Ngôn ngữ
Theo GS. Hoàng Anh Tuấn, cùng với sự đột phá của khoa học trong hoạt động bào chế vaccine phòng ngừa và phát triển thuốc điều trị Covid-19, tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội để kiến tạo niềm tin nhằm ổn định cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy cơ kéo dài thêm nhiều năm. Đây cũng chính là thế mạnh riêng của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong việc hỗ trợ cộng đồng ứng phó và thích nghi với dịch bệnh, vốn đã được cảnh báo là sẽ tiếp tục đồng hành cùng với nhân loại trong một thời gian dài.
Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân chủ trì toạ đàm
Trên thực tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay có gần như đầy đủ các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội và nhân văn, với đội ngũ chuyên gia hàng đầu cả nước. Trong những năm qua, bên cạnh hai nhiệm vụ chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học trọng điểm, Nhà trường liên tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng, trong đó có các hoạt động tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội.
Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực, ở trong và ngoài ĐHQGHN
Đặc biệt, vừa qua, Nhà trường đã bước đầu triển khai một số hoạt động tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội theo các cấp độ khác nhau nhằm hỗ trợ cộng đồng thêm tri thức, kỹ năng, vững niềm tin, thêm động lực để đi qua những tháng ngày dịch bệnh khó khăn, đồng thời chuẩn bị tâm thế cho những năm tháng sau đại dịch. Công đoàn Nhà trường phối hợp với Công đoàn Khoa Tâm lý học tổ chức diễn đàn mở “Cân bằng tâm lý, giảm stress trong mùa dịch” với các nội dung chia sẻ, tư vấn của chuyên gia tâm lý về cách ổn định cuộc sống trong giai đoạn thủ đô Hà Nội triển khai giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố. Sắp tới, góp phần cùng Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện “trách nhiệm quốc gia”, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã lên kế hoạch triển khai “Chương trình miễn phí tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội trực tuyến” cho cộng đồng thông qua Tổng đài tư vấn tâm lý - xã hội của Nhà trường. Trước mắt, Chương trình tập trung vào 2 mảng trọng tâm là “tư vấn tâm lý” và “tư vấn dịch vụ xã hội cơ bản bao trùm”. Về lâu dài, Nhà trường sẽ mở rộng hoạt động tư vấn chuyên ngành để hỗ trợ các lĩnh vực khác phục hồi và phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày tham luận: "Giải pháp tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội miễn phí giúp cộng đồng ứng phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới"
Toạ đàm lần này có sự tham dự của đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia về y tế, giáo dục, kinh tế trong và ngoài ĐHQGHN. Với phương châm ứng phó với đại dịch Covid-19 không đơn thuần là nhiệm vụ của riêng lực lượng tuyến đầu chống dịch là ngành y tế, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh rằng, cần tập trung sức mạnh tổng hợp và có giải pháp phối hợp đồng bộ của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Chính vì vây, tọa đàm được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, dựa trên thế mạnh liên ngành, liên lĩnh vực của ĐHQGHN để giải quyết vấn đề có tính thời sự cao. Qua hoạt động này, ĐHQGHN muốn góp thêm những ý kiến tư vấn với Chính phủ, các bộ ngành để có những giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 kịp thời và hiệu quả.
Ảnh: vnu.edu.vn
Tác giả: USSH
Nguồn tin: VNU Media - Trang thông tin điện tử Đại học Quốc gia Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn