Tin tức

ĐỐI THOẠI & SUY NGẪM: GS.TS Phạm Quang Minh: Để chống dịch, cần một kế hoạch toàn cầu !

Thứ năm - 09/04/2020 07:55
Những diễn biến của dịch Covid 19 trên phạm vi toàn cầu cho thấy nhiều vấn đề trong quan hệ quốc tế hiện nay. Từ những câu chuyện của dịch bệnh, chúng ta có thể nhìn rõ hơn về tính chất của một mối quan hệ này và buộc phải đặt nhiều dấu hỏi về một mối quan hệ khác. Và trên tất cả, nếu chúng ta nói rằng dịch bệnh đặt ra nhu cầu đoàn kết toàn cầu thì rốt cuộc các mức độ đoàn kết đang được thể hiện ra sao? ANTG GT - CT đối thoại với GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu quốc tế.
ĐỐI THOẠI & SUY NGẪM: GS.TS Phạm Quang Minh: Để chống dịch, cần một kế hoạch toàn cầu !
ĐỐI THOẠI & SUY NGẪM: GS.TS Phạm Quang Minh: Để chống dịch, cần một kế hoạch toàn cầu !

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Cuộc chiến giữa 2 hệ thống

Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, một trong những mối quan hệ quốc tế nóng bỏng nhất mà chúng ta thấy trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua chính là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Donal Trump với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 27-3 vừa rồi, giữa hai bên quả thực đã diễn ra một cuộc khẩu chiến với nhiều biểu hiện vượt quá ngôn ngữ ngoại giao thông thường. Khi đó, một người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc viết trên Mạng xã hội rằng ông ta nghi ngờ quân đội Mỹ đã thả Virus Corona xuống Vũ Hán, ngay lập tức phía Mỹ phản đối quyết liệt, và ông Donal Trump nhiều lần gọi Virus này là “Virus Trung Quốc”. Cá nhân ông đánh giá gì về cuộc khẩu chiến này?

GS.TS Phạm Quang Minh: Đại dịch covid 19 xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đã có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận thương mại để hàn gắn lại vết rạn nứt trong quan hệ song phương. Vì thế, cả hai bên đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc tái vũ trang và một cuộc xung đột tiềm năng trong tương lai ở châu Á-Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu đều chú ý tới tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình về chính sách chính thức xây dựng “quân đội tầm cỡ thế giới” của Trung Quốc tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo đó quân đội Trung Quốc có “sức răn đe sánh ngang với quân đội các cường quốc thế giới”, có được ưu thế thông tin, chú trọng sức mạnh hải quân và không quân và thúc đẩy “năng lực răn đe hạt nhân tối thiểu”. Ngân sách quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc đã đạt mức 177,61 tỷ đô la, nhiều hơn của cả Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Cứ theo đà này, quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ bị đẩy vào giai đoạn thách thức hơn, không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân hai nước trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mà cả với thế giới sau đại dịch. Một Trung Quốc đang hồi sinh nhanh chóng từ đại dịch đã báo hiệu một nguy cơ mới trong các sắp đặt quốc tế trong tương lai.

GS. Phạm Quang Minh tại một sự kiện của DAAD

Nhà báo Phan Đăng: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng nếu Mỹ và Trung Quốc không ngừng đổ lỗi cho nhau thì thế giới nói chung sẽ không thể sớm giải quyết được câu chuyện dịch bệnh gây nguy nan toàn cầu hiện nay. Trong góc nhìn của ông thì một sự hợp tác thực chất giữa hai cường quốc này, ít nhất là vào lúc thế giới nguy nan này sẽ có ý nghĩa như thế nào?

GS.TS Phạm Quang Minh: Trước hết, cả Mỹ và Trung Quốc phải nhận thức đại dịch Covid -19 là một cuộc chiến tranh thế giới chống lại một kẻ thù vô hình nghiêm trọng nhất, chưa từng có đối với nhân loại. Với tư cách là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc phải có trách nhiệm hợp tác với nhau để giúp thế giới vượt qua thế chiến này. Sự mâu thuẫn đối đầu giữa họ là một sự thất bại của chính trị thế giới, gây nguy hại cho việc tập hợp lực lượng trong cuộc chiến toàn cầu. Cộng đồng thế giới hy vọng và trông đợi vào cách thức ứng xử của hai “người không lồ”, vào sự hợp tác chứ không phải đối đầu.

Sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc cần được xem xét từ góc độ văn hóa lãnh đạo. Những gì đang bị đe dọa bây giờ là vị thế lãnh đạo toàn cầu. Hai chuyên gia về châu Á của Mỹ là Kurt M. Campbell, nguyên trợ lý bộ trưởng ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama và Rush Doshi đã rất có lý khi cho rằng: "Vị thế của Hoa Kỳ như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong bảy thập kỷ qua đã được xây dựng không chỉ dựa trên sự giàu có và quyền lực mà còn quan trọng, về tính hợp pháp trong quản trị đất nước, cung cấp hàng hóa cho toàn cầu, khả năng và tính sẵn sàng để điều phối và phối hợp một phản ứng toàn cầu đối với khủng hoảng”.

Trong khi Washington còn tỏ ra thờ ơ, chủ quan xem thường đại dịch và vẫn tuyên bố “nước Mỹ trên hết” thì Trung Quốc đã âm thầm đối phó, bí mật chuẩn bị và sắp xếp các nguồn lực khổng lồ một các hiệu quả để sẵn sàng thay chân Mỹ, lấp đầy “khoảng trống quyền lực”, để thể hiện mình là lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó đại dịch.

Nhà báo Phan Đăng: Vì những lý do đó mà sự hợp tác thực chất giữa Mỹ và Trung Quốc là một điều không tưởng?

GS.TS Phạm Quang Minh: Thông tin báo chí cho chúng ta biết vừa mới “đổ lỗi” cho Mỹ mang virus corona vào Vũ Hán, Bắc Kinh lại kêu gọi Washington “đoàn kết” để đối phó với đại dịch. Ngày 26/03/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc “sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Hoa Kỳ.” Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sẽ không có một hợp tác thực chất giữa hai cường quốc này đâu. 

Tôi muốn nhấn mạnh điều này: giữa 2 bên không chỉ là cuộc chiến về “vai trò lãnh đạo” (leadership) giữa hai cá nhân đại diện cho hai quan điểm, mà thực sự là cuộc chiến về hình ảnh giữa hai hệ thống: một bên là mô hình “dân chủ tự do” kiểu Mỹ và bên kia là mô hình “dân chủ chuyên quyền” kiểu Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc tìm cách xuất khẩu mô hình xử lý khủng hoảng dịch tễ được Nhân Dân Nhật Báo ca ngợi ngày 10/03 là “phản ảnh những lợi ích đáng kể của hệ thống xã hội chủ nghĩa theo mô hình Trung Hoa”, thì Hoa Kỳ và các nước phương Tây lại dè chừng vì lý do động chạm đến một số quyền tự do của người dân. Nếu như Trung Quốc có động cơ “làm suy yếu và thay thế sự thống trị của Hoa Kỳ trong các vấn đề trên thế giới” thông qua cái gọi là “ngoại giao khẩu trang” thì Hoa Kỳ lại quay lưng với các đồng minh, đóng cửa biên giới với các nước EU, thậm chí còn muốn “kinh doanh” trên đau khổ của nước Đức khi Tổng thống Trump ngày 16/3 đã đề nghị trả cho công ty CureVac khoảng 1 tỷ USD để có độc quyền vắc-xin phòng Covid-19. 

Nhà báo Phan Đăng: Nghe ông phân tích, thậm chí tôi còn rùng mình nghĩ đến cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô thời chiến tranh lạnh trước đây!

GS.TS Phạm Quang Minh: (Gật đầu…). Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Khác với cuộc Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ XX giữa Mỹ và Liên Xô, quy mô của cuộc chiến tranh này còn lớn hơn rất nhiều.

Nhà báo Phan Đăng: Xin ông nói rõ hơn?

GS.TS Phạm Quang Minh: Mỹ và Liên Xô trước đây chủ yếu đối đầu nhau về ý thức hệ, còn hiện nay Mỹ và Trung Quốc vừa phụ thuộc vừa cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, công nghệ. Nếu như trong cuộc Chiến tranh lạnh cũ, hai nước chủ yếu thể hiện sự vượt trội bằng cách tiêu diệt đối phương thông qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, thì trong cuộc Chiến tranh lạnh mới này, phần thắng sẽ thuộc về nước nào tìm kiến được vác-xin phòng dịch đầu tiên và nước nào sẽ thoát khỏi khủng hoảng tài chính trước tiên.

GS Phạm Quang Minh tại một hội thảo quốc tế về tài liệu lưu trữ tại Trường ĐHKHXH&NV

“Khoảnh khắc Suez” của nước Mỹ?

Nhà báo Phan Đăng: Tổng thống Donal Trump luôn nêu cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Chính từ khẩu hiệu này và quan điểm này mà nước Mỹ dưới thời ông Donal Trump đã rút khỏi hoặc doạ rút khỏi hàng loạt những hiệp ước quốc tế mà Mỹ cho là không có lợi cho lợi ích của nước Mỹ, điển hình nhất là Hiệp ước chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Cái cách mà ông Trump đặt “Nước Mỹ trên hết” và luôn làm mọi việc để khẳng định quyền lực cứng của nước Mỹ đã làm giảm quyền lực mềm vốn có của nước Mỹ, không chỉ trong sự so sánh với Trung Quốc, mà là trên phạm vi toàn cầu?

GS.TS Phạm Quang Minh: Chắc chắn rồi! Theo một số chuyên gia Mỹ thì đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội quyết định cho nước Mỹ trong bàn cờ chính trị thế giới, khi họ so sánh tình trạng hiện nay của nước Mỹ với thất bại của nước Anh năm 1956 trong hồ sơ có tên gọi là “kênh đào Suez”. Trong bài báo viết cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các chuyên gia này cho rằng kế hoạch chiếm kênh đào Suez của Anh năm 1956 "đã làm suy yếu quyền lực của Anh và đánh dấu sự kết thúc của triều đại Vương quốc Anh như một cường quốc toàn cầu". Tương tự như vậy, họ cho rằng nếu Hoa Kỳ không vươn lên để chiến thắng đại dịch Covid-19, đáp ứng được yêu cầu của nước Mỹ và thế giới thì đại dịch Covid-19 có thể đánh dấu một “khoảnh khắc Suez” khác.

Nhà báo Phan Đăng: Các đời tổng thống tiền nhiệm của ông Donal Trump luôn chú trọng đến vấn đề quyền lực mềm – một thứ khái niệm do giáo sư Joseph Nye (Mỹ) đưa ra. Ví dụ rõ nhất là năm 2003, Tổng thống Bush từng ký một gói cứu trợ lên tới 90 tỷ USD để giúp các nước châu Phi chống lại đại dịch AIDS. Nhưng dưới thời ông Trump mọi chuyện không như vậy nữa. Phải đến mãi sau khi nhận nhiều chỉ trích từ trong nước và những lời kêu gọi từ quốc tế, nước Mỹ mới tung ra một khoản tài trợ khoảng vài trăm triệu USD cho các nước ở châu Âu và châu Á. Ông thấy gì về hành động này?

GS.TS Phạm Quang Minh: Một quyết định quá chậm trễ! Người ta có cảm giác nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump không còn là hình mẫu của thế giới vì xu hướng thu mình lại, đặt lợi ích của mình lên trên hết. Xu hướng này có chiều hướng gia tăng bởi 3 yếu tố: Một là nước Mỹ đã độc lập tương đối trong vấn đề năng lượng nhờ có nguồn dầu lửa khá dồi dào và khả năng khai thác khí đá phiến, giúp giảm bớt sự phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài. Thứ hai là vị trí địa lý biệt lập, được bao quanh bởi Đại Tây Dương ở phía đông và Thái Bình Dương ở phía tây và chỉ có 2 người láng giềng là Canada ở phía bắc và Mexico ở phía nam, dễ dàng tự vệ trước làn sóng tấn công hay xâm nhập từ nước ngoài. Thứ ba, nước Mỹ có tốc độ tăng trưởng dân số khá mạnh trong số các nước phát triển, có thể tự giải quyết được các vấn đề, có thể dựa vào thị trường nội địa, ít phụ thuộc vào bên ngoài. Tuy nhiên, sự co cụm này không có lợi cho nước Mỹ, không giúp nước Mỹ đi đầu trong nhiều lĩnh vực, giảm sự cọ xát, cạnh tranh, có biểu hiện “tụt hậu” so với các nước tiên tiến. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ vì thế mà ngày càng thu hẹp.

GS. Phạm Quang Minh và các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam tại hội thảo Global HoChiMinh tại NewYork năm 2019

Nhà báo Phan Đăng: Trong khi Mỹ dần đánh mất sức mạnh “quyền lực mềm” của mình thì theo một số nhà bình luận quốc tế, với chiến lược “ngoại giao khẩu trang”, Trung Quốc có vẻ lại đang nâng cao hình ảnh của mình. Cụ thể là Trung Quốc cung cấp khẩu trang cho nhiều nước trong bối cảnh mà khẩu trang trở thành mặt hàng quý giá hơn bao giờ hết. Theo ông, với kiểu “ngoại giao khẩu trang” như vậy, vị thế của Trung Quốc liệu có được nâng lên?

GS.TS Phạm Quang Minh: Trung Quốc từng được biết đến với sự kiện “ngoại giao bóng bàn” diễn ra vào ngày 10 tháng 4 năm 1971, khi nước này mời một đoàn vận động viên bóng bàn của Mỹ đến giao lưu ở Trung Quốc sau khi tham dự Thế vận hội Nagoya (Nhật Bản) và qua đó đã mở đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Nixon vào tháng 2/1972, làm “tan băng” quan hệ Mỹ-Trung trong cuộc Chiến tranh lạnh, đưa Trung Quốc bước ra vũ đài chính trị quốc tế với tư cách là một nước lớn. Tuy nhiên, lần này “ngoại giao khẩu trang” đã không làm được điều mà “ngoại gia bóng bàn” đã làm. Với “ngoại giao khẩu trang”, Trung Quốc đang mong muốn truyền đi thông điệp rằng, không như nước Mỹ, Trung Quốc là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy trong bối cảnh đại dịch covid-19 đang tàn phá cả thế giới. Tuy nhiên, một số nước châu Âu đã từ chối các thiết bị y tế chống virus corona do Trung Quốc sản xuất. Điều này có thể phá hỏng nền “chính trị hảo tâm” của nước này cũng nên. 

Thiếu vắng người “anh cả”

Nhà báo Phan Đăng:  Rất nhiều chính trị gia, trong đó có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, họ rất đáng tiếc khi Mỹ không còn thể hiện được vị thế của “một người anh cả” hào hiệp khi thế giới đối diện với một vấn nạn toàn cầu như trước đây. Cá nhân ông có thấy sự thiếu vắng của một người “anh cả” trong công cuộc chống dịch toàn cầu hiện nay không?

GS.TS Phạm Quang Minh: Đúng là thế giới không chỉ thiếu một “người anh cả”, mà còn thiếu cả một niềm tin vào một cơ chế toàn cầu đối phó với khủng hoảng. Tôi nhớ là trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và dịch bệnh Ebola năm 2014, nước Mỹ đã nắm vai trò là người lãnh đạo toàn cầu. Nhưng ở thời điểm đại dịch Covid-19 này, chính quyền Mỹ dường như lại từ chối đảm đương trọng trách lãnh đạo đó.

Theo tôi, thế giới cần có một kế hoạch toàn cầu bởi vì bây giờ đại dịch covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những kế hoạch nhỏ lẻ, “đèn nhà ai nhà ấy rạng” thực sự không phải là lời giải cho một vấn đề có tính xuyên biên giới, xuyên quốc gia, xuyên lục địa như hiện nay.

Giống như trong thời chiến, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các quốc gia cũng cần phải thấm nhuần tư tưởng nhân văn, “nhân đạo hóa” những dây chuyền sản xuất các thiết bị thiết yếu, chia sẻ lực lượng y, bác sĩ, y tá, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “có đi có lại”, tức là các quốc gia giàu có hơn, có ít ca nhiễm bệnh hơn nên chia sẻ vật lực, tài lực cho các quốc gia nghèo khó hơn, có nhiều ca nhiễm bệnh hơn.

Sự hợp tác toàn cầu là vô cùng quan trọng trên mặt trận kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế và các chuỗi cung ứng thế giới phát triển, nếu như mỗi quốc gia tự quyết định vận mệnh của mình, không quan tâm đến các quốc gia khác, sự hỗn loạn và suy thoái kinh tế sâu là điều khó có thể tránh khỏi. Chúng ta cần một kế hoạch hành động toàn cầu, càng nhanh càng tốt.

Tương tự như vậy, việc tạm dừng mọi hoạt động đi lại có thể hạn chế phần nào bệnh dịch, nhưng sẽ để lại những hệ lụy khó lường cho giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Lẽ ra ngay từ đầu, các nhà lãnh đạo đã phải triệu tập các cuộc họp khẩn nhằm thảo luận và đưa ra các hành động chung, chứ không phải là các cuộc họp muộn mằn trực tuyến mà các nước nhóm G7 và G20 đã tổ chức. Các gói cứu trợ chỉ có ý nghĩa nhất thời, nhưng lòng tin thì đã mất và sự bất an vẫn ngự trị.

GS Phạm Quang Minh và đại sứ Canada tại một sự kiện giao lưu văn hoá tại Trường

Nhà báo Phan Đăng: Chúng ta sẽ không nói đến câu chuyện của “anh cả” và các nước lớn nữa, chúng ta sẽ nói đến những thân phận bé nhỏ trên thế giới này. Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, nếu không được quan tâm thì rất nhiều nước nghèo ở châu Phi sẽ phải đối diện với những khó khăn cực đại. Ông thấy nhận định này thế nào?

GS.TS Phạm Quang Minh: Tôi cho rằng, nếu đại dịch Covid-19 thực sự lan tràn ở châu Phi thì nó sẽ trở thành một siêu đại dịch. Theo Bill Gates, người sáng lập Quỹ chống các dịch bệnh tại châu Phi, hậu quả của đại dịch tại châu Phi có thể còn nghiêm trọng hơn Trung Quốc, có thể dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Lý do là phần lớn các nước châu Phi đều là các quốc gia kém phát triển. Các nước châu Phi không thể tiến hành xét nghiệm và cách ly người có biểu hiện lâm sàng nhiễm bệnh như các nước phát triển, giàu có. Nếu dịch bùng phát, các nước nghèo ở châu Phi chắc chắn phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung ngay lập tức vì không có đủ cơ sở vật chất để xét nghiệm như các nước tiên tiến. Ngay cả việc cách ly tập trung cũng không hề dễ dàng đối với các nước nghèo như châu Phi bởi không có đủ lương thực, thực phẩm, nước uống  hợp vệ sinh và những dụng cụ y tế tối thiểu cho đội ngũ y bác sỹ và bệnh nhân. Việc thiếu giường bệnh cho các bệnh nhân là điều chắc chắn xảy ra, kéo theo tình trạng để người bệnh lang thang là cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù tình hình đại dịch covid-19 ở châu Phi chưa trầm trọng như ở các khu vực khác, nhưng nó đã lan tới 46 quốc gia của châu lục này, nhất là hai nước Nam Phi và Nigeria, khi gần 80 triệu dân bị phong tỏa.

Vì vậy để tránh một thảm họa ở châu lục đen, các nước phát triển, mặc dù đang phải vật lộn với đại dịch Covid-19, ngay từ bây giờ phải tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho các nước kém phát triển nếu không sẽ quá muộn. Các nước phát triển như G7 và G20 có thể xem xét việc hủy bỏ hoặc gia hạn các khoản nợ song phương, giúp các nước châu Phi an tâm, tập trung các nguồn lực cho cuộc chiến chống đại dịch. Họ cũng có thể đề xuất hình thành một kế hoạch chung giúp các nước châu Phi như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trợ giúp các trang thiết bị tối thiểu và đội ngũ các chuyên gia, mở các lớp tập huấn trực tuyến… Các tổ chức tài chính như World Bank và IMF có thể đình hoãn các khoản nợ đáo hạn đã đến kỳ thanh toán, qua đó giúp các nước châu Phi có thêm nguồn tài chính cần thiết. 

Nhà báo Phan Đăng: Sau tất cả những gì mình chứng kiến, một nhà nghiên cứu quốc tế lâu năm như ông có đặt ra những thắc mắc nào cho tương lai nền chính trị toàn cầu hay không?

GS.TS Phạm Quang Minh:  Từ cuộc chiến chống đại dịch Cobid-19, nhiều câu hỏi được đặt ra mà thực sự là chưa thể có câu trả lời. Ví dụ, bạn sẽ lựa chọn gì giữa sự riêng tư và sức khỏe? Điều gì sẽ xảy ra nếu các chính phủ yêu cầu các công dân của mình phải đeo một vòng tay sinh trắc học để theo dõi nhiệt độ cơ thể và nhịp tim của họ 24/24? Thế giới này sẽ ra sao khi chúng ta sẽ chỉ làm việc ở nhà và giao tiếp với nhau qua internet, từ các cuộc họp, hội thảo, đến hẹn hò và dạy học? Liệu chúng ta có an toàn hơn? Liệu “xa mặt có làm cách lòng”? Và liệu như vậy xã hội của chúng ta có còn là xã hội loài người nữa hay không?  

Nhà báo Phan Đăng: Vâng! Nhân loại sẽ tiếp tục phải suy ngẫm và tìm lời giải cho những câu hỏi căn cốt này. Và hy vọng sẽ sớm có được những phương án trả lời hợp lý nhất để con người rốt cuộc không bị đẩy vào cảnh “phi con người” như những lo ngại hiện nay. Xin chân thành cảm ơn giáo sư!

3 khác biệt của Việt Nam

  • Theo giáo sư, liệu có những khác biệt, nào trong cách chống dịch của Việt Nam với các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức hiện nay không?
  • GS.TS Phạm Quang MinhThứ nhất, trong nhận thức về dịch bệnh, các nước Anh, Pháp Đức đều cho rằng đây là virus cúm bình thường mà các nước châu Âu thường xuyên bị tấn công vào dịp cuối đông đầu xuân, cho nên họ rất chủ quan, xem thường. Cũng theo các cơ quan y tế của các nước này thì người nhiễm bệnh nếu cơ thể có khả năng chống chọi được thì sẽ tự khỏi, còn nếu cơ thể quá yếu thì dù có được trợ giúp cũng khó sống sót. Trong khi đó, Việt Nam ngay từ đầu nhận thức đây là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, nên thực hiện các biện pháp quyết liệt trên diện rộng như đóng cửa trường học, tìm cách sàng lọc, phát hiện sớm và cách cách ly trên diện rộng. Thứ hai, về biện pháp phòng tránh, Việt Nam chống dịch dựa vào sự chỉ đạo của Nhà nước, thông qua các văn bản có tính pháp quy, như các Chỉ thị 13, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Việt Nam chống dịch trên tinh thần đại đoàn kết, cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người.” Trong khi đó, ở các nước Anh, Pháp, Đức các chính trị gia xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với các bài phát biểu, kêu gọi có tính chất thông báo, giải thích, động viên, khích lệ và ngay cả khi tình hình đã trở nên trầm trọng thì cũng phải dựa vào các nhà khoa học.

 

Theo An ninh Thế giới

Tác giả: Phan Đăng (thực hiện)  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây