Tin tức

Ngành GDĐT tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Thứ năm - 15/05/2025 04:00
Ngày 12/5 vừa qua, Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tham dự và chỉ đạo hội nghị.Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu bế mạc của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại hội thảo.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương;
Kính thưa các đồng chí Ủy viên TW Đảng, Nguyên Ủy viên TW Đảng;
Thưa quý đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các em học sinh, sinh viên!

Ngành GDĐT rất vinh dự cùng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học rất có ý nghĩa, nhân kỉ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục.
Có thể nói GDĐT là ngành đặc biệt vinh dự được chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đặc biệt quan tâm. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, mặc dù không có một lời nào nói rằng GDĐT là quốc sách hàng đầu, nhưng thực sự người đã có những tư tưởng, những chính sách và những chỉ đạo còn hơn thế nữa với GDĐT. Trong hội thảo hôm nay, thay mặt cho ngành GDĐT, một lần nữa tôi xin bày tỏ vinh dự và tự hào này.
Kính thưa các quý vị!
Sau một thời gian làm việc khẩn trương, với tinh thần khoa học, tình cảm và trách nhiệm cao, Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” đã hoàn thành các nội dung, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Hội thảo đã được nghe phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Báo cáo đề dẫn của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo đã nghe các tham luận chất lượng, tâm huyết, đại diện cho tình cảm và trí tuệ của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên đối với chủ đề của Hội thảo.
Các bài viết, những ý kiến trình bày tại Hội thảo đều là những bài viết rất chất lượng, đã tập trung làm rõ:
1) Mục đích, nội dung, phương châm, giá trị tư tưởng, triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh
2) Khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thực tiễn trong bức thư đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho học sinh và ngành Giáo dục (9/1945-9/2025);
3) Khẳng định quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần tự học và học tập suốt đời gắn với việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về Học tập suốt đời;
4) Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về GDĐT: Thành tựu, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục qua 80 năm hình thành và phát triển gắn với quá trình đổi mới của đất nước;
5) Đề xuất giải pháp đột phá trong vận dụng, phát triển sáng tạo nội dung, giá trị tư tưởng, triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo gắn với việc tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ” đã được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Kính thưa các đồng chí!
Hội thảo hôm nay một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Người cũng khẳng định rõ ràng, bao quát về những mục tiêu vừa cốt lõi, vùa phổ quát của giáo dục là để “nâng cao dân trí”, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”, “Học để sửa chữa tư tưởng”, “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “Học để tin tưởng”, “Học để hành”. Những tư tưởng quan trọng về giáo dục này mang tính vượt trước và trường tồn với thời gian. Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không chỉ trang bị  kiến thức,  mà  giáo dục cần chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng. Giáo dục nhằm phát triển  con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính, …
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm giáo dục là “Lý luận đi đôi với thực hành”, “Học đi đôi với hành”, “Học để hành ngày càng tốt hơn”, “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Giáo dục tư tưởng bao trùm “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” đó đều  là những tư tưởng lớn về  phát triển toàn diện con người, đặt nền móng để chúng ta xây dựng nền giáo dục hiện đại, dân chủ, sáng tạo, tiến bộ, lấy  con người làm chủ thể, trung tâm và mục đích.
Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kế thừa chắt lọc từ tinh hoa truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, vừa thâu thái những tư tưởng giáo dục tiên tiến của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi nơi mọi lúc, học của mọi người là phương cách để phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của công việc và yêu cầu của thời đại.
Từ đầu hội thảo, từ khóa chúng ta đề cập nhiều nhất là tự học và học tập suốt đời. Tuy nhiên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề tự học không chỉ nhấn mạnh là trang bị kiến thức, kỹ năng, học nhiều ngoại ngữ, tiếp cận trí thức vô tận đang diễn ra,.. mà một phương diện tự học rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát triển con người và nhân cách. Phương diện tự học này phải xem ở ý nghĩa tự giáo, nghĩa là tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, tự nhục, biết hổ thẹn và phải liêm chính, để con người phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu của cách mạng thời đại. Đó là tự phát triển con người của chính mình. Cái tự học đó đấy mới là chiều sâu và đặc sắc trong cái tự học và học tập liên tục, học tập suốt đời. Việc hoàn thiện nhân cách con người cũng không giới hạn, điều đó thể hiện sâu sắc trong tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng yêu cầu phát triển của công việc và của thời đại.
Người nói “về việc học lấy tự học là cốt”, “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, “học hỏi là một việc phải tiếp tục học suốt đời”. Về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người đã dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục: Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Chúng ta cần bàn nhiều hơn đến những nội dung giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Trong đó nội dung giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa lấy con người là trung tâm, đặt dân tộc lên trên hết và đặt trong tầm nhìn trăm năm và tầm nhìn nhân loại. Trong nội dung giáo dục đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh dân trí, bên cạnh đó còn là vấn đề dân khí, tinh thần của dân tộc. Chúng ta chú ý đến bối cảnh của thời đại trước năm 1945, cụ Phan Bội Châu đã kêu gọi là cần phải chấn hưng dân trí, nâng cao dân trí, bồi dưỡng dân khí và phải như vậy mới tạo ra được 1 nước Việt Nam mới. Như vậy không chỉ có vấn đề hiểu biết về dân trí mà đặc biệt quan trọng là khí thế của dân tộc. Nên trong nội dung giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh phương diện khích lệ ý chí cho từng con người và khích lệ ý chí cho cả một dân tộc.
Do đó, trong bức thư  Hồ Chí Minh gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thư gửi cho giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng năm 1955 và một số bức thư khác, Hồ Chí Minh đã đưa ra những tuyên ngôn về giáo dục, đã trao truyền, phó thác sứ mệnh cho người học, đã khơi dậy những cảm hứng to lớn và ý chí nghị lực cho những người trẻ tuổi Việt Nam để lớp lớp các thế hệ người Việt Nam vùng lên giải phóng đất nước và vững bước chung tay xây dựng non sông.
Người nhắc nhở: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Khát vọng của một dân tộc chỉ có thể được thực hiện bắt đầu bằng giáo dục, thông qua giáo dục. Sự phát triển của một dân tộc bắt đầu bằng sự phát triển của mỗi một thành viên của dân tộc đó, và đương nhiên các thành viên phải biết học và biết rèn luyện suốt đời.
Kính thưa các đồng chí!
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá vai trò của giáo dục, vì vậy ngành  giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó cũng chính là thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, chính quyền và toàn ngành Giáo dục thấm nhuần tư tưởng, phương châm, đường lối giáo dục của Người, đã từng bước cụ thể hóa việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nội dung, chương trình giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá, giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không những đã thấm sâu vào từng hoạt động chuyên môn, từng bài giảng, từng chương trình rèn luyện kỹ năng, nhân cách học đường, mà còn thể hiện trên cả tư duy chiến lược, định hướng chiến lược của toàn ngành giáo dục. Giáo dục nước nhà đã góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã kế thừa tư tưởng của Người, đã không ngừng tiến bộ và lực lượng ngày càng hùng hậu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và khích lệ chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người. Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần “thân giáo”, tức lấy bản thân mình làm tấm gương để cảm hóa, để giáo dục, để tập hợp và thuyết phục những người đồng chí, học trò và người dân. Sự mẫu mực trong nhân cách cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong tình cảm bao la bát ngát rộng lớn và sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu lắng và góp phần tạo ra những giá trị cho dân tộc, cho thời đại, cho chính Đảng CSVN và cho con người Việt Nam. Người để lại dấu ấn vĩnh viễn trong các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức và nhân cách con người Việt Nam hiện tại và mai sau.
Kính thưa các đồng chí!
Trong bối cảnh mới, để đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng và Nhà nước xác định GDĐT cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá để giáo dục tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, tạo điều kiện và tiền để để phát triển con người trước yêu cầu thời đại mới và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngành GDĐT sẽ tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua Hội thảo này, những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục trong thời gian tới cũng được nhận thức sâu sắc hơn, trong đó cần tiếp tục nhận thức và triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Với di sản càng lớn, càng sâu sắc thì mỗi ngày chúng ta lại nhìn thêm những ánh lấp lánh từ chính di sản ấy. Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên. Với học sinh nói chung, nhất là học sinh phổ thông, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập 5 điều Bác Hồ dạy một cách thường xuyên và hiệu quả.
Thứ hai, làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí TBT Tô Lâm “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội”; TBT cũng chỉ đạo trong bài viết "Học tập suốt đời": "Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân". Để thực hiện được tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của TBT Tô Lâm, ngành Giáo dục sẽ  tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết ứng phó và thích ứng với các thách thức của thời đại.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân mới phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Tiếp tục học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vệc không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và khát vọng dân tộc, nâng cao cả dân trí và dân khí. Cần phát huy phương pháp giáo dục đạo đức, phương pháp rèn luyện nhân cách người học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là phương pháp giáo dục tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, tự điều tiết, tự kỷ luật, tự hoàn thiện. Đó là tinh thần cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Những thách thức của dân tộc trong kỷ nguyên mới là vô cùng to lớn, cả trí tuệ và phẩm chất con người Việt Nam đều cần phải nâng cao hơn nữa mới có thể gánh vác được trọng trách thời đại.
Thứ tư, tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo cần mẫu mực, theo tinh thần “mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, với tinh thần và phẩm chất dấn thân và hy sinh, dù khó khăn tới đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt. Các nhà giáo phải trở thành tấm gương không ngừng tự học, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực, kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy và học. Trước mắt là thực hiện đầy đủ hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thưa các đồng chí!
Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỉ niệm 80 năm ngày Bác Hồ gửi thư lần đầu cho ngành Giáo dục, qua Hội thảo hôm nay, chúng ta càng suy nghĩ và thấm nhuần sâu sắc, thực hiện đúng và sáng tạo những điều Bác viết trong thư nói riêng và toàn bộ tư tưởng giáo dục của Người là một việc làm có ý nghĩa thực tế và mang tính thời sự. Bản thân hoạt động hội thảo của chúng ta  hôm nay không chỉ có ý nghĩa đạo lý, ý nghĩa kỷ niệm, mà trong thực chất đó là một hoạt động giáo dục quan trọng, nó cũng là việc mà ngành ta tự soi, tự sửa ở quy mô lớn.  
Kính thưa các đồng chí!
Để có được Hội thảo hôm nay, tôi xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và dân vận trung ương nói chung và cá nhân đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban nói riêng. Xin trân trọng cảm ơn sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học, các tổ chức đảng, cơ quan quản lý, đoàn thể, các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên; sự ủng hộ của các cơ quan hữu quan và sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên trong Ban Tổ chức hội thảo và các cán bộ tham gia.
Cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã đăng cai và tổ chức Hội thảo với tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp và khoa học. Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp nội dung khoa học, xây dựng báo cáo kiến nghị để gửi tới các Bộ, Ngành, địa phương liên quan nghiên cứu và vận dụng để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐT theo tinh thần kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh.  
Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin được tuyên bố bế mạc Hội thảo. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thật nhiều thành công./.

Tin bài liên quan:
Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”: Kim chỉ nam cho đổi mới toàn diện giáo dục
Đài Truyền hình Việt Nam VTV: 
Tiếp tục lan tỏa tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục | Thời sự 19h
Truyền hình Hà Nội: Học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục &thời đại: Giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Báo điện tử Chính phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà giáo dục vĩ đại

Tác giả: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây