(Đại biểu Nhân dân) Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn xây dựng các giải pháp vấn đề sức khỏe tâm thần

Thứ ba - 28/03/2023 21:44
Ngày 28.3, Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng”. Sự kiện thu hút sự quan tâm đến tham dự và đưa tin của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố Hà Nội: Đài Truyền hình Việt Nam VTV2, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV2, Báo Dân trí, Báo Đại biểu Nhân dân,... USSH Media trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả bài viết của Báo Đại biểu Nhân dân đăng ngày 29/3.

​Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn GS.TS Hoàng Anh Tuấn cùng nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học,…
Bốn trụ cột điều trị cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao sự nỗ lực và quan tâm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, của Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ông khẳng định, điều này cũng trùng với sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

MG 3354

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Toạ đàm

Thứ trưởng chia sẻ, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực khó, rộng và nhiều chuyên ngành. Hiện nay, trên thế giới trung bình có khoảng 50% dân số gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau (từ stress, lo âu, trầm cảm, tự kỷ, bệnh tâm thần phân liệt, hoang tưởng,…). Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả cả về mặt sức khỏe lẫn khía cạnh kinh tế, xã hội.
Theo Thứ trưởng, vấn đề này cũng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Trong Nghị quyết 20 của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có những hợp phần lớn liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Nghị quyết 15 của Trung ương về an sinh xã hội cũng đưa ra những giải pháp về mặt chính sách (đồng bộ với y tế) để tăng cường điều trị cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Bốn trụ cột điều trị cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần gồm: điều trị dự phòng, điều trị y tế, can thiệp khẩn cấp, hỗ trợ về phục hồi. “Cả bốn trụ cột này hết sức quan trọng và có sự tham gia tích cực, có vai trò rất lớn của công tác xã hội và tâm lý học. Khía cạnh xã hội cùng kết hợp với y tế mới có thể điều trị tốt, giải quyết được vấn đề về mặt sức khỏe tâm thần cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Hình thành chuyên ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam
Thứ trưởng cho rằng, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cần tập trung vào một số điểm trọng tâm mang đặc trưng riêng của một trường đại học.
Thứ nhất, xây dựng bộ sàng lọc chuẩn với tên gọi, khung lý thuyết và các tiêu thức cụ thể, dựa trên việc nghiên cứu bộ sàng lọc trên thế giới và áp dụng hợp lý vào điều kiện Việt Nam.
Thứ hai, lựa chọn một trong các mô hình: trường học, cộng đồng, công nhân lao động,… để áp dụng, triển khai, sau đó rút kinh nghiệm, xin ý kiến tư vấn góp ý từ các chuyên gia trong và ngoài nước để tiếp tục nghiên cứu.
Thứ ba, tiến hành chạy thử, làm thí điểm. Có thể áp dụng một mô hình cho sinh viên của các trường đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, nhiều sinh viên cũng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng đôi khi không biết.
Thứ tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đưa ra gợi ý việc hình thành một chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam. Hiện nay, một số nước cũng đã có chương trình đào tạo này. Để thực hiện, cần xây dựng cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và có lộ trình rõ ràng. Nên nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới để đưa một số môn học chuyên sâu vào áp dụng trong trường, trong chuyên ngành đào tạo.
Thứ năm, cơ cấu lại chương trình đào tạo, trong đó chú trọng tới yếu tố thực hành trong lĩnh vực về khoa học xã hội.
Thứ trưởng nhấn mạnh, những vấn đề nói trên nên làm nhanh, làm tâm huyết, đầu tư về chiều sâu và theo đuổi một cách kiên định, nhiệt huyết. “Ngoài ra, cần huy động, quy tụ các tổ chức quốc tế, từ Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế có liên quan đồng hành, tôi nghĩ chúng ta mới có thể thực hiện được chiến lược đã nêu”, Thứ trưởng nói.
Nghiên cứu liên ngành hướng tới việc ứng dụng và phục vụ cho cộng đồng
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại dịch Covid-19 đi qua đã để lại rất nhiều hậu quả cho sức khỏe con người, không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tâm thần.
Trong thời gian qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã giao Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội - nơi tập hợp của các chuyên gia về tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học và rất nhiều lĩnh vực khác mang tính liên ngành, liên thông làm nhiệm vụ xây dựng một đề án về các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng.

mg 3357

GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) phát biểu tại Toạ đàm

GS Tuấn nhấn mạnh, các hoạt động này của nhà trường không chỉ khuôn hẹp trong hoạt động chuyên môn thuần túy về giảng dạy, nghiên cứu hàn lâm mà tất cả kết quả đó cần được triển khai, ứng dụng và phục vụ cho cộng đồng. 
Dịch bệnh đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân nói chung, đặc biệt với đối tượng học sinh. Đây là lý do sau dịch, nhà trường chủ trương hướng đến đối tượng học sinh là một trong những nhóm cần ưu tiên, đặc biệt với những trẻ em vùng nông thôn, vùng núi, nơi điều kiện kinh tế xã hội, nhận thức, cơ sở vật chất khó khăn hơn.
Trong năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần thiết thực như: tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh giáo viên và phụ huynh tại 4 địa phương khó khăn; đánh giá và hỗ trợ tâm lý cho học sinh mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19;…
Chúng tôi đã thử nghiệm năm đầu tiên, triển khai ở các địa bàn của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Đà Nẵng,… hiệu ứng xã hội rất tốt và được Bộ Lao động - Thương binh Xã hội rất quan tâm bởi đây cũng là một trong những chương trình trọng điểm mà đang theo đuổi. Tọa đàm hôm nay là dịp để chúng ta nhìn lại, để đánh giá, rút kinh nghiệm và quan trọng là mở ra những hướng đi mới”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thông tin thêm, tiếp thu chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, thời gian tới, nhà trường hướng tới việc xây dựng một bộ quy chuẩn, bộ lọc, bộ quy tắc cho đề án; trên cơ sở bộ tiêu chuẩn của quốc tế nhưng thích ứng với bối cảnh Việt Nam, phù hợp với con người Việt Nam, sức khỏe người Việt. Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng thực tiễn vào hoạt động của các địa phương trong cộng đồng.
Với tư cách là một đơn vị không chỉ đào tạo nguồn nhân lực sử dụng ngay, mà đào tạo cả đội ngũ nhân lực có thể làm khâu trung gian về mặt đào tạo khác (ví dụ như đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các trung tâm liên quan đến vấn đề tâm lý học, sức khỏe cộng đồng,...), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ xây dựng các khung lý thuyết, chương trình đào tạo, môn học để tăng chuyên môn, kỹ năng cho người học, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia, giảng viên.
4 hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng nổi bật trong năm 2022
Tại Tọa đàm, báo cáo tổng kết hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng trong năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã nêu ra 4 hoạt động nổi bật.
 

MG 3344

Theo đó, Trung tâm đã tổ chức tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh miền núi và nông thôn, giáo viên và phụ huynh tại 4 địa phương gồm huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa và huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Có tổng số 2.281 học sinh, 232 giáo viên và phụ huynh đã dự tập huấn và được hưởng lợi từ chương trình này.
Thứ hai, tổ chức hoạt động đánh giá và hỗ trợ tâm lý cho học sinh mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19. Tổng số học sinh được thăm khám và đánh giá là 101 em, kết quả cho thấy 56,44% trong số học sinh được đánh giá đang có sang chấn tâm lý và các vấn đề sức khỏe khác (lo âu, trầm cảm, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hành vi). Số học sinh có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm 20,79%; số học sinh khỏe mạnh về sức khỏe tâm thần chiếm 22,77%.
Trung tâm cũng cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu tâm lý cá nhân thường xuyên. Trong năm 2022, dịch vụ cung cấp các buổi tham vấn và trị liệu tâm lý cá nhân của Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội đã bắt đầu ổn định với hơn 500 lượt người sử dụng dịch vụ này.
Bên cạnh đó, thăm khám, đánh giá và hỗ trợ tâm lý cho người lao động. Theo PGS Hằng, hoạt động này mới bắt đầu được triển khai, đã thực hiện một đợt thăm khám tâm lý cho người lao động tại một đơn vị ngân hàng. Đây là loại dịch vụ cộng đồng hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai gần, bởi nhận thức và nhu cầu của cộng đồng nói chung và các tổ chức sử dụng lao động cũng như người lao động về sức khỏe tâm lý đã và đang được nâng cao.

MG 3363

Nguyễn Liên (Báo Đại biểu Nhân dân)
Link bài viết: Báo Đại biểu Nhân dân

Tin liên quan: 
VOV2: Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng muốn làm tốt phải có mục tiêu rõ ràng
Đại học Quốc gia Hà Nội: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn triển khai xây dựng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây