PV: Xin chúc mừng Thảo Nguyên đã vừa “săn” được học bổng toàn phần để đi du học chương trình thạc sĩ tại Châu Âu. Đâu là “bí kíp” để bạn nhận được học bổng danh giá này?
Lê Thảo Nguyên: Sắp tới, tôi sẽ tham gia chương trình MA Sports Ethics and Integrity (Đạo đức và liêm chính trong thể thao) trong vòng 02 năm tại 05 quốc gia Châu Âu lần lượt là Bỉ, Czech, Tây Ban Nha, Đức và Hy Lạp. Với học bổng này, tôi được cấp học bổng 100% mức học phí và tiền sinh hoạt hàng tháng trong suốt quá trình học. Năm nay, chỉ có 04 suất học bổng dành cho thí sinh ngoài EU trên toàn thế giới nhận được học bổng cho chương trình này, trong đó Việt Nam có 01 suất duy nhất.
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ấp ủ cho mình dự định đi du học thạc sĩ vì tôi muốn nâng cao kiến thức của bản thân, trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng mềm cũng như mong muốn có cơ hội được giao lưu và kết bạn với bạn bè trên toàn thế giới.
Sau khi xác định được mục tiêu, tôi đã luôn cố gắng duy trì mức điểm GPA tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia các hoạt động Đoàn - Hội tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để nâng cao kỹ năng mềm, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên để đào sâu hơn những kiến thức, những vấn đề được học trên giảng đường.
Mặc dù chương trình đào tạo thạc sĩ sắp tới là về thể thao, nhưng tôi luôn tin những kiến thức về khoa học xã hội mà tôi được trang bị trong quá trình học tập tại VNU-USSH sẽ giúp tôi rất nhiều trong việc học tập, như việc phân tích, hiểu sâu về các hành vi, hoạt động liên quan đến vấn đề đạo đức và liêm chính trong thể thao (việc sử dụng doping, những mặt tối của thể thao liên quan đến cá độ, bất bình đẳng và tham nhũng…).
Bên cạnh đó, vì là một fan cứng lâu năm của Manchester United, tôi cũng có theo dõi, nghiên cứu và đọc rất nhiều tin tức có liên quan đến câu lạc bộ. Với tình yêu bóng đá, tôi có một fanpage nho nhỏ để ủng hộ và thể hiện tình yêu của mình. Thêm vào đó, tôi cũng coi đây là cơ hội để kết bạn, giao lưu với các bạn hâm mộ bóng đá khác tại Việt Nam, từ đó có thêm nhiều kiến thức hơn về môn thể thao này.
PV: Bạn đã chuẩn bị những kỹ năng, kinh nghiệm gì cho việc ứng tuyển học bổng thạc sĩ?
Lê Thảo Nguyên: Năm 2023, sau khi có kinh nghiệm làm việc tại tổ chức phi chính phủ, tham gia tổ chức một số chương trình liên quan đến thể thao, tôi đã quyết định sẽ nghỉ việc để dồn hết tâm sức của mình cho đợt ứng tuyển này. Cũng trong năm này, tôi thi IELTS, thi một số chứng chỉ có liên quan, học thêm nhiều khóa học về phân tích dữ liệu, nghiên cứu trên Coursera để làm mạnh hồ sơ của bản thân mình.
Tôi biết đến chương trình Erasmus Mundus thông qua một số bài chia sẻ trên các trang liên quan đến học bổng và cơ hội cho sinh viên Việt Nam. Sau khi tìm hiểu kỹ về các yêu cầu của chương trình, tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ, và may mắn đã mỉm cười với tôi.
PV: Bạn từng là thủ khoa tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, đây có phải điểm cộng lớn cho hồ sơ của bạn? Bạn đã xin thư giới thiệu từ những ai khi ứng tuyển học bổng?
Lê Thảo Nguyên: Học bổng Erasmus Mundus thuộc dạng merit-based (học bổng khuyến khích cho sinh viên có điểm GPA cao, có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học), vì vậy tôi nghĩ rằng, việc mình là thủ khoa cũng là một điểm cộng.
Bên cạnh đó, việc vinh dự nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc tại các trường Đại học và Học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2022 cũng là một may mắn của tôi, giúp tôi bổ sung thêm thành tích vào hồ sơ xin học bổng của mình.
Tuy nhiên, tôi biết nhiều trường hợp các bạn sinh viên rất giỏi, điểm GPA không quá cao, nhưng hồ sơ rất mạnh do có kinh nghiệm cũng như các kỹ năng liên quan phù hợp với tiêu chí lựa chọn của các chương trình khác, nên GPA cao không phải là ưu điểm quá lớn. Điều quan trọng là ứng viên phải hiểu chính bản thân mình, hiểu những yêu cầu từ hội đồng tuyển sinh đang tìm kiếm và biến mình trở thành một ứng viên phù hợp. Người đạt học bổng không phải người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất.
May mắn trong quá trình xin học bổng, tôi đã có sự giúp đỡ rất nhiều từ thầy cô của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Với sự giúp đỡ của cô Hồ Thị Thành và cô Nguyễn Hà Phương (thuộc bộ môn Đông Nam Á học), tôi mới có cơ hội đạt được học bổng này. Tôi cũng đã xin Letter of Recommendation của sếp tôi tại Tổ chức Phi chính phủ mà tôi từng làm vì tôi nghĩ rằng, thông qua quá trình làm việc, sếp là người hiểu và biết tôi những ưu điểm gì phù hợp với chương trình.
PV: Trong quá trình ứng tuyển có những thuận lợi, khó khăn gì? Bạn có nhờ mentor hoặc bạn bè, người thân, đồng nghiệp, người quen để hỏi xin ý kiến trong quá trình ứng tuyển?
Lê Thảo Nguyên: Trong quá trình ứng tuyển, phần làm tôi khó khăn nhất là phần viết bài luận. Tôi đã viết trên dưới 10 lần để có thể có bài luận ưng ý. Việc nhận thức về bản thân, thể hiện bản thân sao cho hợp lý khá là khó với tôi. Việc cụ thể hóa những điều trên để khiến cho hồ sơ của bản thân thật cạnh tranh, gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh giữa hàng ngàn bộ hồ sơ ở ngoài kia đòi hỏi một quá trình dài, vô cùng tốn công sức và thời gian trước khi đi đến được trái ngọt.
Vì là lần đầu tiên triển khai, bản thân có rất ít kinh nghiệm tham gia các chương trình quốc tế, tôi đã nhờ mentor, bạn bè, đồng nghiệp và người thân giúp đỡ rất nhiều. Sự góp ý, sửa chữa, thậm chí là những câu hỏi trong quá trình sửa chữa bài luận mà mọi người dành cho tôi đã cho tôi cơ hội được nhìn nhận lại bản thân, mục tiêu cũng như những hướng đi của mình. Tôi thực sự biết ơn vô cùng và rất cảm ơn tất cả mọi người!
PV: Theo bạn, điểm mạnh trong hồ sơ ứng tuyển của bạn là gì? Về phần bài luận/ phỏng vấn của bạn có gì ấn tượng hoặc khiến bạn nhớ mãi?
Lê Thảo Nguyên: Tôi nghĩ bản thân mình may mắn khi có cơ hội và thời gian tìm hiểu về chương trình học bổng rất kỹ. Sau khi nghe lời khuyên từ mentors cũng như bạn bè, tôi đã xem rất nhiều bài viết liên quan cũng như tra cứu thông tin liên quan đến chương trình, không chỉ trên website mà còn ở các trang khác như Linkedin và Reddit. Sau đó, tôi có liên hệ với các cựu học viên của chương trình để hiểu rõ hơn về thực tế mà các anh chị đã được học tập, được trải qua để có thể học hỏi kinh nghiệm cũng như là hiểu sâu sắc hơn nữa về chương trình.
Trong quá trình này, tôi cũng may mắn đọc được bài viết của một anh học viên chia sẻ trên Facebook, rằng mình biết về người dạy mình trong tương lai là ai, họ nghiên cứu chủ yếu về cái gì, những môn học sẽ phục vụ điều gì cho bản thân trong tương lai v.v đã thực sự giúp ích cho tôi rất nhiều.
Nhờ sự chuẩn bị đó mà ngay sau buổi phỏng vấn với Giáo sư cũng như là Giám đốc của Chương trình, thầy có bảo tôi một câu mà tôi nhớ mãi: “Bạn rất hiểu về chương trình của chúng tôi, bạn thể hiện bản thân rất tốt và bạn thực sự tâm huyết với ngành học này, tôi vô cùng ấn tượng về bạn”.
PV: Kỷ niệm nào thời sinh viên dưới mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã giúp bạn rất nhiều sau khi tốt nghiệp, đi làm và ứng tuyển học bổng? Điều ý nghĩa nhất mà thầy cô đã dạy bạn là gì?
Lê Thảo Nguyên: Việc học tập tại một ngôi trường bề dày truyền thống và thành tích đã giúp tôi trau dồi và rèn luyện được đạo đức, tư tưởng của một người sinh viên. Tôi luôn nhớ lời thầy cô dạy dỗ, phải biết kiên trì và theo đuổi mục tiêu của bản thân mình. Tôi tin rằng, sự nhiệt tình chỉ dạy của các thầy cô, sự nhân văn của các bạn học sinh trong trường đã cho tôi môi trường học tập và phát triển lành mạnh, giúp tôi tìm được thế mạnh của bản thân, biết quan sát mọi người để không ngừng rèn luyện và nỗ lực tiến lên.
Tôi luôn tự hào vì đã từng là sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn và tin rằng, trường sẽ ngày càng đào tạo và dạy dỗ được nhiều bạn sinh viên giỏi và xuất sắc hơn nữa.
Bên cạnh đó, việc học tập dưới mái trường Nhân văn đã được bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương, đất nước, để tôi biết rằng dù có đi đâu, học tập và công tác ở quốc gia nào, thì trái tim tôi luôn hướng về Việt Nam và mong rằng tôi có thể góp một chút gì đó, dù là nhỏ bé thôi, cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Báo Sinh viên Việt Nam: Fan nữ Manchester United là thủ khoa, giành học bổng thạc sĩ châu Âu ngành thể thao