Tin tức

Di cư cưỡng bức: Lịch sử đã được minh xét

Thứ ba - 29/06/2010 09:22
Chiều ngày 23 tháng 6 năm 2010, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách mới Immigrés de force: Les travailleurs indochinois en France (1939 – 1952) [Di cư cưỡng bức: Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952)] của học giả - nhà báo người Pháp Pierre Daum.
Di cư cưỡng bức: Lịch sử đã được minh xét
Di cư cưỡng bức: Lịch sử đã được minh xét
Chiều ngày 23 tháng 6 năm 2010, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách mới Immigrés de force: Les travailleurs indochinois en France (1939 – 1952) [Di cư cưỡng bức: Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939-1952)] của học giả - nhà báo người Pháp Pierre Daum. Buổi giới thiệu sách đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, sinh viên Nhà trường, các nhà nghiên cứu, cán bộ Bộ Ngoại giao, Đài truyền hình Việt Nam… Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Văn Kim đến dự và phát biểu ý kiến khai mạc và bế mạc toạ đàm. Phần trình bày của tác giả Pierre Daum đã giới thiệu một cách khái quát lịch sử của khoảng 20.000 lao động Đông Dương (gần như toàn bộ là người Việt) ở Pháp giai đoạn 1939-1952. Đại chiến Thế giới II khiến nước Pháp khát nhân lực phục vụ trong các xưởng chế tạo vũ khí và giải pháp sử dụng dân thuộc địa đã được nước Pháp sử dụng một cách triệt để. Khác với những người dân Phi châu thuộc địa, người Việt không tham gia nhiều ở mặt trận mà phần lớn được đưa vào các binh xưởng – nơi họ phải làm việc cật lực và bị đối xử thậm tệ, gần như nô lệ. “Sau một hành trình dài lênh đênh trên biển” – ông Pierre Daum kể với giọng chua xót – “những người lao động Đông Dương đặt chân lên thành phố cảng Mác-xây và lập tức bị tống vào nhà tù, trước khi được tổ chức thành các đội tản đi làm việc ở các binh xưởng”. Môi trường làm việc khắc nghiệt cùng với việc không được trang bị kiến thức và kinh nghiệm khiến cho gần 1.000 người bị tai nạn lao động và bỏ mạng.

Việc nước Pháp thất trận (6/1940) khiến cho số phận của gần 2 vạn người thợ Đông Dương càng thêm bi đát. Các nhà máy thuốc súng của Pháp đóng cửa và những người lao động Đông Dương buộc phải hồi hương. Tuy nhiên, do sự khốc liệt của Thế chiến và việc con đường biển sang Đông Dương bị gián đoạn, việc hồi hương của khoảng 15.000 người Đông Dương không thể thực hiện được. Họ bị thuyên chuyển xuống các khu vực miền nam nước Pháp như Mác-xây, Tu-lu, Boóc-đô… Ở đó, họ bị tách thành các nhóm từ 2.000 đến 4.000 người, sống tập trung trong 7 trại, có sĩ quan Pháp cai quản. Ông Pierre Daum mô tả: “Hàng ngày họ phải làm việc cật lực, chiều họ được phép đi dạo quanh khu trại, trước 8 giờ tối phải tập trung, nếu không sẽ bị đánh đập… Họ ở như trong nhà tù, bị đối xử thậm tệ, bị đói do bọn sĩ quan chỉ huy bớt xén khẩu phần…” Trong quá trình lưu lạc ở miền nam nước Pháp, những lao động người Việt đã để lại những dấu ấn lịch sử với nền canh tác nông nghiệp của vùng tam giác châu Camargue ở phía nam Mác-xây. Do điều kiện tự nhiên tương đối gần gũi với xứ Đông Dương, chính quyền nơi đây nghĩ đến sử dụng số lượng nhân công người Việt nói trên vào việc trồng lúa. Cuộc thử nghiệm trên cho kết quả vượt mong đợi và từ đó đến nay, Camargue trở thành vựa lúa lớn của Pháp. Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, chính phủ Đờ Gôn chủ trương hồi hương số lao động kể trên. Tuy nhiên, kế hoạch chưa được thực hiện thì người Pháp đã quay lại tái chiếm Đông Dương. Những chuyến tàu từ Pháp sang Đông Dương chỉ dành cho việc chở binh lính, không phải chở lao động người Việt Nam. Những người Việt di cư bị ách lại Pháp – nơi họ liên tục tổ chức những hoạt động biểu thị sự ủng hộ đối với chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hoạt động mang tính chính trị nói trên của cộng đồng người Việt di cư ở Pháp khiến dân chúng vùng Mác-xây phản ứng và đòi chính phủ trục xuất họ về nước. Nước Pháp mất thêm 4 năm để tiến hành hồi hương cho những người di cư này. Đến năm 1952, công cuộc hồi hương mới cơ bản hoàn thành. Trong tổng số 20.000 người Đông Dương (đại đa số là người Việt Nam) bị cưỡng bức di cư sang Pháp từ năm 1939, khoảng 18.000 người về nước; 1.000 chết và 1.000 người ở lại Pháp sau năm 1952.

Sẽ chẳng mấy ai biết đến trang sử đầy sóng gió đó trong lịch sử trăm năm quan hệ Việt - Pháp nếu học giả Pierre Daum không khổ công tìm kiếm trong văn khố những trang hồ sơ lưu trữ đã ố màu sau hơn nửa thế kỉ. Ba năm lần theo những thông tin từ hồ sơ và lặn lội khắp nhiều vùng ở Pa-ri, Mác-xây, Hà Nội… học giả Daum đã tìm lại được 25 nhân chứng sống – những người đã tham gia vào dòng thiên di của 2 vạn người Đông Dương ngày ấy để thu thập thêm những thông tin về đời sống và điều kiện lao động khổ ải của họ trong giai đoạn 1939-1954. Cuốn sách đã gây ra tiếng vang lớn trên các diễn đàn chính trị, xã hội, học thuật… ở nhiều nước. Cuối năm 2009 (6 tháng sau khi cuốn sách được nhà xuất bản Actes Sud ấn hành), Thị trưởng Camargue đã tổ chức một buổi lễ vinh danh những người Việt năm nào khai phá ra nền nông nghiệp trồng lúa hiện vẫn còn thịnh hành ở miền nam nước Pháp. Sau 7 thập kỉ, lịch sử cuối cùng cũng đã được minh xét.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây