Bước đầu xây dựng văn hoá chất lượng ở Trường ĐHKHXH&NV

Thứ năm - 27/10/2011 05:02
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Hiệu trưởng) tại Hội thảo khoa học “Văn hoá chất lượng trong trường đại học” vừa được tổ chức vào ngày 20/10/2011 vừa qua.
Bài viết của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Hiệu trưởng) tại Hội thảo khoa học “Văn hoá chất lượng trong trường đại học” vừa được tổ chức vào ngày 20/10/2011 vừa qua.

1.Văn hoá chất lượng trong trường đại học

Tầm quan trọng của các khái niệm về văn hoá trong giáo dục đã tăng cao kể từ những năm 1990 và cho đến cả thế kỉ 21 này. Một trong những khái niệm về văn hoá trong giáo dục là “văn hoá chất lượng”. Người ta có những cách hiểu khác nhau về chất lượng chẳng hạn: (1) Chất lượng là sự xuất sắc. Trong quan niệm này, các tiêu chuẩn về trình độ cao được coi trọng. Chất lượng phải là cái tốt nhất, cái xuất sắc nhất. Có thể nói đến một cái gì đó có chất lượng và một cái gì chất lượng hơn. Người ta thường xuyên nói về nâng cao chất lượng nghĩa là thúc đẩy sự xuất chúng. Lẽ dĩ nhiên, mọi người ai cũng muốn cố gắng hết sức để đạt chất lượng. Nhưng không có quốc gia nào mà tất cả các trường đại học đều xuất chúng. Cách hiểu thứ hai (2) chất lượng là sự phù hợp với mục đích đặt ra. Với quan niệm này về chất lượng, câu hỏi đặt ra là liệu trường đại học nào đó có đạt được các mục tiêu mà họ đề ra hay không. Trong cách hiểu này, người ta quan tâm đến chất lượng của các quá trình. Quan niệm này về chất lượng là hướng tới sự phát triển. Nhưng, liệu cách tiếp cận này có đảm bảo đạt được chất lượng hay không nếu một trường đại học nào đó có thể đặt ra cho mình mục tiêu quá thấp để rồi có thể thực hiện được chúng một cách dễ dàng. Điều này có nghĩa là chúng ta không chỉ phải thảo luận sự phù hợp với mục đích mà còn phải tính cả đến tính phù hợp của mục đích nữa. Quan niệm thứ ba (3) Chất lượng là giá trị gia tăng. Quan niệm này nhấn mạnh những gì diễn ra ở các sinh viên. Tất nhiên, giáo dục là hướng tới sinh viên. Theo đó, chất lượng có nghĩa là giá trị gia tăng cho các sinh viên trong giáo dục và đào tạo. Đó là phương pháp tạo ra các kết quá học tập và nhận diện thành quả ở các sinh viên tốt nghiệp. Câu hỏi cơ bản về chất lượng sẽ là: “Sinh viên đó đã học được những gì trong nhà trường?”. Quan niệm thứ (4) là Chất lượng là giá trị tiền của. Quan niệm này nhấn mạnh đến năng lực. Nó đo kết quả đầu ra so với đầu vào. Đây là quan niệm được các chính phủ ủng hộ. Quan niệm này được xem là không đo đếm được sự thoả mãn của khách hàng. Cùng với sự tăng nhanh về quan niệm “sinh viên là khách hàng”, chất lượng được miêu tả là: “một thứ có chất lượng khi đáp ứng nguyện vọng của khách hàng, chất lượng là sự thoả mãn khách hàng”. Ngoài ra còn nhiều quan niệm khác nữa. Về văn hoá chất lượng cũng có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Một trong những định nghĩa đã khẳng định “Văn hoá chất lượng là một hệ thống các giá trị của tổ chức để tạo ra môi trường thuận lợi cho việc thiết lập và liên tục cải tiến chất lượng”. * Trên cơ sở cách hiểu này về văn hoá chất lượng Trường ĐHKHXH&NV đã và đang hình thành hệ thống giá trị mới để tạo ra môi trường cho việc tạo lập và cải tiến chất lượng. Trong thực tế các giá trị này đang trở thành một nét văn hoá của Nhà trường.

2. Bước đầu xây dựng văn hoá chất lượng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

2.1. Xây dựng văn hoá chất lượng gắn liền với đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập của Thầy và trò Từ lâu, trường ĐHKHXHNV đã khẳng định Chất lượng là lẽ sống của nhà trường. Trên cơ sở đó, Nhà trường đang chuyển sang Quản lí trường đại học lấy quản lí chất lượng đại học làm cốt lõi. Thấm nhuần điều 15 Luật Giáo dục khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”, Nhà trường đã tiến hành đánh giá bài giảng của giảng viên. Nếu ở buổi ban đầu còn có nhiều ý kiến khác nhau thì cho đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp và trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục; một nét văn hoá mới đang hình thành. Một giá trị mới đang được khẳng định. Cụ thể, Nhà trường đã tiến hành lấy ý kiến sinh viên về chất lượng giảng dạy Ngoại ngữ, xử lí và hoàn thành kết quả đánh giá chất lượng giảng dạy Ngoại ngữ của 46 giảng viên. - Trong năm học 2007-2008, đã tiến hành lấy ý kiến sinh viên về chất lượng bài giảng tại 08 Khoa: Đông phương học, Tâm lí học, Báo chí, Du lịch, Văn học, Quốc tế học, Lưu trữ và Quản trị văn phòng, Thông tin -Thư viện. Xử lí và hoàn thành kết quả đánh giá chất lượng 47 bài giảng; do 4077/4820 sinh viên đang học đánh giá (chiếm tỉ lệ 92% trên tổng số sinh viên học). - Năm học 2008-2009: Học kì I năm học 2008-2009, khảo sát 2289 sinh viên đánh giá 32 bài giảng của giảng viên tại các khoa: Du lịch, Lịch sử, Báo chí và Truyền thông, Văn học, Thông tin Thư viện, Bộ môn Khoa học Chính trị. Học kì II 2008-2009 : Khảo sát 3526 lượt sinh viên đánh giá bài giảng của giảng viên của 8 khoa: Văn học, Quốc tế học, Ngôn ngữ, Du lịch học, Xã hội học, Triết học, Thông tin thư viện; Lưu trữ và Quản trị văn phòng. - Đặc biệt, năm học 2009-2010, Nhà trường đã tiến hành khảo sát ý kiến đánh giá của 18.508 lượt sinh viên đánh giá bài giảng của giảng viên của 13 khoa: Khoa Báo chí- Truyền thông; Khoa Du lịch học; Khoa Đông phương học; Khoa Lịch sử; Khoa Lưu trữ và quản trị văn phòng; Khoa Quốc tế học; Khoa Ngôn ngữ học; Bộ môn Khoa học chính trị; Khoa Tâm lí; Khoa Xã hội học; Khoa Khoa học quản lí; Khoa Triết học; Khoa Văn học. Kết quả khảo sát đánh giá cho thấy chất lượng giảng dạy của các giảng viên trong nhà trường qua mỗi học kì; mỗi năm học đã được nâng cao. Điều này có thể thấy qua kết quả dưới đây:
Năm học Điểm trung bình chung toàn trường
1 2007-2008 3.80
2 2008-2009 3.95
3 2009-2010 4.13
2.2. Văn hoá chất lượng gắn liền với đảm bảo chất lượng của các khoa /ngành/ chương trình đào tạo Ngày nay, việc đánh giá chương trình và đánh giá các trường đại học, các học viện đã có mặt ở hầu hết các quốc gia có hệ thống giáo dục đại học. Các trường đại học hoạt động trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Sinh viên có thể học ở những trường đại học khác nhau. Họ có thể học ở trường đại học này, sau đó thuyên chuyển sang trường đại học khác. Chính vì vậy, việc thống nhất chương trình của cùng một ngành đào tạo là đòi hỏi khách quan của việc đào tạo. Trong những năm qua, thực tế cho thấy, hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường vừa được mở rộng về phạm vi đối tác vừa nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác. Để phát triển công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, Nhà trường đã triển khai các chương trình đào tạo Việt Nam học với các trường đại học ở Mĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản theo hình thức cấp chứng chỉ (các khoá học từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm) và cấp bằng đại học (theo phương thức 2+2). Số lượng sinh viên nước ngoài theo học các chương trình liên kết đào tạo ngày càng tăng từ 47 sinh viên năm học 2003-2004 lên 350 sinh viên trong năm học 2008-2009. Ngoài ra, hàng năm có khoảng trên 250 sinh viên nước ngoài theo học Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt của trường, đưa tổng số sinh viên học tập tại trường năm học 2008-2009 là 650 sinh viên. Tổng số sinh viên nước ngoài đến học tự túc trong 3 năm (2005-2009) là hơn 1500 sinh viên. Chỉ tính riêng năm học 2010-2011, Nhà trường đã phối hợp với các đối tác tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho 682 sinh viên nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng quốc tế hoá các chương trình đào tạo thông qua việc mở các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ như các chương trình Thạc sĩ Quản lí tổ chức, Thạc sĩ Tâm lí học phát triển và Thạc sĩ Quản lí Du lịch do Đại học Toulouse 2 (Pháp) cấp bằng. Hình thức liên kết đào tạo sau đại học đã tạo cơ hội cho giảng viên của nhà trường được tiếp cận với nội dung và phương pháp giảng dạy tiên tiến của nước ngoài. Số học viên theo học các chương trình liên kết đào tạo sau đại học ngày càng tăng, từ 21 học viên năm 2007 đến 83 học viên năm học 2008.Chương trình đào tạo quản lí khoa học và công nghệ hợp tác với đại học Lund, Thuỵ Điển với tổng số học viên sau đại học là 143. Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện cho cán bộ và sinh viên Nhà trường nắm bắt được những thông tin mang tính cập nhật, Nhà trường đã chủ động mời hơn 70 chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy trong vòng 3 năm 2006-2009. Sinh viên các khoa Đông phương, Quốc tế học thường được chuyển tiếp đi học ở nước ngoài. Năm học 2010-2011, Nhà trường đã tiếp nhận 851 lượt các nhà khoa học, sinh viên quốc tế đến tham dự hội thảo, trao đổi khoa học, thực tập, học tập và nghiên cứu; có 138 lượt cán bộ sinh viên của Nhà trường (121 lượt cán bộ và và 17 lượt sinh viên) được tạo điều kiện và cử đi trao đổi khoa học, tham dự hội thảo, nghiên cứu và học tập ở nước ngoài. Thực hiện kế hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang triển khai chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế (16+23). Một chương trình được hiểu theo nghĩa rộng là chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín của nước ngoài thuộc nhóm 500 trường đại học trên thế giới đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Thực tế trên đặt ra vấn đề công nhận bằng cấp của nhau. Muốn làm được việc kết hợp và liên kết đào tạo thì các học viện, các trường đại học phải thiết lập được một nền tảng cơ bản về chương trình đào tạo để sinh viên có thể chuyển đổi trong phạm vi một quốc gia và trong phạm vi các trường trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, việc đánh giá chương trình tạo điều kiện như một tiền đề cho hai hoạt động khác của đảm bảo chất lượng là so chuẩn (benchmarking) và xếp hạng (ranking). Đánh giá chương trình còn là một yêu cầu khách quan của nội bộ mỗi trường đại học trong Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Sứ mạng và mục tiêu của trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn đã được chỉ rõ, nhà trường phải “trở thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, trên đại học và nghiên cứu khoa học có chất lượng cao hàng đầu trong hệ thống các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; tạo những tiền đề để tiến kịp trình độ đại học các nuớc tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong thập kỉ sau; phục vụ thiết thực và hiệu quả công cuộc xây dựng đất nước; xây dựng thủ đô.” Sứ mạng hay nhiệm vụ của trường đại học trước hết và căn bản phải gắn với nhiệm vụ đào tạo. Trên cơ sở sứ mạng và mục tiêu mà trường đại học phải xác định mục tiêu trong chương trình đào tạo. Từ mục tiêu đào tạo xác lập các chiến lược đào tạo, trên cơ sở đó thực thi chiến lược đào tạo. Trong quá trình thực thi chiến lược xuất hiện các vấn đề đòi hỏi phải ra lại các quyết định cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp. Mục đích của những yêu cầu căn bản này là nhằm đảm bảo trường có cách tiếp cận hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong quá trình đánh giá và lên kế hoạch, bản cam kết phát triển và cải tiến có vai trò trọng tâm. Quá trình đánh giá là một quá trình liên tục, có chu trình, đòi hỏi tính linh hoạt, liên kết cao và có độ phản ứng nhanh v.v... Phương pháp đánh giá hiệu quả trong hoạt động giáo dục của các trường đại học bao gồm cả việc đánh giá các chương trình. Nó có mối liên kết chặt chẽ với quá trình ra quyết định kể cả những quyết định về kế hoạch tài chính cho đơn vị mình. Mặc dù phải đáp ứng theo những yêu cầu trên, nhưng không phải tất cả các mặt, các yếu tố của hệ thống phải cùng được áp dụng đồng thời hay theo từng năm. Tuy nhiên, các hoạt động trong hệ thống đánh giá và lên kế hoạch của đơn vị bắt buộc phải được lên lịch theo định kì. Vì kết quả của những đánh giá đó có thể được sử dụng để xây dựng các kế hoạch phát triển đơn vị. Theo đó, quá trình đào tạo gắn bó chặt chẽ với quá trình đánh giá.
Đào tạo Đánh giá
Sứ mạng và mục tiêu đào tạo, chiến lược của nhà trường Đánh giá các yêu cầu, các mục tiêu, các mục tiêu ưu tiên, các mục tiêu có tính bắt buộc và những vấn đề liên quan đến mục tiêu đào tạo
Thiết kế chiến lược đào tạo phù hợp với mục tiêu của nhà trường Xem xét các chiến lược đào tạo khác nhau, so sánh các thiết kế đào tạo với các tiêu chuẩn để đánh giá tính khả thi và khả năng thành công của các chiến lược được thiết kế.
Thực thi đào tạo Giám sát và kiểm tra việc thực hiện chiến lược và chương trình đào tạo, phát hiện ra những vấn đề và xem xét lại các nhu cầu, thẩm định xem các mục tiêu đặt ra đã đạt được hay chưa....
Quyết định có nên tiếp tục, rút ngắn hay mở rộng việc đào tạo hay không Phát hiện ra các nhu cầu hiện tại và các nhu cầu mới phát sinh thêm, đưa ra những thuận lợi của việc đào tạo, nhận thức lại các vấn đề và xem xét lại các nhu cầu nhằm làm cho việc đào tạo trở nên hữu ích hơn.
Đánh giá chương trình đào tạo vì những lí do đã kể trên trở thành yêu cầu của thực tế khách quan để đảm bảo nhiệm vụ và sứ mạng của trường. Chính vì thế, ngoài chương trình chất lượng cao của ngành Ngôn ngữ học được đánh giá theo yêu cầu của Đại học Quốc gia, hiện nay Nhà trường đang đánh giá chương trình đào tạo của bốn ngành:
  • Ngành Du lịch học
  • Ngành Lịch sử
  • Ngành Lưu trữ và Quản trị văn phòng
  • Ngành Quốc tế học
2.3. Văn hoá chất lượng gắn liền với cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo Trường ĐHKHXH&NV đã được đánh giá, kiểm định. Sau khi được đánh giá, Nhà trường đã căn cứ trên những ý kiến đánh giá của đoàn đánh giá ngoài để đưa ra những giải pháp khắc phục; chẳng hạn, trong Tiêu chuẩn 4 về các hoạt động đào tạo, Đoàn đánh giá ngoài đã chỉ ra tồn tại của trường: Đổi mới phương pháp giảng dạy chưa mạnh mẽ; quản lí điểm chưa được khoa học” và đã kiến nghị đối với nhà trường: “Kế hoạch chuyển sang học chế tín chỉ là cơ hội tốt để mở rộng việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhất là các phương pháp giảng dạy tích cực; Cần thiết có chương trình quản lí hoạt động đào tạo nhất quán trong trường: dữ liệu cần tập trung một đầu mối và các đơn vị có thể truy cập để lấy thông tin hoặc cập nhật thông tin”. Nhà trường đã có giải pháp khắc phục: Chuyển đổi phương thức đào tạo từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ đã tạo thuận lợi để Nhà trường thực hiện liên thông, liên kết, chuyển đổi tín chỉ với các đại học nước ngoài, trao đổi sinh viên trên cơ sở công nhận một số môn học của nhau. Đổi mới phương pháp giảng dạy: Việc đổi mới phương pháp dạy và học của cán bộ và sinh viên Nhà trường đã được triển khai mạnh mẽ và sâu rộng. Việc giảng dạy theo đề cương là quy định bắt buộc với tất cả giảng viên giảng dạy các môn học ở Trường ĐHKHXH&NV. Như trên đã nói, trong những năm gần đây, việc lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên, về phương pháp dạy học và hàng loạt vấn đề khác có liên quan đã được Nhà trường đặc biệt quan tâm và được tổ chức một cách thường xuyên ở hầu hết các đơn vị. Cải tiến công tác kiểm tra đánh giá: Các phương pháp, quy trình kiểm tra, đánh giá cũng được đa dạng hoá, đảm bảo tính liên tục, sự nghiêm túc, khách quan theo đúng quy chế đào tạo; công tác coi thi, chấm thi ở tất cả các kì thi / kiểm tra đều được thực hiện nghiêm túc; các hình thức thi/kiểm tra đã đánh giá được kiến thức và kĩ năng của người học ở từng môn học. Song song với việc triển khai phần mềm quản lí đào tạo theo tín chỉ những vấn đề liên quan đến việc công bố, lưu giữ kết quả học tập, văn bằng, chứng chỉ của sinh viên cũng được cải tiến một cách đầy đủ, rõ ràng hơn. Điểm của người học cuối mỗi học kì và cuối khoá được thông báo kịp thời, chính xác, đúng quy định. Tăng cường đổi mới công tác thông tin đào tạo: Trường triển khai kế hoạch truyền thông một cách sâu rộng về phương thức đào tạo theo tín chỉ trong sinh viên; thúc đẩy tính tích cực trong hoạt động của đội ngũ cố vấn học tập; tăng cường hợp tác trao đổi đào tạo, trao đổi tín chỉ với các đại học tiên tiến trên thế giới, nhất là với các đại học của Mĩ và Châu Âu. Những năm sau kiểm định, Trường đã áp dụng sâu rộng, triệt để đề cương môn học; có kế hoạch tổ chức cho tất cả giảng viên tham gia giảng dạy môn học biên soạn và thực hiện Tài liệu hướng dẫn môn học; thí điểm sử dụng website môn học... Kết luận: Văn hoá chất lượng, đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng trong giáo dục là một lĩnh vực hoạt động còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Ngay cả ở những nước có nền giáo dục phát triển, đây cũng là lĩnh vực còn nhiều tranh cãi. Văn hoá chất lượng trong giáo dục đại học hiểu một cách đơn giản là những suy nghĩ, quan điểm và định hướng của một người, một tổ chức đến chất lượng dạy và học nhằm đạt đến các mức chất lượng tốt hơn theo thời gian. Nó đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường phải suy nghĩ thường xuyên về việc làm thế nào để việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác ngày càng tốt hơn. Nói đến văn hoá chất lượng là nói đến đánh giá và cải tiến. Cải tiến thường xuyên liên tục theo từng bước giúp cho mỗi người và mỗi tổ chức hình thành được tư tưởng, suy nghĩ về việc cải tiến liên tục nhằm đạt được chất lượng tốt hơn. Đánh giá và cải tiến, cải tiến rồi đánh giá lại cải tiến tạo thành một vòng tròn chất lượng. Từ việc hoạch định mục đích, mục tiêu và các bước thực hiện công việc từ nhỏ đến lớn, thực hiện theo những gì đã hoạch định đó, kiểm tra-đánh giá trong và sau quá trình thực hiện, hành động để thay đổi, rút kinh nghiệm đối với quá trình thực hiện. Cứ như vậy, vòng tròn này cứ lặp đi lặp lại đối với tất cả các hoạt động của nhà trường. Đó chính là con đường đi của việc xây dựng văn hoá chất lượng trong trường đại học. ___________ Chú thích * Ahmed, S.M. (2008): Quality Culture, College of Engineering & Computing, Florida International University, Miami, Florida (Dẫn theo Nguyễn Phương Nga trong “Một số khía cạnh của văn hoá chất lượng trong trường đại học” - Báo cáo nghiệm thu đề tài khoa học Mã số: QCL.09.01)

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây