Ngôn ngữ
Ông Park Noh Wan - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Hàn Quốc tại Việt Nam
Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu trao đổi về những kết quả và xu thế mới nhất trong nghiên cứu Hàn Quốc học. Các tham luận tập trung vào những vấn đề quan trọng và cấp thiết với kinh tế, xã hội, văn hóa Hàn Quốc hiện nay, tập trung vào các nội dung chính: trao đổi về cơ hội để đưa các nghiên cứu về Hàn Quốc lên tầm quốc tế đồng thời vẫn chú trọng đến các đặc điểm địa phương; làm rõ những đóng góp của Hàn Quốc học trong tăng cường mối quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng như góp phần xây dựng cộng đồng các nhà nghiên cứu, học giả Hàn Quốc-ASEAN; mở rộng, tăng cường các giá trị chung về học thuật, xã hội giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) nhấn mạnh, Hàn Quốc học đã và đang được quan tâm chú ý mạnh mẽ. Song hành với sự phát triển của quan hệ song phương Việt Nam-Hàn quốc, ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Bên cạnh các cơ quan đào tạo và nghiên cứu thuần túy ban đầu, hiện nay nhiều đơn vị, trong đó có các đơn vị thuộc các trường đại học ngoại ngữ cũng đang có xu hướng mở rộng sang nghiên cứu và đào tạo về Hàn Quốc học.
Là một trong những cơ sở giáo dục khai mở và đi đầu trong nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN vinh dự được là một trong số 9 trường đại học thành viên từ các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam thuộc KoSASA. Đây là lần thứ hai Nhà trường tổ chức Hội thảo của KoSASA. Nhà trường hy vọng hội thảo sẽ góp phần mở rộng hơn nữa khả năng hợp tác thông qua chia sẻ và tìm hiểu những hướng đi đa dạng, sâu sắc hơn vì sự phát triển của ngành Hàn Quốc học tại Đông Nam Á ở giai đoạn tiếp theo.
GS.TS Phạm Quang Minh – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á
Thay mặt Đại sứ quán Cộng hòa Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan (Đại sứ đặc mệnh toàn quyền) nhận định, hội thảo diễn ra trong bối cảnh hai nước sắp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Trong 30 năm qua, quan hệ kinh tế hai nước đã phát triển rất tốt đẹp. Hiện nay có trên 9000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ở Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Ông kỳ vọng quan hệ Việt-Hàn sẽ tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và đặc biệt là giáo dục. Để làm được điều đó, ông nhấn mạnh tới vai trò của đội ngũ giảng viên, học giả và sinh viên Hàn Quốc học với việc thúc đẩy hợp tác, giao lưu giáo dục giữa hai nước.
Ông Park Noh Wan cũng chia sẻ một sáng kiến mà Đại sứ quán Hàn Quốc sẽ phối hợp với chính phủ Việt Nam thực hiện để thúc đẩy ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam như: nỗ lực đưa tiếng Hàn trở thành một ngoại ngữ được giảng dạy chính thức tại các trường học, xây dựng cơ chế cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng Hàn cho các sinh viên Hàn Quốc học, tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục trực tuyến giữa hai nước, khai trương chi nhánh của Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Ngoài ra, ông hy vọng một nhóm các chuyên gia về Hàn Quốc học sẽ được sáng lập nhằm thảo luận sâu sắc các hướng đi phát triển cho ngành này tại Việt Nam.
Tiếp đó, Hội thảo đã lắng nghe báo cáo đề dẫn “Đại dịch Covid-19 và tương lai của Hàn Quốc học” của GS.TS Phạm Quang Minh (Chủ tịch KoSASA), đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với bối cảnh giáo dục toàn cầu cũng như quan hệ hợp tác giáo dục Việt-Hàn và Hàn Quốc học nói riêng. Theo đó, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc dạy và học ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam vẫn không bị chùn bước nhờ có sự ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp giảng dạy sang hình thức trực tuyến. Báo cáo cho rằng Hàn Quốc học sẽ là xu yếu tất yếu trong tương lai tại Việt Nam; mặt khác, báo cáo chỉ ra nhu cầu thúc đẩy ngành Việt Nam học tại Hàn Quốc.
Sau phiên khai mạc, Hội thảo tiếp tục diễn ra với 3 phiên: Đào tạo Hàn Quốc học tại Việt Nam hiện nay, Nghiên cứu Hàn Quốc học tại Việt Nam; Thảo luận về tương lai của Hàn Quốc học tại Việt Nam. Một số tham luận nổi bật như: Đào tạo Hàn Quốc học phục vụ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam: Trường hợp tỉnh Thái Nguyên; Ngoại giao công chúng: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam – Khảo sát trường hợp Quỹ Hàn Quốc; Dạy và học tiếng Hàn trong thời kỳ Covid-19: Khảo sát trường hợp Bộ môn Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV…
KoSASA là một tổ chức/diễn đàn học thuật được thành lập vào năm 2004 tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM theo hợp tác với Đại học New South Wales Australia và Korea Foundation. KoSASA có nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, giảng dạy Hàn Quốc học và áp dụng tri thức Hàn Quốc học tại các quốc gia Đông Nam Á. KoSASA tổ chức hội nghị 2 năm một lần để tổng kết, đánh giá hoạt động của các trường thành viên đối tác trong suốt 2 năm qua, đồng thời triển khai hoặc đề xuất triển khai các hạng mục hợp tác mới. Tại Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM và ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là hai đối tác tích cực của KoSASA, từng đăng cai tổ chức hội nghị thành lập KoSASA năm 2005 tại TPHCM và hội nghị thường kỳ năm 2012 tại Hà Nội.
Tác giả: Trần Minh - Ảnh: Quang Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn