SVVN - Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội tổ chức thi tuyển sinh khoá đầu tiên vào các ngày 12-13/7/2020. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Quang Liệu – Hiệu trưởng Nhà trường.

Thưa PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh khoá đầu tiên đúng thời điểm dư luận xã hội đang ồn ào về “trường chuyên”, ông có cảm xúc như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: Thời gian vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có một số ý kiến trao đổi về trường chuyên nhưng tôi thật sự không quan tâm lắm. Điều tôi quan tâm nhất lúc này là Trường THPT chuyên KHXH&NV sắp tuyển sinh khóa đầu tiên thì mình phải làm như thế nào để đạt kết quả cao nhất và lựa chọn được những em học sinh giỏi nhất. Tuy nhiên, nếu bàn về trường chuyên thì phải khẳng định rằng không phải ở Việt Nam mới có mà nhiều nước người ta đã tổ chức rồi. Trước đây và hiện nay, nhiều tỉnh thành có trường chuyên và họ khẳng định rằng trường chuyên là nơi giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh thành đó. Được trở thành học sinh chuyên là niềm vinh dự của cả học sinh và phụ huynh. Tôi tự liên hệ với đội ngũ cán bộ của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như những em sinh viên học tập xuất sắc của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay đa số đến từ các trường chuyên. Nói như vậy để thấy chất lượng giáo dục của các trường chuyên cơ bản là tốt. Điều quan trọng là các trường chuyên họ thực hiện quy trình giáo dục để hoàn thành sứ mệnh và đạt được mục tiêu như thế nào mà thôi.

Cá nhân ông và gia đình có một kỷ niệm gì đó với “trường chuyên”?

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: Các nhân tôi không được học trường chuyên, nhưng tôi được học lớp chọn. Qua 3 năm THPT tôi thấy các bạn trong lớp chọn của tôi đều đậu vào các trường đại học (mà thập niên 80 của thế kỷ XX cả lớp đậu đại học thì hiếm lắm).

Gần đây, tôi có con gái học chuyên Văn, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Lúc đầu tôi cũng có một số băn khoăn là liệu con học chuyên có thích hợp không hay là đào tạo theo kiểu gà nòi?. Tuy nhiên, qua 3 năm học, tôi thấy con trưởng thành rất nhiều trên tất cả các phương diện, nhất là kỹ năng và ngoại ngữ. Tốt nghiệp THPT, con tôi tham gia chương trình của các tổ chức quốc tế dạy tiếng Anh tại Trung Quốc. Ban đầu gia đình lo lắng lắm vì con gái chưa xa bố mẹ mà đi dạy 8 tuần như vậy thì điều gì sẽ xảy ra. Bằng năng lực chuyên môn, kỹ năng sống và vốn tiếng Anh tốt, con đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch của mình, được các anh chị cùng đoàn nhiều nước như Úc, Hà Lan, Pháp… đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn và kỹ năng sống.

Qua câu chuyện trên, tôi tự đặt câu hỏi là liệu con mình học một ngôi trường khác thì có thể hoàn thành được công việc đó hay không?

Với tư cách là Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường, ông muốn giá trị nào sẽ là giá trị cốt lõi của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn?

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn được thừa hưởng những tinh hoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với bề dày truyền thống và sứ mệnh cao cả là đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Từ những giá trị cốt lõi của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ giúp cho Trường THPT chuyên định hướng những giá trị căn bản với mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng nhân tài.

Tôi thiết nghĩ các em học sinh chuyên Văn, chuyên Sử và chuyên Địa sẽ được học tập và định hình phong cách học thuật suốt từ THPT, đại học, sau đại học tại Trường về các môn chuyên như vậy thì sẽ hình thành tư duy xuyên suốt, phong cách học thuật cơ bản, toàn diện của khoa học xã hội và nhân văn. Điều này thì ở các trường chuyên không thuộc trường đại học sẽ khó mà có được. Đây là một ưu điểm lớn của trường THPT chuyên trong lòng trường đại học.

Căn cứ vào đâu mà ông tự tin cho rằng trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ là nơi đào tạo ra những tinh hoa cho xã hội?

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: Đào tạo tinh hoa đã được rất nhiều nước quan tâm để tạo ra nguồn lực chất lượng cao cho quá trình phát triển đất nước.

Đối với Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chúng tôi tự tin cho rằng Trường sẽ là nơi đào tạo, ươm mầm những tinh hoa cho đất nước vì những lý do sau:

Thứ nhất, muốn đào tạo tinh hoa thì trước hết đội ngũ giáo viên phải là những người tài năng hay còn gọi là đội ngũ trí thức tinh hoa. Đây là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Đội ngũ thầy cô giáo phải là những người giỏi chuyên môn, thành thạo các phương pháp giảng dạy hiện đại, giỏi ngoại ngữ và các kỹ năng tốt, có như vậy thì mới đáp ứng được giáo dục tinh hoa.

Thứ hai, cơ sở vật chất phải đồng bộ và hiện đại như phòng máy tính, phòng thí nghiệm và trang thiết bị dạy học.

Thứ ba, nguồn học liệu phải đầy đủ, nhất là các môn chuyên phải có chương trình nâng cao phù hợp. Điểm này thì Nhà trường rất yên tâm vì có đội ngũ các nhà khoa học uy tín từ trường đại học sẽ chủ biên các bộ sách nâng cao đạt chuẩn quốc gia và Nhà trường sẽ tiên phong trong đổi mới nguồn học liệu chất lương cao.

Thứ tư, học sinh phải được tuyển chọn kỹ lưỡng để có nguồn đầu vào chất lượng nhất. Trong năm đầu tuyển sinh, học sinh đăng ký vào rất đông, chúng tôi tin tưởng sẽ lựa chọn được nguồn học sinh giỏi, chất lượng.

Để tạo ra được những tinh hoa thì những người giảng dạy và làm việc tại trường cũng phải là những tinh hoa. Ông tuyển dụng và đào tạo những người này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: Như đã đề cập ở trên, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định trong giáo dục, đào tạo tinh hoa. Muốn có đội ngũ giáo viên giỏi, Nhà trường đã có phương án tuyển dụng và hình thức tuyển dụng khá khắt khe. Vừa qua, Trường đã tuyển chọn được đội ngũ giáo viên xuất phát điểm từ các học sinh chuyên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, được tuyển thẳng vào các trường đại học sư phạm, tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ xuất sắc, có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường chuyên. Ngoài ra, chúng tôi có đội ngũ chuyên gia là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ giúp trường chuyên trong giáo dục nâng cao, chuyên sâu. Có thể khẳng định đây là nguồn lực quan trọng nhất để đào tạo tinh hoa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng đến tính đồng bộ trong tuyển dụng. Không chỉ đội ngũ giáo viên mà đội ngũ chuyên viên cũng phải có trình độ cao. Hiện nay, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn có một chuyên viên văn phòng đạt trình độ thạc sĩ và nhất là được tài trợ toàn phần đến 11 quốc gia khác nhau thông qua các chương trình trao đổi nghiên cứu và giao lưu thanh niên quốc tế. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để giúp các em học sinh trong học tập và sinh hoạt, nhất là trong hoạt động ngoại khóa.

Năm nay là năm 2020, năm 2030 (sau 10 năm nữa) trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ như thế nào trong hình dung của ông?

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: Năm 2020 là một năm đặc biệt kỷ niệm một phần tư thế kỷ thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 75 năm truyền thống Đại học Văn khoa, ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập. Điều đặc biệt hơn nữa, năm 2020 Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh khóa đầu tiên. Trong hình dung của tôi, với chiến lược phát triển toàn diện, bền vững và lộ trình phù hợp thì sau 3 năm các em sẽ tốt nghiệp THPT, 3-3,5 năm tốt nghiệp cử nhân, 1-1,5 năm tốt nghiệp thạc sĩ và 2-3 năm hoàn thành luận án tiến sĩ. Như vậy, đến năm 2030, sau 10 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường sẽ có những em học sinh khóa đầu tiên đạt trình độ tiến sĩ. Đây sẽ là nguồn lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, góp phần vào quá trình phát triển đất nước, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, từng bước hiện đại.

Trân trọng cảm ơn ông.