Quy tụ các nhà khoa học đầu ngành về Việt Nam học tại Hội thảo do 4 trường ĐH tổ chức

Thứ tư - 09/08/2023 22:33
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà chuyên môn đến từ nhiều trường đại học uy tín về đào tạo Việt Nam học trong cả nước với hàng chục bài viết giàu giá trị khoa học.
Việt Nam học với tư cách là một ngành đào tạo tại các trường đại học đến nay đã được gần 3 thập niên, trong quá trình phát triển ấy, tự bản thân nó đã đòi hỏi sự giao lưu, đối thoại và hội nhập. Với đối tượng nghiên cứu là đất nước, con người, xã hội, văn hoá Việt Nam, các học giả, nhà chuyên môn và đặc biệt là các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước đều mong muốn được trao đổi, bàn thảo về công tác đào tạo, nghiên cứu Việt Nam học theo định hướng liên ngành. Với ý nghĩa đó, hội thảo với chủ đề “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành” đã được tổ chức tại Đà Lạt ngày 03/8/2023 do Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đồng tổ chức với 03 trường ĐH: Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Ngoại Ngữ - Đại học Huế.
Tham dự hội thảo, về phía Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN có GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, TS. Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, TS. Bùi Văn Tuấn - Phó trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt;
Về phía Trường ĐH Đà Lạt có sự tham dự của TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô trong Ban Giám hiệu và trưởng các phòng chức năng, đại diện lãnh đạo Khoa Việt Nam học;
Về phía Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có sự tham dự của PGS.TS Lê Khắc Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện lãnh đạo khoa Việt Nam học;
Về phía Trường ĐH Ngoại Ngữ - Đại học Huế có sự tham dự của TS. Nguyễn Hồ Hoàng Thuỷ - Phó Hiệu trưởng nhà trường và Ban chủ nhiệm khoa Việt Nam học.

 Không gian trao đổi học thuật uy tín của các nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu Việt Nam học trong cả nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn khoa học ý nghĩa nhằm kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Việt Nam học của 04 trường đại học đồng tổ chức cũng như trong cộng đồng nghiên cứu, đào tạo về Việt Nam học trong cả nước. Các nội dung được thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng ở các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở thế mạnh của từng trường đại học, hướng tới phối hợp thực hiện các chương trình, đề án, đề tài khoa học về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị.
 
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhấn mạnh, hội thảo là diễn đàn khoa học ý nghĩa nhằm kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực Việt Nam học
Theo TS. Lê Minh Chiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, hội thảo là diễn đàn giao lưu học thuật giữa các đơn vị trong lĩnh vực đào tạo Việt Nam học, mở ra cơ hội hợp tác, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo hướng đến những chủ đề cốt lõi nhằm tiếp tục hoàn thiện khung chương trình đào tạo, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành Việt Nam học theo định hướng liên ngành.
Với ý nghĩa đó, nội dung của Hội thảo tập trung các vấn đề: nghiên cứu Việt Nam học phục vụ đào tạo theo định hướng liên ngành; đào tạo Việt Nam học tại các trường đại học; các vấn đề Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng Việt.
Hội thảo đã tuyển chọn 66 bài trong 72 bài viết từ các nhà nghiên cứu của các cơ sở đào tạo Việt Nam học và các ngành liên quan. Nội dung của các bài tham luận cho thấy, nghiên cứu và đào tạo Việt Nam không những cấp thiết, mà còn là triển vọng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày nay.
Hội đồng chuyên môn đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá và tuyển chọn kỹ lưỡng để trình trước Hội thảo 66 báo cáo toàn văn. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã kịp thời biên tập và xuất bản toàn bộ các báo cáo này trong tập kỷ yếu mang tên “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành” với số lượng 200 cuốn khổ A4, bìa mềm, với 822 trang bản phục vụ cho Hội thảo.
Đặc biệt, dự kiến ban đầu đây là Hội thảo của 04 cơ sở đào tạo Việt Nam học, nhưng với ý nghĩa, sức lan tỏa và sự đồng cảm đến từ các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước, hội thảo đã thu hút thêm sự quan tâm của các chuyên gia, nhà chuyên môn của các cơ sở đào tạo Việt Nam học trong cả nước như Đại học Hồng Đức, Đại học Phú Yên, Đại học Sài Gòn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh, Đại học Duy Tân, Đại học Văn Lang,…
TS. Bùi Văn Tuấn - Phó trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá, đây là Hội thảo có quy mô lớn, thu hút được sự tham gia đầy nhiệt huyết với tình yêu Việt Nam học sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý thực tiễn.
Hội thảo khoa học liên Khoa, liên Trường với chủ đề “Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành” đã thực sự là một trong những sự kiện có dấu ấn, có chiều sâu, góp phần nâng tầm khoa học, trí tuệ và vị thế của các đơn vị đi đầu trong cả nước về Nghiên cứu, đào tạo ngành Việt Nam học.

Tổng kết những vấn đề khoa học giá trị về nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học
 Theo các nhà khoa học, có thể khẳng định đây là hội thảo có chất lượng chuyên môn cao, vừa đề cập đến những vấn đề rất căn bản, vừa đề cập đến những vấn đề rất thiết thực của nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu. Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những hội nghị chuyên đề trao đổi thống nhất về quan niệm nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học, trong đó phải coi Việt Nam học theo định hướng liên ngành là yêu cầu phát triển của Việt Nam học Việt Nam hiện đại, xác định những nội dung cốt lõi và những phương pháp chủ đạo của Việt Nam học, tiến tới hoàn thiện khung chương trình chuẩn đào tạo cử nhân Việt Nam học cho cả sinh viên Việt Nam và quốc tế làm cơ sở khắc phục tình trạng đào tạo Việt Nam học tràn lan và có phần tùy tiện của khá nhiều cơ sở đào tạo hiện nay.
Trong báo cáo tổng kết hội thảo, TS. Bùi Văn Tuấn - Phó trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đánh giá, hội thảo “vừa có tính chất gói lại, vừa có tính chất gợi mở”. Đây là dịp để các nhà khoa học cung cấp thêm những cứ liệu khoa học, những nhận thức mới để làm rõ hơn những phẩm chất rất nổi bật đó. Nhưng không phải đến đây là chúng ta đã hiểu được tất cả. Khái niệm gói đây là một bước tiến mới về mặt nhận thức, nhưng nó lại mở ra các yêu cầu nhận thức mới, các hướng đào tạo, nghiên cứu mới, vì Việt Nam học là một ngành khoa học “nghiên cứu một Việt Nam trong tính tổng thể của nó”, một ngành khoa học “nghiên cứu về một vùng đất, về con người ở vùng đất ấy với tất cả mối quan hệ với thiên nhiên, với lịch sử và xã hội về mọi mặt, làm nổi rõ những đặc điểm, đặc thù của Việt Nam”, biết bao vấn đề đang đặt ra, thời cơ có, thách thức có. Nhận thức cho hết thời cơ và thách thức thật không đơn giản; biết bao vấn đề bức xúc đang đặt ra hàng ngày, hàng giờ và đặt ra trong lâu dài cần phải được đánh giá, được mổ xẻ một cách cặn kẽ rồi từ đó suy ngẫm, kiến nghị, đề xuất các phương hướng, các giải pháp. Có những đề xuất có tính chất tổng thể; có những đề xuất rất cụ thể trên từng lĩnh vực, trên một số vấn đề bức xúc cần phải quan tâm.
Hội thảo đã mở ra rất nhiều vấn đề mà giá trị của nó là tạo điều kiện để các nhà khoa học tiếp tục triển khai với quy mô rộng hơn, với những nội dung có chiều sâu hơn để giúp cho các cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học trong cả nước có những cơ sở khoa học mà đề ra các quyết sách để thực thi các giải pháp phát triển ngành Việt Nam học hôm nay và mai sau.
Hội thảo thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực Việt Nam học trong cả nước
Sau hội thảo, Ban tổ chức hội thảo cũng đã kiến nghị với lãnh đạo các cơ sở đào tạo ngành Việt Nam học tiếp tục mời các nhà khoa học quốc tế, các nhà khoa học trong nước tổ chức một số hội thảo quy mô lớn hơn, để những ý tưởng được đề xuất trong hội thảo này sẽ tiếp tục được phát triển, tiếp tục được hoàn thiện.
Đặc biệt, hội thảo là sự khởi đầu hướng tới xây dựng mạng lưới các cơ sở nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học trong cả nước và quốc tế; hướng tới thành lập Hội Việt Nam học, đồng thời kiến nghị Bộ Nội vụ xây dựng mã vị trí việc làm cho chuyên ngành Việt Nam học.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa 04 trường đại học có đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam học, các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy, tăng cường phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng trên các lĩnh vực khác nhau trên cơ sở thế mạnh của từng trường đại học.

Báo chí đưa tin về sự kiện:
Báo đại biểu nhân dân:
 Đào tạo ngành Việt Nam học theo định hướng liên ngành
Tạp chí KH&CN Việt Nam: Nghiên cứu, đào tạo Việt Nam học theo định hướng liên ngành
Website Đại học Quốc gia Hà Nội: Đào tạo ngành Việt Nam học theo định hướng liên ngành
Trường ĐH KHXH&NV: VNU-USSH hợp tác với 3 trường đại học trong nâng cao chất lượng đào tạo và giảng dạy, NCKH

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây