viết Đặc điểm cách ghi địa danh vùng Tây Nguyên trên một số bản đồ địa hình (1992), Bà giúp chúng ta hiểu rõ ràng rằng, địa danh vùng Tây Nguyên trên các bản đồ Pháp hoàn toàn không phải là chữ Pháp như trước đây học giới lầm tưởng, mà đó là bộ chữ các dân tộc ở Tây Nguyên (bộ chữ được sáng lập từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX trên cơ sở bộ chữ quốc ngữ có bổ sung và cải tiến). Và bộ chữ ấy được xác định kỹ lưỡng hơn như là một bộ phận của tiến trình mã hóa địa danh ở Việt Nam được Bà trình bày ở bài viết Quá trình mã hóa địa danh ngày xưa và chuẩn hóa cách viết địa danh tiếng dân tộc thiểu số ngày nay (2002/2003). Tất cả những suy tư ấy, từ những bài viết dài trình bày những lập luận khoa học chặt chẽ cho tới những bài báo ngắn thậm chí chỉ như là một “lời kêu gọi” dùng đúng nguyên ngữ khi viết tên hai dòng sông nổi tiếng Đônau (Đa-nuýp) và Đôn (Đông) trong Hãy trả lại tên cho các dòng sông (2006), chúng ta đều có thể thấy một cố gắng bền bỉ đem ứng dụng những tri thức ngôn ngữ học phục vụ đời sống mà cụ thể và trước nhất là làm bản đồ, rồi tiếp theo là hướng tới thống nhất trong toàn xã hội.

2. Nếu Địa danh học là bước khởi đầu cho sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ học thì Phương ngữ học lại là hướng nghiên cứu khiến nhiều người biết tới Hoàng Thị Châu như là chuyên gia đầu ngành ở nước ta trong suốt nhiều năm qua. Nghiên cứu về tiếng nói ở các vùng miền trên dải đất bé nhỏ này trước Bà đã có L. Cardière, H. Maspéro, M.V. Gordina và L.S. Bystrov, đã có Phan Kế Bính, Nguyễn Bạt Tụy và tiếp đó đã có Hoàng Phê. Nhưng phải tới năm 1989, khi Tiếng Việt trên các miền đất nước (Nxb Khoa học xã hội 1989, 284 tr.) của Hoàng Thị Châu ra đời, phân ngành Phương ngữ học mới chính thức được biết tới sâu rộng trong Việt ngữ học. Cuốn sách đã vượt qua giới hạn của một giáo trình dẫn nhập giới thiệu về một phân môn của Ngôn ngữ học hiện đại chuyên nghiên cứu về tiếng địa phương của các ngôn ngữ với việc xác định đối tượng nghiên cứu, khái quát bản chất, giới thiệu các phương pháp, thủ pháp và cung cấp những khái niệm cơ bản của phân ngành, v.v. để trở thành một chuyên khảo nghiên cứu về các phương ngữ của tiếng Việt. Có thể không khó khăn, khi nhận ra rằng cuốn sách là kết tinh của những trăn trở suy tư trong hơn 30 năm quan tâm tới địa hạt nghiên cứu này từ những bài viết giới thiệu về phương ngữ thông qua một bình diện dễ nhận thấy nhất là từ địa phương Vài nhận xét về quá trình tiêu chuẩn hóa tiếng Việt thể hiện qua cách dùng từ địa phương trong sách vở, báo chí trước và sau Cách mạng tháng Tám (1970), đến những bài viết mang tính chuyên môn hơn nhằm giới thiệu khái niệm như Thổ ngữ và làng xã Việt Nam (1978) hay định hình, phân biệt khái niệm như Soát lại cách nhận thức một số khái niệm ngôn ngữ học (1979), cho tới những bài viết nghiên cứu đặc điểm của một số phương ngữ như Vài nét về sự thay đổi ngữ âm tiếng Việt trong nông thôn hiện nay (qua kết quả điều tra thổ ngữ ở Vĩnh Linh và Thái Bình) (1972), Về bốn phụ âm ngạc hóa còn lại trong tiếng Việt vùng bắc Bình Trị Thiên(1988).  Thực như tên cuốn sách trong lần xuất bản đầu tiên ấy, tiếng Việt trên mọi miền của Tổ Quốc được mô tả một cách hệ thống và chuẩn xác. Nhưng Hoàng Thị Châu không mô tả chỉ vì để mô tả. Bà đã rất khoa học khi phân vùng ba phương ngữ Bắc – Trung – Nam với hai vùng đệm chuyển tiếp là Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế để rồi đi tới kết luận phương ngữ Trung là cổ hơn cả, phương ngữ Bắc là một bước hiện đại hóa của phương ngữ Trung  và sau cùng phương ngữ Nam được xây dựng trên nền phương ngữ Bắc có hỗn dung với tiếng Hán, tiếng Khmer và tiếng Chăm. Bà đã thật tinh tế khi nhìn sự khác nhau của tiếng Việt trên các vùng miền không gian địa lý để thấy sự biến đổi của tiếng Việt trong thời gian lịch sử. Với tầm nhìn rộng và sâu này, Bà đã góp cho Việt ngữ học một hướng đi mới mà trước Bà chưa có định hình và có lẽ sau Bà liệu chắc có ai? Tưởng chừng sau mấy chục năm bền bỉ mà đắm say để tới ngày những nền móng đầu tiên của một phân ngành mới được xây dựng đã là lúc Bà có thể nghỉ ngơi nhưng dường như trái tim yêu tiếng Việt ấy thôi thúc để khối óc mẫn tiệp kia không ngơi nghỉ. Sau sự “khai sinh” của ngành phương ngữ học, Bà tiếp tục công việc cung cấp tri thức khái quát về phân ngành này bằng những bài viết mang tính chất tổng lược. Bà trình bày Ngành Phương ngữ học Việt Nam hôm qua và hôm nay (1991) để tổng kết hội nghị Phương ngữ tiếng Việt tổ chức vào tháng 6/1989 tại khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội và giới thiệu công trình Tiếng Việt trên các miền đất nước bấy giờ vừa được xuất bản – hai sự kiện có vị trí đặc biệt trên tiến trình phát triển ngành phương ngữ học nước ta. Bà viết 50 năm hòa nhập phương ngữ, thổ ngữ vào ngôn ngữ toàn dân (1995) để góp một tiếng nói chuyên môn vào công cuộc chuẩn hóa tiếng Việt. Và ở đâu đó, những bài viết về những đặc trưng trong tiếng nói của một địa phương nào đó lại được Bà nghiên cứu và công bố. Về một ngôn ngữ lai (lingua-franca) ở Hội An – Đà Nẵng vào thế kỷ XVIII (1991) đã giúp chúng ta hiểu hơn về một đặc trưng ngôn ngữ của vùng đất thương cảng, vốn là nơi giao lưu của tiếng Việt và nhiều ngoại ngữ trong quá khứ. Sự hình thành một phương ngữ ngoài lãnh thổ quốc gia (2000) lại giới thiệu về một hiện tượng rất đặc biệt của những người dân Kinh tộc tại Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) đã giữ gìn và phát triển tiếng nói của tổ tiên Việt sau gần năm thế kỷ tha hương. Đặc biệt, với xứ Huế quê hương, Bà đã dành nhiều tâm huyết với bản báo cáo Tiếng Huế thuộc vùng phương ngữ nào? trong Hội thảo khoa học Tiếng Huế - Người Huế - Văn hóa Huế (tổ chức vào dịp Festival Huế 2004). Chỉ với khoảng 6 trang giấy, bài viết đã cố gắng thông qua những phác họa diễn trình lịch sử phát triển của tiếng Huế mà xác định được những đặc điểm cơ bản,  để minh chứng cho kết luận về vị trí bước đệm, vùng chuyển tiếp giữa phương ngữ Trung và phương ngữ Nam đã được đề cập tới trước đó 15 năm trong Tiếng Việt trên các miền đất nước. Cuốn sách, không đơn thuần chỉ là một công trình tổng kết những nghiên cứu đã được đào sâu trong hơn 30 năm của tác giả. Vẫn còn rất nhiều miền đất nước giữ gìn những đặc trưng riêng có trong tiếng nói, ở đâu đó bên dưới những trang giấy trắng tinh của những lần tái bản còn là những gợi mở và cả những hi vọng chờ mong dành cho những người đi sau.

3. Khi nhìn vào thời điểm công bố của danh mục công trình khoa học, rất có thể sẽ có suy nghĩ cho rằng việc nghiên cứu Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số của Gs Hoàng Thị Châu là một hướng đi phụ, chợt đến trong quá trình nghiên cứu về địa danh cũng như trên những chặng đường điền dã tìm hiểu phương ngữ. Thực tế đôi khi lại không như những gì chúng ta vốn thấy và có thể suy luận theo lối thông thường. Có ai ngờ rằng một cô nữ sinh Đồng Khánh lại là một chiến sĩ cách mạng kiên trung để đến nỗi trước lần bị bắt thứ ba đã được Tổ chức gấp rút chuyển ra Bắc rồi cử đi học ở Liên Xô. Những tháng ngày học tập ở Đại học Lomonosov danh tiếng là những ngày tháng Bà mang nhiều suy nghĩ. Những người bạn Nga, rồi đây sẽ trở thành những cô giáo dạy ngôn ngữ và văn học Nga tại các trường phổ thông. Còn Bà, Bà sẽ làm gì? Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và còn biết bao nhiêu dân tộc thiểu số chưa được biết tới. Bà hiểu trách nhiệm của mình là tìm hiểu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam để giúp họ bảo tồn văn hóa của chính họ. Phải chăng, vì mục tiêu ban đầu ấy mà sau này Bà dần cụ thể hóa từng bước để cuối cùng hướng tới việc xây dựng bộ chữ viết hữu dụng cho các dân tộc thiểu số ở nước ta. Xác định cho mình được định hướng nghiên cứu, Bà đắm mình trong môi trường học tập hàn lâm mà sôi nổi, trong không khí nghiên cứu cơ bản mà chuyên sâu của một trong những cơ sở khoa học hàng đầu thế giới thời bấy giờ. Bà nghiêm túc lắng nghe những bài giảng về tiếng Hy Lạp cổ, tiếng La tinh cổ, tiếng Slav cổ và mối quan hệ họ hàng “chằng chịt” của chúng, rồi miệt mài ký âm những ngôn ngữ xa lạ thuộc cả ba nhánh Đông, Tây và Nam của tiếng Slav. Đều đều hàng tuần lại thấy bóng dáng của một nữ sinh viên gốc Á sải bước qua sân rộng để sang Viện Phương Đông tham gia những buổi học về tiếng Thái, tiếng Miến. Thậm chí, không đủ thời gian lên lớp, Bà còn được một người bạn Nga, mà sau này cũng trở thành một nhà Việt ngữ học khả kính – Gs Lekomtsev, đi học hộ rồi giảng lại từng bài về tiếng Indonesia. Các bài giảng về các ngôn ngữ từ đông sang tây ấy đã chuẩn bị cho Bà những hành trang cả về lý luận lẫn phương pháp để đi vào nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam sau này. Khác với những đồng nghiệp của mình, chỉ chú tâm đi điền dã để có những kết quả mô tả từng ngôn ngữ dân tộc thiểu số một, Hoàng Thị Châu có một cái nhìn khái quát hơn. Xuất phát việc phân tích khoảng 40 hệ thống ngữ âm của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã được khảo sát và miêu tả (bởi các nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước), Hoàng Thị Châu đã so sánh để phân loại Các loại hình ngữ âm của các ngôn ngữ ở Việt Nam (1997). Căn cứ vào hệ thống ngữ âm với những đơn vị siêu đoạn tính (thanh điệu), đoạn tính (nguyên âm, bán nguyên âm, phụ âm đầu, phụ âm cuối), Bà đã phân chia loại hình các ngôn ngữ dân tộc thiểu số vào những hệ thống khu biệt nhau: thanh điệu/ phát sinh thanh điệu, nguyên âm cơ bản/ nguyên âm “lưỡng phân” (tác giả dùng là “lưỡng phân” song tôi nghĩ nên dùng là “phân chia”), phụ âm đầu cơ bản/ phụ âm đầu phức hợp, phụ âm cuối gồm hai dãy/ phụ âm cuối gồm một hệ thống/ phụ âm cuối chỉ có một, hai đơn vị. Có thể nói rằng, việc xác định loại hình các ngôn ngữ dựa vào ngữ âm đã cung cấp cho chúng ta một cẩm nang tóm tắt về các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Bởi suy cho cùng, nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số điều quan yếu nhất là miêu tả nhưng phải là miêu tả trong mối tương liên giữa các ngôn ngữ để thấy sự khu biệt mà sử dụng. Sự khu biệt trong mối tương liên được thể hiện trong cách phân loại của GS. Hoàng Thị Châu là hoàn toàn tiết kiệm. Bà đã nối kết tất cả các ngôn ngữ của Việt Nam lại trong cái khung lớn với những vị trí cố định cho từng ngôn ngữ. Nếu loại hình học ngôn ngữ xác định nhiệm vụ là phân loại các ngôn ngữ khác nhau theo bản chất của từng ngôn ngữ thì bài viết này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bậc nhất của phân ngành này. Song Hoàng Thị Châu là con người luôn muốn xóa nhòa đi khái niệm màu xám để lý thuyết cũng mãi mãi xanh tươi. Bà phân loại loại hình các ngôn ngữ ở Việt Nam để hướng tới việc xây dựng bộ chữ cho các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Từ khoảng cuối những năm 80, Bà suy nghĩ nhiều tới chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam bấy giờ và phân tích việc thực hiện đã hiệu quả và cần bổ khuyết những gì từ hướng tiếp cận của một người nghiên cứu ngôn ngữ học Vài suy nghĩ về chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam và việc thực hiện chính sách đó (1988). Bà trăn trở  Tại sao đến nay còn nhiều dân tộc chưa có chữ (1992), để từ đó phân tích vai trò của chữ viết đối với đời sống xã hội của cư dân Về việc đặt và đưa chữ viết các dân tộc thiểu số vào đời sống các cư dân miền núi nước ta (1993). Và Bà đã bắt tay vào nghiên cứu để xây dựng bộ chữ cho các dân tộc thiểu số Việt Nam bằng một lời khẳng định về đường hướng tiếp cận và giải quyết nan đề này Có thể xây dựng một bộ chữ viết chung cho nhiều dân tộc (1993). Cõ lẽ đồng quan điểm với một vị triết gia Tây phương hiện đại chủ trương “Nhỏ là đẹp”, Hoàng Thị Châu cũng hướng về những điều giản dị nhất có thể - một bộ chữ chung đơn giản, tiết kiệm có lẽ lại đi liền với khoa học. Trên cơ sở những nghiên cứu để phân chia loại hình các ngôn ngữ ở Việt Nam, Bà xuất bản một công trình dày dặn với tựa đề Xây dựng bộ chữ phiên âm cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Nxb Văn hóa dân tộc 2001, 233tr.). Chuyên khảo này có thể được hình dung như những tổng kết quan trọng của tác giả về đặc điểm ngữ âm nhằm hướng tới phổ biến bộ chữ phiên âm cho các dân tộc thiểu số nước ta. Bà chủ trương xác định một hệ thống ký hiệu phụ bổ sung vào những chữ cái cơ bản để có một hệ thống chữ viết phong phú, có thể đáp ứng nhu cầu ghi âm của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tầm quan trọng của bộ chữ này đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc là điều không còn phải bàn cãi song việc đem chúng vào cuộc sống lại là một câu chuyện dài khiến một người nặng lòng như Bà năm 2004 lại có một tham luận gửi Hội nghị Ngôn ngữ học liên Á lần VI với nhan đề Tình hình và chính sách xây dựng và phổ cập chữ viết các dân tộc thiếu số hiện nay (2005). Bài viết này cung cấp những tổng kết mang tầm khái quát hóa về tình hình chữ viết cho các dân tộc thiểu số cũng như những kiến nghị giải pháp mang tầm vĩ mô của chính sách ngôn ngữ. Dường như ở người phụ nữ ấy luôn có một cái nhìn thoát khỏi những chật chội của lối tư duy “chẻ sợ tóc làm tư, làm tám” mà rộng lớn, khoáng đạt trong mọi vấn đề, mọi lĩnh vực. Tuy nhiên không phải vì vậy mà GS. Hoàng Thị Châu chối bỏ việc nghiên cứu những đặc trưng của ngôn ngữ dân tộc thiểu số cụ thể. Ví dụ như tiếng Chăm/Chàm, Bà đã dành rất nhiều công sức để tìm hiểu sự hình thành hệ thống thanh điệu của tiếng Chăm. Kết quả là báo cáo Quá trình đơn tiết hóa và hình thành thanh điệu trong tiếng Chăm (1976, tiếng Nga) mà Bà trình bày tại hội thảo khoa học quốc tế về các ngôn ngữ có thanh điệu ở Leipzig và hơn 10 năm sau Vietnamese Studies đã dịch và in lại (1989). Bà quan sát và phân tích tiếng Chăm trong sự liên tưởng với tiếng Việt. Quá trình hình thành thanh điệu tiếng Việt đã được A.G. Haudricourt chứng minh từ năm 1954, nhưng sự chứng minh đó hoàn toàn trên phương diện lý thuyết bởi thực tế sự phát triển thanh điệu của tiếng Việt là câu chuyện của quá khứ. Còn thanh điệu tiếng Chăm lại đang hình thành trước mắt ta. Trong thế kỷ XX, tiếng Chăm đã chuyển từ một ngôn ngữ đa tiết không thanh điệu trở thành một ngôn ngữ đơn tiết có thanh điệu. Sau nhiều năm suy tư và thu thập thêm ngữ liệu, Bà viết Hệ thống thanh điệu tiếng Chàm và cách ký hiệu (1986) không chỉ để khẳng định về sự tồn tại hệ thống thanh điệu, mà còn đề xuất cách ký hiệu những thanh điệu ấy trong văn bản. Và gần đây, khi thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI đã qua, Bà lại hào hứng khi được sẻ chia những suy nghĩ của mình với một học trò đang dùng ngữ âm học thực nghiệm để nghiên cứu tiếng Chăm. Dường như, định hướng nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số của cô sinh viên Đại học Lomonosov năm nào từ lâu vẫn âm thầm bền bỉ nay càng dạt dào hơn với vai trò của một người truyền lửa.

NGND Hoàng Thị Châu và các đồng nghiệp Trường ĐHKHXH&NV

4. Thực vậy, suốt mấy chục năm liên tục, từ những bài giảng của GS. Hoàng Thị Châu mà biết bao sinh viên khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội xưa (nay là hai khoa Ngôn ngữ học và Văn học – Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) đã trưởng thành, đã lập thân và lập nghiệp. Suốt cuộc đời này, Bà vẫn mãi là cô Châu kính yêu của lớp lớp thế hệ học trò, thậm chí cả những học trò không phải người Việt Nam. Mới đây, trong một dịp kỷ niệm, GS Shimizu của Đại học Osaka (Nhật Bản) đã có những hoài niệm tuyệt đẹp về cô giáo Hoàng Thị Châu của ông: “…Thực ra lúc đó tôi cảm thấy như mình đang được ẵm trong vòng tay ấm áp của người mẹ…”. Từ những am tường về ngôn ngữ học, về tiếng Việt mà GS. Hoàng Thị Châu đã trở thành một trong những chuyên gia đầu tiên ở Việt Nam đi dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Đó là may mắn hay đó là những nỗ lực không mệt mỏi của Bà? Những báo cáo khoa học được công bố sau những ngày tháng giảng dạy ở nước ngoài có lẽ chính là câu trả lời đầy đủ nhất. Những năm tháng làm chuyên gia ở Đức, ngoài việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Humboldt với đề tài Hệ thống ngữ âm trong các phương ngữ tiếng Việt, Bà còn viết Giáo trình cơ sở tiếng Việt bằng tiếng Đức Grundkurs Vietnamesisch (1982, tái bản 1990; 212 tr.). Và còn cả Ngôn ngữ học ở Cộng hòa dân chủ Đức (1983) một báo cáo khoa học mang tính tổng quát giới thiệu những thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ học ở quốc gia này. Tổng lược là một thể loại mà yêu cầu tiên quyết phải là thu thập tài liệu và nghiền ngẫm tài liệu. Có lẽ Bà đã đọc rất nhiều để rồi với óc thực tiễn trong nghiên cứu khoa học, mà Bà thừa nhận đầy tự hào học được từ những người bạn đồng nghiệp Đức, những tri thức về lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học trên quê hương của K. Marx được trình bày phong phú nhưng rõ ràng tới từng giai đoạn với những xu hướng nghiên cứu cũng như từng địa hạt nghiên cứu cụ thể. Cũng cùng mạch suy nghĩ ấy, sau nửa năm giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh, Bà viết Việt Nam học ở Trung Quốc (1998) với mục đích giới thiệu những cơ sở giảng dạy và nghiên cứu về Việt Nam trên khắp đất nước rộng lớn này. Song dường như không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, mặc dù chỉ riêng danh mục những công trình liên quan đến Việt Nam của các nhà Việt Nam học người Trung Quốc ở phần thư mục và chú thích cuối bài đã là một nguồn thông tin phong phú chứ chưa kể nội dung chính văn, bài viết còn chia sẻ những kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Việt cho người Trung Quốc. Đối với việc học tiếng Việt ở Nhật Bản, trước tình hình rất nhiều người Nhật đến Việt Nam đầu tư kinh tế và giao lưu văn hóa những năm 90, Bà tổng hợp tài liệu để viết Học tiếng Việt đang là thời thượng ở Nhật Bản (1998) như một lời dự báo cho một trào lưu văn hóa rất đáng được quan tâm và có vai trò thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước. Với độ lùi thời gian hơn 15 năm, chúng ta càng hiểu giá trị của bài viết ấy. Bên cạnh những bài viết mang tính chất giới thiệu, cung cấp thông tin, Gs Hoàng Thị Châu dù sao vẫn là một nhà giáo. Bằng những kinh nghiệm trong lĩnh vực Dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, Bà đã có những bài nghiên cứu mang tính chất học thuật chuyên sâu tham dự những hội nghị về giảng dạy tiếng Việt. Vấn đề phát âm chuẩn và phát âm phương ngữ trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (1996) là một báo cáo trình bày khái quát về tình hình phát âm tiếng Việt, mà Bà cho rằng tất cả đều đang dùng phương ngữ nơi mình sinh ra để giao tiếp xã hội, như là một thách thức đối với việc dạy người nước ngoài học tiếng Việt. Từ việc xác định cách phát âm chuẩn bằng tri thức ngôn ngữ học, Bà đã đề ra cách khắc phục cụ thể cho những khó khăn ấy theo hai hướng chuẩn mức độ và chuẩn thao tác. Vẫn luôn trăn trở với việc dạy phát âm tiếng Việt, sau 15 năm, Bà viết Vận dụng Ngữ âm học để dạy phát âm và chính tả (cho học sinh và người nước ngoài) (2011). Ở bài viết này Bà đã dùng những tri thức ngữ âm học như hình thang nguyên âm với sự phân biệt về 3 độ nâng hàm và 3 vị trí của lưỡi để dạy nguyên âm; hay như phân biệt phụ âm thành những cặp đối lập để việc thực hành ghép vần không gây nhầm lẫn. Đối với việc dạy thanh điệu, Bà cung cấp những “mẹo” để có thể giúp trẻ nhỏ và người nước ngoài hiểu đúng và dùng đúng 6 thanh của tiếng Việt. Phát âm là một trong những bài học tiên quyết khi muốn học và muốn giỏi bất kỳ sinh ngữ nào, chỉ với hai bài viết lấy ngữ âm học làm cơ sở GS. Hoàng Thị Châu đã có những đóng góp dù là giản dị nhưng thật chính xác, tỉ mỉ và rất hữu dụng về phương pháp dạy tiếng Việt.

5. Khoa học xã hội và nhân văn, hơn bất kỳ ngành học nào khác yêu cầu sự uyên bác như một tiền đề bắt buộc. Uyên bác là sâu và rộng. Rộng là thể hiện phổ tri thức bao trùm nhiều lĩnh vực liên quan còn sâu là độ chắc chắn, thấu hiểu đến ngọn nguồn của mọi vấn đề được đề cập. Trong nền học vấn hiện đại, chúng ta bàn nhiều tới phương pháp tiếp cận liên ngành. Ấy vậy chẳng luận bàn gì về phương pháp tiếp cận hàn lâm cao siêu đến khó hiểu, cách đây khoảng gần nửa thế kỷ, Hoàng Thị Châu đã có những bài viết kết nối ngôn ngữ học với sử học. Trước nhất phải kể tới một bài viết được đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử với vai trò như một phác thảo về một hướng đi gợi mở nhiều ý kiến đáng chú ý – Về việc tìm sử liệu trong ngôn ngữ dân tộc (1967). Trong kho ngữ liệu tiếng Việt có rất nhiều thành phần bảo lưu những yếu tố cổ và chính những thành phần này là nguồn sử liệu vô cùng phong phú. Tuy từ trước tới bấy giờ và thậm chí cả ngày nay nữa, giới sử học đã quan tâm nhiều và tận dụng tối đa những tài liệu ngôn ngữ khai thác được từ thư tịch cổ nhưng theo Gs Hoàng Thị Châu còn có hai nguồn ngữ liệu đặc biệt quan trọng có thể trở thành sử liệu là tiếng địa phương và địa danh. Sau bài viết mang tính định hướng ấy, Bà tập hợp ngữ liệu ngôn ngữ để viết một chùm những bài liên quan đến thời kỳ sơ sử để góp phần xóa đi lớp bụi huyền thoại về nhà nước Văn Lang đầu tiên của lịch sử dân tộc. GS. sử học Trần Quốc Vượng đã đồng tình mà trích lại cách lý giải của Bà về từ “phụ đạo”[1]. Với những thủ pháp của ngôn ngữ học so sánh và ngữ âm học lịch sử, Gs Hoàng Thị Châu Tìm hiểu từ “phụ đạo” trong truyền thuyết Hùng Vương (1967) để chứng minh “phụ đạo” không phải là một từ Hán như trước đó vẫn được quan niệm mà là một từ Việt cổ được phiên âm có mối quan hệ tương ứng với pơ tao, mơ tao, pa tao, bơ tao, pa đao, tạo, đạo của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay về mặt ngữ âm và cùng chung một ý nghĩa tù trưởng, thủ lĩnh tối cao. Tiếp theo là những phân tích về tộc danh “Lang”, về tên xã thôn bắt đầu bằng “Kẻ, Cổ” để xác định Nước Văn Lang và cương vực của nó qua tài liệu ngôn ngữ học (1968) là bao gồm một phần Lưỡng Quảng và miền Bắc nước ta hiện nay. Còn bài viết cũng tham dự Hội nghị Nghiên cứu thời kỳ lịch sử Hùng Vương năm đó – Vài nét về tổ chức xã hội nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ học (1968) lại cung cấp một cái nhìn hệ thống về một công xã kiểu châu Á hoàn toàn biệt lập và có phần “manh mún” giữa các khu vực quần cư tại Bắc bộ Việt Nam do hệ thống tên Kẻ và mạng lưới thổ ngữ dày đặc cung cấp, cùng với một xã hội phân tầng rõ rệt bởi những từ xưng hô chức vị trong truyền thuyết mà đến nay vẫn còn tồn tại ở những dân tộc gần ngữ hệ với tiếng Việt. Sau những suy tư về thời đại Hùng Vương như là những thao tác kiểm chứng việc vận dụng ngôn ngữ học lý giải một vấn đề lịch sử cụ thể, Gs Hoàng Thị Châu đã có những tổng kết khái quát về mối quan hệ mật thiết tất yếu giữa Ngôn ngữ học và Sử học (1971).

Nếu lịch sử cho chúng ta cái nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và vị lai thì không gian địa lý cung cấp một tầm nhìn bao quát, hay nói một cách khác là một phối cảnh rộng lớn trong tương tác giữa các thành tố. Sau những đóng góp về tư liệu cho sử học, GS. Hoàng Thị Châu trở về những vấn đề của bản thân tiếng Việt trong mối tương liên với ngữ hệ và ngữ vực từ điểm nhìn của các chiều kích khác nhau – lịch sử và địa lý. Vài nét về địa lý – ngôn ngữ học ở Đông Dương (1985) có thể xem như lời tuyên ngôn của Bà về sự liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ với các vùng địa lý trong chiều dài lịch sử. Việc khảo sát các ngôn ngữ ở Đông Dương cho thấy có hai khu vực rõ ràng: một số hiện tượng chỉ gặp ở phía bắc (trong tiếng Lào, Thái Tây Bắc, Tày Nùng, Mường và phương ngữ Bắc bộ) còn một số hiện tượng lại chỉ xuất hiện ở phương nam (tiếng Thái Lan và phương ngữ Nam bộ). Kết thúc bài viết là một lời gợi mở “Sự khác nhau đó có thể bắt nguồn từ cơ tầng” đã định hướng cho nhiệm vụ khai phá về nguồn gốc của những ngôn ngữ hiện diện ở khu vực trong mối quan hệ họ hàng cũng như tiếp xúc của chúng. Ở Hội nghị ngôn ngữ học Xô – Việt, GS. Hoàng Thị Châu viết về Một từ chỉ trỏ chung của nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á (1983) để xác định nguồn gốc của từ chỉ trỏ “ni” của nhiều ngôn ngữ trong khu vực. Cũng cùng phương pháp ấy, bằng những thủ pháp ngôn ngữ học phân tích, Bà chỉ ra Quan hệ họ hàng của các ngôn ngữ Đông Dương qua những đặc điểm ngữ pháp và cấu tạo từ (1983, tiếng Đức). Rồi Bà lại tiếp tục Xem lại quan hệ giữa tiếng Việt và ngành Thái qua một số tộc từ (1998). Lấy cơ sở từ sự tương đồng của tiếng Việt và một số ngôn ngữ thuộc ngành Thái về những tộc từ, những nhóm gồm những từ vừa có liên hệ với nhau về nghĩa lại có liên hệ với nhau về mặt ngữ âm, tác giả đã đưa ra một chủ kiến của mình về loại hình của tiếng Việt. Bà cho rằng quá trình tiếp xúc lâu dài ở đồng bằng sông Hồng và sông Mã với các ngôn ngữ Thái và sau đó là tiếng Hán đã thay đổi loại hình tiếng Việt từ cơ tầng Môn – Khmer thành một ngôn ngữ thuộc hệ Hán – Thái. Suy nghĩ này của Bà dường như chia sẻ với cách phân loại của H. Maspéro. Và gần đây, trên con đường luôn tìm tòi không định ngơi nghỉ, Bà phát hiện ra một nguồn ngữ liệu vô cùng phong phú, đó chính là hệ thống số đếm của các ngôn ngữ. Năm 2009, khi đã 75 tuổi, GS. Hoàng Thị Châu vẫn trình bày báo cáo Cấu tạo từ của hệ thống số đếm trong các ngôn ngữ (2009) tại phiên toàn thể của Hội nghị quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam – Trung Quốc. Bài viết là sự giải mã hệ thống số đếm trong các ngôn ngữ trải dài trên những ngữ tộc khác nhau từ đông sang tây để khám phá cách tư duy mang tính phổ quát của toàn nhân loại cũng như những đặc trưng dân tộc của những chủ nhân từng hệ thống số đếm phản ánh qua ngôn ngữ. Và hệ thống số đếm lại một lần nữa cung cấp ngữ liệu để giải quyết được một đề tài từ lâu đã có rất nhiều tranh cãi, Bà Thử giải thích cách phân vùng ngữ tộc Nam Á trên cứ liệu hệ thống số đếm (2011). Dù rằng khiêm tốn đặt tiêu đề là “Thử” nhưng bài viết thực sự đã minh định được địa bàn cư trú của các nhóm dân cư thuộc họ ngôn ngữ Nam Á. Địa bàn “quen thuộc” mà Bà đã phác họa trong bài viết đầu tiên nghiên cứu về tên sông cách đây chừng 50 năm. Hoàng Thị Châu vẫn luôn là một nhà khoa học có “huệ nhãn”. Bà luôn khái quát được những vấn đề rộng lớn từ những cứ liệu giản đơn mà không kém phần độc đáo khiến không ít lần học giới phải ngỡ ngàng.

6. Năm hướng nghiên cứu trong cuộc đời làm khoa học của GS. Hoàng Thị Châu (Địa danh học, Phương ngữ học, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, Dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ và Ngôn ngữ học lịch sử và địa lý) tưởng chừng là những mảnh ghép rời rạc, những đường thẳng song song trên từng phương diện chẳng bao giờ có thể gặp được nhau nhưng thực tế lại hài hòa trong sự gắn kết bởi Ngữ âm học. Ngữ âm học như một chiếc chìa khóa giúp Bà khám phá những vấn đề mới, khảo chứng những nan đề cũ trên dặm dài học tập và nghiên cứu. Ngữ âm học cung cấp những cơ sở để giải mã những địa danh ở Việt Nam và khu vực. Phương ngữ học cũng được cụ thể hóa từ những phân biệt ngữ âm. Nếu không có cơ sở mô tả ngữ âm các ngôn ngữ dân tộc thiểu số thì không thể khái quát loại hình ngữ âm và càng không thể tiến tới xây dựng bộ chữ ghi âm phù hợp. Đối với địa hạt dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, dạy phát âm lại càng quan trọng nhưng từ lâu ít được quan tâm đúng mực nên những hướng dẫn vận dụng ngữ âm vào giảng dạy của Bà càng trở nên giá trị. Đặc biệt, ngữ âm học và những thủ pháp nghiên cứu đã mở ra những nghiên cứu liên ngành giữa nghiên cứu ngôn ngữ và nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu địa lý. Những quy luật ngữ âm giúp phục nguyên được dạng cổ của những từ gốc Việt được văn tự hóa mà một số vấn đề lịch sử giai đoạn cổ xưa được lý giải. Cũng chính bằng những phân tích tương đồng về mặt ngữ âm để thấy được vùng phân bố của các ngôn ngữ họ hàng. Tưởng chừng ngữ âm học với những yêu cầu về sự chính xác, tỉ mỉ sẽ ảnh hưởng tới phong cách của những nhà ngôn ngữ học dùng ngữ âm như một đường hướng tiếp cận, song có lẽ GS. Hoàng Thị Châu là một trường hợp đặc biệt. Bà luôn vượt qua những hạn chế của sự phân tích vụn vặt mà hướng tới những vấn đề có tính khái quát, mang bóng hình của người khai phá. Quả thực, suốt cuộc đời mình, Bà đã bền bỉ như một con thuyền chở nặng những tri thức ngôn ngữ học đến với cuộc đời.

Và có lẽ rồi đây “cô Châu” sẽ chẳng còn là con thuyền cô độc giữa khói sóng nữa. Bạn bè đồng nghiệp trân trọng những công việc của Bà, những học trò chân chính luôn giữ mãi trong tim hình ảnh cô giáo khả kính của họ và xã hội cũng đã có cách riêng để vinh danh Bà. Học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Nhưng dường như tất cả những danh hiệu ấy nhạt nhòa trước chỉ một điều duy nhất Bà gửi lại, đó là những suy tư về ngôn ngữ học, về tiếng Việt và về việc ứng dụng chúng vào cuộc sống.

Trong cuộc đời này, mỗi con người sẽ lựa chọn cho mình một dòng chảy. Có những dòng chảy muốn vươn mình thể hiện tài năng vượt trội để được long lanh dưới ánh nắng mặt trời nhưng cũng có những ngoại lệ nhẹ nhàng ẩn mình thành dòng nước ngầm để lắng lại trầm tích mà cũng để âm thầm tưới tắm cho những mầm cây non nớt. Hoàng Thị Châu là một trong những mạch nước ngầm tinh khiết ấy./.

 

[1] Bài viết Về danh hiệu “Hùng Vương” của GS Trần Quốc Vượng in trong Hùng Vương dựng nước - tập 3, NXB Khoa học xã hội, 1973, tr. 353-355.

Tác giả: Dương Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây