Tin tức

Ba lần Bác Hồ về thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Chủ nhật - 18/05/2025 21:01
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và có những lời dạy quý báu dành cho các thế hệ sinh viên và giảng viên của Nhà trường. Những lời dạy của Người về việc "học để phục vụ Tổ quốc", "học phải đi đôi với hành", "yêu nước là học", đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục và phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ hai từ trái qua) tại Lễ khai giảng Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945 tại giảng đường lịch sử số 19 Lê Thánh Tông (ảnh tư liệu)
Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đại học Đông Dương, khai giảng khoá đầu tiên vào ngày 15/11/1945 dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên được thành lập dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 04/6/1956, Chính phủ thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là trường đại học khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn) đầu tiên ở miền Bắc sau hoà bình lập lại. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trực tiếp kế thừa truyền thống và cơ sở vật chất, kỹ thuật của Đại học Đông Dương (1906), Trường Đại học Quốc gia Việt Nam (1945) và Trường Khoa học Cơ bản (1951).
Với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Theo phương châm đó, ngày 14/01/1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VII) ra Nghị quyết, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”(1) để làm đầu tàu và nòng cột cho giáo dục đại học nước nhà. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập với vai trò và sứ mệnh đó.
Ba lần Bác Hồ về thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội
Ngày 23/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch K.E.Vorosilov (Liên Xô) thăm Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong chuyến thăm này, Bác Hồ đã có những phát biểu quan trọng về vai trò của giáo dục và tri thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài cho đất nước, cũng như việc phát triển tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước trong sinh viên. Người nhắc nhở thầy và trò Nhà trường đại học phải cố gắng dạy và học để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chuyến thăm này không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo hai nước đối với giáo dục, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô. Trước lúc ra về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt nhịp hát bài “Kết đoàn” tiễn chào Chủ tịch .E.Vorosilov.
Năm 1959, Trường Đại học Tổng hợp vinh dự được 02 lần đón Bác Hồ đến thăm.
Tháng 3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống R. Prasad (Ấn độ) đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong chuyến thăm, Bác Hồ đã có bài phát biểu trước 5.000 cán bộ và sinh viên nhà trường. Bác động viên, khuyến khích sinh viên không chỉ học để tiếp thu kiến thức mà còn phải ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho nhân dân và Tổ quốc. Người căn dặn: “Học phải đi đôi với hành, giáo dục phải đi đôi với lao động”(2).
Tại đây, Tổng thống R. Prasad bày tỏ sự quan tâm đối với sự phát triển giáo dục ở Việt Nam và khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Ngày 26/6/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống A. Sukarno (Indonesia) tới dự cuộc mít tinh chào mừng của sinh viên các trường đại học và một số trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông tổ chức tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Trong chuyến thăm, Bác Hồ nhắc lại những điều “Bác Cácnô” đã căn dặn sinh viên: “tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà:
1. Phải đoàn kết chặt chẽ.
2. Cố gắng học tập cho tốt.
3. Phải lao động cho tốt.
4. Vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ thứ XX”.
Cuối cùng, Người thay mặt sinh viên Việt Nam gửi đến các bạn thanh niên và các bạn học sinh, sinh viên Indonesia “tất cả tình hữu nghị thắm thiết và ý chí thi đua xã hội chủ nghĩa của thanh niên và sinh viên Việt Nam”(3).
Những chuyến thăm của Bác Hồ cùng lãnh đạo cấp cao các nước, thể hiện sự gắn kết, tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; đồng thời, thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng nền giáo dục phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: không chỉ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, mà còn chú trọng bồi dưỡng nhân tài – nguồn chất lượng cao để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam.
Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao…. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp trình độ tiến tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”(4).
ĐHQGHN phấn đấu trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á và thế giới.
Lời dạy của Hồ Chí Minh về việc "học không chỉ là học kiến thức, mà còn học làm người" đã được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện qua việc xây dựng một môi trường học tập không chỉ tập trung vào học thuật, mà còn chú trọng đến phát triển toàn diện phẩm chất, đạo đức và năng lực mềm của sinh viên. Các hoạt động ngoại khóa, các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức để sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang phát triển mạnh mẽ và bền vững theo hướng hiện đại, chất lượng cao, gắn liền với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, phát huy tinh thần cộng đồng và uy tín, Đại học Quốc gia Hà Nội không ngừng nỗ lực để đào tạo nguồn cán bộ có năng lực chuyên môn cao, tinh thần trách nhiệm với xã hội, những thế hệ sinh viên có trình độ cao, đủ năng lực và phẩm chất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
________________________
(1) Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14/01/1993.
(2) Báo Nhân dân, số 1836, ngày 25/3/1959.
(3) Báo Nhân dân, số 1929, ngày 27/6/1959 và Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 246-247.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Tác giả: Đăng Tri - VNU Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây