Chính trị học được hình thành và phát triển trên nền tảng các khoa học xã hội và nhân văn
admin
2011-09-26T05:41:30-04:00
2011-09-26T05:41:30-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/chinh-tri-hoc-duoc-hinh-thanh-va-phat-trien-tren-nen-tang-cac-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-7863.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ hai - 26/09/2011 05:41
Ngày 27/9/2011, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) sẽ diễn ra Lễ Công bố Quyết định thành lập Khoa Khoa học Chính trị. Nhân dịp này, chúng tôi đã tìm gặp Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị - GS.TS. Phùng Hữu Phú, Nguyên UỶ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lí luận Trung ương, để tìm hiểu về một ngành học mới mẻ và đầy triển vọng này.
Ngày 27/9/2011, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) sẽ diễn ra Lễ Công bố Quyết định thành lập Khoa Khoa học Chính trị. Nhân dịp này, chúng tôi đã tìm gặp Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị - GS.TS. Phùng Hữu Phú, Nguyên UỶ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lí luận Trung ương, để tìm hiểu về một ngành học mới mẻ và đầy triển vọng này.
Kính chào Giáo sư. Trên thế giới, Chính trị học là một ngành khoa học đã có lịch sử khá lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mĩ v.v. nhưng ở Việt Nam, đây lại là một ngành học khá mới mẻ. Giáo sư có thể cho biết một số nét về ngành học này?
GS.TS Phùng Hữu Phú: Chính trị học là một ngành học rất trẻ, rất mới của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nói riêng, cả nước nói chung. Trước đây, mọi người đều nghĩ chính trị là quyền lực, khoa học chính trị là khoa học nghiên cứu về giành và giữ quyền lực, với một nguyên lí mẹ là mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nay khái niệm chính trị và chính trị học cần được mở rộng, không chỉ là vấn đề tổ chức quyền lực, mà là khoa học nghiên cứu về quyền của con người, của cộng đồng dân cư. Nghiên cứu về chính trị dần dần trở thành hoạt động phổ biến, ứng xử hằng ngày của mỗi người, nhưng muốn hiểu biết, cần nghiên cứu thật sự một cách khoa học. Nghiên cứu Chính trị học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng phong phú, sinh động và thiết thực hơn. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức, nhưng Chính trị học là lĩnh vực đầy triển vọng, có thể gắn bó suốt cả cuộc đời.
Được biết, ngoài Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị trực thuộc Học viện, thì Khoa Khoa học Chính trị ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành học này. Xin Giáo sư cho biết nét đặc trưng đặc sắc, trong đào tạo của Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn?
GS.TS Phùng Hữu Phú: Được thành lập từ năm 1995, với tên gọi ban đầu là Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa học Chính trị, nhưng thực ra, ý tưởng thành lập ngành Khoa học chính trị đã bắt đầu từ cuối những năm 1980, khi GS.VS. Nguyễn Duy Quý là Bí thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp. Chúng tôi đã chuẩn bị cho sự ra đời ngành học này trong hơn 20 năm, và hình thành một ngành Khoa học chính trị đúng nghĩa. Thâm nhập vào chương trình đào tạo Khoa học chính trị của thế giới, mở rộng quan hệ quốc tế là một trong những công việc được quan tâm hàng đầu. Chúng tôi đã có những hợp tác với Đại học Toronto (Canada), Đại học Oregon, Đại học California, Đại học New York, Đại học Connecticut (Mĩ), Học viện Chính trị Paris, Đại học Toulouse I (Pháp), Đại học Stockholm (Thuỵ Điển)… Tham khảo chương trình đào tạo các nước, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính chính trị của Việt Nam, tham khảo chương trình đào tạo của các trung tâm có uy tín. Có thể nói, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ cao, cổ vũ mạnh mẽ của các thầy ở Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện đi theo một cách tiếp cận riêng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Đào tạo Chính trị học ở một trường đại học lớn có bề dày truyền thống cần có bản sắc và thế mạnh của mình. Đó là câu hỏi trăn trở của các thầy cô giáo. Và chúng tôi nghĩ rằng Chính trị học được hình thành và phát triển trên nền tảng các khoa học xã hội nhân văn một cách vững chãi là nét đặc thù của Khoa Khoa học Chính trị Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Vì chính trị, suy đến cùng là văn hoá, chính văn hoá sẽ làm cho chính trị có chiều sâu, có sức sống và sự bền vững. Chúng tôi có nền của Sử học, Văn học, Triết học, Xã hội học, Tâm lí học, Báo chí, Đông phương học, Quốc tế học, Khoa học quản lí;… Chính trị học của Nhà trường sẽ tập trung vào Văn hoá chính trị, Chính trị học xã hội. Chương trình đào tạo không xa lạ với chương trình đào tạo của thế giới, đồng thời cũng tạo được bản sắc riêng của Chính trị học ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Là một ngành học mới và khó, những khó khăn mà Khoa đang phải đối mặt là gì?
GS.TS Phùng Hữu Phú: Đội ngũ cán bộ cơ hữu của Khoa hiện nay còn mỏng, cần được bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng hơn nữa. Lộ trình phát triển của Khoa dự kiến theo ba bước: đầu tiên, cán bộ của Khoa đảm nhiệm 30% chương trình đào tạo, mời ngoài 70%; sau đó, 50% cán bộ của Khoa, 50% cán bộ mời ngoài; và cuối cùng là cán bộ của Khoa đảm nhiệm 70% chương trình đào tạo, mời ngoài 30%. Dù ở phương diện phát triển nào, Khoa cũng phải thu hút được trí tuệ các chuyên gia hàng đầu của đất nước tham gia đào tạo. Nội lực là quyết định, nhưng ngoại lực cũng rất quan trọng. Cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu và nguyện vọng của sinh viên, đến phương pháp tiếp cận, phân tích và mổ xẻ các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước.
Năm 2012 tới đây, khoá sinh viên đầu tiên của Khoa sẽ ra trường, và các em đang rất băn khoăn về việc làm. Giáo sư có thể cho ý kiến về vấn đề này?
GS.TS Phùng Hữu Phú: Sinh viên tốt nghiệp ngành Chính trị học có thể làm được rất nhiều việc, vì cơ quan nào, địa phương nào cũng có nhu cầu, ở những mức độ khác nhau, giải quyết các vấn đề chính trị (nhận thức chính trị, quan hệ chính trị, hành xử chính trị…). Các doanh nghiệp, ví dụ như Tập đoàn Dầu khí, cũng có bộ phận tuyên truyền, cổ động và lắng nghe dư luận xã hội. Các cơ quan báo chí, xuất bản cần những phóng viên, biên tập viên am hiểu sâu chính trị... để viết các bài bình luận, phân tích chính trị, biên tập các tác phẩm chính trị. Các trường học, từ cấp phổ thông cho đến đại học, cần các thầy cô giáo giảng dạy giáo dục công dân, lí luận chính trị... Bộ máy chính trị, từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội… từ trung ương đến địa phương, cơ sở cũng cần những người am hiểu Chính trị học. Điều quan trọng là các bạn có nắm vững, có giỏi về lĩnh vực này hay không. Ví dụ như, cách xây dựng một nghị quyết, xây dựng một chỉ thị… như thế nào, sinh viên cần phải chuẩn bị. Sinh viên Chính trị học, nếu trong 4 năm có được một bằng kép, ví dụ như Chính trị học - Báo chí, thì chính là đã tự chuẩn bị cho mình những kĩ năng đáp ứng nhu cầu cuộc sống và thị trường lao động. Giữa tri thức đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động hiện nay đang có những điểm vênh và khoảng 70% sinh viên ra trường cần phải đào tạo lại. Chúng ta đang dạy những gì chúng ta có, chứ chưa suy nghĩ xem người ta cần cái gì để cung cấp cho sinh viên. Bài toán đó cần được giải từ hai phía, từ cơ sở đào tạo và từ sự tự trang bị của học viên, sinh viên.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư. Xin chúc Giáo sư sức khoẻ và chúc Khoa Khoa học Chính trị ngày càng phát triển.