Tin tức

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Luật Báo chí 2016

Thứ hai - 12/06/2023 00:02
(Vietnamnet) Sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại phát triển nhanh chóng, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập.
Ngày 10/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ TT&TT (Cục Báo chí, Tạp chí TT&TT, Báo VietNamNet) và Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”. 
Đây là hội nghị tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016, một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ TT&TT được Chính phủ giao, gắn với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hải
Luật cũng nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ. 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Tôi tin rằng, dù là góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí, hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp, đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển”, Thứ trưởng phát biểu.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng tình với ý kiến trên và cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí 2016 sớm và kỹ. 
 
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hải
Bộ Tư pháp rất quan tâm việc hoàn thiện quy định pháp luật về báo chí nói chung và về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí nói riêng để làm sao vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí.
Nhưng mặt khác, cũng cần xác định rõ trách nhiệm, sự lãnh đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng. 
Xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho rằng, nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Tổ hợp có thể có nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản trực thuộc, hoạt động đa loại hình, đa nền tảng, đa dịch vụ.
Đồng thời, về chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí quy định theo hướng “chủ báo”, “chủ bút”. Đây cũng là hướng đi để hình thành những cơ quan báo chí lớn của đất nước và tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các cơ quan chủ quản, địa phương nhiều cơ quan báo chí có truyền thống, uy tín và vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”. Ảnh: Phạm Hải
Mặt khác, quy định chức danh báo chí theo hướng “chủ báo”, “chủ bút” phù hợp với cả những cơ quan báo chí lớn, có nhiều loại hình, sản phẩm báo chí, nhằm cá thể hóa trách nhiệm đến từng sản phẩm của cơ quan báo chí.
PGS. TS Nguyễn Văn Dững đề nghị không gọi là Luật Báo chí mà nên gọi là Luật về các phương tiện truyền thông đại chúng. Luật sẽ điều chỉnh tất cả, không chỉ là báo chí mà cả các đối tượng như KOL, những địa chỉ trên mạng xã hội để chế độ công khai (public)… 
Ý kiến tham luận của bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã chỉ ra những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016. 
Bà Mai Hương nêu: Việc cho phép cơ quan báo chí đăng tải kiến nghị của công dân, trả lời hoặc yêu cầu các cơ quan, tổ chức trả lời báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân dẫn đến tình trạng cơ quan báo chí đăng ý kiến của công dân khi chưa xác minh thông tin, lợi dụng để gửi văn bản gây sức ép đến cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình cung cấp thông tin.
Trong khi đó, cơ quan báo chí không có chức năng giải quyết đơn thư mà phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật tố cáo.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan báo chí (tạp chí) căn cứ vào đơn thư bạn đọc để gửi văn bản, cử phóng viên đến các tỉnh, TP yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để điều tra, xác minh về các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương… gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và có dấu hiệu vượt quá chức năng của cơ quan báo chí.
Tiến sỹ Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV đặt vấn đề: Sản phẩm của nền kinh tế là hàng hóa dịch vụ. Vậy sản phẩm báo chí có được coi là hàng hóa hay không? Công chúng có thể được coi là khách hàng của kinh tế báo chí hay không? Những điều này chưa được quy định trong Luật Báo chí.
Theo ông Hùng, chưa có quy định về chức năng kinh doanh của báo chí. Vì vậy cần quy định và phân định về chức năng chính của báo chí là chức năng tuyên truyền và kinh doanh.
Cần coi sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, các sản phẩm này cũng có sự cạnh tranh, cung- cầu, giá cả, vận hành theo quy luật của nền kinh tế thị trường, cũng như công chúng báo chí chính là những khách hàng của cơ quan báo chí. 
Mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm thay mặt Bộ TT&TT cám ơn các học giả, chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan báo chí đã quan tâm, đóng góp trí tuệ, góp phần cho thành công của hội thảo.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, cơ quan báo chí có hai vai trò. Một là vai trò của đội ngũ tham gia bảo vệ chế độ. Nhưng bên cạnh đó, báo chí cũng là những cơ quan cung cấp dịch vụ công là thông tin tuyên truyền thiết yếu. 
Vậy cơ sở khoa học nào để làm rõ và làm sòng phẳng mối quan hệ giữa cơ quan báo chí và bên chủ quản, cao hơn là Nhà nước trong vai khách hàng lớn của báo chí. Cần có cơ sở khoa học để khi trình bày có thể thuyết phục được các cấp, ngành, thuyết phục được xã hội, khi câu chuyện của báo chí và kinh tế báo chí còn là vấn đề nhức nhối.
"Trong khi đó, các hình thái khác của thông tin xã hội sẽ nhanh chóng thay thế một số vai trò của báo chí nếu như chúng ta không tính toán đến việc nâng tầm đội ngũ báo chí cách mạng. Rất nhiều vấn đề như vậy chúng tôi mong muốn các trường đại học, cơ sở đào tạo, nghiên cứu, giúp đỡ cho để có những công trình nghiên cứu", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV khẳng định:
Sự phát triển của báo chí truyền thông trong bối cảnh mới là một trong những chủ đề chính yếu để nhà trường xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu, cũng như hoạt động kết nối với cộng đồng báo chí truyền thông trong và ngoài nước.
Đó cũng là định hướng để tạo dựng nội dung hội thảo khoa học hôm nay về vấn đề sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí năm 2016. Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động báo chí phát triển, để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định, theo đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng: “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Báo chí đưa tin về sự kiện:
Báo Vietnamnet: Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Luật Báo chí 2016
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam: Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016
Báo Tuổi trẻ Thủ đô: Tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc
Báo Lao động: Gần 80 chuyên gia, nhà báo, luật sư góp ý chỉnh sửa Luật Báo chí 2016
Báo Tuổi trẻ Thủ đô: Cần có cơ chế đặc thù với những sản phẩm báo chí thiết yếu
Báo Pháp luật TP.HCM: Luật Báo chí 2016 có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập
Báo Lao động Thủ đô: Sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết
Báo Pháp luật TP.HCM: Sửa Luật Báo chí: Cần quy định mới về 'kinh tế báo chí'
Báo Xây dựng: Hội thảo cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016
 

Tác giả: Theo báo Vietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây