Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963 - 1967, do GS.NGND Hà Minh Đức làm Chủ nhiệm. Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm tư bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp về đề tài: "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu". Ông là người duy nhất đạt điểm tối ưu.
Cùng năm học đó, Tổng Bí thư vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, một điều rất hiếm gặp, thiêng liêng và đầy tự hào với sinh viên thời kỳ đó.
Tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngôi trường ông gắn bó thời đại học được thể hiện trong những cảm tưởng đầy xúc động mỗi khi ông nói về trường, về thầy cô, bạn học; trong những lời động viên chân tình, những định hướng sâu sắc cho chiến lược phát triển của nhà trường...
Năm 2010, khi về thăm trường, gặp thầy, gặp bạn và các thế hệ sinh viên khóa sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách một cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, đã xúc động chia sẻ: “Tôi đã trưởng thành từ mái trường này và mãi tự hào về truyền thống và thương hiệu mà nhà trường đã có”.
Sự bình dị, chân thành của Tổng Bí thư luôn gây ấn tượng mạnh với các thế hệ nhà giáo và sinh viên mỗi lần ông trở lại thăm trường. Học sau Tổng Bí thư 7 khóa, PGS TS Phạm Quang Long, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, giảng viên Khoa Văn học đã có những chia sẻ đầy xúc động về vị lãnh đạo đáng kính.
"Từ vài chục năm nay, ít có lãnh đạo đất nước nào thể hiện sự nhất quán sâu sắc tư tưởng, đạo đức, lối sống như Tổng Bí thư. Một người như vậy là người có tầm nhìn rất xa và phải có những điều kiện như thế thì ông mới thực hiện được những chức trách của mình. Tự hào thì có, cảm phục thì có nhưng có một điều rằng, nhân cách văn hóa của con người đó rất lớn và khi con người đó mất đi đã để lại một khoảng trống lớn trong xã hội và trong lòng người", PGS TS Phạm Quang Long nói.
PGS.TS. Phạm Quang Long, nguyên Bí thư đảng uỷ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn
Với GS TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn, một trí tuệ, bản lĩnh xuất sắc, một nhân cách đạo đức lớn lao đã sống trọn cuộc đời bình dị và cao cả vì nước, vì dân.
Theo GS TS Hoàng Anh Tuấn, Tổng Bí thư là cựu sinh viên ưu tú của ngành ngữ văn. Trong những năm làm lãnh đạo tại Tạp chí Cộng sản, Thành ủy Hà Nội, Quốc hội và Ban Chấp hành T.Ư Đảng, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho nhà trường, có nhiều chia sẻ và căn dặn đối với các thế hệ lãnh đạo về đường hướng phát triển.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Tự hào về tấm gương của Tổng Bí thư, PGS TS Trịnh Cẩm Lan, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học gửi những lời nhắn nhủ, động viên rất ý nghĩa tới các bạn sinh viên: "Các bạn sinh viên trong bất kỳ thời kỳ, hoàn cảnh nào của lịch sử cũng như cuộc đời mỗi người, hãy cố gắng sống hết mình và cống hiến hết mình vì những lợi ích chung của cộng đồng nhỏ của mình, cộng đồng lớn hơn của xã hội và sau cùng là vì sự nghiệp của chính mình."
PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Nhà lãnh đạo bình dị
Đối với nhiều sinh viên đã và đang theo học tại trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là một cựu sinh viên thật gần gũi, một tấm gương lớn cổ vũ họ không ngừng học tập, phấn đấu, lập thân, lập nghiệp.
Biết tin ngôi trường mình theo học treo cờ rủ để tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trần Đức Long, sinh viên khóa 63 Khoa Báo chí học đã có mặt từ 7 giờ sáng với tất cả lòng thành kính và sự xúc động của mình.
“Trong giây phút này đây, không chỉ riêng tôi mà cả nước đang chìm trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của bác, một nhà lãnh đạo tài ba, một tấm gương về đạo đức, lòng liêm chính và sự cống hiến. Với tư cách một nhà báo, bác từng nói: "Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân". Đó cũng chính là kim chỉ nam dẫn lối cho tôi khi tôi bắt đầu bước chân vào nghề”.
Trần Đức Long, sinh viên khoá 63 Khoa Báo chí học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn
Cũng với cảm xúc bồi hồi, xúc động, sinh viên Nguyễn Thị Nhung, khóa 65 Khoa Văn học chia sẻ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương lớn về đạo đức và phong cách sống. Trong những lần phát biểu, bác luôn nhấn mạnh đến phẩm chất và danh dự. Nhấn mạnh chúng ta hãy sống cống hiến, sống hết mình để cuộc đời này có ý nghĩa. Đó cũng chính là điều mà tôi học hỏi được từ bác…
Tôi rất may mắn khi có cơ hội được gặp bác tại sự kiện đón tiếp Chủ tịch nước Trung Quốc. Bác ấm áp và gần gũi, thanh cao mà giản dị cô cùng. Tôi sẽ cố gắng học tập và noi theo những phẩm chất đạo đức mà bác đã chỉ dạy và làm gương: Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.
Đứng lặng lẽ tại một góc sân trường nhìn lá cờ rủ với sự tiếc thương, Lê Hải An, sinh viên khóa 67 Khoa Khoa học chính trị xúc động: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “nếu là hoa, hãy là hoa hướng dương; nếu là chim, hãy là chim bồ câu trắng; nếu là đá, hãy là đá kim cương; nếu là người, hãy là người cộng sản”. Tôi thấy may mắn khi được là một sinh viên, một Đảng viên trẻ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, nơi bác từng theo học.
Tổng Bí thư là một nhân cách lớn, là ngọn cờ kỷ cương, gương mẫu của Đảng, luôn tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Những lý tưởng cao đẹp mà bác để lại đã thôi thúc tôi luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong học tập và rèn luyện để phát triển toàn diện, trở thành người tài đức, góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh trong tương lai.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về với thế giới người hiền, nhưng với thầy và trò Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN, ông vẫn luôn đồng hành và mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên to lớn để nhà trường không ngừng phát triển, lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước như ông hằng kỳ vọng, gửi gắm.