Tin tức

Thơ Nguyễn Duy: "Tìm thân nhân" - Kỷ niệm 59 năm đất nước thống nhất

Thứ năm - 15/05/2025 03:16
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, sáng ngày 14/5/2025, Khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã tổ chức toạ đàm Thơ Nguyễn Duy: “Tìm thân nhân”.
Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ lớn, tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại, là tác giả được biết đến rộng rãi trong học sinh, sinh viên, giới nghiên cứu, phê bình văn học và công chúng. Nguyễn Duy đã có nhiều bài thơ, tập thơ đặc sắc gắn bó với tâm hồn Việt Nam, đồng hành với nhịp bước của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh lịch sử để đi đến hoà bình, thống nhất, dựng xây. Thơ Nguyễn Duy cũng là sự tái kiến tạo và hiện đại hoá những giá trị ngàn đời, bền bỉ, sâu lắng nhưng cũng vô cùng tươi mới của dân gian, của dân tộc Việt Nam trong hình thức biểu hiện.
Toạ đàm vinh dự được đón nhà thơ, nhà phê bình văn học đến từ trường ĐHKHXH&NV, ĐH Sư phạm Hà Nội, trường Chuyên KHXH&NV, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, các nhà thơ, các độc giả yêu thơ và đông đảo sinh viên từ các trường.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng – Phó trưởng Khoa Văn học đã khẳng định vị trí và những đóng góp quan trọng của thơ Nguyễn Duy đối với đời sống thơ ca và đời sống tinh thần nói chung của dân tộc Việt Nam. Theo cô, “Đã từng được giải nhất cuộc thi thơ 1972 – 1973 của tuần báo Văn nghệ, giải thưởng Thơ hàng A năm 1985 của Hội Nhà văn Việt Nam (tập Ánh trăng), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, nhưng có lẽ giải thưởng, phần thưởng lớn nhất đối với nhà thơ Nguyễn Duy là tác phẩm của ông luôn ở trong trí nhớ, sự yêu thích và kính trọng của các thế hệ độc giả. Từ những người đã từng cầm súng chiến đấu vì hoà bình, đến những người dân gắn bó với ổ rơm mái rạ bờ tre, đến những đôi lứa đang hẹn hò, và những em nhỏ ngồi trên ghế nhà trường, ai mà chẳng từng ngâm ngợi những câu thơ về vẻ đẹp bình dị mà kiên cường của loài cây “không chịu mọc cong” và “thương nhau tre chẳng ở riêng, luỹ thành từ đó mà nên hỡi người”, ai chẳng từng suy tư “Ngửa mặt lên nhìn mặt, Có cái gì rưng rưng, Như là đồng là bể, Như là sông là rừng...”, rồi tinh nghịch nhớ về một thời “Học trò con trai ma quỷ, Học trò con gái thần tiên, Thầy xếp thần tiên ngồi gần ma quỷ”, khi hẹn hò thì “Nghe tiêng tiếc một ngày thường đang qua”, hay bâng khuâng vì “Ta đi trọn kiếp con người, Cũng không đi hết những lời mẹ ru”...”
Riêng với Khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV (Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp), Nguyễn Duy không chỉ là một nhà thơ trên những trang thơ bỏng cháy, Nguyễn Duy còn là một thành viên của ngôi nhà chung thân thiết. Sau những năm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Duy là sinh viên Khoá 16 Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, và ông luôn dành những tình cảm mến yêu, sự gắn bó thiết tha với thầy, với bạn, với các thế hệ sinh viên Văn khoa, với Trường Tổng hợp – Nhân văn. Và cuộc trở về của ông trong cuộc toạ đàm “Tìm thân nhân” cũng là minh chứng cho tình cảm trân quý đó.
IMG 5366
TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng - Phó trưởng Khoa Văn học phát biểu khai mạc toạ đàm
IMG 5491
Nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ và chia sẻ về hành trình thơ của mình
Toạ đàm đã diễn ra sôi nổi dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu Trần Hinh, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ và TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng. Nhà thơ Nguyễn Duy đã đưa các cử toạ đến với nhiều cung bậc cảm xúc qua những vần thơ cháy bỏng, cùng với đó là những chia sẻ về hành trình thơ, hành trình chiến đấu và sáng tác của ông. Tuy sức khoẻ không tốt nhưng nhà thơ vẫn giữ được tinh thần hào sảng, niềm cảm hứng tràn đầy khi đọc thơ, kể chuyện về hoàn cảnh ra đời các bài thơ cũng như những xúc cảm và suy tư về đất nước, về dân tộc, về thơ ca. Các nhà nghiên cứu, các sinh viên, học sinh tham dự toạ đàm đã có nhiều câu hỏi và trao đổi thú vị về thơ ca và văn học Việt Nam hiện đại, về đồng cảm và sáng tạo trong thơ ca, về những bài thơ cụ thể của nhà thơ Nguyễn Duy. Nhiều bạn học sinh, sinh viên đã bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao khi đã đọc thơ, “gặp gỡ” nhà thơ trong sách giáo khoa, trên trang viết nhiều năm, nay đến toạ đàm được trực tiếp gặp gỡ và được nhà thơ truyền cảm hứng mạnh mẽ.
IMG 5515
Nhà nghiên cứu Trần Hinh, bạn đồng môn K16 Ngữ văn của nhà thơ Nguyễn Duy phát biểu
 
IMG 5441
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ phát biểu
IMG 5549
Sinh viên đặt câu hỏi với nhà thơ Nguyễn Duy
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Duy đã trao tặng một số tập thơ Nguyễn Duy do NXB Phụ nữ Việt Nam xuất bản cho những bạn học sinh, sinh viên có những câu hỏi và ý kiến trao đổi chất lượng trong toạ đàm.
Tổng kết toạ đàm, TS. Đỗ Thu Hiền – Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam – đơn vị chuyên môn trực tiếp đề xuất và tổ chức toạ đàm, đã cảm ơn sự hiện diện của nhà thơ Nguyễn Duy, các nhà nghiên cứu, phê bình, các thầy cô giáo và các bạn học sinh, sinh viên. TS. Đỗ Thu Hiền cho rằng buổi toạ đàm đã cho thấy dù cuộc sống đương đại có nhiều nỗi lo toan và mối quan tâm, thì thơ ca và văn học vẫn là một nguồn mạc quan trọng mang lại những giá trị và sự bồi dưỡng tâm hồn cho các bạn trẻ, cho cuộc sống con người.
IMG 5560
TS. Đỗ Thu Hiền - Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam - Khoa Văn học phát biểu
Toạ đàm Thơ Nguyễn Duy: “Tìm thân nhân” – Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là cây cầu kết nối một tác giả văn học, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học với bạn đọc; kết nối những người yêu thơ, yêu văn học, yêu hoà bình, vì những giá trị nhân văn đẹp đẽ của đất nước, của nhân dân, dân tộc, như trong bài Tìm thân nhân Nguyễn Duy từng viết khi chiến tranh vừa kết thúc:
 
Hỡi ai chưa gặp thân nhân
hỡi ai không gặp thân nhân
vợ lạc chồng
anh lạc em
mẹ cha lạc con
ai còn?
ai mất?
Ơi ai không gặp thân nhân
xin tới cùng tôi chung mái nhà ấm áp
cùng tôi hát lên lời ca này
điều lớn lao còn lại hôm nay
là nguyên vẹn
Nhân dân
Tổ Quốc!
IMG 5592
 
IMG 5598
 
IMG 5623
 
IMG 5639

Tác giả: Khoa Văn học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây