Ngôn ngữ
Thưa thầy, dịch Covid-19 đã làm thay đổi quan niệm về việc đi chúc thầy cô giáo ngày mùng 3 Tết như thế nào?
Theo truyền thống, dịp lễ Tết, học trò thường đến gặp các thầy cô - người đi trước đã dìu dắt, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để giúp các em trưởng thành, vững bước hơn trong cuộc sống. Học trò đi chúc Tết thầy cô, gặp gỡ trực tiếp tay bắt mặt mừng, chia sẻ những câu chuyện, cảm xúc làm cho tình cảm giữa hai bên gắn bó hơn, giá trị tinh thần do vậy là rất quan trọng, còn quan trọng hơn giá trị vật chất – quà cáp mà học trò mang đến cho thầy cô.
Thế nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra khiến cho gặp mặt thầy cô và học trò khó khăn. Do vậy học trò chúc Tết thầy cô có thể bằng nhiều hình thức khác như: Tin nhắn điện thoại, gửi lời chúc qua mạng xã hội, nhờ chuyển quà qua bưu điện hay qua các kênh trung gian khác. Với nhiều thầy cô, không quan trọng là quà học trò mang tới mà chỉ cần gặp gỡ học trò, học trò nghĩ đến dịp lễ, Tết là thầy cô rất vui.
Thầy Phạm Hồng Long cùng đồng nghiệp đi chúc Tết cựu giáo chức của Khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội
Đối với thầy, việc đi chúc Tết các thầy cô đã có từ bao giờ?
Tôi không nhớ mình đi Tết thầy từ bao giờ, nhưng có lẽ từ khi tôi còn học cấp 1. Tôi vốn sinh gia trong gia đình làm nghề giáo; có bố, chị gái làm giáo viên; anh trai trước đây cũng là thầy giáo. Chúng tôi luôn được bố mẹ dạy không chỉ dành tình cảm tốt đẹp, sự tri ân đối với thầy cô dìu dắt mình, mà cả những người giúp đỡ mình trong cuộc sống.
Bố tôi trước làm giáo viên, hiệu trưởng một trường trung cấp (sau này được nâng cấp thành trường cao đẳng) là người rất đức độ, luôn giúp đỡ mọi người chân thành. Ông nghỉ hưu từ năm 2000 nhưng hàng năm vẫn có rất đông các cán bộ, học trò cũ, thậm chí có người là chủ tịch thành phố, giám đốc sở vẫn đến nhà chúc Tết.
Sự đức độ, quan tâm đến học trò một cách chân thành của bố đã tác động đến các con. Và điều đó cũng để nói, lúc làm nghề giáo có học trò đến thăm, chúc Tết là chuyện bình thường; bởi có khi học trò sợ thầy cô, nghĩ thầy cô đang dạy mình thì đến. Nhưng một người thầy có tâm, biết dành tình cảm, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục thì sau khi nghỉ hưu mới thực sự là giai đoạn thể hiện mình đã sống trong lòng mọi người như thế nào.
Tôi nghĩ, những việc làm của bố trước đây đã ảnh hưởng đến mình. Cho nên, khi làm giảng viên, tôi hết mình vì công việc và luôn cố gắng trợ giúp đồng nghiệp, sinh viên nhiều nhất có thể.
Là Trưởng khoa, lại trực tiếp đứng lớp giảng dạy sinh viên, hướng dẫn học viên cao học, thầy có nhiều kỷ niệm xúc động về Tết thầy?
Đúng là tôi có nhiều kỷ niệm học trò đi Tết thầy. Ngay như chiều hôm qua, một em sinh viên ở huyện Thạch Thất đang học bằng kép gọi điện và nói muốn được đến tận nhà để chúc Tết thầy; tôi khuyên bạn ấy không đến vì đường xa, đi lại vất vả. Thế nhưng, bạn ấy vẫn đi xe máy đoạn đường dài hơn 40 km đến tận nhà tôi để chúc Tết và mang tặng mấy gói kẹo chè lam của gia đình làm được. Tôi thật sự rất xúc động trước tình cảm tri ân của em ấy, mặc dù mình chỉ dạy 2 môn và hướng dẫn đi thực tập, thi thoảng động viên hoàn thành việc học để tốt nghiệp.
Trưởng khoa Du lịch học Phạm Hồng Long cùng cùng cựu sinh viên đi trao quà ủng hộ sinh viên ở lại Trường đợt bùng phát dịch Covid tháng 4/2020
Tôi còn có học trò là học viên cao học công tác tận TP Hồ Chí Minh (quê An Giang) chục năm nay, cứ mỗi Tết lại gọi điện chúc và gửi tặng những thứ đồ khô (cá khô, mực khô) - được người dân trong đó chỉ dành cho những người thật quý. Thật sự, là nhiều lúc tôi phát ngại với học trò luôn dành tình cảm, sự tri ân; trong khi mình là giảng viên không giúp đỡ họ được nhiều.
Thầy có thể bật mí, vì sao nhiều học trò ra trường đã rất lâu nhưng vẫn nhớ chúc Tết và gửi quà biếu?
- Như tôi đã nói ở trên, mình sinh ra trong gia đình nhà giáo, nhận được sự giáo huấn của bố mẹ nên sự ảnh hưởng của tôi đối với sinh viên khá lớn. Ở trên lớp, tôi là thầy giáo cực kỳ nghiêm khắc, luôn đi dạy đúng giờ, thậm chí đi sớm. Trong từng bài giảng tôi luôn “cháy” hết mình, say mê và truyền cảm hứng cho học trò cảm thấy yêu nghề, yêu ngành đang học, yêu từng môn học.
Khi ra khỏi lớp học, tôi như là người anh, người chú đối với học viên cao học; với các em sinh viên, tôi giống như cha chú nói chuyện thoải mái, gần gũi, thân thiện. Tôi luôn gắn bó sát sao với các em sinh viên trong phong trào Đoàn – Hội, hoạt động thiện nguyện, thậm chí hỗ trợ kinh phí cho hoạt động. Với những em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đôi khi tôi còn bằng cách này các kia để hỗ trợ tài chính cho các em hoặc vận động hỗ trợ tài chính cho các em yên tâm học tập.
Thầy Phạm Hồng Long tham gia góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị Đại học Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025.<
Hiện nay, đổi mới giáo dục toàn diện, học trò đã trở thành trung tâm. Khi phụ huynh, học trò đi Tết thầy có nghĩa là họ vẫn luôn coi trọng thầy như truyền thống trước đây?
- Khi lấy học trò làm trung tâm là mối quan hệ tương tác hai chiều. Câu nói “Không thầy đố mày làm nên” là mối quan hệ của học trò với thầy. Nhưng nếu không có học trò thì thầy cũng không làm nên cái gì. Vì vậy, nếu lúc nào cũng nghĩ Lễ tết theo kiểu một chiều (học trò đến lễ Tết thầy cô, quà cáp) thì không bền vững. Mà nó phải xuất phát từ mối quan hệ: Thầy phải mang lại giá trị nhất định cho học trò; có thể là giá trị về kiến thức, đạo đức, tinh thần, ví như khơi dậy cho học trò niềm cảm hứng say mê học hành, trong công việc. Có như vậy, mối quan hệ hai chiều giúp cho tình cảm thầy - trò bền vững hơn.
Xin cảm ơn thầy!
Tác giả: Oanh Trần
Nguồn tin: kinhtedothi.vn