Tin tức

Nghề nghiệp: Ngành Lịch sử

Chủ nhật - 28/03/2010 06:25

NHÀ KHẢO CỔ HỌC

Người làm khảo cổ dường như không ở nơi họ ở. Nhà của họ chính là nhà dân. Họ đi điền dã, khai quật tại các di chỉ khảo cổ thuộc nhiều vùng miền. Khai quật khảo cổ để tìm kiếm những dấu vết vật chất, phần nào tái hiện lịch sử của người Việt. Từ những di tích, di vật phát quật tại các công trường khảo cổ, nhà nghiên cứu sẽ xác định niên đại, tính chất và đặc trưng văn hoá. Qua đó họ phục dựng di tích cũng như xây dựng các phương án tổng thể nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá - giáo dục của các di tích đó trong điều kiện xây dựng nền văn hoá Việt Nam đương đại. Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện:
  • Nghiên cứu những tài liệu khảo cổ học;
  • Lập kế hoạch khai quật khảo cổ;
  • Tham gia khảo sát di tích trước khi tổ chức khai quật;
  • Tiến hành khai quật theo nghiệp vụ;
  • Xử lí hiện trường di tích và thu thập hiện vật;
  • Xử lí hiện vật;
  • Phục dựng lại hiện vật;
  • Đánh giá niên đại, giá trị di tích và di vật.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Có lòng yêu nghề, trung thực và khách quan;
  • Năng lực nghiên cứu độc lập, theo nhóm và lãnh đạo nhóm.
Các đơn vị tuyển dụng: Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Các Bảo tàng ở các tỉnh - thành phố, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch các tỉnh - thành phố… Triển vọng về nghề: Tại các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khảo cổ học còn thiếu khá nhiều cán bộ khảo cổ học.

NHÀ SỬ HỌC

Với đặc trưng nghiên cứu về quá khứ của một quốc gia, dân tộc trên nhiều phương diện, nhà sử học có thể làm việc trong môi trường đa dạng. Bằng cách khai thác các nguồn tư liệu, nhà sử học sẽ phục dựng lại những sự kiện lịch sử trong quá khứ, phân tích, đánh giá, tìm ra mối liên hệ, vai trò của quá khứ với hiện tại. Ngoài công việc nghiên cứu, nhà sử học còn góp phần chuyển tải các kiến thức lịch sử tới cộng đồng, tư vấn trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện:
  • Xác định chủ đề nghiên cứu, định hướng nghiên cứu;
  • Lập kế hoạch nghiên cứu cụ thể;
  • Tìm kiếm và khai thác tư liệu;
  • Xử lí tư liệu;
  • Phục dựng lại các sự kiện trên cơ sở các tư liệu đã có;
  • Phân tích, đánh giá vị trí, vai trò của sự kiện;
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Có lòng yêu nghề;
  • Kiên trì, cần mẫn và thận trọng;
  • Có tính trung thực và khách quan trong nghiên cứu.
Cơ quan tuyển dụng: Viện Sử học, các Viện và trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, các cơ quan Đảng và Chính phủ, các Bộ, Ban và Ngành, các trường Đại học - Cao đẳng, các trường Trung học Phổ thông, Phổ thông Cơ sở, các báo, tạp chí, cơ quan phát thanh - truyền hình, các Hội khoa học… Triển vọng về nghề: Bất cứ quốc gia nào cũng đều phải quan tâm đến lịch sử, bởi nó là nền tảng phát triển của quốc gia. Vì vậy, nghề sử và tương lai của nhà sử học mang tính bền vững, có nhiều cơ hội phát triển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các nhà sử học có nhiều cơ hội đi học tập và trao đổi khoa học ở nhiều nước trên thế giới.

NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ

Nhà nghiên cứu văn hoá có môi trường làm việc rất đa dạng từ nghiên cứu các thành tố văn hoá của từng vùng, miền, tộc người cho đến các lí thuyết về tiếp xúc và giao lưu văn hoá trong và ngoài nước; đưa ra những kiến giải về sự vận động, biến đổi của văn hoá trong thời kì hội nhập văn hoá quốc tế. Họ có thể cập nhật các thông tin văn hoá từ những nguồn tư liệu thành văn, tư liệu truyền miệng, các phương tiện thông tin đại chúng, tư liệu điền dã… để mô tả lại các hoạt động văn hoá, phân tích, đánh giá vai trò và tác động của chúng đối với sự phát triển của lịch sử văn hoá Việt Nam. Với các chủ đề nghiên cứu đa dạng, nhà nghiên cứu văn hoá bên cạnh việc nghiên cứu tổng quan những kiến thức chung về văn hoá, họ thường đi sâu vào các lĩnh vực văn hoá cụ thể. Những công việc và nhiệm vụ thực hiện:
  • Xác định rõ chủ đề nghiên cứu;
  • Tổng quan về lịch sử nghiên cứu vấn đề;
  • Lập kế hoạch nghiên cứu;
  • Khai thác và xử lí tư liệu;
  • Tiến hành khảo sát địa bàn nghiên cứu;
  • Nghiên cứu, phân tích, đánh giá các hoạt động văn hoá (có thể sử dụng các phương pháp của nhân học văn hoá và xã hội học văn hoá trong nghiên cứu).
Cơ quan tuyển dụng: Các đơn vị nghiên cứu văn hoá trực thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, các Viện và trung tâm nghiên cứu văn hoá thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, các trường đại học; các Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thuộc các tỉnh - thành phố, các trung tâm nghiên cứu văn hoá ở các tỉnh - thành phố, các bảo tàng ở các tỉnh - thành phố, các tạp chí nghiên cứu, các toà soạn báo (báo hình, báo nói, báo mạng)… Triển vọng nghề nghiệp: Người làm công tác văn hoá sẽ có cơ hội tiếp cận việc làm đa dạng bởi tính liên ngành của nó, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Trong bối cảnh giao lưu văn hoá giữa Việt Nam với thế giới hiện nay diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các nhà nghiên cứu văn hoá có thêm nhiều cơ hội học tập, giao lưu và trao đổi học thuật với quốc tế.

CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC:

  • Các trường THCS, THPT, Tiểu học;
  • Các đơn vị nghiên cứu tại trung ương và địa phương;
  • Các trung tâm lưu trữ, thư viện, bảo tàng;
  • Các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình;
  • Tham gia nhiều vị trí của các cơ quan Trung ương (các cơ quan Đảng, Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành), các Sở, Ban, Ngành ở các địa phương.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây