Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế về các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội. Với xu thế đó, trong khía cạnh nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay, việc hội nhập và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về nghiên cứu (trích dẫn, bảo mật thông tin, đảm bảo độ chính xác thông tin, bảo vệ quyền các biên liên quan…) cần được nhận diện và xác lập. Ở hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu ở các nước phát triển, điển hình là Anh, Mỹ, Úc, New Zealand…, đều có hệ thống xét duyệt về đạo đức nghiên cứu cho các dự án nghiên cứu, đề tài nghiên cứu liên quan đến xã hội-con người, các nhà khoa học phải tuân thủ hệ thống các chuẩn mực đạo đức nghiên cứu được định sẵn. Ở Việt Nam, hiện nay các nghiên cứu xã hội hiện chưa áp dụng các nguyên tắc đạo đức trong quá trình tổ chức nghiên cứu, công bố kết quả nghiên cứu một cách chính thống. Một số lĩnh vực có đề cập đến khía cạnh này tuy nhiên chưa tạo được các bộ công cụ cụ thể và xác lập được những yêu cầu rõ ràng cho mọi hoạt động nghiên cứu liên quan.
Trước xu hướng đó, nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội triển khai đề tài nghiên cứu do Quỹ Nafosted hỗ trợ giai đoạn 2017-2019, nhằm hướng đến đánh giá chung về tình hình áp dụng đạo đức nghiên cứu trong khoa học xã hội hiện nay trên thế giới, thực trạng về áp dụng các khía cạnh liên quan đến đạo đức nghiên cứu trong khoa học xã hội Việt Nam hiện nay và đề xuất các định hướng xây dựng các bộ chuẩn mực đạo đức nghiên cứu phù hợp với các điều kiện và bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Để đạt mục tiêu chung đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tổ chức Hội thảo khoa học “Đạo đức nghiên cứu trong khoa học xã hội Việt Nam: Những cách tiếp cận và khả năng triển khai” vào ngày 21 tháng 12 năm 2018 (thứ Sáu).
Hội thảo tập trung thảo luận những nội dung chính sau:
- Cơ sở khoa học và thực tiễn áp dụng đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội: kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay;
- Các khía cạnh đạo đức trong các mô hình nghiên cứu khoa học xã hội
- Các khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu với các nhóm đối tượng đặc thù trong khoa học xã hội
- Các khía cạnh đạo đức trong chia sẻ, xuất bản kết quả nghiên cứu khoa học xã hội
- Kinh nghiệm và khả năng áp dụng-triển khai đạo đức nghiên cứu tại các lĩnh vực chuyên môn của khoa học xã hội Việt Nam
- Quản lý/giám sát đạo đức nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam hiện nay: cơ hội, rào cản và khả năng thực hiện; …
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQ Hà Nội trân trọng kính mời Quý Thầy/Cô, các nhà khoa học tham gia viết và gửi bài Hội thảo (tiếng Việt), theo kế hoạch như sau:
- Hạn gửi tên bài, tóm tắt bài viết (khoảng 200 từ) và danh mục từ khóa (khoảng 3-5 từ): trước ngày 30 tháng 7 năm 2018
- Gửi toàn văn báo cáo tiếng Việt (từ 4000 đến 6000 từ, với quy định trích dẫn theo chuẩn APA): trước ngày 15 tháng 9 năm 2018
- Ban Tổ chức thông báo chương trình Hội thảo: trước ngày 30 tháng 10 năm 2018.
- Ngày 21 tháng 12 năm 2018: Tổ chức Hội thảo.
Ghi chú: các bài viết tham dự Hội thảo sẽ được phản biện và dự kiến in trong cuốn sách chuyên khảo do Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội in vào năm 2019. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn một số bài để biên tập, gửi đăng trên Tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (2019-2020).
Mọi bản tóm tắt, bài viết gửi về và thông tin chi tiết về Hội thảo, xin liên lạc với TS. Trần Văn Kham, email: khamtv@ussh.edu.vn/ kham.tran@unisa.edu.au hoặc Phòng Quản lý NCKH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, số điện thoại: (024) 38588342; (024) 38584278; Email: htvn03@gmail.com.