Tin tức

VNU-USSH chính thức nghiệm thu Bài giảng điện tử MOOCs đầu tiên

Thứ sáu - 27/12/2024 19:45
Ngày 27/12/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) đã tạo dấu ấn quan trọng trong giảng dạy số hóa khi chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng bài giảng điện tử MOOCs với học phần Tin học cơ sở. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện đại hóa giáo dục, nâng cao trải nghiệm học tập và trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng công nghệ cần thiết trong thời đại số.
Dưới sự chủ trì của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng cùng các chuyên gia, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá Bài giảng đạt tiêu chuẩn cao về nội dung, phương pháp sư phạm, cũng như công nghệ và kỹ thuật. Trưởng nhóm biên soạn, PGS.TS Đỗ Văn Hùng, đã đại diện nhóm báo cáo kết quả thực hiện trước hội đồng.
 
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì nghiệm thu

Đổi mới nội dung và hình thức truyền đạt
Bài giảng điện tử MOOCs học phần Tin học ứng dụng được thiết kế với 11 module bài giảng, tập trung vào những chủ đề tiên tiến, cập nhật và thiết thực, bao gồm:
          Bài 1. Cơ bản về công nghệ thông tin
          Bài 2. Chuyển đổi số và khai thác dữ liệu
          Bài 3. Tổng quan về trí tuệ nhân tạo
          Bài 4. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung
          Bài 5. Internet và quyền riêng tư
          Bài 6. Xử lý văn bản cơ bản
          Bài 7. Xử lý văn bản nâng cao
          Bài 8. Xử lý bảng tính cơ bản
          Bài 9. Xử lý bảng tính nâng cao
          Bài 10. Sử dụng trình chiếu cơ bản
          Bài 11. Sử dụng trình chiếu nâng cao
Bài giảng được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp các yếu tố đa phương tiện như video sắc nét, âm thanh sinh động và tương tác dễ sử dụng. Với tổng cộng gần 30 video clip, mỗi bài học được chia thành các phần nhỏ gọn giúp sinh viên dễ tiếp thu. Học liệu đi kèm bao gồm 5 bộ câu hỏi trắc nghiệm và 6 bộ bài tập thực hành, giúp sinh viên củng cố kiến thức và phát triển kỹ năng ứng dụng.
Về mặt sư phạm, bài giảng đảm bảo quy trình dạy học toàn diện từ đặt vấn đề đến kiểm tra đánh giá kiến thức, khuyến khích sinh viên chủ động khám phá và giải quyết vấn đề.
Nội dung bài giảng không chỉ đảm bảo tính chính xác và phù hợp với các tiêu chí học thuật mà còn tuân thủ chặt chẽ các quy định của Đảng và Nhà nước. Các tài liệu tham khảo được trích dẫn rõ ràng, minh bạch.
Bài giảng đã được đóng gói theo chuẩn SCORM, đảm bảo vận hành mượt mà trên các hệ quản lý học tập (LMS) và tương thích cao với internet, góp phần nâng cao tính bền vững trong việc triển khai đào tạo số hóa và cá thể hoá.

Bước tiến chiến lược của Trường ĐHKHXH&NV
Sự ra đời của bài giảng điện tử MOOCs đầu tiên đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Trường ĐHKHXH&NV. Đây không chỉ là thành tựu của một tập thể mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.
Trường ĐHKHXH&NV kỳ vọng bài giảng Tin học ứng dụng sẽ là tiền đề quan trọng cho các dự án MOOCs tiếp theo, tiếp tục lan tỏa giá trị giáo dục số đến đông đảo sinh viên trong và ngoài nước.

Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu
 

PGS.TS Đỗ Văn Hùng thay mặt nhóm biên soạn báo cáo trước hội đồng
 
Các thành viên Hội đồng nhận xét và góp ý
 
Hội đồng chụp ảnh lưu niệm và chúc mừng sự thành công của nhóm biên soạn
Giảng viên Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng Khoa CNTT-GDNN, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Đại sứ E-Learning Việt Nam

Tác giả: Đào Minh Quân - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây