Ngôn ngữ
Kể từ khi Trung Quốc triển khai các chiến lược “vành đai” và “con đường tơ lụa trên biển” vào năm 2013 đến nay, quan hệ quốc tế ở Biển Đông ngày càng phức tạp. Về chính trị, Trung Quốc tăng cường hợp tác song phương với từng quốc gia thành viên của ASEAN nhằm làm suy giảm tính cộng đồng của Khối. Về kinh tế, Trung Quốc tích cực vận động xây dựng Ngân hàng đầu tư hạ tầng Á châu (AIIB) để cạnh tranh với các hệ thống tài chính-ngân hàng quốc tế đã có như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF)–vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ Mỹ và các quốc gia phương Tây. Về lãnh thổ và lãnh hải, Trung Quốc ráo riết tăng cường cải tạo các bãi đá và các rặng san hô để xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Trường Sa. Về văn hóa, Trung Quốc liên tục tuyên truyền về “chủ quyền” đối với Biển Đông, quảng bá hải giới với “đường 9 đoạn”, đặc biệt là đầu tư mạnh cho các hoạt động khảo cổ học đại dương để “bản đồ hóa” các di tích khảo cổ học dưới biển cho dù các di tích đó hoàn toàn nằm ngoài hải phận của Trung Quốc... Chiến lược “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc khiến cho tình hình quan hệ quốc tế ở Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đến nay, đã xảy ra nhiều căng thẳng và nguy cơ xung đột trực diện về quân sự. Việc tìm hiểu chiến lược “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc và hiện trạng quan hệ quốc tế ở Biển Đông, vì vậy, vừa có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần thiết thực vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Konrad Andenauer Stiftung (KAS), Cộng hòa Liên bang Đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội có kế hoạch tổ chức Hội thảo: "Con đường tơ lụa trên biển" và quan hệ quốc tế ở Biên Đông: Hiện trạng và triển vọng. Đây là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, các nhà phân tích, hoạch định chiến lược trong nước và quốc tế trao đổi các nội dung nghiên cứu mới, quan điểm cập nhật và đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông hiện nay. Các chuyên gia tham dự Hội thảo sẽ bao gồm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Hoa Kỳ và Việt Nam, sẽ tập trung thảo luận về: Chiến lược “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc; Lịch sử và hiện trạng quan hệ quốc tế ở Biển Đông; Dự báo các xu hướng trong quan hệ Biển Đông trong thời gian tới.
Thời gian: 26-27/11/2015 (thứ Năm và thứ Sáu)
Địa điểm: Khách sạn Hilton, Hà Nội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn