Tin tức

Cách tiếp cận của EU với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn

Thứ ba - 24/09/2024 08:38
Tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứu cùng tên được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) và Viện Konrad-Adenauer-Stifung (KAS) được tổ chức vào sáng ngày 24/09/2024 tại Hà Nội.
Tọa đàm nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu và thực hành chính sách. 
 
20 năm hợp tác giữa trường ĐH KHXH&NV và Viện Konrad-Adenauer-Stifung 
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV: Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề của nhiều dự án giữa Nhà trường và Viện trong tương lai. 
Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV phát biểu: “Trong hơn 20 năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đã phát triển mạnh mẽ. Quan hệ hợp tác giữa hai bên không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực khoa học xã hội. Các hoạt động hợp tác như tổ chức hội thảo, tọa đàm và chương trình trao đổi học thuật đã có những đóng góp nhất định trong việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và bền vững cho các vấn đề cấp thiết của xã hội.”
Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc kinh tế và chính trị toàn cầu, các nghiên cứu về khu vực đã giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về mối quan hệ lịch sử, văn hóa và kinh tế với các nước láng giềng, cung cấp nền tảng khoa học vững chắc để xây dựng các chiến lược hợp tác khu vực, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Nghiên cứu về cách tiếp cận của Liên minh châu Âu đối với hợp tác ở khu vực, từ chiến lược đến thực tiễn đóng vai trò hết sức quan trọn trong việc tìm hiểu quan điểm, chính sách của một thực thể lớn, một đối tác quan trọng của Việt Nam. Từ đó, các kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào quá trình tìm hiểu chính sách đối ngoại và xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Giáo sư Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Sự đồng hành và hỗ trợ liên tục từ Viện KAS là động lực quý báu giúp nhà trường hoàn thành sứ mệnh đóng góp, tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự giao thoa tri thức, văn hóa và giá trị giữa Việt Nam và Đức.”
Ông Florian Feyerabend – Trưởng Đại diện thường trú Viện Konrad-Adenauer-Stifung tại Việt Nam khuyến khích các diễn giả tham dự tích cực vào các cuộc thảo luận.
Ông Florian Feyerabend - Đại diện Viện Konrad Adenauer Stifung tại Việt Nam chia sẻ: Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng có tầm quan trọng chiến lược đối với EU, nhìn nhận sức nặng kinh tế, nhân khẩu học và chính trị ngày càng tăng của khu vực này trong thúc đẩy việc định hình trật tự thế giới và giải quyết các thách thức toàn cầu. EU đặt mục tiêu sử dụng chiến lược hướng đến tăng cường hợp tác với khu vực, xây dựng quan hệ đối tác nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, giải quyết các vấn đề toàn cầu và đặt nền móng cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, công bằng và bền vững. 
Nghiên cứu trong ba giai đoạn giữa Viện KAS và Trường ĐH KHXH&NV tập trung vào chiến lược của EU đang được triển khai và quan trọng hơn là cách chiến lược này được nhìn nhận theo góc nhìn của các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. 
Với tư cách là một tổ chức Chính trị của Đức, Viện KAS hỗ trợ nghiên cứu và hội thảo này nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU. Theo đó, ông hy vọng hội thảo sẽ gợi mở nhiều chủ đề nghiên cứu trong tương lai, củng cố mối quan hệ giữa Trường ĐH KHXH&NV và Viện KAS nói riêng, giữa Việt Nam và Đức nói chung ngày càng tốt đẹp.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của dự án và hướng nghiên cứu trong tương lai
TS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen, Đức
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu, GS. Detlef Briesen - Đại học Justus Liebig Giessen, Đức cho hay: “Dự án nghiên cứu Cách tiếp cận của EU đối với hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn đi sâu vào phương pháp tiếp cận chiến lược của Liên minh châu Âu đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng, chủ yếu được định hình bởi sự cạnh tranh chiến lược và ảnh hưởng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chiến lược của EU phản ánh sự hiệu chỉnh quan trọng các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình, nhấn mạnh đến nhu cầu về quyền tự chủ chiến lược, chủ nghĩa đa phương và tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.” 
EU thừa nhận rằng sự ổn định của khu vực gắn chặt với các lợi ích kinh tế và an ninh của riêng châu Âu, đặc biệt liên quan đến các tuyến đường thương mại, nguồn cung cấp năng lượng và các công nghệ quan trọng. Chiến lược của EU được thúc đẩy bởi nhu cầu bảo vệ các lợi ích của mình, giảm thiểu các rủi ro địa chính trị do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gây ra và củng cố vai trò của mình như một tác nhân toàn cầu thông qua các quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác đa phương.
TS. Nguyễn Thị Thùy Trang - Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXH&NV
Theo TS. Nguyễn Thị Thùy Trang - Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXH&NV: Bước đầu tiên, dự án nghiên cứu năm 2021 đã phân tích các nội dung trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu và quan điểm tiếp nhận tại Việt Nam. Bước thứ hai vào năm 2022, các chuyên gia đã phân tích về quan điểm và cách nhìn nhận của các thực thể trong khu vực về chiến lược này. Các kết quả nghiên cứu được trình bày vào năm 2023 liên quan nhiều hơn đến những biến động của môi trường địa chiến lược toàn cầu. TS. Nguyễn Thị Thùy Trang phân tích quan điểm của một số thực thể có vai trò trong khu vực như ASEAN, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, cũng như những quan ngại của các nước này về vai trò và triển vọng triển khai chiến lược của EU ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những quan ngại bao gồm: Về thương mại, những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và lao động của EU có thể đặt ra các thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vốn chưa có khả năng đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn này; Về an ninh và quốc phòng, ác quốc gia trong khu vực có phần hoài nghi về khả năng EU có thể đóng góp đáng kể vào cấu trúc an ninh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực cũng nhận thức rằng trọng tâm chính của châu Âu vẫn là khu vực lân cận của mình - chẳng hạn như quan hệ với Nga, Bắc Phi và các mối quan tâm nội bộ của châu Âu như Brexit. Điều này làm dấy lên lo ngại về cam kết lâu dài của EU đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và liệu EU có đủ năng lực để tập trung vào Đông Nam Á trong bối cảnh có nhiều ưu tiên cạnh tranh hay không.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và nhà nghiên cứu tham dự cũng đã có những trao đổi tích cực về cơ hội cho EU khi tìm cách cân bằng lợi ích chiến lược của mình với lợi ích của các cường quốc khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như những cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, đồng thời đề xuất một số hướng nghiên cứu cần thiết và có ý nghĩa trong tương lai, những rủi ro và cơ hội nào cho EU khi tìm cách cân bằng lợi ích chiến lược của mình với lợi ích của các cường quốc khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như những cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
“Cách tiếp cận của EU với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Từ chiến lược đến thực tiễn” - “The EU Approach to Cooperation in the IndoPacific: From Strategy to Practice” là dự án hợp tác giữa trường ĐH KHXH&NV và Viện Konrad-Adenauer-Stifung đã được thực hiện qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2021): Nghiên cứu về mục tiêu của EU và làm rõ các câu hỏi về mức độ tham gia của EU vào khu vực chính sách đối ngoại mới với các chiến lược của mình. Nghiên cứu cũng làm rõ quan điểm của Việt Nam với chiến lược mới của EU. 
Giai đoạn 2 (2022): Nghiên cứu đánh giá nhận thức và chiến lược của EU giữa các chủ thể quốc tế chủ chốt trong khu vực.
Giai đoạn 3 (2023): Nghiên cứu đánh giá chiến lược hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương của EU trong bối cảnh mới, đặc biệt trong bối cảnh hậu xung đột của khu vực Ukraine đến nay.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
 
 

Tác giả: Đại Hữu - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây