Phát triển văn hoá chất lượng hướng tới xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế

Thứ năm - 27/10/2011 05:19
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Chí Hoà và ThS Vũ Minh Hiền (Trung tâm Đảm bảo chất lượng) tại Hội thảo khoa học “Văn hoá chất lượng trong trường đại học” vừa được tổ chức vào ngày 20/10/2011 vừa qua.
Phát triển văn hoá chất lượng hướng tới xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế
Phát triển văn hoá chất lượng hướng tới xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Chí Hoà và ThS Vũ Minh Hiền (Trung tâm Đảm bảo chất lượng) tại Hội thảo khoa học “Văn hoá chất lượng trong trường đại học” vừa được tổ chức vào ngày 20/10/2011 vừa qua.

1. Vấn đề

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong 20 trường đại học đã được Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định kết quả tự đánh giá. Hội đồng đã biểu quyết với tỉ lệ 92,86% số phiếu công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tác động thực tiễn của kết quả này dường như chưa có sức lan toả đến toàn thể cán bộ, giảng viên và nhân viên của Nhà trường. Từ đó, có thể thấy rằng, ngoài công tác kiểm định chất lượng, Nhà trường cần có những giải pháp khác để công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng trở thành ý thức thường trực và hoạt động thường xuyên của mọi thành viên trong Nhà trường. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của công tác kiểm định chất lượng, bài viết này sẽ trình bày cơ sở lí luận và thực tiễn để từ đó khẳng định phát triển văn hoá chất lượng như một giải pháp để xây dựng Nhà trường hướng đến trường đại học đẳng cấp quốc tế.

2. Từ kiểm định chất lượng...

2.1. Thực trạng chất lượng tại Trường ĐHKHXH&NV năm 2006 Ngày 05 tháng 02 năm 2009, Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục đã họp để thẩm định kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài của 20 trường đại học. Hội đồng đã thảo luận và kết luận về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội [1]. Hội đồng đã nhất trí với đoàn đánh giá ngoài với những kết quả cụ thể như sau:(sơ đồ 1a)
Loại tiêu chí Tự đánh giá của trường Đánh giá của đoàn đánh giá ngoài
Tiêu chí không đạt Không có
    0%
Không có
    0%
Tiêu chí không đánh giá được Không có
    0%
Không có
    0%
Tiêu chí đạt mức 1 07 tiêu chí 13% 15 tiêu chí
    28%
Tiêu chí đạt mức 2 46 tiêu chí 87% 38 tiêu chí
    72%
Tiêu chí đạt mức 3 0 tiêu chí
    0%
0 tiêu chí
    0%
Bảng 1: Kết quả đánh giá tại thời điểm tháng 6/2006 Hội đồng nhất trí đánh giá những điểm mạnh, những điểm còn tồn tại và những kiến nghị đối với Trường của Đoàn đánh giá ngoài [2]. 2.2. Thực trạng chất lượng tại thời điểm đánh giá giữa kì năm 2009 Sau khi được đoàn đánh giá ngoài khuyến cáo, Nhà trường đã tích cực cải tiến, đã nâng mức được 38/53 tiêu chí. Kết quả đánh giá của các phản biện đã ghi nhận những bước phát triển của Nhà trường.
Loại tiêu chí Tự đánh giá của trường Đánh giá của phản biện
Tiêu chí không đạt Không có 0% Không có 0%
Tiêu chí không đánh giá được Không có 0% Không có 0%
Tiêu chí đạt mức 1 Không có 0% Không có 0%
Tiêu chí đạt mức 2 24 tiêu chí 45,3% 32 tiêu chí 60,4%
Tiêu chí đạt mức 3 29 tiêu chí 54,7% 21 tiêu chí 39,6%
Bảng 2: Kết quả đánh giá tại thời điểm tháng 9/2009 Như vậy, có thể thấy qua hai kì kiểm định, Nhà trường đã có những bước tiến trên con đường phát triển của mình.

3. ...đến xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng để hướng tới đại học đẳng cấp quốc tế

3.1. Tính tất yếu của việc phát triển văn hoá chất lượng Người ta có những cách hiểu khác nhau về chất lượng. Một trong những cách hiểu đó là: Chất lượng là sự xuất sắc. Trong quan niệm này, các tiêu chuẩn về trình độ cao được coi trọng. Chất lượng phải là cái tốt nhất, cái xuất sắc nhất. Việc theo đuổi sự xuất sắc rõ ràng là một đặc trưng có ý nghĩa của bất kì một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế nào. Để tiến tới theo hướng này, hệ thống đảm bảo chất lượng tất yếu đóng một vai trò quan trọng. Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát triển hệ thống chất lượng bên trong hơn một thập kỉ qua. Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng nằm trong sự phát triển chung đó. Ngày nay, tính tự chủ của các trường đại học đang được tăng lên. Đó là một thuận lợi nhưng cũng tăng áp lực về trách nhiệm giải trình của các đại học và trường đại học. Mới đây, việc đánh giá các chương trình đào tạo của hai đại học quốc gia theo chuẩn AUN cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo ra sức ép đối với các đơn vị chưa được kiểm định theo hệ thống này. Sự phát triển của thị trường giáo dục đại học đã gia tăng kì vọng của “các khách hàng” (sinh viên, nhà tuyển dụng và các bên liên quan khác). Rõ ràng là, khu vực hoá và toàn cầu hoá đang là một yếu tố quan trọng tạo sức ép đối với các đại học Việt Nam, buộc họ phải phấn đấu để ngang tầm với các đại học khu vực và quốc tế. Việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam không chỉ là mục tiêu của chính phủ và các trường đại học mà còn là một yêu cầu khách quan của sự phát triển. Muốn tạo dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế thì cần có một tầm nhìn quốc tế và khả năng năng thu hút sinh viên và giảng viên nước ngoài. Dù việc xếp hạng đại học dựa trên nhiều chỉ số khác nhau, nhiều tiêu chí khác nhau, đặc biệt là, vấn đề nghiên cứu khoa học nhưng chất lượng giảng dạy vẫn là một yếu tố cốt lõi trong một trường đại học. Việc thu hút các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh nước ngoài vào học tập tại các trường đại học Việt Nam là yêu cầu khách quan của một đại học mang đẳng cấp quốc tế nhưng trước hết các chương trình đào tạo từ bậc cử nhân đến bậc tiến sĩ phải có chất lượng quốc tế. Vậy, chương trình đạt chất lượng quốc tế được đánh giá bằng cái gì? Phải chăng đó là những tiêu chuẩn đánh giá (các thước đo) phải được dựa vào những tiêu chí có ảnh hưởng sâu sắc đến đánh giá chất lượng. Thật ra, chất lượng ảnh hưởng đến tất cả các mặt của một trường đại học, các mặt này hoà hợp vào nhau mà tạo thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở những khu vực khác nhau có những yêu cầu phát triển khác nhau. Nói một cách khác, những trường đại học đẳng cấp quốc tế phải có cùng một yêu cầu với các trường đại học khác nhưng cũng có những nét riêng - những đặc điểm riêng của chính mình. Đạt được sự xuất sắc có nghĩa là, phải đi tới một cơ chế cơ bản về đảm bảo chất lượng. Người ta đã ví sự xuất sắc như một “núi băng”, mà ở đó các chỉ số được sử dụng để xếp hạng chỉ như là phần nhìn thấy được và hệ thống chất lượng có những cái ẩn tàng không nhìn thấy được. Những chỉ số mà không dựa vào một hệ thống đảm bảo chất lượng “bền vững” thì dễ đổ vỡ. Mặt khác, như TS. Vũ Phương Anh nhận xét “Một nhược điểm quan trọng khác cũng đã từng được giới nghiên cứu nêu ra, đó là ngay cả khi kết quả xếp hạng thực sự đáng tin cậy và có giá trị, chúng vẫn không chỉ ra được tại sao một trường đại học đã đạt được vị trí nào đó. Xếp hạng cho ta biết đích đến, nhưng không vẽ ra con đường đến đích. Và có lẽ cũng không nên đòi hỏi điều này từ các bảng xếp hạng. Để đến đích, có rất nhiều con đường, tuỳ thuộc vào vị trí hiện tại, năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của từng trường đại học và từng quốc gia. Con đường này phải được xác định bởi chính các nhà lãnh đạo của các trường trong định hướng phát triển chung của đất nước.” [3a] Vì vậy, để duy trì hoặc tiến tới một trường đại học đẳng cấp quốc tế, thì chất lượng phải được quan tâm, nếu không như vậy, trường đại học đó thực sự phải đối mặt với những thách thức. Mục tiêu đặt ra đối với một trường đại học không chỉ là nhằm tạo ra và vận hành một hệ thống đảm bảo chất lượng song hành với những tiêu chuẩn mang tính quốc tế mà còn phải phát triển hệ thống có sự gắn bó chặt chẽ giữa việc duy trì và cải tiến chất lượng; đồng thời, phải tạo ra nét riêng - đặc quyền sở hữu riêng có của mình mang tính hệ thống. Muốn vậy, mọi thành viên trong trường đại học cần hiểu thấu quá trình đảm bảo chất lượng và thực hiện chúng. Đó chính là xây dựng văn hoá chất lượng trong một trường đại học. Nhờ những tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế mà các trường đại học có một cái khung chung, theo đó, người ta có thể tạo dựng hệ thống chất lượng đúng đắn về phương diện phương pháp. Tuy nhiên, việc phân tích các tài liệu và thực tiễn cho thấy điều kiện đầu tiên này không đủ cần thiết để cải tiến chất lượng. Những nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra một sự thật rằng, một số quá trình đảm bảo chất lượng đã không có tác động đến hiện thực chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và những hoạt động khác, ít nhất, nó không tương xứng với kì vọng được đặt ra. Việc cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng không thường xuyên mang lại kết quả tốt cho việc cải tiến chất lượng. Để khắc phục khiếm khuyết này và để tăng cường chất lượng trong trường đại học, khái niệm văn hoá chất lượng đã được phát triển và lan toả. Trong giáo dục đại học, khái niệm văn hoá chất lượng đã được các trường đại học ở châu Âu (EUA) lựa chọn để truyền đạt một khái niệm về chất lượng như một giá trị được chia sẻ và trách nhiệm giải trình tập thể của mọi thành viên trong trường đại học, bao gồm cả sinh viên và cả những chuyên viên hành chính. Văn hoá chất lượng yêu cầu đảm bảo một sự chấp thuận của các thành viên để phát triển một sự đồng thuận bên trong một cộng đồng đại học thông qua việc xây dựng cộng đồng một cách có hiệu quả, cũng như thay đổi các giá trị, quan điểm và cách ứng xử trong một trường đại học [3b]. Khái niệm văn hoá chất lượng còn được dùng để chỉ văn hoá của một tổ chức mà mục đích của nó là tăng cường chất lượng có tính chất bền vững; nó được đặc trưng bởi hai thành tố khác biệt; một là, thành tố văn hoá/tâm lí của những giá trị, niềm tin, các kì vọng được chia sẻ và sự cam kết hướng đến chất lượng; hai là, văn hoá chất lượng là một thành tố mang tính cơ chế/quản trị với những quá trình được xác định, để tăng cường chất lượng và hướng tới sự kết hợp những nỗ lực của mỗi cá nhân [4]. Theo cách hiểu của Lanarès [5], khái niệm văn hoá chất lượng có hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất,“chất lượng” là sự ưu tiên hàng đầu của tổ chức và là một trong những giá trị của văn hoá tổ chức. Chất lượng là một giá trị được xác định. Theo cách hiểu thứ hai, văn hoá chất lượng được xem xét như nét văn hoá trong văn hoá của tổ chức và bị ràng buộc bởi những giá trị khác. Như vậy, dù theo bất kì cách tiếp cận nào thì văn hoá chất lượng luôn luôn được ràng buộc bởi những giá trị khác và được xem như một nét văn hoá trong văn hoá tổ chức của một trường đại học. Nói một cách tổng quát nhất thì, không có một định nghĩa nào về văn hoá chất lượng được thừa nhận hoàn toàn. Tuy nhiên, có một định nghĩa về văn hoá của Brenan và Shah (2000) nhấn mạnh ba khía cạnh chung nhất đã được các nhà nghiên cứu thống nhất  “Văn hoá bao gồm giá trị, thái độ và cách ứng xử”[6]. Vì thái độ và cách ứng xử được dựa trên giá trị, nên có thể xem giá trị như là nền tảng cơ bản, trọng tâm của văn hoá. 3.2. Phát triển văn hoá chất lượng như thế nào? Sự phát triển văn hoá chất lượng là sự thay đổi văn hoá để tiến tới sự hội tụ rộng lớn hơn trên con đường tư duy và hành động về chất lượng. Nó có ý nghĩa như một con đường mới trong việc tiến hành công việc nhưng cũng là cách hiểu mới về những hành động này. Theo đó, bước đầu tiên trong phát triển văn hoá là xác định giá trị cốt lõitạo ra sự đồng thuận đối với các giá trị cốt lõi. Chẳng hạn, một trong những giá trị cốt lõi của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng quốc gia xác định: là trường có quá trình lịch sử lâu dài, trường có tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực khoa học xã hội. Trường đã đào tạo được nhiều tác giả nổi tiếng, có nhiều công trình khoa học đồ sộ và có người đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là ưu thế lớn của Trường mà những trường khác khó có thể có được. Trên cơ sở xác định các giá trị cốt lõi, bước tiếp theo là truyền đạt những giá trị cốt lõi bằng cả khái niệm có tính lí luận và cả trong thực hành của hệ thống đến tất cả mọi thành viên trong nhà trường. Tuy nhiên, luôn luôn có những sự hoà hợp giữa những giá trị đuợc tuyên bố với những giá trị tiềm tàng mà nó thực sự ảnh hưởng tới cách ứng xử và những quyết định của cá nhân hoặc tổ chức. Theo đó, một câu hỏi được đặt ra là, chúng ta chứng minh như thế nào đối với những người khác và đối với chính chúng ta về những giá trị riêng có của mình? Dựa trên cơ sở nào mà người ta cả ở bên trong và bên ngoài tổ chức đều thừa nhận những giá trị này như là giá trị riêng? Vai trò của người lãnh đạo trong phát triển văn hoá chất lượng để tạo ra sự cố kết tự nguyện và sự đồng thuận sáng tạo của các thành viên trong nhà trường là rất quan trọng. Để chứng minh, có thể lấy Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN làm ví dụ. Quá trình đánh giá/kiểm định chất lượng trong 5 năm trở lại đây diễn ra thường xuyên, liên tục. Đánh giá cấp trường (5 năm 1 lần, có đánh giá giữa kì); các khoa lần lượt được tự đánh giá và đánh giá ngoài. Ngoài sự cố gắng đo lường chất lượng của đơn vị đào tạo, Nhà trường còn tiến hành đánh giá giảng viên qua phản hồi của các sinh viên v.v. Thông qua việc kiểm định, đánh giá, chất lượng được cải tiến, các khiếm khuyến được khắc phục. Tại Trường ĐHKHXH&NV, việc đo lường được hoạch định một cách có kế hoạch và gắn bó chặt chẽ với việc cải tiến về mặt chất lượng. Có được những thành tựu đó, trước hết nhờ sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu và sự đồng thuận cao của các thành viên trong nhà trường. Hệ thống phát triển văn hoá chất lượng bao gồm các phép đo ở những cấp độ khác nhau như được chỉ ra ở sơ đồ 2. Điểm khởi đầu là một bộ giá trị đã được tích luỹ và thừa nhận (1), tiếp đến là các nguyên tắc và phương thức đánh giá chất lượng (2). Những nguyên tắc và phương thức này sau đó được chuyển thành công cụ để đánh giá, trên cơ sở kết quả đánh giá, những khiếm khuyết được cá nhân và tập thể cải tiến (3). Chất lượng qua việc thực hiện đánh giá và cải tiến lại tăng cường và phát triển tạo ra giá trị mới.

Một vấn đề đặt ra là đo lường sự phát triển của văn hoá chất lượng như thế nào? Việc xem xét văn hoá chất lượng có thể được xem xét từ hai cấp độ: Cấp độ bề nổi (bề mặt) và cấp độ chìm (bề sâu). Ở cấp độ bề nổi, người ta có thể quan sát được, tính toán được một cách rõ ràng; ví dụ: số người tham gia vào quá trình phát triển chất lượng, số lượng các chương trình, giảng viên được đánh giá.... Ở cấp độ sâu, sự phát triển văn hoá chất lượng có liên quan tới sự thay đổi trong cách ứng xử của cá nhân hay tổ chức đối với vấn đề chất lượng, tương ứng với bề nổi của nó. Vì vậy, quá trình phát triển văn hoá chất lượng mang hai mục đích và yêu cầu mà chúng ta cần quan sát: (1) Số lượng người tham gia vào công tác phát triển văn hoá chất lượng và phạm vi đồng thuận; (2) Từ đồng thuận, cá nhân hay tổ chức chuyển nhận thức thành hành động (cải tiến chất lượng); như được chứng minh ở sơ đồ 3:

Vì sự thay đổi văn hoá chất lượng diễn ra trong một thời kì dài và mang tính ẩn tàng, nên cần phải tìm ra cách để “đánh dấu” sự phát triển của văn hoá chất lượng. Vậy, đo sự phát triển văn hoá chất lượng như thế nào? Nói một cách ngắn gọn, hiện nay có ba loại đo căn bản đã được sử dụng: (1) người ta nói gì về những giá trị và niềm tin của họ về chất lượng của đơn vị; (2) người ta nói gì về cái mà họ đã/ đang làm cho chất lượng của đơn vị; (3) người ta đạt kết quả gì qua những hành động của họ. Để quan sát sự phát triển văn hoá chất lượng trong Nhà trường nói chung và trong các đơn vị thuộc trường, cũng như các cá nhân nói riêng, có thể tiến hành như dưới đây. Ở cấp độ cá nhân, để có thể biết được quan điểm và những nhận xét về chất lượng của các thành viên trong nhà trường, ta có thể căn cứ vào việc trả lời những câu hỏi của các chuyên gia đánh giá ngoài, cũng như câu trả lời của họ qua các bảng hỏi được chuyển cho từng giảng viên trong các kì kiểm định chất lượng trường /khoa. Cũng có thể biết được quan điểm và nhận xét của các cá nhân về chất lượng thông qua các cuộc thảo luận trong những cuộc họp bộ môn/khoa /trường, đại hội công nhân viên chức cấp khoa/trường ... Mặt khác, cũng cần xác định tỉ lệ phần trăm những người đồng thuận đối với cách tiếp cận chất lượng và giá trị của đơn vị. Đồng thời, để xác định việc đảm bảo và tăng cường chất lượng của một cán bộ giảng viên nào đó, cần xác định cán bộ, giảng viên đó tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng như thế nào: cá nhân đó có tiến hành tự đánh giá quá trình giảng dạy hay không; cá nhân đó có hưởng ứng việc đánh giá giảng dạy hay không. Đặc biệt là, đối với các giảng viên thì họ có cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy hay không. Chẳng hạn, đa số các thành viên trong Trường ĐHKHXH&NV đã tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng. Từ năm học 2007- 2008 đến nay, Trường ĐHKHXH&NV đã tiến hành đánh giá bài giảng của giảng viên. Sinh viên trả lời bảng hỏi để đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên, chỉ ra những mặt tích cực và mặt còn hạn chế. Trên cơ sở đó, giảng viên trong hoạt động giảng dạy của mình đã tích cực cải tiến. Đa số các giảng viên đã không ngừng cải tiến về nội dung và phương pháp giảng dạy. Kết quả là, học kì sau được đánh giá tốt hơn học kì trước, năm sau tốt hơn năm trước. Đồng thời, các giảng viên cũng tích cực tham gia đánh giá ở cấp khoa và ở cấp trường v.v. Ở cấp độ tập thể, cần xác định khái niệm chất lượng và các tiêu chuẩn chất lượng mà đơn vị đó áp dụng, những tuyên bố hay cam kết phát triển và các điều chỉnh, cải tiến chất lượng hàng năm của đơn vị đó; việc đổi mới hàng năm đối với chất lượng; ngoài ra, cũng cần xem xét thực tế điều chỉnh (cải tiến chất lượng) và nghiên cứu phương hướng hành động của đơn vị đó. Quan điểm chất lượng của khoa/trường cũng như những quan niệm, các tiêu chuẩn thường được thể hiện bằng các tuyên bố công khai về chiến lược phát triển và quá trình đảm bảo chất lượng ở tất cả các cấp độ trong tập thể đó. Để tìm hiểu sự phát triển và điều chỉnh (cải tiến), có thể căn cứ vào việc khoa/trường đã đưa ra những quy định gì, những quyết sách gì hay những cam kết đổi mới nào để thay đổi chính mình nhằm đáp ứng những yêu cầu của chất lượng và khoa/trường có chỉ định một cấp phó phụ trách về công tác chất lượng hay không. Sự cải tiến trong chương trình hành động của trường và khoa sau khi đánh giá, đòi hỏi các quá trình đảm bảo và nâng cao chất lượng phải được đưa vào trong điều hành công việc hàng ngày. Chỉ có như vậy, sự phát triển văn hoá chất lượng mới đưa lại những kết quả tốt đẹp. Chẳng hạn, một trong những điểm tồn tại của Trường ĐHKHXH&NV được đoàn đánh giá ngoài tại thời điểm năm 2006 chỉ ra là “Số đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước còn ít và còn nhiều đề tài nghiệm thu chậm tiến độ”. Khắc phục tồn tại này, Nhà trường đã có những giải pháp tích cực. Giai đoạn 2006 - 2009, Trường đã tiến hành 01 đề án nghiên cứu và 05 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước; 177 đề tài cấp Đại học Quốc gia; 120 đề tài cấp Trường, trong đó 95% đề tài nghiệm thu đúng hạn; kết quả nghiệm thu 80% loại tốt, 15% loại khá, 5% đạt. Tỉ lệ kinh phí đề tài chia trên đầu mỗi giảng viên trung bình là 2.800.000đ. Số lượng và chất lượng các đề tài có sự tăng trưởng mạnh [7]. Văn hoá chất lượng cũng gắn liền với hoạt động giao tiếp, truyền thông, Nhà trường đã tổ chức hội nghị cải tiến công tác chất lượng. Tại các hội nghị này, TTĐBCL đã miêu tả thực trạng, mục tiêu cải tiến, những việc cần làm, thời gian hoàn thành cụ thể. 4. Kết luận Để xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế, bất kì trường đại học nào cũng phải xây dựng hệ thống chất lượng bên trong và phải phát triển văn hoá chất lượng để mọi thành viên trong nhà trường hiểu những vấn đề của quá trình đảm bảo chất lượng và tích cực tham gia vào quá trình đó trong hoạt động thực tiễn của họ. Văn hoá chất lượng là một nét văn hoá trong văn hoá của tổ chức. Một vấn đề có tính chất trọng tâm của việc tạo lập và phát triển văn hoá chất lượng là tạo ra những giá trị và những đặc điểm, ưu thế riêng và làm lan toả khái niệm chất lượng và những tác dụng của nó để tác động vào việc thực hành của các tập thể, các cá nhân. Phát triển văn hoá chất lượng là một quá trình dài lâu yêu cầu cần có những phương tiện để “hiệu chỉnh” sự phát triển “nét riêng” của nó. Việc đánh giá “nét riêng” được dựa vào những gì người ta nói và làm. Cả hai phương diện này rất quan trọng đối với sự ăn sâu bám rễ của văn hoá chất lượng vào một trường đại học.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Giáo dục và đào tạo, Thông báo về kết quả phiên họp Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục, Số 11/TB-BGDĐT, Ngày 25 tháng 2 năm 2009. [2] Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định kết quả tự đánh giá của Trường ĐHKHXH&NV đã khẳng định: - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường có quá trình lịch sử lâu dài, trường có tầm cỡ quốc gia trong lĩnh vực khoa học xã hội. Trường đã đào tạo được nhiều tác giả nổi tiếng, có nhiều công trình khoa học đồ sộ và có người đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là ưu thế lớn của Trường mà những trường khác khó có thể có được. - Trường có diễn đàn trên website, cán bộ và sinh viên có thể phản ánh các bức xúc của mình, giúp cho quá trình dân chủ cơ sở được đảm bảo. - Trường có đầy đủ chương trình đào tạo các bậc đại học, sau đại học; Các chương trình được in thành sách công bố cho sinh viên giúp người học nắm được những thông tin của quá trình học tập tại trường. - Hằng năm, trường tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, việc làm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp xúc nhà tuyển dụng và biết được những yêu cầu của họ cũng như có thể tìm được việc làm. Qua đó trường đã thu được những thông tin để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. - Trong công tác đào tạo, Trường chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang học chế tín chỉ như chuẩn bị cơ sở vật chất, thay đổi chương trình, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy,… nhằm tạo sự thuận lợi cho người học nhiều hơn. - Trường đã quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy. Có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích giảng viên kí kết hợp đồng đổi mới phương pháp giảng dạy. - Trường đã coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong giảng viên và sinh viên. Số lượng đề tài, bài báo trong những năm gần đây của trường là lớn; số lượng đề tài nghiệm thu hằng năm trên tỉ lệ giảng viên khá cao(bình quân 6 giảng viên có 1 đề tài, 2 giảng viên có 1bài báo). - Trường có thế mạnh về quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ với Trung Quốc trong việc kết hợp đào tạo. Các hoạt động quan hệ quốc tế đều theo đúng các quy định của nhà nước. Thông qua quan hệ quốc tế đã nhận được tài trợ xây dựng các phòng như Thái Lan học, Trung Quốc học và Nhật Bản học. - Cần tăng cường hơn nữa nguồn lực và tài chính cho lĩnh vực hoạt động hợp tác quốc tế vì đây là thế mạnh của Trường, nếu mạnh dạn đầu tư chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. ... [3a]Xếp hạng đại học: Mối quan hệ nào với chất lượng?http://www.baomoi.com/Xep-hang-dai-hoc-Moi-quan-he-nao-voi-chat-luong/59/6741156.epi [3b] EUA, (2006) Quality Culture in European University: A bottom-up approach, Brussel, EUA. [4] EUA, (2006) Quality Culture In European University: A bottom-up approach,Brussel, EUA.(p.10) [5] Lanarè, J. (2008) Developing a Quality culture, in Froment, E; Kohler, J; Purser, L. and Wilson L (eds), EUA Bologna Handbook, article C.2.1-1, Berlin, Raabe Verlag [6] Brennan, j và Shah.T (2000) Quality assessment and institutional change: Experience from 14 countries, Higher Education, 40, 331-349 [7] Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Báo cáo tự đánh giá, H.10-2009

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây