Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", các lưu học sinh nước ngoài tham dự cuộc thi đã chia sẻ bằng tiếng Việt những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam; về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với đất nước của lưu học sinh.
Phát động từ tháng 8,
Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023 thu hút nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo tiếng Việt đang có lưu học sinh nước ngoài học tập. Đã có 65 cơ sở đào tạo trong cả nước, từ 29 tỉnh/thành phố đăng ký tham gia. Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về mối quan tâm sâu sắc và tình yêu của bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Tại vòng Sơ khảo khu vực miền Bắc, 35 đội thi đã tranh tài với những phần thi được chuẩn bị công phu.
Với hình thức thi hùng biện, mỗi đội thi được lựa chọn 2-3 thí sinh hùng biện chính, thời gian trình bày tối đa cho mỗi phần thi là 7 phút. Các thí sinh trình bày phần thi hùng biện của mình bằng tiếng Việt với chủ đề tự chọn, đồng thời có thể sử dụng các hình thức minh họa kèm theo để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho phần thi. Các bạn sinh viên nước ngoài không chỉ thể hiện trình bày trôi chảy, lưu loát, am hiểu về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam mà còn có những phần biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tin tưởng rằng mỗi tiết mục dự thi ngày hôm nay là sự sáng tạo độc đáo, tạo dấu ấn, không chỉ với các em lưu học sinh nước ngoài mà với tất cả khán giả, những người theo dõi cuộc thi, những người Việt Nam, để thấy được đất nước Việt Nam qua những lăng kính nhiều chiều, để thêm yêu và thêm hiểu về chính đất nước mình
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc VNU-USSH đăng cai tổ chức Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023” sẽ góp phần vào đào tạo tiếng Việt và lan toả văn hoá Việt Nam tới bạn bè năm châu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế; ngày càng nhiều người nước ngoài yêu thích và tìm hiểu, theo học. Tiếng Việt cũng đã trở thành một trong những môn ngoại ngữ được giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung.
Cuộc thi đã để lại nhiều ấn tượng cho người nghe, đại diện đội thi là các lưu học sinh đến từ nước Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện đang theo học tại Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN bày tỏ ấn tượng khi sống và học tập tại Trường ĐH Ngoại ngữ, Việt Nam. Chúng tôi rất bất ngờ về những ngày đầu khi đến Việt Nam với việc người Việt đi xe máy nhanh, ngồi trà đá, trà chanh vỉa hè, đặc biệt nhiều món ăn ngon, nhiều phong cảnh đẹp, con người hài hòa, mến khách, đặc biệt thầy cô và các bạn Việt Nam luôn giúp đỡ tận tình cho lưu học sinh.
“Em rất yêu đất nước Việt Nam và mong muốn truyền tải tình yêu ấy đến với các du học sinh và người nước ngoài ở Việt Nam!”; “Cảm hơn đất nước Việt Nam đã mang đến cho em một thanh xuân rực rỡ”; “Với chúng em, Việt Nam là quê hương thứ hai” - đó là cảm nhận của các du học sinh đến từ các đội thi khi chia sẻ về những tình cảm thân mến dành cho đất nước và con người Việt Nam.
Đội thi đến từ Trường Hữu nghị 80 đã giành giải Nhất bảng A
Đội thi đến từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN giành giải Nhất bảng B
Kết thúc vòng Sơ khảo khu vực miền Bắc, đội thi đến từ Trường Hữu nghị 80 đã giành giải Nhất bảng A, đội thi đến từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN giành giải Nhất bảng B.
04 đội thi xuất sắc của vòng Vòng sơ khảo khu vực miền Bắc sẽ tiếp tục tranh tài tại Vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/12 tại TP.HCM gồm: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, Trường Hữu nghị 80, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Hà Nội.
Dạy và học Tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài là một vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức lưu tâm nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Với vai trò là đầu tàu dẫn dắt hệ thống giáo dục tại Việt Nam, ĐHQGHN luôn tiên phong xây dựng các chương trình đào tạo, các dự án tầm vóc lớn của quốc gia và dân tộc, trong đó, ĐHQGHN đã giao Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai Kênh đào tạo tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Với sứ mệnh “dạy tiếng Việt cho lưu học sinh, xây dựng phương pháp dạy tiếng, đào tạo phiên dịch cao cấp” được trao từ năm 1968, Khoa Tiếng Việt thuộc Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trải qua hơn 60 năm truyền thống và 55 năm thành lập, trở thành một địa chỉ uy tín bậc nhất Việt Nam về công tác dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Một số hình ảnh đáng nhớ tại Vòng sơ khảo khu vực miền Bắc Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN ngày 28/10/2023:
Tin bài liên quan:
Website Trường ĐHKHXH&NV: Khai mạc Cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 - vòng Sơ khảo khu vực miền Bắc
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Khai mạc Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023
Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh tại Việt Nam
Báo Đại biểu Nhân dân: Khai mạc Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023”
Thông tấn xã Việt Nam: Sinh viên quốc tế hào hứng tranh tài với cuộc thi Hùng biện tiếng Việt
Hà Nội mới: Lưu học sinh nước ngoài thi hùng biện tiếng Việt