Hội thảo khoa học Quốc tế "Những vấn đề an ninh và phát triển trong bối cảnh mới"

Thứ sáu - 14/05/2021 00:38
Đó là chủ đề của buổi Hội thảo khoa học Quốc tế được tổ chức ngày 12/5/2021 tại Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của gần 100 học giả, các nhà nghiên cứu và học viên, sinh viên trong và ngoài nước.

Hội thảo do Trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với University College Cork (Ireland) và Đại sứ quán nước Cộng hòa Ireland tại Việt Nam đồng tổ chức. Theo Ban tổ chức, cho đến ngày hội thảo diễn ra, Ban tổ chức đã nhận được gần 50 bài viết từ các học giả trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS.Đào Thanh Trường (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) khái quát về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của chủ đề Hội thảo và nhận định: thế giới hiện nay có nhiều tiềm năng nhưng cũng có nhiều nguy cơ, khát vọng về an ninh, an toàn và phát triển là mơ ước của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường đánh giá cao sự hợp tác giữa khoa Quốc tế học (trường Đại học KHXH&NV) với quỹ Irish Aid (Đại sứ quán Ireland) trong việc phối hợp tổ chức những hội thảo khoa học như vậy. Đồng thời, PGS.TS.Đào Thanh Trường cũng đề cập tới vai trò trung tâm trong lĩnh vực nghiên cứu về Khoa học xã hội và Nhân văn của Nhà trường, mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục phát huy lợi thế đó để tổ chức nhiều hội thảo có ý nghĩa hơn nữa.

Chủ tọa và điều phối viên của Hội thảo là hai giảng viên của Khoa Quốc tế học: GS.TS.Phạm Quang Minh và TS.Lê Lêna. Hội thảo được chia thành 2 phiên với 7 tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước. Mở đầu là báo cáo đề dẫn, mang tính chất gợi mở với tựa đề “Khoa học bền vững” của TS.Drogoul Alexis - Đại diện của Viện Nghiên cứu phát triển của Pháp tại Việt Nam.

Phiên 1 sau đó diễn ra với 3 báo cáo từ các học giả nước ngoài: (i) “Thuật ngữ An ninh phi truyền thống - và Hợp tác quốc tế có thể hỗ trợ thế nào” của TS.Sebastian Paust (Trưởng phòng hợp tác phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam); (ii) “Sự kết nối giữa an ninh lương thực, nước và năng lượng: quá trình và phát triển” của TS.John Ward (Viện nghiên cứu tương lai khu vực Mekong tại Lào) và (iii) “Di cư, hòa nhập xã hội và tác động của Covid -19” do TS. Edward Lahiff trình bày (thay mặt cho nhóm tác giả bao gồm cả GS. Phạm Quang Minh và ThS.Nguyễn Trọng Chính).

Phiên thứ 2 cũng có 3 báo cáo của các học giả trong nước gồm: (i) “Quyền lực chuẩn mực tại châu Á - Thái Bình Dương” của TS.Lê Lêna (khoa Quốc tế học); (ii) “Trật tự thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ Tư” của TS. Nghiêm Tuấn Hùng (Viện Kinh tế và chính trị thế giới) và (iii) “Sự lựa chọn nào cho Trung Quốc? Những điều chỉnh trong chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình” của TS. Hoàng Huệ Anh (Viện Nghiên cứu Trung Quốc).

Sau mỗi phần trình bày, các báo cáo viên đều nhận được các câu hỏi trao đổi và trả lời trực tiếp. Dù là một hội thảo trực tuyến song sự tương tác qua lại giữa các báo cáo viên và người tham dự rất thường xuyên, sôi nổi. Do đó, Hội thảo đã diễn ra liên tục trong suốt 5 giờ đồng hồ (từ 13h00 đến 18h00).

Kết luận tại buổi Hội thảo, GS.TS.Phạm Quang Minh đã đánh giá cao sự tâm huyết và những chia sẻ của cả 7 báo cáo viên. Theo GS.TS. Phạm Quang Minh, các bài trình bày được lựa chọn tại Hội thảo có sự gắn kết chặt chẽ với nhau từ lý thuyết tới thực tiễn. GS.TS.Phạm Quang Minh nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ giữa an ninh và phát triển, nhấn mạnh về một thế giới với bối cảnh mới khó đoán định và khẳng định rằng tương lai thế giới phụ thuộc vào chính các quốc gia. Trong đó, các quốc gia cần hướng nhiều hơn tới hợp tác và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Không chỉ các quốc gia, các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp quốc hay các tổ chức khu vực như EU, ASEAN…cũng cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết, hợp tác, chia sẻ để kiến tạo một thế giới an toàn, phát triển, lấy luật pháp quốc tế làm chuẩn mực và vì con người.

Tác giả: Ngô Tuấn Thắng, USSH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây