Tháp tùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng công tác tại Thụy Điển trong các ngày 11–12/9/2023, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn và cán bộ Nhà trường đã làm việc với các cơ sở giáo dục tại Thụy Điển, gặp gỡ Hội Kiều bào Việt Nam tại thủ đô Stockholm và trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển về công tác giảng dạy Tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại sứ Trần Văn Tuấn tiếp nhận tài liệu học tiếng Việt cho kiều bào
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn báo cáo với Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và Đại sứ Trần Văn Tuấn về những dự án Tiếng Việt trọng điểm do Nhà trường triển khai dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ưu tiên đầu tư kinh phí của ĐHQGHN trong việc xây dựng bộ học liệu dạy Tiếng Việt cho kiều bào. Đây là bộ học liệu có quy mô đầu tiên tại Việt Nam bao gồm toàn bộ hệ sinh thái cho kiều bào từ tài liệu dạy học, tài liệu hướng dẫn phương pháp dạy, tài liệu chỉnh ngữ âm và bộ tài liệu bổ trợ cao cấp bao gồm các lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kĩ thuật và công nghệ, các loại hình văn hóa nghệ thuật Việt Nam, du lịch, ẩm thực, thương mại, sổ tay giao tiếp tiếng Việt thông dụng và dạy tiếng Việt thông qua bộ truyện cổ tích Việt Nam. Hệ sinh thái giảng dạy tiếng Việt dành riêng cho kiều bào còn có bộ tài liệu kiểm tra đánh giá sơ cấp, trung cấp, cao cấp và đặc biệt là hệ thống đề thi đánh giá theo khung năng lực 6 bậc của tiếng Việt lần đầu tiên được biên soạn bài bản, chất lượng cao.
Trong số 35 đầu mục bản thảo đã hoàn thành, các chuyên gia dạy tiếng của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã dành hơn 2.000 trang cho tổng bộ 6 cuốn có tính chất hướng dẫn phụ huynh và giáo viên cách thức dạy học cho trẻ em trong các gia đình là kiều bào, gia đình đa văn hóa có cha và (hoặc) mẹ là người Việt. Bộ sách hướng dẫn giảng dạy đang được Nhà trường xuất bản để đưa vào lưu hành vào cuối năm 2023.
Đặc biệt, trong các năm 2022 và 2023, ĐHQGHN đã đầu tư để Trường Đại học KHXH&NV xây dựng kênh dạy Tiếng Việt trực tuyến cho kiều bào. Sau khi hoàn thành vào 9/2022, Nhà trường đã phối hợp cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cử chuyên gia tổ chức dạy tiếng Việt online miễn phí cho kiều bào ở hơn 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trong gần một năm qua.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi làm việc với kiều bào
Phát biểu tại phiên làm việc với Hội Kiều bào Việt Nam tại thành phố Stockholm và phụ cận, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Nhà trường sẽ thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển để hỗ trợ tối đa mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt của hơn 22.000 kiều bào và góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc của cộng đồng kiều bào tại Thụy Điển thông qua các hoạt động đào tạo và chuyên môn cụ thể.
Trước mắt, Nhà trường sẽ tập trung vào 3 trọng tâm: tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dạy tiếng Việt nâng cao cho các giáo viên dạy tiếng Việt tại Thụy Điển hiện nay; định kỳ cung cấp - thông qua Đại sứ quán - hệ thống tài liệu dạy và học tiếng Việt cũng như các tài liệu về văn hóa Việt Nam; phái cử cán bộ Nhà trường sang các cơ sở giáo dục tại Thụy Điển xây dựng chương trình và giảng dạy tiếng Việt và các môn học về Việt Nam theo sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên.
TS. Lê Thị Thanh Tâm và Bà Hường Mimmi Bergström
Bên lề các phiên làm việc với cộng đồng kiều bào, TS. Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã trao đổi và thống nhất kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng với bà Hường Mimmi Bergström, Chi hội Trưởng Chi hội kiều bào Việt Nam tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn và cán bộ Nhà trường đã tháp tùng Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đến thăm và trao đổi với một số cơ sở giáo dục đại học và cơ quan quản lý thuộc Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Điển, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi cán bộ và sinh viên…cho Nhà trường trong thời gian tới.
Đoàn công tác thăm và làm việc với lãnh đạo Đại học Mälardalen
Đoàn công tác thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Điển
Ngày 18 tháng 12 năm 1968, Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được thành lập trên cơ sở là Tổ Việt ngữ, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc đào tạo tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước. Trải qua hơn nửa thế kỉ giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, cho các thế hệ kiều bào mong mỏi hướng về cội nguồn và gìn giữ tiếng Việt, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đã đào tạo được hơn mười nghìn học viên từ khoảng 40 quốc tịch khác nhau, trong đó có hàng trăm cử nhân Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, cử nhân Việt Nam học, 15 người đã và đang là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam.
Khoa cũng là đơn vị có cống hiến to lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp Lào và Campuchia trong lĩnh vực dạy tiếng. Từ năm 2015 đến nay, Trường ĐHKHXH&NV với vai trò chuyên môn của Khoa VNH&TV trở thành đơn vị dẫn dắt chương trình hành động nhằm lan tỏa và tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt khắp thế giới, bao gồm: Biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (quyết định số 17/2015/TT-BGDĐT, ngày 01/09/2015); Biên soạn thành công Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (Quyết định ban hành Định dạng đề thi số 2097/QĐ-BGDĐT và Quyết định phê duyệt Tài liệu hướng dẫn xây dựng đề thi và chấm thi theo Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài số 2098/QĐ-BGDĐT, ngày 21/6/2016); Tư vấn xây dựng Chương trình Đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ GD&ĐT thực hiện một cách có hệ thống; Biên soạn thành công Khung chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (thuộc đề án Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 6/01/2017); Đặc trách chuyên môn cho đề án Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài (Quyết định số 1382/QĐ-TTg, ngày 12/7/2016) và triển khai chính thức từ năm 2019. Thành quả của đề án là sự ra đời của “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” và Chương trình “Xin chào Việt Nam” liên tục từ năm 2022 đến nay trên Kênh truyền hình đối ngoại VTV4. |