Webinar #2: "Học mê say - Sống ý nghĩa"

Thứ ba - 14/12/2021 20:38
Ngày 12/12/2021, Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội (CIRSS) đã tổ chức Webinar #2 "Học mê say - Sống ý nghĩa" trên nền tảng Zoom và Facebook. Tại sự kiện này, gần 200 bạn trẻ đã có cơ hội giao lưu và lắng nghe chia sẻ trực tiếp từ TS. Đặng Hoàng Ngân - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy và tham vấn trị liệu tâm lý.
Buổi hội thảo trực tuyến đã mang đến những góc nhìn đa chiều về cách tạo động lực học tập cũng như cách thiết kế cuộc sống sinh viên ý nghĩa thông qua các học thuyết trong tâm lý học và những câu hỏi, chia sẻ thực tế của người tham dự. 

Nguồn gốc của động lực
Mở đầu bài trình bày, TS. Đặng Hoàng Ngân đã chia sẻ về nguồn gốc của động lực. Động lực chính là nguyên nhân khiến chúng ta phải hành động. Ta càng gọi rõ nguyên nhân mình hành động là gì thì ta càng hiểu được các hành vi, ứng xử của bản thân. Theo các nhà tâm lý học, con người có động lực đến từ bên ngoài và đến từ bên trong.

  • Điều kiện hóa (củng cố bên ngoài): nhận được phần thưởng, né tránh hình phạt nào đó.
  • Ghi nhận xã hội: đến từ cả động lực bên ngoài và bên trong: bắt chước các mô hình tích cực, có được các năng lực xã hội hiệu quả, trở thành một phần của nhóm.
  • Nhận thức: hướng đến sự hiểu biết, khám phá; giải quyết vấn đề, ra quyết định; loại bỏ mối đe dọa hoặc rủi ro.
  • Cảm xúc: tăng cảm giác tốt và ngược lại, giảm mối đe dọa với lòng tự trọng; duy trì và tăng cường mức độ lạc quan và nhiệt tình.
  • Tính mục tiêu: đáp ứng mục tiêu phát triển bản thân; đạt được ước mơ cá nhân; phát triển hoặc duy trì hiệu quả bản thân; giảm sự kiểm soát cuộc sống của người khác lên mình.
  • Sinh học: giảm cảm giác đói, khát, khó chịu duy trì cân bằng nội môi.
  • Tính tâm linh: hiểu mục đích, ý nghĩa sống; kết nối bản thân với những ẩn số cuộc đời.
Bên cạnh đó, diễn giả giới thiệu đến người tham dự về định luật Yerkes-Dodson và lý thuyết quy gán. Theo định luật Yerkes-Dodson, chúng ta cần phải có một chút căng thẳng để có thể tạo động lực làm việc hoặc học tập. Trong mô hình dưới đây, khả năng hiện thực hóa hành động được mô tả ở trục tung, và trục hoành mô tả những kích thích, nhu cầu, đòi hỏi của tình huống. Khi căng thẳng đạt đến một mức độ hợp lý, khả năng làm việc cũng tăng theo. Cô nhấn mạnh rằng sinh viên cần phân tích nhiệm vụ học tập đang làm so với năng lực bản thân là dễ hay khó. Nếu nhiệm vụ dễ thì cần đòi hỏi mình cao hơn, còn nhiệm vụ khó thì đòi hỏi mình ít lại. Lý thuyết quy gán cho rằng mỗi người giải thích sự thành công hoặc thất bại đến với bản thân họ là dựa theo nguyên tắc nhất định đến từ bên trong (khả năng, năng lực) hoặc bên ngoài (may rủi, độ khó của nhiệm vụ).


Cách tạo động lực học tập
TS. Đặng Hoàng Ngân chia sẻ về hiệu ứng cắt ngang của nhà tâm lý học người Nga Zeigarnik. Hiệu ứng này cho rằng khi ta đang tập trung làm một việc gì đó mà bị cắt ngang thì đây sẽ là yếu tố để mình ghi nhớ hơn và tin rằng mình vẫn hoàn thành được việc đang dang dở. Ngoài ra, diễn giả đưa ra một vài phương pháp học tập phát triển động lực cho sinh viên.



Cuộc sống có ý nghĩa
TS. Đặng Hoàng Ngân chia sẻ quan điểm về cuộc sống ý nghĩa với năm yếu tố: cảm xúc tích cực, gắn kết, mối quan hệ tích cực, ý nghĩa, và hoàn thành. Một cuộc sống sinh viên đáng nhớ sẽ cần các bạn trẻ quan sát và chăm chút năm yếu tố này trong bản thân. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng: “Nếu ở đâu đó bạn gặp thất bại, bạn vẫn còn những yếu tố khác để hỗ trợ và hoàn thiện mình”. Chẳng hạn như lúc bạn cảm thấy không đạt được thành tựu nào, bạn hãy nhớ mình vẫn còn những nguồn lực khác bên cạnh mình, đó là những mối quan hệ tích cực, là sự gắn kết, là ý nghĩa trong cuộc sống.
 
 
Cuối cùng, diễn giả nói về lý thuyết động lực của Alderfer (1972). Lý thuyết này cho rằng có ba nhu cầu mà con người tìm cách đáp ứng đó là tồn tại, liên hệ và tăng trưởng. Khi một nhu cầu được đáp ứng, nó sẽ trở thành động lực để thỏa mãn nhu cầu khác.
 
1

Để kết lại phần trình bày của mình, TS. Đặng Hoàng Ngân nhấn mạnh rằng: "Những điều tuy nhỏ nhưng có thể mang ý  nghĩa lớn, và nó đều bắt đầu bằng chính hành vi của mỗi chúng ta. Chúc cho các bạn cảm nhận được nhiều niềm vui và những ý nghĩa của cuộc đời của mình".

Webinar #2 với chủ đề "Học mê say - Sống ý nghĩa" đã khép lại với sự phản hồi rất tích cực từ những người tham dự. Webinar được kỳ vọng sẽ đem đến cho các bạn trẻ những kiến thức và trải nghiệm bổ ích, thú vị để tạo động lực học tập và thiết kế cuộc sống đầy ý nghĩa.
 
-----------------------------
  Phiếu góp ý cho chương trình: https://forms.gle/jcMhYupx1JtJHZsp9
  Bạn hỏi - CIRSS trả lời : https://forms.gle/s25D6F21YbaNb4f79
  Xem lại chương trình tại đây:
https://www.facebook.com/cirss.vietnam/videos/3174626006102158
-------------------------------------
* Center for Interdisciplinary Research in Social Sciences *
Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội (CIRSS), trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Hotline: +84383846505 (Ms. Lan)
Email: cirss.vietnam@gmail.com
Địa chỉ: Phòng 701 nhà M - ngõ 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội

Tác giả: Phạm Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây