Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại

Chủ nhật - 21/08/2022 03:08
Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại

Giới thiệu chung

Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại (Center for Contemporary Religious Studies (CECRS) có trụ sở tại P. 507, nhà A, 336 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) được thành lập ngày 17/10/2007 là kết quả của sự hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Missionswissenschaftliches Institut Missio e. V, tên tiếng Anh Institute of Missiology) có trụ sở ở Aachen, CHLB Đức nhằm thúc đẩy việc đào tạo và nghiên cứu các vấn đề tôn giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay sau khi được thành lập, Trung tâm đã tiến hành hàng loạt các hoạt động. Hàng năm, Trung tâm vẫn mời các giáo sư thỉnh giảng từ các nước tới trường giảng dạy các vấn đề liên quan tới các lĩnh vực tôn giáo học và triết học.

Ban Giám đốc

Giám đốc
PGS.TS. Lại Quốc Khánh
Email: khanhlq@vnu.edu.vn

 

Phó Giám đốc
TS. Nguyễn Hữu Thụ
Email:thunh.ussh@vnu.edu.vn

  • Chủ tịch Hội đồng Khoa học: PGS.TS Lại Quốc Khánh

           Email: khanhlq@vnu.edu.vn

  • Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học: GS. TS. Trần Văn Đoàn, Catholica Academia, Đại học Phụ Nhân, Đài Loan (Trung Quốc). Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học. Email: tran@ntu.edu.tw

Hoạt động tiêu biểu

Hàng năm, Trung tâm mời các giáo sư thỉnh giảng từ các nước tới trường giảng dạy các vấn đề liên quan tới Tôn giáo học và Triết học. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm tiến hành đều đặn chương trình Hội thảo/tọa đàm quốc tế và trong nước thường niên về các chủ đề tôn giáo, thu hút đông đảo học giả đến từ châu Âu, Bắc Mỹ cũng như các nước trong khu vực. Có thể liệt kê một số Hội thảo như : 1.Tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa (2009); 2. Triết học tôn giáo: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (2010); 3. Tôn giáo và vấn đề hiện đại hóa” (2011); 4. Tôn giáo trong bối cảnh xã hội hiện đại (2012); 5. Tôn giáo trong đời sống công chúng (2013); 6. Tôn giáo và văn hóa trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay” (2014); 7. Nghiên cứu, giảng dạy các nhà tư tưởng Đức ở các đại học (2015); 8. Tôn giáo và đạo đức trong xã hội hiện đại (2016); 9.Các nhà tư tưởng, trí thức Kitô giáo ở Việt Nam trong so sánh với khu vực (2017); 10. Tôn giáo và khoa học phương Tây: một cách tiếp cận so sánh ở Việt Nam và khu vực (2018); 11. Tôn giáo – nguồn lực văn hóa và xã hội: ứng xử ở một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam (2021); 12. Tôn giáo, tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và khu vực: Các cách tiếp cận nghiên cứu so sánh (12/2022).
Đó là chưa kể tới những tọa đàm, thuyết trình về những vấn đề học thuật ở quy mô nhỏ hơn. Nhìn chung, các Hội thảo, tọa đàm của Trung tâm được các học giả trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, thảo luận thẳng thắn về những vấn đề thời sự trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam và nước ngoài. Sau Hội thảo, các Kỷ yếu đều được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh thuận lợi cho các bạn đọc trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, phải kể tới việc hợp tác quốc tế của Trung tâm làm cầu nối trong việc xin học bổng đào tạo các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ liên quan tới các vấn đề tôn giáo học. Cho tới nay, Trung tâm đã giới thiệu và nhận được 5 xuất học bổng cho các cán bộ trong trường cử đi đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về tôn giáo học, tại các trường đại học trong khu vực cũng như châu Âu và Bắc Mỹ, những cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu thế giới.
Một hoạt động quan trọng của Trung tâm là công tác tư vấn chính sách. Công việc này thực tế đã được các nhà khoa học thực hiện với tư cách cá nhân từ trước khi thành lập Trung tâm. Bên cạnh những vấn đề chuyên môn, học thuật, đội ngũ cán bộ của Trung tâm tích cực đóng góp những ý kiến, giúp các cơ quan chức năng như Ban tôn giáo chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,… hoàn thiện các văn bản pháp luật của nhà nước liên quan tới tôn giáo như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (2004); Luật tín ngưỡng, tôn giáo (2016) và nhiều văn bản pháp luật khác, góp phần giải quyết những điểm nóng liên quan tới tôn giáo và tộc người. Với việc thành lập Trung tâm, công tác tư vấn chính sách ngày càng được thúc đẩy và đa dạng hóa. Thông qua các hoạt động của mình, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại thực sự là cầu nối để các giới chức cùng với các chức sắc, các nhà tu hành và giới nghiên cứu trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, tạo sự tin cậy lẫn nhau.
Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh tới công việc xây dựng thư viện của Trung tâm. Tuy mới được khai trương tháng 11/2015, với chừng 2000 đầu sách và tư liệu, nhưng đến nay đây được coi là thư viện hoạt động khá hiệu quả. Hàng ngày mở cửa theo giờ hành chính (trừ thời gian nghỉ hè tháng 7-8, cuối tuần và các ngày lễ, tết) thường xuyên có các bạn đọc, tra cứu tài liệu về các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng và lịch sử triết học phương Đông và phương Tây, bao gồm cả các lĩnh vực lịch sử tư tưởng và văn hóa Việt Nam. Lượng sách của thư viện tăng nhanh hàng năm, hy vọng ngày càng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của đông đảo những người quan tâm thuộc đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thông tin liên hệ

Phòng 507 nhà A, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.

Số 336  Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 35589807.

Email: cecrs.ussh@gmail.com
Website: http://www.trungtamtongiao.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây