LỜI BÁC HỒ TRUYỀN DẠY CHO NGƯỜI LÀM BÁO

Thứ hai - 20/06/2022 18:31
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của báo chí trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tự giác tham gia phong trào cách mạng. Ngay từ những ngày tháng hoạt động tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia thành lập các tờ báo Le Paria, L’ Humanité, để truyền bá lý luận cách mạng vô sản. Về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người thành lập tờ Thanh Niên, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925, mở ra một dòng báo chí mới: Báo chí Cách mạng Việt Nam.
4

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập và là chủ bút của tờ báo Thanh Niên

Về vai trò, sứ mệnh của báo chí và người làm báo

Tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù đồng thời tuyên truyền, động viên Nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Người đã có trên 2.000 bài báo thuộc các thể loại, viết cho hơn 50 tờ báo và tạp chí ở trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng, thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, với phong cách đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Đồng thời, những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam.
Bác Hộ thường xuyên viết báo
Suốt cuộc đời làm cách mạng của minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là một vũ khí sắc bén để tuyên truyền đường lối cách mạng và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược (Ảnh TL)
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, gây dựng “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh việc mở lớp tập huấn, kết nạp đoàn viên, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội xuất bản tờ Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, và xuất bản cho đến cuối năm 1929 khi Hội kết thúc vai trò lịch sử của mình. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng từ khi ra đời được cắt nghĩa đơn giản mà lớn lao: tuyên truyền “để càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng”[1].
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. 
Đến Đại hội đại biểu lần thứ III Hội nhà báo Việt Nam, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”[2].
Bác Hồ tại Đại hội III Hội nhà báo Việt Nam (
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng đại biểu tham dự Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962) (Ảnh TL)
Báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”[3].
Nghị quyết của Bộ Chính trị 8/12/1958 khẳng định: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, Bác Hồ dạy, “... cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”[4].
Hồ Chí Tịch gặp gỡ phóng viên (5 1968)
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô HN (5/1968) (Ảnh TTXVN)
Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và nǎng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc[5].
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tính trung thực của nhà báo là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí.
Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp phải là người trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”[6]. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”.
Người làm báo cách mạng không những phải làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ của một người cách mạng mà phải gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội, và phải luôn trau dồi nghệ thuật tuyên truyền để thông điệp lan tỏa sâu rộng trong công chúng.

Về nghệ thuật tuyên truyền

Trong bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền đăng trên báo Sự thật số 79 (từ ngày 26/6/1947 đến ngày 9/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”[7].
Mục đích nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Người dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực và phê phán thói “ba hoa”, kiểu “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Người dạy: “Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”[8].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường viết rất ngắn gọn nhưng có ý nghĩa khái quát cao. Chỉ qua 9 chữ “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, Bác đã khái quát được cả 3 giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”… Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc tốt đẹp, bằng những lời lẽ giàu hình tượng, nói lên được những điều lớn bằng những chữ nhỏ”[9].
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, có những đóng góp to lớn, quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có sức lay động đối với công chúng vẫn vẹn nguyên giá trị cho những người làm báo hôm nay.
Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
 
 







[1] Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng (10/1930). Văn kiện Đảng, 2002. Tập 2. NXB Chính trị Quốc gia.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, 2005. tập 10. NXB Chính trị Quốc gia,tr.613.
[3] Bài “Cần phải xem báo Đảng”. Báo Nhân Dân, số 197, từ ngày 22 đến 24/6/1954.
[4] Tạ Ngọc Tấn, 1995. Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí. Cục xuất bản, Hà Nội. 
[5] Bài “Cần phải xem báo Đảng”. Báo Nhân Dân, số 197, từ ngày 22 đến 24/6/1954.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, 2005. Tập 5. NXB Chính trị Quốc gia.          
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011. Bài nói chuyện với cán bộ báo chí ngày 17/8/1952. Tập 7. NXB Chính trị Quốc gia.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011. Bài nói chuyện với cán bộ báo chí ngày 17/8/1952. Tập 7. NXB Chính trị Quốc gia.  
[9] Phạm Văn Đồng, 1990. Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. NXB Sự thật.
 

Tác giả: PGS.TS Đặng Thị Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây