Ngôn ngữ
Có hơn 40 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế được trình bày tại 3 tiểu ban: Tiểu ban I - “Tôn giáo - nguồn lực văn hóa và xã hội: những vấn đề chung và ứng xử của một số quốc gia”; Tiểu ban II - “Tôn giáo - nguồn lực văn hóa và xã hội: trường hợp Phật giáo và các tôn giáo khác”; Tiểu ban III “Tôn giáo - nguồn lực văn hóa và xã hội: Trường hợp Ki tô giáo và các tôn giáo khác”.
PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo tập trung làm rõ vấn đề chuyên môn: Xét từ góc độ văn hóa và xã hội, tôn giáo có những nguồn lực gì và cần làm gì để vun bồi, khai thác và phát huy những nguồn lực đó phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước? Trên cơ sở các luận cứ khoa học, các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, hội thảo hướng tới đề xuất những giải pháp, kiến nghị cho các cơ quan chức năng cùng các chủ thể xã hội khác có liên quan nhằm hình thành nên nhận thức chung, cùng chung tay tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phát huy nguồn lực tôn giáo một cách hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại phiên Khai mạc
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh đề cập đến vai trò quan trọng của nguồn lực tôn giáo nhìn từ góc độ phát triển xã hội: “Đó là chỉnh thể của nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần; của nguồn lực hữu hình và nguồn lực vô hình; của nguồn trí lực, đức lực, nhân lực, tài lực, vật lực... Ở bất cứ nơi nào mà tôn giáo hiện hữu, nguồn lực tôn giáo đều giữ vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của cộng đồng nơi đó”.
GS. Trần Văn Đoàn (Đại học Quốc lập Đài Loan - Trung Quốc) trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo
Bài phát biểu cũng đề cập đến những nét đặc sắc, độc đáo trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam với tư cách là một bộ phận cấu thành trong lịch sử - văn hoá, tạo nên “sức mạnh mềm” của dân tộc. Đó là người Việt Nam, dù đối mặt với bất cứ thế lực ngoại xâm hùng mạnh nào, cũng đều kiên quyết chiến đấu vì quyền độc lập, tự do của dân tộc, nhưng lại “không từ chối” những tài sản văn hóa và tôn giáo tinh túy của nhân loại. “Không từ chối” nhưng sức tiếp biến văn hóa của dân tộc Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ. Những tôn giáo ngoại lai sau khi được “tiếp” vào Việt Nam, đều phải “biến” để thích nghi, trở nên những khác biệt không nhỏ so với nguyên gốc, trở thành tài sản tinh thần của người Việt Nam, góp phần đáng kể làm nên một dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến. “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước” cũng là định hướng đã được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Đánh giá cao ý nghĩa khoa học và tinh thần hợp tác học thuật quốc tế được phản ánh qua hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học đã nhiệt tình đóng góp trí tuệ cho hội thảo; đặc biệt cảm ơn Giáo sư Trần Văn Đoàn (Đại học Quốc lập Đài Loan - Trung Quốc) đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Triết học, Tôn giáo học với nhiều cơ quan nghiên cứu, đào tạo Triết học ở Việt Nam, trong đó có Trường ĐHKHX&NV.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Missionswissenschaftliches Institut Missio e. V) cũng là đơn vị đối tác tin cậy của Nhà trường từ nhiều năm qua. Viện đã tài trợ học bổng cho việc đào tạo nguồn nhân lực về Tôn giáo học cũng như các hoạt động học thuật của Trường liên quan tới lĩnh vực tôn giáo. Nhiều hội thảo quốc tế có chất lượng chuyên môn cao đã được tổ chức với sự phối hợp của hai đơn vị như: “Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa” (2009), “Tôn giáo và đạo đức trong đời sống công chúng” (2014), “Các nhà tư tưởng Kitô giáo ở Việt Nam và khu vực: một vài nghiên cứu so sánh” (2017), “Tôn giáo và khoa học phương Tây trong khu vực: các cách tiếp cận so sánh” (2018)... Hội thảo lần này là sự tiếp nối của các hoạt động khoa học thành công trên.
Tác giả: Thanh Hà, Ảnh: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn