Tin tức

Nghề nghiệp: Ngành Hán Nôm

Chủ nhật - 28/03/2010 06:26

NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY

Công việc phải thực hiện: Nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, ngữ văn ở các cấp. Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Cẩn thận, tỉ mỉ, thích sáng tạo.
  • Yêu thích văn hoá truyền thống, muốn duy trì dòng mạch liên tục về văn hoá giữa truyền thống và hiện đại.
Các đơn vị tuyển dụng:
  • Giảng viên ĐH và CĐ về Hán Nôm tại: Ngành Hán nôm của Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia HN và TP HCM, ĐH Khoa học Huế; Khoa Ngữ văn của ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, các trường ĐH và CĐ ở các tỉnh khác…
  • Giáo viên môn ngữ văn tại trường PT các cấp trên toàn quốc.
  • Nếu bạn muốn làm nhà nghiên cứu, thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm (183 Đặng Tiến Đông, HN) là một địa chỉ có uy tín và thường xuyên nhận SV Hán nôm đã tốt nghiệp. Ngoài ra còn có nhiều đơn vị thuộc Viện KHXH VN (Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Tôn giáo, Viện Ngôn ngữ, Viện Đông Nam Á…) cũng cần chuyên gia Hán Nôm.
Triển vọng phát triển nghề nghiệp: Xã hội ngày càng nhận thức được giá trị của truyền thống, đó là cơ hội cho những người giảng dạy và nghiên cứu Hán Nôm. Nhiều đơn vị tuyển dụng còn thiếu nguồn nhân lực trí thức Hán Nôm trình độ cao để làm công việc nghiên cứu và giảng dạy.

QUẢN Lí VĂN HOÁ

Công việc phải thực hiện: Làm công tác lưu trữ, bảo tồn, chỉnh lí và phát huy giá trị của văn hoá truyền thống dân tộc tại các đơn vị quản lí văn hoá các cấp, các cơ quan lưu trữ nhà nước... Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Yêu thích văn hoá truyền thống, có ý thức giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống.
  • Nếu bạn thích đi du ngoạn đó đây, thì nghề này rất phù hợp với bạn.
Các đơn vị tuyển dụng:
  • Cục Di sản, Cục lưu trữ quốc gia;
  • Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch của các tỉnh, Phòng Văn hoá huyện…;
  • Ban Quản lí di tích các tỉnh - huyện…
Triển vọng phát triển nghề nghiệp: Việc quản lí văn hoá góp phần rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Nếu bạn có sở trường về Hán Nôm và yêu mến văn hoá truyền thống dân tộc thì các đơn vị quản lí văn hoá các cấp luôn là những địa chỉ đáng tin cậy để bạn tìm được một công việc ổn định và có cơ hội thăng tiến.

BIÊN TẬP VIÊN

Công việc phải thực hiện: Vốn tiếng Việt và từ Hán Việt sâu sắc của bạn sẽ tạo điều kiện cho bạn làm tốt công việc biên tập - một nghề rất phổ biến trong xã hội truyền thông đa dạng như ngày nay. Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Bạn cần chính xác, tỉ mỉ;
  • Ngay từ khi là SV, bạn nên chú ý trau dồi vốn từ Hán Việt để có thể diễn đạt tiếng mẹ đẻ một cách vừa phong phú lại vừa uyển chuyển;
  • Bạn cũng cần học thêm vài kĩ năng biên tập.
Các đơn vị tuyển dụng:
  • Các nhà xuất bản (phòng biên tập Văn học, tiếng Việt, biên tập dịch tiếng Trung Quốc và dịch thuật Hán Nôm…);
  • Các toà soạn báo;
  • Các đài phát thanh, đài truyền hình, công ty truyền thông, website…
Triển vọng phát triển nghề nghiệp:
  • Trong xã hội bùng nổ thông tin, biên tập viên là một nghề hấp dẫn, có nhiều cơ hội việc làm.
  • Đơn vị tuyển dụng hẳn sẽ quan tâm tới vốn tiếng Việt phong phú và kho tri thức văn hoá truyền thống của bạn. Đó chính là ưu thế của người học Hán Nôm khi làm biên tập!

CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC

  • Phiên dịch các văn bản Hán Nôm (tác phẩm văn sử triết..., gia phả, hoành phi, câu đối...) tại các công ty dịch thuật. Các tác phẩm cổ văn này là một thách thức lớn đối với người học tiếng Trung Quốc hiện đại, nhưng lại là công việc quen thuộc của người học Hán Nôm.
  • Phiên dịch tiếng Trung Quốc hiện đại cho các đơn vị tuyển dụng (cơ quan dịch thuật, công ty liên doanh với Trung Quốc hoặc Đài Loan...).
  • Tư vấn văn hoá Hán Nôm cho các lĩnh vực thiết kế, xây dựng (qua các kiến thức khoa học về âm dương, ngũ hành...)
  • Một số công việc về du lịch và văn hoá...

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây