Ngôn ngữ
Di cư là một hằng số trong lịch sử Việt Nam. Trong khoảng hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã trải qua nhiều đổi thay kinh tế và xã hội. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng kéo theo những thay đổi của các khuôn mẫu và hình thức di cư, trong đó di cư có tổ chức của nhà nước nhằm điều tiết mật độ dân số để phục vụ phát triển các vùng kinh tế đã dần dần thay thế bằng các hình thức di cư tự do hoặc di cư gắn với các dự án phát triển khu vực. Cùng với quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh, xu hướng di cư từ nông thôn vào khu vực đô thị phát triển mạnh.
Đã có nhiều nghiên cứu về các trào lưu dân số ở Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đã có thường tiếp cận di cư từ quan điểm vĩ mô, sử dụng thông tin định lượng rút ra từ các cuộc điều tra quy mô lớn trên toàn quốc, chẳng hạn như các cuộc tổng điều tra dân số, điều tra mức sống, điều tra lao động và điều tra dân số giữa kỳ. Các nghiên cứu này chủ yếu xem xét hiện tượng di cư như những dòng chảy dân số học, phân tích các số liệu về nơi đi, nơi đến, tuổi, giới, việc làm, thu nhập và tác động của các dòng di chuyển, từ đó đề xuất các quyết sách về lao động và việc làm của nhà nước và các địa phương. Chưa có nhiều nghiên cứu tiếp cận di cư từ góc nhìn của người trong cuộc, lắng nghe câu chuyện đời của họ, cung cấp cho người đọc cái nhìn cận cảnh về cuộc sống, việc làm, và động lực của các hình thức di cư khác nhau. Vì vậy, chuyên khảo “Di Cư, Đói Nghèo, và Phát triển” của PGS.TS Nguyễn Văn Chính, do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội vừa ấn hành năm 2021 theo đặt hàng của Nhà nước có thể được xem là một đóng góp quan trọng vào lĩnh vực di cư học và bổ khuyết cho những khoảng trống mà các nghiên cứu trước. Nghiên cứu này dựa trên cơ sở điền dã dân tộc học và phân tích định tính nhằm mang lại những nhận thức mới về di cư và mối quan hệ của nó với đói nghèo và phát triển thông qua góc nhìn của chính những người di cư. Như tác giả đã chỉ ra, cuốn sách không nhằm phân tích tổng thể về lịch sử di cư ở Việt Nam, mà là những lát cắt nhằm đi sâu tìm hiểu các vấn đề nảy sinh từ mỗi hình thức di cư.
Cuốn sách dày 426 trang, tập trung nghiên cứu ba trào lưu di cư lớn ở Việt Nam từ thập niên 1960 đến nay. Đó là: (1) trào lưu di cư xây dựng vùng kinh tế mới dưới thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa (1960-1990); (2) trào lưu di cư từ nông thôn vào đô thị từ sau đổi mới 1990 cho đến những thập niên đầu thế kỷ 21; và (3) trào lưu di cư của các nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi đến các khu đô thị và di cư lao động xuyên biên giới ở khu vực phía bắc. Kết quả nghiên cứu được trình bày thành 7 chương lớn:
Mỗi chương sách đều phản ánh kết quả nghiên cứu thực địa rất công phu với nguồn tư liệu phong phú được thu thập, xử lí rất khoa học, hệ thống. Người đọc có thể tham khảo được nhiều điều từ cuốn chuyên khảo này, trong đó có việc vận dụng và phát triển các lý thuyết nghiên cứu di cư vào nghiên cứu từng loại hình di cư cụ thể ở Việt Nam. Đối với trào lưu di cư xây dựng kinh tế mới, lý thuyết phát triển kinh tế vùng và vai trò điều tiết dân số của nhà nước trong Kinh tế học Xô viết đã được vận dụng để lý giải chính sách, hướng di chuyển, các hoạt động và tổ chức cuộc sống của người di cư. Đặc biệt, những phân tích dựa trên số liệu thống kê khô khan đã được bổ sung bằng những câu chuyện cuộc đời của chính những người di cư, một cách tiếp cận lịch sử di cư từ ký ức, góp phần làm sống lại một thời kỳ lãng mạn cách mạng trong đó người lao động từ vùng đông dân được huy động đến những khu vực còn hoang vắng để lập nghiệp và khai phá các vùng kinh tế mới cho đất nước. Đối với trào lưu di cư tự do từ nông thôn và miền núi vào đô thị, tác giả sử dụng lý thuyết di cư của Lee (1966) nhằm phân tích các yếu tố hút và đẩy như những động lực chính của trào lưu di cư này. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc xem xét các yếu tố hút và đẩy, quá trình di cư cũng chịu ảnh hưởng của các trở lực (obstacles), bao gồm khoảng cách di cư, tình trạng giao thông, và những quy định của pháp luật mà một nghiên cứu về di cư không nên bỏ qua. Đáng lưu ý là khi phân tích đời sống và việc làm của người di cư trong không gian đô thị, tác giả đã chỉ ra chiến lược sinh tồn của người di cư là “tối đa hóa thu nhập và tối thiểu hóa chi phí”. Chiến lược này là tác nhân chính chi phối các khuôn mẫu của lối sống, công việc và chi tiêu của người lao động di cư. Khi nghiên cứu trào lưu di cư của các nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi đến các khu công nghiệp, vào các đô thị hay xuyên biên giới tìm việc làm, tác giả đã chỉ ra tầm quan trọng của lý thuyết vốn xã hội và mạng lưới xã hội của người di cư, được cho là có ảnh hưởng quan trọng đến thành công hay thất bại của các chuyến đi. Tác giả cho rằng mạng lưới xã hội là một phức thể của các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng hay tổ chức xã hội mà trong đó mỗi cá nhân có vai trò như là một mắt xích, được gắn kết bằng các mối quan hệ khác nhau như tình bạn, trao đổi kinh tế, có ảnh hưởng và lợi ích chung. Trong trường hợp Việt Nam, các mối quan hệ gia đình, họ tộc, đồng tộc, thân hữu, láng giềng, đồng hương thường được xem như những đầu mối có tính mở cho các mối quan hệ trong mạng lưới xã hội. Mạng lưới xã hội có thể tạo điều kiện để người di cư giảm chi phí môi giới việc làm, tránh rủi ro và tạo điều kiện, cơ hội cần thiết trong cuộc sống của người mới di cư. Tác giả cũng lưu ý rằng ngoài mạng lưới xã hội ra, người di cư cũng có thể có những mối liên hệ khác ngoài mạng lưới này, chẳng hạn như các mối quan hệ của người di cư với các thiết chế và tổ chức xã hội khác, các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ…
Đối với dân tộc học-nhân học, nghiên cứu di cư không chỉ có ý nghĩa trong việc khám phá các dòng chuyển động dân số học mà còn góp phần tìm hiểu những đổi thay trong lối sống, ngôn ngữ và tiếp biến văn hóa. Nếu xem di cư là sự thay đổi không gian sinh tồn, là quá trình dịch chuyển từ một địa phương, một vùng đất, một hệ sinh thái này đến địa phương, vùng đất và hệ sinh thái khác trong một khoảng thời gian nhất định thì chính trong quá trình ấy, cư dân của một nền văn hóa có cơ hội tiếp xúc, học hỏi với các văn hóa khác, và từ đó tiếp nhận và đồng hóa vào văn hóa của mình những yếu tố mới, đồng thời tạo ảnh hưởng về lối sống, ngôn ngữ, văn hóa của mình sang các cư dân mà họ từng tiếp xúc và cộng cư. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt với nhà dân tộc học-nhân học, nó giúp họ khám phá bản sắc văn hóa của các cộng đồng hoặc nhóm tộc người thông qua lịch sử di cư, quá trình tiếp xúc ngôn ngữ và con người. Nghiên cứu di cư có thể giúp hiểu ra nhiều điều chưa được biết đến, chưa giải thích được trong văn hóa và ngôn ngữ của một tộc người, một cộng đồng cư dân.
Với thế mạnh về khai thác và vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu từng loại hình di cư cụ thể, chuyên khảo này có thể là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị học thuật cho giới nghiên cứu, các nghiên cứu sinh và sinh viên nhân học, xã hội học, sử học và kinh tế học đang tìm kiếm hướng đi cho nghiên cứu của mình về di cư. Ngoài ra, các nhà làm chính sách về lao động và xã hội có thể tìm thấy ở đây những ngụ ý quan trọng cho các giải pháp thực tiễn. Di cư, bất luận dưới hình thức nào, đều có thể coi là một chiến lược sinh tồn của người lao động nhằm thay đổi điều kiện sống, cải thiện thu nhập hộ gia đình, và là một chỉ báo để hiểu được đổi thay của xã hội, do đó cần được nhìn nhận như một động thái tích cực. Hơn nữa, di cư là một phần không thể tách rời của phát triển. Bên cạnh những tác động tích cực, di cư cũng tạo ra những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, đặc biệt là tình trạng cạnh tranh giữa người di cư và người địa phương trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ xã hội và nhà ở, do đó dễ làm nảy sinh xung đột giữa người di cư và dân sở tại. Các giải pháp can thiệp một mặt cần chú ý đến sự hài hòa lợi ích thay vì áp đặt, đồng thời lưu ý các giải pháp về an sinh xã hội cho người di cư, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và ngân hàng xã hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Chính nhận bằng Tiến sỹ Nhân học tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện tại ông là giảng viên cao cấp và Trưởng bộ môn Nhân học Phát triển thuộc khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đảm nhận giảng dạy nhiều chuyên đề về lịch sử và phương pháp Nhân học, bản sắc văn hóa và những vấn đề xuyên biên giới khu vực sông Mekong, đồng thời là chuyên gia cho nhiều dự án phát triển của các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn