Thông cáo báo chí: Hội thảo KHQT “Mối liên hệ giữa dịch chuyển và du lịch: Tạo sự bền vững xã hội"

Thứ năm - 13/09/2018 06:29
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Đại học Bournemouth (Anh quốc) phối hợp với tổ chức hội thảo “Mối liên kết giữa Dịch chuyển và Du lịch: Tạo sự bền vững xã hội”.

Du lịch là một ngành kinh tế mang tính xã hội sâu sắc. Trước đây, du lịch được coi là “con gà đẻ trứng vàng”, hay được so sánh là “một ngành công nghiệp không khói” bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và đóng góp lớn của ngành vào nền kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, không chỉ đóng góp về kinh tế, vai trò của du lịch trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, tăng cường hội nhập, giao lưu văn hóa, phát triển dân trí, củng cố hòa bình... cũng không hề nhỏ. Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch, Việt Nam cũng đã xác định phát triển du lịch nhanh và bền vững, trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho thấy quyết tâm của Đảng và Chính phủ nhằm tập trung nguồn lực cho du lịch nước nhà.

Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tầm quan trọng của ngành du lịch càng được nâng cao khi du lịch của khu vực đang trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong số những trung tâm có hoạt động du lịch sôi nổi nhất thế giới. Tính đến 2015, tổng lượng khách quốc tế đến khu vực đạt 279 triệu lượt khách, đem lại doanh thu trực tiếp 418 tỉ USD. Lượng khách quốc tế đến khu vực này đã tăng gấp hơn 12 lần so với năm 1980, và hơn 3 lần so với năm 1995, hiện chỉ đứng sau khu vực Châu Âu, gấp hơn 1,4 lần khu vực Châu Mỹ, 5 lần khu vực Châu Phi, Trung Đông. Tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức cao trên thế giới (UNWTO, 2016).

Trước bối cảnh hội nhập của khu vực, đặc biệt là việc thông qua TPP và các chính sách chung khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nghiên cứu định vị lại vị thế của du lịch khu vực nói chung, và nhìn nhận lại vai trò của du lịch Việt Nam nói riêng là một nhu cầu bức thiết. Từ những đòi hỏi về lý luận và thực tiễn kể trên, các đối tác nước ngoài, bao gồm Đại học Bournemouth (Anh quốc) đề nghị được phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo “Mối liên kết giữa Dịch chuyển và Du lịch: Tạo sự bền vững xã hội”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu du lịch trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, các kết quả và phương pháp nghiên cứu liên quan đến tình hình phát triển du lịch của khu vực hiện nay; vai trò, tầm ảnh hưởng của hoạt động du lịch của một số nước lớn trong khu vực; đồng thời định vị vị trí của du lịch Việt Nam trong khu vực trước bối cảnh hội nhập.

Hội nghị có sự tham gia của khoảng 30 học giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau (bao gồm Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Bỉ, Hàn Quốc, Macao, Đài Loan, Philipin, Brazil, …) với 5 diễn giả danh tiếng hàng đầu thế giới về lĩnh vực học thuật du lịch. Ngoài ra tại Hội thảo, cũng sẽ có buổi ra mắt cuốn sách về dịch chuyển du lịch của GS. Sabine Marschall, đến từ Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi. Về phía Việt Nam, Hội thảo có sự góp mặt của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Tổng cục Du lịch,  đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đại diện Lãnh đạo của Ban Giám đốc Đại học Quốc gia, đại diện các trường đào tạo về du lịch ở Việt Nam, và các nhà nghiên cứu khoa học trong nước.

  • Thông tin chi tiết về Hội thảo: “Nexus of Migration and Tourism: Creating Social Sustainability Syposium” (Mối liên hệ giữa dịch chuyển và du lịch: Tạo sự bền vững xã hội)

Thời gian: 09h00 – 18h00 ngày 20 - 21/09/2018.

Địa điểm: Phòng 304 nhà E, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ngôn ngữ: Tiếng Anh.

  • Thông tin chi tiết về Hội thảo xin vui lòng liên hệ:

Bùi Nhật Quỳnh (Ms): 0888088808

Email: buinhatquynh1512@gmail.com

Khoa Du lịch học, ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.

Phòng 509, nhà B, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

 

Tác giả: Ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây