Định hướng công tác NCKH giai đoạn 2010-2020

Thứ bảy - 17/04/2010 13:03
Ngày 12/4/2010, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN kí Quyết định số 588/QĐ-XHNV-KH về định hướng và nhiệm vụ chủ yếu trong công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường giai đoạn 2010-2020.
Ngày 12/4/2010, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN kí Quyết định số 588/QĐ-XHNV-KH về định hướng và nhiệm vụ chủ yếu trong công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường giai đoạn 2010-2020. Nội dung của văn bản trên nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng Trường thành một đại học đứng đầu đất nước về khoa học xã hội và nhân văn, vươn lên ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”. Trong xu hướng phát triển khoa học – công nghệ hiện nay, việc xây dựng các định hướng khoa học của Nhà trường được xác định là vừa phải bảo đảm tính phát triển toàn diện, vừa tạo những điều kiện ưu tiên cho một số ngành học có khả năng, tiềm lực, có những phát triển vượt trội, trở thành các ngành học đạt trình độ quốc tế. Các định hướng khoa học phải thể hiện quan điểm nghiên cứu, tư duy khoa học mới theo hướng xây dựng các dự án mang tính liên ngành, khu vực học. Các đề tài, dự án vừa góp phần làm sáng tỏ tính đặc thù của lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam vừa phải đặt trong quan hệ so sánh, phù hợp với xu thế phát triển khoa học của khu vực và quốc tế. Trong giai đoạn 2010-2020 và những năm tiếp theo, Nhà trường tập trung thực hiện 8 định hướng nghiên cứu cơ bản sau: 1. Nghiên cứu các vấn đề lí thuyết, giải quyết các vấn đề lí luận, các học thuyết, quan điểm, phương pháp nghiên cứu thuộc phạm vi khoa học xã hội và nhân văn nhằm góp phần xây dựng nền tảng lí thuyết, luận cứ khoa học vững chắc cho việc xây dựng chủ thuyết phát triển. Các công trình nghiên cứu vừa mang tính lí thuyết nhưng cũng có thể vừa là sự vận dụng, ứng dụng các lí thuyết, phương pháp nghiên cứu (đặc biệt là các lí thuyết, phương pháp, quan điểm nghiên cứu mới) vào việc triển khai một hoặc một hệ thống các vấn đề khoa học cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tìm ra các đặc tính, quy luật vận động, phát triển của xã hội Việt Nam. 2. Tập trung xây dựng các đề tài nghiên cứu lớn mang tính liên ngành, nghiên cứu khu vực, nghiên cứu những vấn đề lớn đòi hỏi sự tham gia đồng thời của nhiều ngành khoa học, từ đó phân tích, xác lập các luận cứ, cơ sở khoa học cho việc xây dựng cơ chế quản lí, chiến lược phát triển, nghiên cứu dự báo những vấn đề của KHXHNV, các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước trong nửa đầu thế kỉ XXI; khả năng ứng phó với sự biến đổi của tự nhiên, của môi trường chính trị quốc tế, khu vực: khuynh hướng vận động, phát triển của xã hội, của đời sống kinh tế... và những tác động của điều kiện tự nhiên, xã hội và đời sống chính trị thế giới đối với nước ta. 3. Xây dựng các đề tài nghiên cứu nhằm tập trung làm rõ các đặc tính lịch sử, văn hoá, xã hội điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu vùng và liện vùng, tiến trình phát triển, đấu tranh thống nhất, hoà hợp dân tộc... Các đề tài nghiên cứu cần tập trung làm rõ sự hình thành, phát triển cũng như sự suy tàn của các nền văn hoá, các vương quốc cổ, các đế chế; quá trình khai phá, mở rộng lãnh thổ, xác lập chủ quyền của Tổ quốc ta; chính sách kinh tế - xã hội đối với vùng đất mới, vai trò tích cực, chủ thể của người Việt cũng như của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt nam trong quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền, bảo vệ lợi ích kinh tế, bản sắc văn hoá dân tộc. 4. Nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nữa vấn đề giao lưu, tiếp xúc văn hoá của các nền văn hoá, các không gian văn hoá tộc người, các trung tâm văn hoá trên đất nước ta trong lịch sử. Mặt khác, xác định rõ khái niệm vùng văn hoá, không gian văn hoá, những ưu thế và đặc thù của mỗi vùng văn hoá gắn liền với ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá; nghiên cứu các dòng di cư, cuộc sống của các dân tộc vùng biên, làm rõ tính thống nhất và đa dạng của văn hoá Việt Nam trong nền cảnh văn hoá khu vực; nghiên cứu sự thâm nhập, ảnh hưởng của các tôn giáo lớn, quá trình bản địa hoá của các tôn giáo, hệ tư tưởng; sự hình thành, vai trò của các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, vai trò của tôn giáo trong xã hội hiện đại. 5. Nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự biến đổi xã hội, các giai cấp, tầng lớp xã hội, các nhóm lợi ích, hệ giá trị; sự xuất hiện của các tầng lớp xã hội mới, các giá trị, quan niệm xã hội mới cũng như khả năng diễn tiến, hệ quả nhiều mặt của các mối quan hệ xã hội đó; vai trò của gia đình, của trẻ em, phụ nữ; vấn đề giới, người cao tuổi, quan hệ hôn nhân xuyên biên giới, hệ thống an sinh xã hội; chính sách của chính quyền, vai trò của các tổ chức xã hội; sự giao lưu, tiếp xúc văn hoá, những khác biệt và xung đột văn hoá giữa các dân tộc, cộng đồng người trong thời đại công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. 6. Tập trung nghiên cứu về đô thị hoá và xã hội thành trị bao gồm các loại hình thành thị, các vấn đề về không gian tự nhiên và xã hội trong việc thiết lập, quy hoạch đô thị, kinh nghiệm quản lí đô thị, phát triển ngành đô thị học. Nghiên cứu cơ sở phát triển và những đặc tính của từng loại hình thành thị; nghiên cứu cấu trúc dân cư, nhân học đô thị và vấn đề đô thị hoá, hoạt động kinh tế, văn hoá của cư dân đô thị, ý thức công dân, ý thức cộng đồng, luật pháp; mối quan hệ giữa thành thị với nông thôn để từ đó làm rõ vai trò của thành thị Việt Nam trong lịch sử, làm rõ các mô hình tiến triển và những đặc điểm tiêu biểu của thành thị Việt Nam trong so sánh với các loại hình thành thị phương Đông và thế giới. 7. Nghiên cứu về tiềm năng, môi trường văn hoá, kinh tế biển, truyền thống khai thác biển và ý thức về biển của dân tộc ta trong lịch sử; quá trình đấu tranh, xác lập chủ quyền lãnh hải; các vùng đặc quyền và không gian biển, sự tranh chấp chủ quyền trên biển, chiến lược biển của các quốc gia; vấn đề dân cư, di dân ra đảo, các dòng giao lưu văn hoá trên biển và ven biển; mỗi liên hệ giữa biển và lục địa; truyền thống và khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh khu vực, bảo vệ những nguồn lợi trên biển; nghiên cứu về thương mại biển, luật biển quốc tế, các thách thức của môi trường biển, các tuyến hải thương và bang giao khu vực, quốc tế diễn ra trong lịch sử đặc biệt là ở khu vực Biển Đông hiện nay. 8. Nghiên cứu và làm sáng tỏ hơn nữa con đường phát triển đặc thù của Việt Nam; vị thế và cách thức ứng đối chính trị của dân tộc ta trong lịch sử, tiến trình đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc; các chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu và bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới; tiến trình hội nhập với các tổ chức khu vực, quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, EU, WTO... chính sách của các nước lớn (Mĩ, Trung Quốc, Nga,...), các tổ chức quốc tế với khu vực và Việt Nam; các mối quan hệ song phương và đa phương đặc biệt là quan hệ của Việt Nam với các quốc gia Đông Á; vận hội và những thách thức đã và đang đặt ra đối với đất nước ta trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây