Tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em: Những nguyên tắc và tình huống thực tiễn

Thứ hai - 12/09/2022 00:05
Ngày 9/9/2022, PGS.TS Đào Thanh Trường đã tham dự toạ đàm “Tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em”, do Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội và UNESCO tổ chức vào ngày tại khách sạn FLC Grand Hotel, Hạ Long, Quảng Ninh. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 50 nhà báo, giảng viên, chuyên gia truyền thông.
Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, trang bị những kiến ​​thức, kỹ năng chuyên sâu trong tác nghiệp về vấn đề bình đẳng giới và bạo hành phụ nữ và trẻ em cho các nhà báo, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan đào tạo báo chí truyền thông tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, PGS.TS. Đào Thanh Trường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: “Toạ đàm tiếp nối những hoạt động học thuật mang tính thời sự, mang giá trị nhân văn của Nhà trường, nhằm nâng cao nhận thức, kiến ​​thức và tăng cường chất lượng tác nghiệp báo chí về vấn đề bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Để một bài báo nhỏ có thể ngăn chặn những tội ác lớn, để tình trạng “xâm phạm kép” tới đời sống riêng tư của phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của việc bị bạo hành không tiếp tục tràn lan trên một số kênh truyền thông đại chúng, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo, nhà đào tạo về báo chí truyền thông là một trong những giải pháp cấp thiết”. PGS. TS. Đào Thanh Trường cũng ghi nhận những nỗ lực của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong việc chủ động kết nối với các đối tác, sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội, đóng góp cho cộng đồng bằng chuyên môn của mình, trong đó có việc nâng cao chất lượng tác nghiệp báo chí góp phần ngăn chặn vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam.
IMG 6703
PGS.TS Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại buổi tọa đàm
Diễn giả chính của toạ đàm là các chuyên gia, nhà báo có uy tín cao trong lĩnh vực bình đẳng giới và báo chí: Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), Ông Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh.
Tại toạ đàm, bà Nguyễn Vân Anh đã hướng dẫn và phổ biến về các chủ đề trọng tâm như vai trò của báo chí và truyền thông trong giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ trong và thông qua truyền thông; khuôn khổ quy định quốc tế, khu vực và bối cảnh ở Việt Nam. Thông qua trao đổi với các nhà báo về tình huống đưa tin về mảng đề tài này, bà Nguyễn Vân Anh lưu ý các nguyên tắc truyền thông, các vấn đề văn hoá ứng xử và quyền con người khi nhà báo đưa tin sâu về các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.
IMG 6746
TS Nguyễn Vân Anh trình bày báo cáo nêu bật vai trò của báo chí và truyền thông trong giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ
Toạ đàm cũng gợi mở các chủ đề và thu hút sự thảo luận sôi nổi của các nhà báo, nhà đào tạo báo chí, truyền thông tham gia như: Báo chí phản ánh nhiều về bạo hành phụ nữ và trẻ em có làm công chúng cảm thấy là bạo lực trong xã hội gia tăng hay không; Báo chí “câu view”, tập trung miêu tả bạo lực là vấn đề chuyên môn, kinh tế báo chí, hay là vấn đề đạo đức nghề nghiệp; Nên chọn báo chí thực trạng (tập trung phản ánh thực trạng) hay báo chí giải pháp (tìm cách giải quyết vấn đề) trong vấn đề bạo hành phụ nữ, trẻ em; Làm thế nào để xây dựng các tuyến bài, phát triển các đề tài; Làm thế nào để xây dựng các tuyến bài, phát triển các đề tài…
Nhà báo Lê Xuân Trung (Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ) đã có những chia sẻ ý nghĩa và hữu ích cho các nhà báo, nhà đào tạo báo chí, truyền thông như: nhà báo nên tăng cường hỏi ý kiến các chuyên gia, xây dựng mạng lưới các chuyên gia để họ hỗ trợ nhà báo và tòa soạn. Đồng thời, để trở thành một nhà báo có được bản lĩnh và phong cách, không bị biên tập can thiệp quá sâu, đặc biệt là việc rút tít của bài viết cần phải nhìn từ cả hai phía (phóng viên và tòa soạn) để thấy trách nhiệm của mình.
IMG 6826
Nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ lưu ý hữu ích với các nhà báo khi tác nghiệp về vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em
“Đặc biệt, để giải quyết vấn đề bình đẳng giới, bạo hành phụ nữ, trẻ em... tòa soạn báo chí còn phải làm cả các chiến dịch truyền thông phối hợp với các bên liên quan chứ không chỉ là đơn thuần là bên phản ánh sự việc.” - nhà báo Xuân Trung cho biết.
Nhà báo Lê Xuân Trung cũng chia sẻ: “Trong chính cơ quan báo chí truyền thông đã phải thực hiện việc bình đẳng giới và tạo không khí để mọi người tôn trọng lẫn nhau. Báo Tuổi trẻ đang xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình với khoảng trên 60 điều trong đó quy định các cách ứng xử nội bộ và có đề cập đến vấn đề bình đẳng giới như không phân công phóng viên nữ trực đêm, bàn làm việc có vách kính ngăn chứ không phải vách kín; gia tăng các tin bài phỏng vấn nhân vật là nữ... Báo chí cần mở diễn đàn cho công chúng tham gia thảo luận, làm cho công chúng suy nghĩ và nêu ý kiến, tòa soạn nuôi được đề tài, vừa tạo ra được không khí tranh luận trong xã hội để công chúng tìm giải pháp cho chính họ, chứ không phải áp đặt giải pháp cho độc giả. Báo chí cũng có thể mở rộng mạng lưới độc giả của cả mạng xã hội nếu mở được không gian thảo luận này. Trong đó, các cơ quan báo chí là người điều hành, kết nối cho cuộc thảo luận đó”.
Tại buổi toạ đàm, các nhà báo, nhà đào tạo báo chí đã cùng nhau trao đổi và tìm hiểu cách tiếp cận trong tác nghiệp báo chí về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em thông qua các tình huống tác nghiệp thực tiễn. Từ kết quả thảo luận theo nhóm, một số các giải pháp hữu ích tiếp cận từ nhiều góc độ được đưa ra như xây dựng các quy tắc nghề nghiệp trong hoạt động tòa soạn, quy trình đưa tin về bạo hành phụ nữ và trẻ em, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức sản xuất nội dung, các tuyến bài, xác định đề tài, khai thác thông tin, phỏng vấn, tiếp cận nạn nhân, nhân chứng, hình thành chủ đề và hoàn thiện tác phẩm trong tác nghiệp báo chí; các tiêu chí đánh giá chất lượng tin bài về mảng đề tài liên quan, các vấn đề pháp lý và đạo đức nghề nghiệp…
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam – ông Christian Manhart trong thông điệp gửi đến tọa đàm cũng ghi nhận vai trò của báo chí truyền thông: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một trong những rào cản to lớn nhất trong đấu tranh về bình đẳng giới và phát triển bền vững. Chúng tôi ghi nhận sức mạnh không thể phủ nhận của truyền thông trong việc tác động dư luận và kêu gọi các bên liên quan thực hiện những hành động cần thiết. Do đó, UNESCO tin tưởng rằng các phương tiện truyền thông có thể đóng góp một phần to lớn giải quyết vấn đề nan giải này.” Tọa đàm cũng giới thiệu cuốn sổ tay “Đối thoại thận trọng – Cẩm nang giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ trong và thông qua truyền thông” do UNESCO và UN Women đồng xuất bản năm 2019 như một tài liệu tham khảo hữu ích cho nhà báo về vấn đề liên quan.
IMG 6815
PGS.TS Dương Xuân Sơn (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) phát biểu tại tọa đàm
 
IMG 6731
TS Đỗ Anh đức (Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH&NV) thuyết trình về cuốn cẩm nang "Đối thoại thận trọng – Cẩm nang giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ trong và thông qua truyền thông”
IMG 3995
Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỉ niệm
Các tin liên quanttps://danviet.vn/nang-cao-chat-luong-tac-nghiep-bao-chi-ve-van-de-bao-hanh-phu-nu-va-tre-em-20220910165719848.htm
https://congly.vn/nang-cao-chat-luong-tac-nghiep-bao-chi-ve-van-de-bao-hanh-phu-nu-va-tre-em-213269.html
https://vietnam.vn/xa-hoi/tac-nghiep-bao-chi-ve-van-de-bao-hanh-phu-nu-va-tre-em-20220910110408460.html
https://dantri.com.vn/an-sinh/bao-chi-voi-viec-ngan-chan-tinh-trang-xam-pham-kep-toi-phu-nu-tre-em-20220910170042666.htm
                                                                                                  

Tác giả: Nguyễn Hoàng Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây