Nguyễn Thị Cẩm Tú là thủ khoa đầu vào theo phương thức xét tuyển X100 (xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT) của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tú cũng là một trong 19 thủ khoa khối C00 của cả nước, với hai điểm 10 Lịch sử và Địa lý; 9,75 Ngữ văn.
Gần 4 tuần từ khi ra Hà Nội học, Tú vẫn chưa quen với cách nói chuyện giọng Bắc. Đây là lần đầu tiên, nữ sinh quê Yên Thành, Nghệ An xa nhà tự lập. Tú thuê trọ cách trường vài trăm mét và tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí.
Nguyễn Thị Cẩm Tú. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bố mẹ Tú hiện làm ở quán tẩm quất người mù tại thành phố Vinh, cách nhà 50 km. Từ ngày Tú đi đại học, em gái ở quê chuyển lên sống cùng bố mẹ. Ngày nào cả gia đình cũng đoàn tụ, hỏi thăm nhau qua điện thoại nên dù ở xa, Tú không thấy nhớ nhà.
Nữ sinh cho hay bố bị khiếm thị từ nhỏ, còn mẹ mắc u não, qua nhiều lần phẫu thuật nên mắt mờ dần. Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ Tú, ốm đau quanh năm nhưng từ khi hai con học lên cao, tốn nhiều chi phí hơn, chị đi làm cùng chồng để san sẻ gánh nặng. Mỗi tháng, vợ chồng chị về thăm các con một lần. Chị Hương lo nhất mùa mưa bão, nhà thường bị cô lập vì nước lớn.
Người mẹ cho hay các con ngoan, hiểu chuyện và có ý thức tự lập từ nhỏ. Bố mẹ vắng nhà, chị em Tú tự thu vén cuộc sống, chăm sóc đàn gà và bảo ban nhau. Dù cuộc sống vất vả, vợ chồng chị Hương vẫn luôn động viên các con học để có công việc ổn định sau này.
"Khó khăn thì nhiều nhưng phải cố gắng vượt qua để nuôi hai con ăn học", chị Hương, 42 tuổi, nói.
Thương bố mẹ, Tú tập trung vào việc học, thường dậy lúc 3h học bài đến 5h rồi chuẩn bị cơm cả ngày cho hai chị em trước khi đến trường. Nhà không có điều kiện nên Tú chưa từng đi học thêm mà tự học ở nhà. Tú thường tập trung nghe giảng, ghi chép bằng từ khóa để thuộc luôn bài trên lớp, nếu không hiểu sẽ hỏi lại thầy cô. Về nhà, Tú làm chắc chắn từng đề và học từ các lỗi sai.
Nữ sinh cho biết thường học các lớp miễn phí của giáo viên trên mạng hoặc tham gia nhiều nhóm trao đổi kiến thức và tài liệu. Với môn Văn, Tú học theo ý chính của từng tác phẩm, môn Sử ghi nhớ bằng từ khóa, còn Địa học trên bản đồ và Atlat.
"Cách này hiệu quả nên em không cần phải học nhiều. Gần đến lúc thi, em thức muộn hơn một chút để ôn lại", Tú nói.
Suốt 12 năm, Tú là học sinh xuất sắc và nhiều lần được nhận thưởng. Năm lớp 12, nữ sinh từng giành giải nhì và ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân và Lịch sử. Tú cũng là học sinh tiêu biểu của trường THPT Phan Thúc Trực.
Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm cũ của Tú, nhận xét học trò thông minh và có nghị lực. Ở lớp, Tú nổi trội các môn xã hội và tiếng Anh. Nữ sinh trầm tính nhưng luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để đạt được mục tiêu học tập.
"Kết quả thi phản ánh đúng năng lực của Tú", cô Hà cho biết. "Em ấy hoàn toàn xứng đáng".
Lúc biết tin con gái là thủ khoa, chị Hương bật khóc vì vui sướng.
"Mừng lắm. Ông Trời không lấy hết của ai cái gì", chị nói.
Con đi học thì mừng nhưng vợ chồng chị Hương cũng thoáng lo chi phí hàng tháng. Mùa đông khách ít hơn nên chị tính chi tiêu tiết kiệm để dành gửi lên cho con ba triệu đồng tiền nhà và sinh hoạt mỗi tháng. Chị mong con vui và học tốt với lựa chọn ngành học của mình.
Hiện Tú tự trau dồi tiếng Anh và học thêm tiếng Trung để có nhiều cơ hội việc làm. Sau khi tốt nghiệp, Tú mong muốn làm việc cho một công ty truyền thông. Nữ sinh cũng đặt mục tiêu giành học bổng và tính đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ.
"Em sẽ gắng học, sau này hỗ trợ em gái giúp bố mẹ", Tú chia sẻ.
Tú (hàng trước, phải) cùng bố mẹ và em gái tại nhà ở Nghệ An. Ảnh: Nhân vật cung cấp