Tin tức

“Nhà báo vô danh thì vô nghĩa”

Thứ sáu - 02/04/2010 06:21
Những chia sẻ xung quanh vấn đề kiểm chứng nguồn tin là một trong hai nội dung chính của buổi cuối cùng trong chuỗi tọa đàm nghiệp vụ báo chí tại Trường ĐHKHXH&NV, ngày 01/4/2010.
“Nhà báo vô danh thì vô nghĩa”
“Nhà báo vô danh thì vô nghĩa”
Những chia sẻ xung quanh vấn đề kiểm chứng nguồn tin là một trong hai nội dung chính của buổi cuối cùng trong chuỗi tọa đàm nghiệp vụ báo chí tại Trường ĐHKHXH&NV, ngày 01/4/2010.

Kiểm chứng để thông tin khách quan

“Với người làm báo, bất cứ thông tin nào nhận được đều cần có sự kiểm chứng thật cẩn thận để đảm bảo thông tin cập nhật nhưng phải là nguồn tin chính thống”. Đó là lời mở đầu cho những chia sẻ của thạc sĩ báo chí Vũ Minh Thùy. Cách tốt nhất kiểm tra độ xác thực của thông tin là đến hiện trường, nơi xảy ra vụ việc, sự kiện đang được công chúng quan tâm. Nếu ở xa hiện trường, người làm báo có thể dùng cách gọi điện đến các cơ quan chức năng, tới những người nhận trách nhiệm phát ngôn và có khả năng đưa thông tin chính thống. Đơn cử một ví dụ, tin một ngư dân mất tích tại cơn bão Chan chu thoát nạn trở về đầy hấp dẫn phóng viên và công chúng. Phóng viên vào cuộc có sự kiểm chứng thông tin trực tiếp từ chính nhân vật và những người liên quan để có những bài viết thật xúc động về nhân vật này. Tuy nhiên, không lâu sau đó, câu chuyện chỉ là do người dân đó bịa ra để mong không bị đòi lại số tiền trợ cấp đã được nhận khi là nạn nhân của cơn bão. Như vậy, nếu vội vàng trong việc xác minh tính chính xác của thông tin thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Với cách làm báo hiện đại, ở nước ngoài có bộ phận kiểm chứng số liệu thông tin một cách kỹ lưỡng trước khi đăng bài và “cần có tiếng nói của chính nhân vật, dù đúng dù sai, đó là cách nhà báo tự bảo vệ mình”.

1001 nguồn tin

Thạc sĩ, nhà báo Phạm Thị Thanh Long nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc kiểm chứng nguồn tin và ảnh hưởng quan trọng của nó tới uy tín của tòa báo và danh dự của chính người làm báo. "Danh", theo nhà báo Thanh Long, phải được nỗ lực tạo dựng bằng dấu ấn các bài viết chất lượng của người làm báo. Và để trở thành nhà báo có tên tuổi, việc kiểm chứng nguồn tin là vấn đề hết sức quan trọng. Nguồn tin cho phóng viên là rất phong phú. Nhà báo nên có mối quan hệ với nhiều người ở các địa phương khác nhau để khi sự kiện xảy ra, có tiếng nói của người đã từng sống ở đó, hiểu biết nơi đó thì bài viết có hồn, thông tin sẽ trở nên gần gũi, hấp dẫn bạn đọc hơn. Nhà báo Thanh Long nhấn mạnh, việc duy trì mối quan hệ không đơn giản chỉ là trong công việc, mà còn là mối quan hệ giữa người với người. Chúng ta cần tạo dựng được niềm tin để khi có sự kiện xảy ra, họ sẵn sàng cung cấp thông tin cho mình nhanh và chính xác nhất. Mối quan hệ này cần tạo dựng trong khoảng thời gian khá dài. Một nguồn tin quan trọng khác, theo nhà báo Thanh Long chia sẻ, là từ những tạp chí chuyên ngành. Ở nước ta hiện nay có khoảng 900 ấn phẩm báo chí được xuất bản. Trong đó có những tạp chí chuyên ngành dành riêng cho giới nghiên cứu, đó là nguồn tin cực kỳ quan trọng đối với nhà báo. Các bản báo cáo chính thức là tài liệu mà nhà báo có thể khai thác thông tin cho bài viết của mình. Nhưng trong thực tế, có những sự kiện mà nếu chỉ dựa vào những người xung quanh thì nhà báo không thể có đầy đủ thông tin, nhất những thông tin khách quan trên diện rộng. Khi đó chúng ta có thể sử dụng nguồn là những thông tin trên diễn đàn. Có ý kiến cho rằng những thông tin trên diễn đàn thì không chính thống vì đôi khi người ta trao đổi vu vơ. Những thông tin không chính thống đó có khả năng làm mất uy tín của tờ báo cũng như lòng tự trọng của nhà báo. Điều đó đúng nhưng cũng nên nhìn vào thực tế khi có nhiều vấn đề trong xã hội được mọi người trao đổi trên diễn đàn rất hay, rất thẳng thắn và sâu sắc. Người làm báo phải cẩn trọng bởi những thông tin trêm diễn đàn. Những thông tin đó chỉ trở thành những thông tin có giá trị cao nếu có sự kiểm chứng và liên hệ với chủ nhân của những phát ngôn đó ngoài hiện thực. Điều quan trọng tiếp theo là cách đưa thông tin, cách sử dụng thông tin đó nhất thiết phải có sự kiểm chứng nghiêm túc. Người phát ngôn khi đó có ý thức bảo vệ chính kiến mà mình nêu ra trước công chúng.

Khác biệt từ trích dẫn

“Trích dẫn hay làm nên sự khác biệt giữa các bài viết về cùng một vấn đề và tạo bản sắc riêng cho mỗi nhà báo. Việc lấy thông tin trích dẫn hay, phụ thuộc vào cách mà phóng viên đặt câu hỏi với nhân vật. Phóng viên cần chú ý để không mắc lỗi lớn: Cho rằng mình đã biết tất cả. Có những thông tin đã biết nhưng phóng viên nên hỏi để khẳng định lại đó là thông tin do chính nhân vật cung cấp”. Đó là chia sẻ của thạc sĩ Trần Lệ Thùy về việc trích dẫn thông tin trên báo chí. Không nên đưa vào thông trích dẫn những thông tin nền, chung, hay những thông tin bổ sung. Hãy chọn những câu bày tỏ cảm xúc riêng, những câu nói thể hiện cá tính của nhân vật để đưa làm câu trích dẫn. Nhà báo Lệ Thùy còn chia sẻ cách viết bài hiện đại một cách ngắn gọn: Hãy coi như mình đang kể một câu chuyện. Vì suy cho cùng nhà báo là người trung gian, hỏi những người biết và kể cho những người chưa biết về câu chuyện nào đó. Vậy hãy kể sao cho thật ngắn gọn, dễ hiểu và hấp dẫn. Nội dung thứ hai của buổi tọa đàm là lễ trao chứng chỉ và lễ bế mạc Tọa đàm. Dù vậy, buổi nói chuyện còn kéo dài thêm với những chia sẻ thú vị các vấn đề liên quan đến nghề báo.
Tổng kết và trao giấy chứng nhận cho sinh viên báo chí

Chương trình “Nâng cao năng lực đưa tin và kiến thức về đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo trẻ” đã kết thúc bằng buổi tổng kết và trao giấy chứng nhận cho các học viên tham gia vào chiều 1/4/2010 tại Hội trường tầng 4 nhà H. Đại diện khoa Báo chí và Truyền thông - PGS.TS. Đinh Văn Hường đánh giá cao về chất lượng của các buổi toạ đàm, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành đến Đại sứ quán Hoa Kì tại Việt Nam cùng các nhà báo, các thạc sĩ báo chí trẻ đã tài trợ và tổ chức chương trình bổ ích cho sinh viên báo chí trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội. Ông David Moyer - Quyền Tham tán văn hoá thông tin Đại sứ quán Hoa Kì ghi nhận và đánh giá những thành công của các buổi toạ đàm và mong muốn hợp tác nhiều hơn với khoa Báo chí và Truyền thông trong thời gian tới. Ông David Moyer và PGS Đinh Văn Hường, PGS Dương Xuân Sơn đã trao giấy chứng nhận cho các sinh viên đã tham gia khoá học.

Tiến Thành

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây