Truyền thông và những ảnh hưởng từ công nghệ
admin
2010-04-15T11:13:58-04:00
2010-04-15T11:13:58-04:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/truyen-thong-va-nhung-anh-huong-tu-cong-nghe-6480.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ năm - 15/04/2010 11:13
Khả năng quan sát của người làm truyền thông chuyên nghiệp và ảnh hưởng từ công nghệ đối với người làm truyền thông chuyên nghiệp là nội dung chia sẻ của GS. Claire Woods và GS. Collete Snoden với sinh viên đang học ngành báo chí và truyền thông Trường ĐHKHXH&NV, sáng nay 15/4.
Khả năng quan sát của người làm truyền thông chuyên nghiệp và ảnh hưởng từ công nghệ đối với người làm truyền thông chuyên nghiệp là nội dung chia sẻ của GS. Claire Woods và GS. Collete Snoden với sinh viên đang học ngành báo chí và truyền thông Trường ĐHKHXH&NV, sáng nay 15/4.
Buổi thuyết trình được thực hiện trong khuôn khổ chuyến làm việc của hai giáo sư về việc đặt quan hệ hợp tác giáo dục môn học Truyền thông và Quan hệ công chúng tại Trường ĐHKHXH&NV. Môn học được triển khai hoàn toàn bằng tiếng Anh, các sinh viên có thể được nhận bằng thạc sĩ hoặc cử nhân của Trường Đại học Nam Úc.
Suy nghĩ khác biệt
Mở đầu những chia sẻ của mình bằng câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì trước tiên khi lần đầu đến một con đường mới, một quán cà phê mới, hay rộng hơn là một quốc gia hoàn toàn xa lạ?”, giáo sư Claire Woods muốn khẳng định việc quan sát, giao tiếp của mỗi người là rất quan trọng. Đặc biệt với những người làm công việc truyền thông một cách chuyên nghiệp thì việc này thực sự rất ý nghĩa.
Đối với mỗi công ty, tổ chức, lợi ích kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Họ đề ra các giải pháp cắt giảm chi phí: tổ chức lại cơ cấu làm việc, chuyên môn hoá. Hoặc họ phải marketing để bán hàng một cách tốt nhất. Để đạt được những mục tiêu này cần phải thiết lập mối quan hệ tốt, và do đó kĩ năng giao tiếp trở thành một yêu cầu tất yếu.
Để trở thành một người làm truyền thông và giao tiếp chuyên nghiệp, mỗi sinh viên phải thường xuyên tự cập nhật thông tin, liên tục học hỏi và áp dụng vào cuộc sống. Kĩ năng mà giáo sư muốn nói tới là khả năng khái quát hoá, đánh giá lại tình hình. “Đôi khi, sự khái quát đó không hoàn toàn chính xác như mong đợi nhưng bạn đừng quên làm điều đó với tư cách của một người làm công tác truyền thông chuyên nghiệp”, giáo sư Claire Woods khẳng định.
Khi làm việc trong một tổ chức hãy luôn nhớ: Bạn là người nghiên cứu, đánh giá về chính tổ chức của mình; với tư cách là người làm truyền thông chuyên nghiệp nhưng phải luôn tìm ra sự mới mẻ trong nhìn nhận, đánh giá; bạn đang đứng ở vị trí của nhà lãnh đạo, quản lí, luôn tìm cách thay đổi tổ chức của mình; và không quên tìm hiểu các nghiên cứu mà người ta đã làm trước đó để biết người khác đã trang bị cho bạn những gì.
Những điều này cực kì quan trọng vì nó giúp ta giải quyết những vấn đề như: hiểu những tình huống, sự kiện quan trọng nhưng có tính chất bất thường từ đó có thể đánh giá được tình hình; khám phá, hiểu được những thói quen hành vi lặp đi lặp lại; khám phá, quan sát được tất cả những hành vi xảy ra xung quanh nó, từ đó thiết lập được chiến lược, kế hoạch để thay đổi tình hình.
Giáo sư Claire Woods cho rằng người làm truyền thông chuyên nghiệp hãy tỏ ra lạ lẫm, hiếu kì với tất cả mọi tình huống sự việc và quan sát dưới góc độ khác, mới mẻ. Ví dụ khi nhìn vào một tổ chức chúng ta hãy quan sát những thứ như: nhãn hiệu, hình ảnh, biểu tượng… và tự hỏi tại sao họ lại dùng biểu tượng, logo như vậy? Điều đó nói gì về công ty này? Và những người trong công ty đó nói gì về công ty của chính nơi mình làm việc?
“Hãy suy nghĩ sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ và tạo sự khác biệt” là thông điệp cuối cùng giáo sư gửi đến các bạn sinh viên. Để làm được điều này “các bạn phải quan sát kĩ lưỡng, tự mình trở thành một nhà nghiên cứu, sử dụng mọi giác quan để quan sát, suy nghĩ và phân tích. Các bạn sẽ luôn là những người nghiên cứu giỏi với những tình huống của chính mình”.
Tự chủ trước công nghệ
Giáo sư Collete Snoden đã khéo léo mở đầu những chia sẻ của mình bằng việc giới thiệu những nét đẹp của quê hương. Đó là thành phố Adelaide của Úc, bé hơn rất nhiều so với Hà Nội, với dân số hơn một triệu người.
Giáo sư Collete Snoden có mối quan tâm đặc biệt quan tâm tới khoa học công nghệ mới. Với giáo sư, khoa học công nghệ đã đem đến những thay đổi mang tính cách mạng. Bằng chứng là sự xuất hiện của máy in làm thay đổi lớn về công nghệ truyền thông và làm thay đổi cả thế giới. Người ta không còn chỉ nhận thông tin bằng phương pháp truyền miệng, mà thông tin được phủ sóng trên toàn thế giới nhờ công nghệ.
Ngày càng có nhiều phần mềm mới, nhiều những ứng dụng công nghệ mới và những nhà tuyển dụng, những ông chủ luôn muốn nhân viên của mình cập nhật những công nghệ mới đó. Nhưng chúng ta cũng phải tự hỏi, chúng ta đang bị công nghệ chi phối nghề nghiệp truyền thông của mình hay chỉ sử dụng công nghệ như một công cụ để hành nghề? Tất nhiên câu trả lời sẽ là hãy sử dụng tính ưu việt của công nghệ như một công cụ để hoàn thành tốt mục đích truyền thông. Từ đó, vấn đề đặt ra là việc sử dụng hợp lí công nghệ trong truyền thông.
Một công nghệ mới ra đời mang đến nhiều lợi ích song cũng mang đến không ít những tiêu cực, như một nhà kinh tế học đã phát biểu: “Một mặt công nghệ kĩ thuật mở rộng giới hạn hiểu biết của các bạn, nhưng mặt khác, tạo nên sự hữu hạn về mặt văn hoá”.
Với người làm báo, làm truyền thông điều đáng quan tâm là công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến công việc của các bạn? Cụ thể những vấn đề này: Người mà bạn muốn giao tiếp liệu có những công cụ, công nghệ giao tiếp giống như bạn đang có hay không? Có những vùng trong một đất nước rộng lớn không thể liên lạc được? Những ý tưởng rất tuyệt vời nhưng để thực hiện nó phải có chi phí lớn? Hoặc những người bạn muốn giao tiếp có hiểu thông điệp bạn chuyển tới theo cách bạn đang làm hay không?
Đó là những vấn đề quan trọng đối với người làm truyền thông trong xã hội hiện đại - xã hội của sự toàn cầu hoá.