Hướng tới kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ngày 17 tháng 4 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa Ngôn ngữ học đã phối hợp cùng Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2010.
Với chủ đề “Ngôn ngữ học và các ngôn ngữ ở Việt Nam”, Hội thảo khoa học này là diễn đàn để các nhà ngôn ngữ học trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình, thảo luận các vấn đề mà mình đang quan tâm về ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng Hà Nội và ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đã có 157 báo cáo khoa học gửi đến tham gia và gần 200 đại biểu và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về tham dự Hội thảo. Tại phiên họp toàn thể, sau diễn văn khai mạc của PGS.TS Vũ Đức Nghiệu (Phó Hiệu trưởng nhà trường, đồng Trưởng ban tổ chức) và diễn văn chào mừng của GS.TS Lê Quang Thiêm (Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức), Hội thảo đã nghe và thảo luận ba báo cáo của các nhà khoa học:
-
Bài học về vận dụng các phương tiện ngôn ngữ châm biếm trong tác phẩm chính luận của Hồ Chí Minh của PGS.TS Hoàng Tất Thắng, Trường Đại học Khoa học Huế.
-
Một bản dịch Nôm đầu thời Lí: Bán “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh” của GS.TS Nguyễn Tài Cẩn, do PGS.TS Vũ Đức Nghiệu thay mặt trình bày.
-
Vài nét về định tố tính từ trong “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng của TS. Nguyễn Thị Nhung, Đại học Thái Nguyên.
Sau phiên họp toàn thể, Hội thảo đã thảo luận theo các chủ đề chuyên sâu tại 5 tiểu ban:
- Tiểu ban A: Ngôn ngữ học và Việt ngữ học
- Tiểu ban B: Bản ngữ và ngoại ngữ
- Tiểu ban C: Hà Nội học và Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
- Tiểu ban D: Ngôn ngữ và văn hoá
- Tiểu ban E: Ngôn ngữ với văn chương
Có trên 40 báo cáo đã được trình bày tại các tiểu ban, trong đó có nhiều báo cáo thu hút được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các đại biểu và các nhà nghiên cứu như:
Ngôn ngữ văn hoá Hà Nội hiện nay từ góc nhìn của đô thị hoá (GS.TS Nguyễn Văn Khang, Viện ngôn ngữ học),
Tương ứng thanh điệu các từ Hán - Việt cổ và Hán - Việt góp phần giải thích nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt (GS.TS Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội),
Từ sốc văn hoá đến giao thoa ngôn ngữ (Nguyễn Văn Chiến, Đại học Thăng Long),
Qua khảo sát từ chỉ nghề nông ở Nghệ Tĩnh suy nghĩ về mối quan hệ giữa từ nghề nghiệp với phương ngữ và ngôn ngữ toàn dân (PGS.TS Hoàng Trọng Canh, Đại học Vinh), v.v.
Nhiều báo cáo của các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ đang là học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh ở các trường đại học, các viện nghiên cứu cũng được trình bày tại Hội thảo và được đánh giá cao:
“moon” trong tiếng Anh và “trăng” trong tiếng Việt: Một tìm hiểu về mặt ngôn ngữ và văn hoá (Lê Thị Phương Anh, Đại học Mở);
So sánh thanh điệu trong tiếng Hán và tiếng Việt (Mông Lâm, Đại học Ngoại ngữ ngoại thương Trung Quốc, NCS của Khoa Ngôn ngữ học), v.v.
Trong những năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa Ngôn ngữ học của Trường đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế về ngôn ngữ học và Việt ngữ học có chất lượng khoa học, được giới chuyên môn đánh giá cao như: HNKH quốc tế “Ngôn ngữ học Liên Á” lần thứ 6 (11/2004, phối hợp với Viện Ngôn ngữ học), HNKH "Những vấn đề ngôn ngữ học: Ngôn ngữ Hồ Chí Minh - Tiếng Hà Nội với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam" (11/2007, phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Hà Nội), HNKH quốc tế lần thứ 2 về “Nghiên cứu và giảng ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam – Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á” (11/2009, phối hợp với ĐH Dân tộc Quảng Tây).
Phát biểu ý kiến tổng kết Hội thảo, GS. Lê Quang Thiêm - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - đã đánh giá cao thành công của Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc 2010, đặc biệt là về chất lượng khoa học, giá trị học thuật, giá trị thực tiễn của Hội thảo, đồng thời cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Khoa Ngôn ngữ học đã tạo mọi điều kiện để Hội thảo thành công.